backup og meta

Đau cột sống là do đâu và cách để xử lý cơn đau

Đau cột sống là do đâu và cách để xử lý cơn đau

Tình trạng đau cột sống sẽ ảnh hưởng đến những hoạt động cơ thể, khiến bạn gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Liệu có cách nào giúp bạn xua tan cảm giác đau xương sống để nhanh chóng trở lại vận động bình thường?

Cột sống hay xương sống là xương lớn nhất trong cơ thể có tác dụng chống đỡ trọng lực cơ thể và kết nối các xương khác lại với nhau. Giống như một căn nhà cần cột trụ thì cột sống cũng có vai trò nâng đỡ toàn bộ cơ thể. Nếu cột sống bị tổn thương sẽ khiến bạn bị đau cột sống, gây cản trở đến sinh hoạt hàng ngày.

Phân loại đau cột sống

Tình trạng này được phân loại dựa theo vị trí đau trên cột sống. Có 2 vị trí đau cột sống thường gặp là đau cột sống cổ và đau cột sống lưng dưới.

1. Thoái hóa đốt sống cổ

Cột sống cổ được tạo thành từ 7 đốt sống, phân tách bằng các đĩa chứa chất nhầy gọi là đĩa đệm. Theo thời gian, các đĩa đệm sẽ bắt đầu bị mài mòn và thoái hóa.

Không gian giữa các đốt sống hẹp lại và rễ thần kinh bị chèn ép sẽ gây ra bệnh thoái hóa cột sống cổ, dẫn đến các cơn đau cột sống cổ. Khi bệnh thoái hóa cột sống cổ tiến triển, khu vực cổ sẽ trở nên kém linh hoạt và bạn có thể cảm thấy đau cổ và cứng khớp, đặc biệt là vào cuối ngày. Ngoài triệu chứng đau cổ và tê cứng vùng cổ, bạn cũng có thể bị đau, tê hoặc cảm thấy yếu ở hai bên vai, cánh tay và bàn tay.

Nghiên cứu cho thấy có khoảng 25% người bệnh không có triệu chứng dưới 40 tuổi và 60% người trên 40 tuổi mắc thoái hóa cột sống cổ ở một vài cấp độ từ nhẹ đến nặng. 

Thoái hóa cột sống cổ


Đau cột sống cổ là hiện tượng thoái hóa cột sống mãn tính, do quá trình lão hóa làm bào mòn và xơ cứng các đốt xương, sụn khớp hoặc đĩa đệm. 

2. Đau cột sống lưng dướiđau cột sống

Đau cột sống lưng dưới (hay đau thắt lưng, đau đốt sống lưng) là những cơn đau xuất hiện ở vùng ngang thắt lưng, cơn đau có thể kéo xuống mông và chân.

Cột sống thắt lưng là một cấu trúc khá vững chắc bao gồm khớp, các dây thần kinh, dây chằng và cơ bắp cùng hoạt động để duy trì sức mạnh và sự mềm dẻo. Tuy nhiên, chính cấu trúc phức tạp này cũng khiến cho vùng lưng dưới dễ bị tổn thương và bị đau.

Cơn đau có thể thay đổi từ một cơn đau liên tục đến cảm giác nhói đột ngột. Đau lưng dưới có thể được phân loại theo thời gian cấp tính (đau kéo dài dưới 6 tuần), bán mãn tính (6 đến 12 tuần) hoặc mãn tính (hơn 12 tuần). Các triệu chứng đau lưng dưới thường được cải thiện trong vòng vài tuần kể từ thời điểm bắt đầu, với 40 – 90% người hoàn toàn khỏe hơn sau 6 tuần.

Mức độ phổ biến của đau thắt lưng


Nghiên cứu thấy có khoảng 9 – 12% số người mắc chứng đau cột sống lưng dưới tại bất kỳ thời điểm nào và gần 25% xuất hiện cơn đau trong khoảng thời gian một tháng.

Nguyên nhân gây đau cột sống

đau cột sống

Các đoạn của cột sống được đệm bằng các miếng đệm giống như sụn gọi là đĩa. Vấn đề với bất kỳ thành phần nào trong số này cũng có thể dẫn đến đau cột sống.

1. Cột sống bị quá tải

Đau cột sống thường bắt nguồn từ căng thẳng hoặc chấn thương. Các nguyên nhân thường gặp là: 

Một số hoạt động cũng có thể dẫn đến tình trạng căng quá mức cho các cơ vùng lưng như nâng vật không đúng tư thế hoặc nâng vật quá nặng. 

2. Cột sống gặp vấn đề về cấu trúc

Một số vấn đề về cấu trúc cũng có thể dẫn đến cơn đau như:

• Vỡ đĩa đệm: Mỗi đốt sống trong cột sống đều được đệm bởi các đĩa. Nếu đĩa vỡ sẽ tạo nhiều áp lực lên dây thần kinh, dẫn đến đau cột sống.

• Phồng đĩa đệm: Cũng tương tự như khi các đĩa đệm bị vỡ, đĩa đệm phồng cũng có thể gây áp lực lên dây thần kinh, làm xuất hiện các cơn đau.

• Đau thần kinh tọa: Nguyên nhân đau dây thần kinh tọa chủ yếu là do các tổn thương xảy ra ở phần đĩa đệm hay xương khớp vùng thắt lưng, gây chèn ép lên các dây thần kinh tọa.

• Viêm khớp: Viêm khớp có thể gây ra các vấn đề với khớp ở hông, lưng dưới và nhiều vị trí khác.

• Loãng xương: Bệnh loãng xương ít có triệu chứng điển hình, khi biểu hiện thì thường dưới dạng đau cột sống thắt lưng hay đau nhức xương.

• Độ cong bất thường của cột sống: Khi cột sống bị uốn cong bất thường có thể dẫn đến đau cột sống, trong đó, trường hợp phổ biến là bệnh cong vẹo cột sống.

• Các vấn đề về thận: Nếu bạn bị sỏi thận hoặc mắc các nhiễm trùng thận cũng có thể gây ra tình trạng đau lưng.

3. Đau cột sống do di chuyển và tư thếđau cột sống

Đau cột sống cũng có thể là hậu quả xuất phát từ những hoạt động hàng ngày hoặc tư thế không đúng như:

  • Ho, hắt hơi
  • Vặn xoắn lưng
  • Đứng hoặc ngồi trong thời gian dài
  • Uốn lưng sai tư thế trong một thời gian dài
  • Đẩy, kéo, nâng hoặc mang vật gì đó sai cách
  • Căng cổ hướng về phía trước khi lái xe hoặc sử dụng máy tính
  • Ngủ trên nệm không có chức năng nâng đỡ cơ thể và giữ cột sống thẳng

4. Những nguyên nhân khác

Một số tình trạng bệnh lý cũng thể khiến bạn bị đau cột sống như:

• Hội chứng đuôi ngựa: Hội chứng đuôi ngựa ảnh hưởng đến một bó rễ thần kinh gọi là thần kinh đuôi ngựa. Chúng gửi và nhận các tín hiệu đến và đi từ chân, bàn chân và các cơ quan vùng chậu.

• Ung thư xương cột sống: Khối u nếu xuất hiện trên cột sống có thể ép vào dây thần kinh, dẫn đến đau lưng.

• Nhiễm trùng cột sống: Nhiễm trùng cột sống sẽ khiến bạn có cảm giác nóng ran ở khu vực bị nhiễm trùng ở cột sống.

• Các dạng nhiễm trùng khác: Bệnh viêm vùng chậu, nhiễm trùng bàng quang hoặc nhiễm trùng thận cũng có thể dẫn đến đau cột sống.

• Rối loạn giấc ngủ: Nếu bạn bị rối loạn giấc ngủ thì nhiều khả năng có thể bị đau cột sống hơn so với những người khác.

Cách điều trị chứng đau cột sống

Người đau cột sống cần được nghỉ ngơi và thực hiện một số liệu pháp điều trị.

Điều trị y khoa chữa đau cột sống

• Thuốc chữa đau lưng thoái hóa cột sống: Trường hợp đau cột sống không đáp ứng tốt với thuốc giảm đau không kê toa thì bạn có thể cần đến nhóm thuốc NSAIDs (thuốc chống viêm không chứa steroid). Các thuốc chống trầm cảm, chẳng hạn như amitriptyline cũng có thể được bác sĩ sử dụng trong một vài trường hợp hạn chế.

• Vật lý trị liệu: Liệu pháp sử dụng các kích thích bằng nhiệt, siêu âm và điện cũng như một số kỹ thuật tác động vào cơ ở lưng có thể giúp giảm đau và làm mềm các cơ. Khi cơn đau được cải thiện, các bác sĩ vật lý trị liệu có thể giới thiệu cho bạn một số bài tập thay thế để tăng cường sức mạnh cho cơ lưng và bụng. 

• Tiêm cortisone: Cortisone là một loại thuốc chống viêm có thể được tiêm vào xung quanh tủy sống, quanh rễ thần kinh để gây tê vùng bị đau.

• Botox: Botox ngoài công dụng làm đẹp, theo một số nghiên cứu còn được cho là có thể làm giảm đau bằng cách làm tê liệt các cơ bị đau.

• Trị liệu nhận thức – hành vi (CBT): Đây là cách trị liệu thần kinh cột sống có thể giúp kiểm soát chứng đau lưng mãn tính bằng cách khuyến khích sự tác động đến suy nghĩ. 

Các biện pháp khác trị đau cột sống

Một số phương thức khác có thể giúp bạn cải thiện tình trạng đau cột sống kết hợp cùng quá trình trị liệu bằng thuốc.

1. Liệu pháp Shiatsu: Liệu pháp Shiatsu hay còn được gọi là liệu pháp áp lực ngón tay. Đây là một kỹ thuật massage cổ truyền, ra đời từ hơn 4.000 năm trước của Nhật Bản. Liệu pháp Shiatsu bao gồm các phương pháp ấn huyệt trị bệnh, trị liệu để đào thải chất độc, làm khí huyết lưu thông, phục hồi khả năng hoạt động tối ưu của nội tạng, hệ thần kinh tự chủ và hệ nội tuyến.đau cột sống

2. Châm cứu: Kỹ thuật châm cứu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Châm cứu có thể giúp cơ thể giải phóng endorphin – liều thuốc giảm đau tự nhiên của cơ thể cũng như kích thích các dây thần kinh và mô cơ.

3. Yoga: Một số động tác yoga có thể hỗ trợ rất tốt trong việc chữa đau cột sống. Bạn có thể thực hiện một số tư thế yoga trị đau thắt lưng và cột sống cổ sau đây.

Điều trị đau cột sống tại nhà

Bạn có thể áp một túi nước đá chườm vào chỗ đau để giảm cơn đau. Đồng thời, nghỉ ngơi và cố gắng hạn chế những hoạt động gắng sức để giảm bớt áp lực cho cột sống.

Nhiều trường hợp cơn đau kéo dài nhưng không ít người chủ quan khiến bệnh nặng hơn và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận động, khó phục hồi. Nếu muốn nhanh chóng xua tan cơn đau cột sống, bạn nên đến gặp bác sĩ sớm để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời nhé. 

Phòng ngừa đau cột sống

yoga giảm đau cột sống

  • Tập gập bụng và các bài tập tăng cường cơ bụng khác để giúp cột sống ổn định hơn. Bơi lội, đi xe đạp tại chỗ và đi bộ nhanh là những bài tập aerobic thường không gây thêm áp lực cho lưng.
  • Nâng vật nặng theo đúng tư thế và kỹ thuật.
  • Giữ đúng tư thế khi ngồi và đứng
  • Bỏ thuốc lá. Hút thuốc là một yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch (làm cứng động mạch), có thể gây đau lưng dưới và rối loạn thoái hóa đĩa đệm;
  • Duy trì cân nặng hợp lý.

Hi vọng bài viết trên đây có thể giúp bạn hiểu rõ hơn để có cách vượt qua những cơn đau cột sống phiền toái nhé!

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Cervical Spondylosis (Arthritis of the Neck) https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases–conditions/cervical-spondylosis-arthritis-of-the-neck/ Ngày truy cập 24/3/2022

Back pain https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/back-pain/symptoms-causesNgày truy cập 24/3/2022

Back pain https://www.nhs.uk/conditions/back-pain/treatment/ Ngày truy cập 24/3/2022

Spinal Pain https://www.aans.org/en/Patients/Neurosurgical-Conditions-and-Treatments/Spinal-Pain Ngày truy cập 24/3/2022

Back Pain https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/back-pain Ngày truy cập 24/3/2022

Phiên bản hiện tại

18/07/2023

Tác giả: Tuyết Trinh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Top 4 Bệnh viện, Phòng khám Cơ xương khớp uy tín tại Hà Nội

Đau lưng dưới thường xuyên có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh suy thận


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tuyết Trinh · Ngày cập nhật: 18/07/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo