backup og meta

9 tác dụng của nước mía mà bạn không nên bỏ qua

9 tác dụng của nước mía mà bạn không nên bỏ qua

“Uống nước mía có tốt không? Uống nước mía có tác dụng gì?” là thắc mắc mà nhiều người quan tâm khi lựa chọn nước mía là đồ uống yêu thích. Nước mía tự nhiên có vị ngon, mát lành và được cho là chứa nhiều chất dinh dưỡng. Những tác dụng của nước mía cho sức khỏe khá đa dạng như tăng cường chức năng gan, giảm nhẹ bệnh tiểu đường hay cải thiện các vấn đề răng miệng.

Bạn băn khoăn không biết nước mía bao nhiêu calo? Trong khoảng 240ml nước mía không chất phụ gia chứa 250 calo cùng 30mg đường tự nhiên. Bên cạnh đó, loại nước này cũng chứa các khoáng chất như natri, kali, canxi, magie và sắt mà lại không có chất béo hay cholesterol. Vậy bạn đã biết hết những tác dụng của nước mía cho sức khỏe? Trong bài viết này, Hello Bacsi giới thiệu 9 công dụng của nước mía mà bạn không nên bỏ qua! 

Thành phần dinh dưỡng của nước mía

uống nước mía có tốt không

Trước khi tìm câu trả lời cho thắc mắc “Uống nước mía có tốt không hay các tác dụng của nước mía đối với sức khỏe?”, hãy cùng tìm hiểu qua giá trị dinh dưỡng của loại thức uống này! Nước mía là một hỗn hợp bao gồm khoảng 70–75% nước, khoảng 10-15% chất xơ và 13–15% đường ở dạng sucrose. 

Theo sách Công nghệ sinh học đường mía, nước mía giúp bù nước và cung cấp năng lượng tức thì. Nước mía là nguồn cung cấp dồi dào các khoáng chất như: photpho, kali, canxi, sắt và magiê. Trong nước mía cũng giàu vitamin A, vitamin B phức hợp, C và E.

Tuy nhiên, các loại nước mía đóng hộp có thể chứa nhiều calo, do có thêm đường và một số khoáng chất bổ sung. Vì thế, nếu bạn muốn sử dụng nước mía đóng chai hàng ngày, hãy cân nhắc và đọc kỹ nhãn dinh dưỡng của sản phẩm.

Nước mía có công dụng gì? 9 tác dụng của nước mía đối với sức khỏe

Uống nước mía với lượng vừa phải và đúng cách có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, với hàm lượng đường tự nhiên bên trong cây mía, bạn nên kiểm soát lượng nước mía uống mỗi ngày ở một lượng vừa phải. Dưới đây là những tác dụng của nước mía:

1. Cung cấp năng lượng nhanh

Nước mía có tác dụng gì? Nước mía có thể giúp bạn tiếp thêm năng lượng trong thời gian ngắn và tránh mất nước trong những ngày nắng nóng. Các loại đường đơn trong nước mía cũng được cơ thể hấp thụ dễ dàng.

Như vậy, nếu bạn muốn tăng lượng đường trong cơ thể một cách tự nhiên và lành mạnh, hãy chọn nước mía nhé!

2. Tăng cường chức năng gan

Uống nước mía có tác dụng gì, có tốt cho gan không? Tác dụng ít người biết của nước mía chính là giúp giảm nhẹ các bệnh liên quan đến gan như vàng da. Bệnh vàng da là do gan hoạt động không tốt cũng như các ống mật bị tắc.

Nước mía giúp bạn duy trì nồng độ glucose trong cơ thể và giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn. Ngoài ra, nước mía có tính kiềm tự nhiên giúp duy trì độ cân bằng điện giải trong cơ thể. Từ đó có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ gan bị quá tải.

3. Giúp phòng ngừa bệnh ung thư

Một công dụng nước mía ít người biết là có thể giúp phòng ngừa bệnh ung thư. Nguyên do là bởi nước mía có chứa nhiều canxi, magie, kali, sắt và mangan nên có tính kiềm. Bên cạnh đó, loại nước này cũng có chứa flavonoid có thể giúp bạn ngăn chặn các tế bào ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến tiền liệt và vú.

Ngoài nước mía, bạn có thể khám phá và bổ sung 7 loại thực phẩm chống ung thư vào chế độ ăn uống lành mạnh để chống lại các gốc tự do làm tổn thương tế bào.

4. Cải thiện hệ tiêu hóa

tác dụng của nước mía

Uống nước mía có tốt cho đường ruột không? Nước mía có thể giúp bạn cải thiện hệ tiêu hóa rất tốt. Nước mía cũng có tác dụng giúp ngăn ngừa nhiễm trùng dạ dày.

Kali trong nước mía giúp cân bằng độ pH trong dạ dày, hỗ trợ quá trình tiết dịch vị tiêu hóa và góp phần giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru.

5. Giảm nhẹ triệu chứng bệnh tiểu đường

Người bị tiểu đường uống nước mía có được không? Nước mía có vị ngọt nên có thể khiến người bị bệnh tiểu đường tránh xa không dám dùng. Tuy nhiên nếu dùng trong chừng mực, những người mắc bệnh tiểu đường vẫn có thể nhận được một số tác dụng tốt cho sức khỏe.

Lượng đường tự nhiên trong nước mía có chỉ số đường huyết thấp. Điều này có nghĩa là việc sử dụng nước mía có thể giúp ngăn ngừa đường huyết tăng đột biến ở người bị tiểu đường.

6. Duy trì sức khỏe thận

Nước mía không chứa cholesterol, ít natri, không có chất béo bão hòa nên có thể giúp bạn duy trì sức khỏe thận. Khi thận khỏe, sức khỏe tổng thể cũng sẽ được cải thiện.

7. Giảm đau do một số bệnh

tác dụng của nước mía

Thanh nhiệt, giảm đau là một trong những tác dụng của nước mía mà ít người biết đến. Một số bệnh như bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận và viêm tuyến tiền liệt có thể khiến bạn bị nóng rát khó chịu. Để cải thiện tình trạng này, bạn có thể pha nước mía với nước chanh hay nước dừa tươi để uống.

Tuy nhiên, bạn cần cân nhắc: nước mía không phải là phương pháp điều trị chính cho những bệnh này. Nếu tình trạng đường tiết niệu hoặc vấn đề phụ khoa kéo dài, bạn nên tìm sự tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa.

8. Hỗ trợ xương và răng phát triển

Một công dụng của nước mía phải kể đến là hỗ trợ xương và răng phát triển. Nguyên do là bởi, mía giàu canxi nên có thể giúp xương và răng phát triển tốt hơn. Vậy nên, bạn có thể ăn mía hoặc uống nước mía để nhận được lợi ích này.

9. Cải thiện vấn đề răng miệng

“Uống nước mía có bị sâu răng không?” là thắc mắc của không ít người. Thực chất nước mía giàu khoáng chất như canxi và phốt pho nên có thể giúp củng cố men răng và giảm nguy cơ sâu răng. Loại nước này cũng giúp khắc phục tình trạng hơi thở có mùi do sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng kể trên.

Tuy nhiên, để duy trì sức khỏe răng miệng tốt, bạn vẫn nên ăn uống cân bằng và thường xuyên vệ sinh răng miệng sau khi ăn uống.

Vậy, uống nước mía có tốt không?

Câu trả lời là có. Uống nước mía với lượng vừa phải và kết hợp ăn uống lành mạnh có thể mang đến cho bạn những lợi ích sức khỏe, bao gồm:
  1. Cung cấp năng lượng nhanh
  2. Tăng cường chức năng gan
  3. Giúp phòng ngừa bệnh ung thư
  4. Cải thiện hệ tiêu hóa
  5. Giảm nhẹ triệu chứng bệnh tiểu đường
  6. Duy trì sức khỏe thận
  7. Giảm đau do một số bệnh
  8. Hỗ trợ xương và răng phát triển
  9. Cải thiện vấn đề răng miệng

Lưu ý khi uống nước mía

tác dụng của nước mía

Tác dụng của nước mía khá đa dạng và tốt cho sức khỏe. Bạn vẫn cần lưu ý một số điều sau trước khi dùng món nước ép này:

  • Việc mua nước mía từ những nơi không đảm bảo vệ sinh có thể là nguyên nhân dẫn đến dễ lây nhiễm như viêm họng, bệnh Chagas hoặc tiêu chảy… Điều này là vì nước mía và nước đá lạnh là môi trường sinh sản tốt nhất cho vi sinh vật.
  • Không uống nước mía đã để ở nhiệt độ phòng quá 15 phút vì điều này có thể ảnh hưởng tới dạ dày và ruột.
  • Không uống quá 2 ly nước mía mỗi ngày và không dùng nước mía thường xuyên.

Các lợi ích của nước mía đối với sức khỏe là không thể phủ nhận. Nước mía có thể cung cấp năng lượng, cải thiện chức năng gan, phòng ngừa bệnh ung thư… Vì thế, việc chọn nước mía tự nhiên thay cho nước giải khát công nghiệp sẽ là lựa chọn ăn uống lành mạnh cho bạn. Tuy nhiên, như với bất kỳ thức uống hay thực phẩm nào khác, uống quá nhiều nước mía có thể dẫn đến những tác dụng phụ.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

(PDF) Potential Health Benefits of Sugarcane 
https://www.researchgate.net/publication/319013514_Potential_Health_Benefits_of_Sugarcane 
Ngày truy cập: 15/05/2023
Sugarcane Juice – an overview | ScienceDirect Topics 
https://www.sciencedirect.com/topics/agricultural-and-biological-sciences/sugarcane-juice
Ngày truy cập: 15/05/2023
Phytochemical profile of sugarcane and its potential health aspects
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26009693/
Ngày truy cập: 15/05/2023
Sugarcane Straw Polyphenols as Potential Food and Nutraceutical Ingredient – PMC
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9777897/
Ngày truy cập: 15/05/2023
What About All the Sugar in Fruit? | NutritionFacts.org 
https://nutritionfacts.org/2016/08/09/what-about-all-the-sugar-in-fruit/ 
Ngày truy cập: 15/05/2023
 Diabetes diet: Should I avoid sweet fruits? – Mayo Clinic 
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/expert-answers/diabetes/faq-20057835 
Ngày truy cập: 15/05/2023

Phiên bản hiện tại

21/05/2024

Tác giả: Như Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Sau sinh có được uống nước mía không? Cách uống có lợi cho mẹ và bé

Bà bầu uống nước mía khi mang thai: Lợi ích và lưu ý


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 21/05/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo