Trứng cút “được lòng” các bà nội trợ bởi hình dáng nhỏ xinh nhưng chứa đựng giá trị dinh dưỡng tuyệt vời.
Tuy nhiên, có những nguyên tắc bạn cần phải lưu ý khi tiêu thụ loại thực phẩm này, đặc biệt là khi bạn đang mang thai hoặc bị dị ứng với các loại trứng.
Giá trị dinh dưỡng của trứng cút
Trứng của chim cút có kích thước khá nhỏ, chỉ bằng khoảng 1/3 kích thước của quả trứng gà công nghiệp.
Theo Healthline, trọng lượng trung bình của mỗi quả trứng chim cút là 9 gram. Với trọng lượng này, mỗi quả trứng có hàm lượng dinh dưỡng cụ thể như sau:
- Calo: 14 calories
- Protein: 1 gram
- Chất béo: 1 gram
- Choline: 4%
- Riboflavin: 6%
- Folate: 2%
- Axit pantothenic: 3%
- Vitamin B12: 6%
- Chất sắt: 2%
- Photpho: 2%
- Selen: 5%
(Tỷ lệ % trong mỗi dưỡng chất so với nhu cầu tiêu thụ mỗi ngày của cơ thể người trưởng thành).
Mỗi quả trứng cung cấp một lượng đáng kể vitamin B12, selen, riboflavin, choline và các dưỡng chất khác cho nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của bạn.
Selen và riboflavin là chất dinh dưỡng quan trọng để cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Ngoài ra, selen còn hỗ trợ tuyến giáp hoạt động ổn định và khỏe mạnh.
Vitamin B12 và chất sắt thúc đẩy hoạt động của hệ thần kinh. Nó cũng đóng vai trò chủ yếu trong việc hình thành tế bào hồng cầu để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu.
Trong khi đó, choline lại có vai trò tạo ra acetylcholine, một chất dẫn truyền thần kinh kết nối giữa hệ thống thần kinh và cơ bắp.
Điều đáng nói là dù cung cấp rất nhiều dinh dưỡng nhưng nó chỉ chứa 14 calories. Vì thế, trứng này là thực phẩm lý tưởng của những người đang muốn giảm cân.
Mỗi quá trứng chim cút chỉ chứa 14 calories nhưng rất giàu hàm lượng dưỡng chất khác để giúp cơ thể bạn khỏe mạnh.
Lợi ích của trứng cút
Bạn có thể chế biến món thịt kho trứng cút, cút lộn xào me hoặc một số món ăn khác có sự góp mặt của loại trứng này để làm món ăn hàng ngày.
Ở Nhật Bản, trứng này thường được dùng làm nguyên liệu trong món sushi. Các quốc gia châu Á khác như Hàn Quốc, Indonesia thường sử dụng trứng như một món ăn nhẹ hoặc ăn kèm với những món khác.
Ở các nước Nam Mỹ, loại trứng này được dùng để làm phụ liệu cho các loại thực phẩm như xúc xích, hamburger.
Một trong những lợi ích nổi bật của các món ăn làm từ trứng chim cút là đẩy lùi các tổn thương tế bào và hỗ trợ điều trị các triệu chứng dị ứng.
Một nghiên cứu khoa học tiến hành trên 77 người bị viêm mũi dị ứng cho thấy các triệu chứng như hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mũi đã được cải thiện trong vòng 1 giờ sau khi họ được ăn trứng cút và bổ sung kẽm. Nghiên cứu này được thực hiện trong 7 ngày liên tục và cho ra kết quả tương tự nhau.
Thêm vào đó, một nghiên cứu khác được thực hiện trên chuột cho thấy lòng đỏ trứng chim cút có khả năng làm giảm triệu chứng viêm thực quản bạch cầu ái toan. Đây là một tình trạng viêm khá nặng do dị ứng thực phẩm. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng cần phải có nhiều nghiên cứu hơn mới có thể kết luận tác dụng của trứng chim cút ở cơ thể người.
Những điều cần lưu ý khi ăn trứng cút
Hầu hết trứng cút trên thị trường đều chưa được khử trùng. Điều đó có nghĩa là vỏ của chúng có thể còn lưu lại nhiều loại vi khuẩn gây hại cho sức khỏe.
Vì thế, các đối tượng như trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi hoặc người có hệ miễn dịch yếu nên hạn chế ăn một số món như cút lộn, thịt kho trứng cút, trứng chim cút xào me…
Nếu ăn những món này, họ phải đảm bảo chúng đã được rửa sạch vỏ trước khi chế biến và nấu chín hoàn toàn trước khi ăn.
Ngoài ra, nếu bạn bị dị ứng trứng gà thì cũng có thể dị ứng trứng của chim cút. Trong trường hợp này, bạn nên đặc biệt thận trọng khi ăn loại thực phẩm này. Tốt nhất là hãy tham khảo trước ý kiến của chuyên gia y tế để biết mức độ tiêu thụ trứng an toàn của mình.
Ngay cả khi không dị ứng trứng gà, bạn vẫn có thể bị dị ứng trứng cút. Vì thế, nếu chưa từng ăn loại thực phẩm này, bạn hãy bắt đầu thử với số lượng rất ít rồi tăng dần để đánh giá tình trạng dị ứng.
Hầu hết trứng cút không được khử trùng. Phụ nữ mang thai và người có hệ miễn dịch yếu chỉ ăn trứng đã được nấu chín hoàn toàn.
[embed-health-tool-bmr]