backup og meta

Thạch sương sâm: Món giải nhiệt dân dã nhiều công dụng

Thạch sương sâm: Món giải nhiệt dân dã nhiều công dụng

Thạch sương sâm không chỉ là món ăn dân dã giải nhiệt trong ngày nắng nóng mà còn đem lại nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, bạn không nên bỏ qua.

Thạch làm từ lá cây sương sâm được rất nhiều người ưa thích bởi công dụng giải nhiệt, nhuận tràng… tuy nhiên cách để làm thạch sương sâm thì không phải ai cũng biết. Trước khi học cách làm thạch từ lá cây sương sâm, mời bạn cùng tìm hiểu về cây sương sâm và các lợi ích sức khỏe của lá từ loại cây này.

Cây sương sâm là cây gì?

Sương sâm là loài cây mọc hoang trong tự nhiên ở khu vực Đông Nam Á, có tên khoa học là tiliacora triandra thuộc họ menispermaceae. Sương sâm là loài thực vật thân leo, sống lâu năm, sinh trưởng tốt, mỗi cây có nhiều nhánh dây nhỏ. Lá sương sâm có thể thu hái quanh năm.

Ở Việt Nam, có hai loại sương sâm phổ biến là sương sâm lông và sương sâm trơn. Cách phân loại này dựa vào đặc điểm lá và dây cây sương sâm có hoặc không có lớp lông bao phủ trên bề mặt. Theo kinh nghiệm của những người thường làm thạch sương sâm thì lá và dây cây sương sâm lông cho thạch đông mịn và ngon hơn sương sâm trơn.

Thu hái lá cây sương sâm như thế nào?

lá sương sâm hình trứng

Lá và dây của cây sương sâm đều có thể sử dụng để làm thạch, tuy nhiên, với loại cây sương sâm có lá hình tim, người ta thường chỉ thu hái lá cây mà thôi. Khi hái, người ta sẽ chọn những lá có màu xanh lục đậm bởi đây là lá đã già sẽ có nhiều dược tính và cho nhiều thạch hơn so với lá non.

Sau khi thu hái, bạn rửa sạch rồi vò với nước lọc để có món thạch sương sâm hoặc phơi hay sấy khô để dùng dần.

Công dụng của sương sâm đối với sức khỏe

Theo Đông y, cây sương sâm có tác dụng nhuận tràng, thanh nhiệt, táo bón, tiêu độc, chữa kiết lỵ và nóng nhiệt. Bên cạnh đó, loài cây này còn được dùng như một vị thuốc để hỗ trợ trong việc chữa các bệnh lý liên quan đến gan, huyết áp cao do tăng cholesterol hoặc bệnh dạ dày, đái tháo đường…

Theo y học hiện đại, loài cây này rất giàu dưỡng chất bao gồm chất xơ, sắt, canxi, vitamin nhóm A, C cùng các dưỡng chất quexitok sterol, ancaloit… Do đó, thạch từ lá sương sâm không chỉ là món ăn giải nhiệt, tăng cường đề kháng, là vị thuốc tự nhiên giúp:

Hỗ trợ chữa bệnh tiểu khó

Một số thầy thuốc Đông y cho rằng sương sâm rất tốt cho hệ bài tiết, nhất là thận. Do đó, trước khi áp dụng thuốc kháng sinh để điều trị, người bị chứng tiểu buốt, tiểu khó nên dùng thạch làm từ lá sương sâm để không phải chịu các tác dụng phụ của thuốc. Bạn có thể ăn thạch từ lá sương sâm đã ướp lạnh với nước đường ngày 2 lần, mỗi lần 1 bát (chén).

Chữa khó tiêu, đau bụng, ngăn ngừa táo bón

Thạch từ lá cây sương sâm cũng đem lại công dụng tốt cho hệ tiêu hóa. Do đó, khi bị táo bón, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, bạn nên dùng loại thạch này nhằm giảm nhẹ các triệu chứng.

Hỗ trợ điều trị cao huyết áp

Mỡ trong máu là nguyên nhân hàng đầu khiến lòng mạch máu bị thu hẹp, làm áp lực máu tăng cao dẫn đến cao huyết áp.

Theo Đông y, nhờ khả năng ngăn cản quá trình tích tụ mỡ thừa ở thành mạch mà lá sương sâm có tác dụng tốt với bệnh cao huyết áp.

Mách bạn cách làm thạch sương sâm, hạt é, mủ trôm giải nhiệt

Để làm món thạch từ lá cây sương sâm, bạn cần:

Nguyên liệu và vật dụng: 

  • Lá sương sâm tươi: 150g
  • Nước lọc: 1 lít
  • Dầu ăn: 2 thìa cà phê
  • Hạt é: 3 thìa cà phê
  • Mủ trôm: 15g
  • Đường cát: 300g
  • Lá dứa: 3-4 lá hoặc dầu chuối: 1 ống
  • Rây có đường kính 20cm: 1 cái
  • Tô để đựng thạch rau câu: 1-2 cái tùy dung tích
  • Thố inox hoặc thau sạch dung tích 3 lít: 1 cái.

Thực hiện: 

  • Bước 1: Vò lấy thạch sương sâm
    • Rửa lá sương sâm dưới vòi nước chảy cho thật sạch, vảy ráo.
    • Cho lá sương sâm đã rửa vào thố, vò sơ cho giập rồi từ từ đổ nước cùng dầu ăn vào vò tiếp trong khoảng 15-20 phút cho lá nát, màu nước chuyển qua xanh đậm. Việc cho dầu ăn vào vò cùng lá sương sâm giúp thạch không lên bọt nhiều, thạch sau khi đông có độ bóng, bắt mắt.
    • Bạn đổ hỗn hợp lá và nước sương sâm qua rây để tiến hành lọc lấy nước.
    • Dùng muỗng hớt bọt trong nước sương sâm để sau khi đông, thạch trông mịn. Đậy kín tô thạch và để yên cho thạch tự đông sau khoảng 2-3 giờ. Bạn có thể cho tô thạch vào ngăn mát tủ lạnh cho thạch nhanh đông và bảo quản.
  • Bước 2: Ngâm mủ trôm, hạt é, nấu nước đường
    • Với mủ trôm: Bạn nên tiến hành ngâm mủ trôm với khoảng 1 lít nước trong bình thủy tinh sạch trước khi ăn khoảng 10-12 giờ cho nở mềm.
    • Nấu nước đường: Đổ 0,5 lít nước vào nồi, cho 300g đường vào khuấy cho tan, cho lá dứa đã rửa sạch, cắt khúc vào rồi đặt lên bếp nấu sôi đều. Tắt bếp, để nước đường nguội.
    • Hạt é: Bỏ vào rây, rửa nhẹ nhàng dưới vòi nước chảy cho sạch bụi rồi cho vào ly cùng với khoảng 100ml ngâm cho nở.
  • Bước 3: Chế biến thành phẩm
  • Thạch từ lá sương sâm sau khi đông, bạn lấy ra, dùng dao cắt bánh, cắt miếng dạng khối vuông nhỏ, cho vào ly.
  • Sau đó cho hạt é, mủ trôm và nước đường vào đảo đều là có thể dùng được.
  • Nếu không dùng lá dứa để tạo hương vị cho món thạch, bạn có thể dùng dầu chuối để thay thế. Cách dùng: Sau khi đã pha chế thạch xong, bạn cho vào ly thạch 1-2 giọt dầu chuối, đảo đều và dùng.

Bà bầu có dùng được cây sương sâm không?

bà bầu có dùng sương sâm được không

Trong thời gian mang thai, nhất là giai đoạn cuối của thai kỳ, nhiều mẹ bầu phải đối mặt với tình trạng táo bón. Thủ phạm đứng đằng sau tình trạng khó chịu này được cho là tác động của hormone thai kỳ là giảm sút hoạt động của nhu động ruột và sự tăng kích thước của bào thai gây chèn ép cơ quan tiêu hóa.

Nếu rơi vào tình trạng táo bón khi mang thai, mẹ bầu hãy dùng thạch từ lá cây sương sâm để cứu nguy. Tuy nhiên, có một điều mà mẹ bầu cần lưu ý là không nên lạm dụng món ăn vặt giải khát này, vì có thể dẫn tới tiêu chảy.

Những lưu ý khi sử dụng thạch sương sâm

Sương sâm có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe nhưng khi dùng, bạn nên lưu tâm những vấn đề sau để tránh gặp các vấn đề sức khỏe đáng tiếc:

  • Thạch từ lá cây sương sâm có tính mát, nên nếu dùng nhiều, bạn có thể bị tiêu chảy. Do đó, bạn không nên dùng quá 2 ly thạch từ lá sương sâm mỗi ngày. Với trẻ em, bạn chỉ nên cho bé ăn nửa ly mỗi ngày.
  • Thạch từ lá sương sâm được bày bán sẵn thường không đảm bảo yêu cầu vệ sinh, tốt nhất bạn nên mua lá tươi và tự vò lá tại nhà để làm.
  • Vào mùa mưa, lá sương sâm thường không có nhiều thạch như lá được thu hái vào mùa khô. Khi chế biến, bạn nên lưu tâm đến điều này để thạch có được kết cấu như mong muốn.

Với những chia sẻ ở trên, Hello Bacsi tin rằng bạn đã biết đến các công dụng tuyệt vời của lá sương sâm, biết cách làm ra món thạch từ lá cây sương sâm giải khát mang lại nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.

Lan Quan/HELLO BACSI 

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tiliacora https://en.wikipedia.org/wiki/Tiliacora  Ngày truy cập 30/5/2020

Tiliacora http://www.theplantlist.org/browse/A/Menispermaceae/Tiliacora/ Ngày truy cập 30/5/2020  

Trồng cây sương sâm giúp giải nhiệt, giảm cân https://khoahocphattrien.vn/suc-khoe/trong-cay-suong-sam-giup-giai-nhiet-giam-can/20170701023421791p1c784.htm Ngày truy cập 30/5/2020  

Phiên bản hiện tại

09/07/2020

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Cách làm siro dưa hấu mát lạnh, ngọt thơm, bổ dưỡng cho bé giải khát

9 cách làm sữa chua ngon, mịn tại nhà đơn giản, dễ thành công


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 09/07/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo