backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Cao dán giảm đau: Công dụng và những lưu ý khi sử dụng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 03/11/2023

    Cao dán giảm đau: Công dụng và những lưu ý khi sử dụng

    Đau nhức cơ xương khớp do chấn thương, do vận động quá sức gây khó chịu và cản trở nhiều hoạt động sinh hoạt thường ngày. Bất kỳ ai mắc phải tình trạng này cũng muốn “dập tắt” những cơn đau ngay lập tức. Vì thế mà cao dán giảm đau (hay miếng dán giảm đau) ngày càng trở nên phổ biến. 

    Tuy nhiên, bạn đã thực sự hiểu rõ và sử dụng các loại cao dán giảm đau này đúng cách? Hãy cùng tìm hiểu ngay nhé! 

    Cao dán giảm đau là gì? 

    Cao dán giảm đau là loại miếng dán mỏng, có chứa thành phần hoạt chất giảm đau bên trong. Khi dán trực tiếp lên vùng cơ thể bị đau nhức, các hoạt chất này sẽ thẩm thấu vào bên trong giúp làm dịu cơn đau. 

    Các loại cao dán giảm đau kê đơn

    Các loại cao dán giảm đau có thể được chỉ định để điều trị giảm đau cơ xương khớp cấp tính và mãn tính. Một số loại cao dán giảm đau kê đơn chứa các thành phần hoạt chất như: 

    • Diclofenac epolamine: thường được chỉ định trong điều trị đau cấp tính do chấn thương va chạm nhẹ hay bong gân, ở người lớn và trẻ em trên 6 tuổi. 
    • Fentanyl/Buprenorphine: được chỉ định trong các trường hợp đau vừa đến nặng và những cơn đau mãn tính. Loại cao dán giảm đau này chỉ được chỉ định cho trường hợp bệnh nhân có thể dung nạp opioid và không đáp ứng với các loại thuốc giảm đau thông thường khác. 
    • Lidocain: bên cạnh dạng gel thì lidocain 5% cũng được thiết kế dưới dạng miếng dán giảm đau thường được chỉ định trong điều trị giảm đau thần kinh sau zona. Một số loại cao dán giảm đau có chứa lidocain 4% cũng được dùng để giảm đau nhẹ ở vai, cánh tay, cổ và chân ở người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên. 

    Lưu ý: Đây đều là những loại miếng dán giảm đau kê đơn nên chỉ được sử dụng khi có chỉ định từ bác sĩ. Đồng thời liều lượng, cách dùng và thời gian sử dụng cũng cần tuân thủ theo đơn thuốc từ bác sĩ. 

    các loại cao dán giảm đau

    Các loại miếng dán giảm đau không kê đơn

    Ngoài ra, hiện nay trên thị trường cũng có nhiều miếng dán giảm đau cơ xương khớp không kê đơn khác, điển hình như: 

    • Miếng dán Salonpas với thành phần methyl salicylate 10% kết hợp menthol 3%.
    • Cao dán Tiger Balm Plaster với thành phần camphor (1%), tinh dầu bạc hà, tinh dầu khuynh diệp, menthol, dịch chiết ót. 
    • Cao dán giảm đau Fujisip với thành phần menthol, camphor, tinh dầu bạc hà, tinh dầu khuynh diệp, tinh dầu quế, kẽm oxyd.
    • Miếng dán giảm đau lưng ThermaCare® HeatWraps Back & Hip (Mỹ): miếng dán tạo nhiệt nhờ vào thành phần sắt và cacbon. 

    Ngoài ra, còn có nhiều sản phẩm miếng dán khác chứa thành phần dược liệu, thảo dược thường dùng để giảm đau cơ, xương, khớp. Bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên bao bì trước khi dùng để sử dụng đúng cách, đúng lúc và đúng liều lượng. 

    Tác dụng phụ của miếng dán giảm đau

    Dán cao dán nhiều có sao không? Miếng dán giảm đau mặc dù có hiệu quả trong việc giảm đau nhanh chóng tại khu vực chấn thương, nhưng nếu sử dụng nhiều và lạm dụng trong tất cả các trường hợp đau chấn thương thì sẽ gây ra nhiều tác dụng không mong muốn.

    Khi bị một chấn thương nặng, thay vì đi khám và điều trị kịp thời, nhiều người thường sử dụng miếng dán giảm đau. Như vậy, các chấn thương nhẹ có thể trở nên nặng hơn và ảnh hưởng đến sinh hoạt, vận động của người bệnh.

    Ngoài ra, các tác dụng phụ khác của miếng dán giảm đau là kích ứng da, nổi mẫn ngứa, viêm nhiễm với các triệu chứng sưng, nóng, đỏ.

    Những điều cần lưu ý khi sử dụng cao dán giảm đau 

    lưu ý khi dùng cao dán giảm đau

    Để đảm bảo an toàn và đạt được hiệu quả tốt nhất khi sử dụng các loại cao dán giảm đau, bạn cần lưu ý một số điều sau: 

    • Các loại miếng dán giảm đau thông thường chỉ cho hiệu quả giảm đau trong các trường hợp đau do bong gân, căng cơ, trật khớp, giãn dây chằng,..
    • Không sử dụng miếng dán lên các vùng vết thương hở, vùng da tổn thương hoặc có dấu hiệu viêm nhiễm, lở loét,…
    • Không dán nhiều miếng dán cùng lúc trừ khi được bác sĩ chỉ định. 
    • Không cắt nhỏ miếng dán sẵn có.
    • Không dán cao dán giảm đau ở khu vực xung quanh mắt và niêm mạc. 
    • Tránh sử dụng cao dán giảm đau trên một diện tích da lớn và trong thời gian kéo dài. 
    • Luôn rửa tay trước và sau khi dán miếng dán cho mình hoặc cho người khác.
    • Nếu phát hiện bất kỳ biểu hiện bất thường nào khi sử dụng miếng dán giảm đau nên nhanh chóng báo với bác sĩ. 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 03/11/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo