Khi bạn mở hộp sữa chua mà thấy có lớp nước tách hẳn lên trên mặt thì đó chính là hiện tượng sữa chua bị tách nước. Đây không phải là hiện tượng hiếm gặp nhưng cũng dễ khiến bạn lo lắng không biết sữa chua bị tách nước có ăn được không, có bị hư không… Hãy cùng Hello Bacsi giải đáp những thắc mắc của bạn về tính an toàn của sữa chua bị tách nước qua bài viết này nhé.
Nhiều người chọn cách tự làm sữa chua tại nhà để đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng sữa chua bị tách nước lại khiến sản phẩm trông giống như bị hỏng. Vậy thực chất sữa chua bị tách nước có phải hoàn toàn không sử dụng được không? Đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng này và nên bảo quản thế nào để sữa chua không bị tách nước? Các thông tin hữu ích về sữa chua sẽ được tổng hợp ngay trong bài viết này của Hello Bacsi.
Tại sao sữa chua bị tách nước?
Tình trạng sữa chua bị tách nước là khi bạn mở nắp hũ sữa chua vẫn còn hạn sử dụng nhưng nhận thấy có lớp nước màu vàng nhạt nổi trên mặt. Thực chất, lớp nước này gọi là nước whey (acid whey), thành phần chất lỏng giàu protein từ sữa. Khi sữa được đông để làm phô mai hay sữa chua, phần đặc thu được sẽ là phô mai hay sữa chua còn phần chất lỏng còn lại chính là nước whey. Nước whey có thành phần chủ yếu là nước, axit lactic và các lợi khuẩn probiotic.
Đối với sữa chua công nghiệp được sản xuất trong dây chuyền khép kín, sữa chua bị tách nước có thể là do sự phá vỡ các thành tế bào của sữa chứa lớp whey. Trong quá trình vận chuyển, nếu sữa chua bị tác động xê dịch quá nhiều, thành tế bào này có thể bị vỡ và làm xuất hiện lớp nước whey như bạn thấy. Ngoài ra, sữa chua dù để yên trong tủ lạnh cũng có thể gặp hiện tượng bị tách nước đơn giản vì lớp nước này nhẹ nên nổi lên trên mặt.
Đối với sữa chua nhà làm, ngoài những nguyên nhân trên, sữa chua bị tách nước có thể còn là do:
- Men kém chất lượng: Nếu chẳng may bạn mua phải men ủ kém chất lượng thì cũng khiến sữa chua không đông hoặc sữa chua bị tách nước. Khi men ủ quá lạnh thì men sẽ không phát triển được còn với men quá nóng thì vi khuẩn trong men cũng dễ bị chết đi, làm sữa chua dễ tách nước.
- Khuấy sữa chua không đều: Trong quá trình làm sữa chua, nếu bạn khuấy sữa chua không đều tay, sữa chua sẽ không mịn, dễ bị tách nước và bị hư.
- Nhiệt độ ủ không đều: Nhiệt độ cũng là yếu tố khiến sữa chua bị tách nước nếu bạn không để ý trong quá trình ủ sữa. Nếu nhiệt độ trong quá trình ủ không ổn định hoặc không đủ ấm, vi khuẩn lactic sẽ hoạt động kém, dẫn đến việc lên men không hoàn chỉnh.
- Bảo quản không đúng cách: Nếu bạn để sữa chua ở nhiệt độ phòng quá lâu hoặc tủ lạnh không đủ lạnh, nhiệt độ và kết cấu của sữa cũng dễ bị thay đổi, làm phân tách lớp nước và lớp sữa.
[embed-health-tool-bmr]
Sữa chua bị tách nước có ăn được không, có hại gì không?
Sữa chua bị tách nước là hiện tượng bình thường. Nếu bạn thấy sữa chua vẫn có màu sắc bình thường, không có mùi lạ, không bị vón cục, không nổi mốc xanh và còn hạn sử dụng thì bạn có thể an tâm sử dụng. Đối với lớp nước whey trên mặt sữa chua, bạn có thể uống được và không nhất thiết phải bỏ đi. Chỉ cần khuấy đều lên là bạn có thể dùng sữa chua như bình thường. Phần nước này rất giàu protein và các loại khoáng chất như canxi, kali, phốt pho, đồng và kẽm.
Nếu bạn không thích ăn sữa chua tách nước vì nó trông lỏng hơn bình thường, hãy thử những công thức dưới đây để không bỏ phí hũ sữa chua của bạn.
1. Sữa chua đá xay
Nguyên liệu: (cho 1 ly)
- Sữa chua có đường: 1 hộp
- Sữa đặc: 40 g
- Sữa tươi có đường: 1/2 bịch
- Nước cốt chanh: 1 lát
- Đá viên
Cách thực hiện:
- Bạn cho sữa chua, sữa đặc, sữa tươi, nước cốt chanh vào máy xay sinh tố và xay đều trong khoảng 1-2 phút.
- Sau đó, bạn cho thêm đá viên vào xay tiếp đến khi hỗn hợp nổi bọt và sánh mịn thì tắt máy, đổ thức uống ra ly.
2. Sữa chua bơ dầm
Nguyên liệu: (cho 1 ly)
- Sữa chua có đường: 1 hộp
- Bơ chín: 1 quả
- Đá viên
Cách thực hiện:
- Trước hết, bạn rửa sơ quả bơ với nước sạch, sau đó lột bỏ vỏ bơ, tách hạt rồi cắt nhỏ phần thịt bơ để cho vào ly và dầm nhuyễn.
- Tiếp đến, bạn cho thêm sữa chua vào ly bơ đã dầm khi nãy, trộn đều để hỗn hợp hòa quyện.
- Bạn có thể cho thêm ít đá vào nếu bạn thích thưởng thức món lạnh.
3. Sữa chua hạt đác
Nguyên liệu: (cho 1 ly)
- Sữa chua không đường: 1 hộp
- Hạt đác: 100 g
- Chanh dây: 1 quả
- Sữa đặc: 1/2 muỗng
- Đường phèn: 50 g
- Muối: 1/4 muỗng cà phê
- Đá viên
Cách thực hiện:
- Phần hạt đác mua về bạn đem rửa sạch với nước lạnh để loại bỏ bớt bụi bẩn.
- Sau đó, bạn cho khoảng 100 ml nước và một ít muối vào nồi đun sôi với lửa lớn.
- Khi nước sôi, bạn cho hạt đác vào đun với lửa vừa và để trong khoảng 1-10 phút thì vớt hạt đác ra rồi rửa lại bằng nước lạnh để hạt đác nguội và không bị dính vào nhau.
- Tiếp theo, cho hạt đác vào thố, thêm đường phèn và ruột chanh dây, trộn đều tất cả các nguyên liệu với nhau và để khoảng 15-20 phút cho đường tan hết.
- Tiếp tục bắc chảo lên bếp, cho hỗn hợp hạt đác chanh dây vào rim trong khoảng 10 phút.
- Đến khi phần nước bắt đầu sánh lại, bạn giảm nhỏ lửa và vẫn liên tục khuấy đều tay đến khi hạt đác mềm rồi tắt bếp.
- Cuối cùng, bạn cho sữa chua, sữa đặc, hạt đác và đá vào ly rồi trộn đều lên và thưởng thức.
- Công thức chế biến sữa chua bị tách nước này sẽ cho bạn thành quả là ly sữa chua mới mát lạnh, dậy mùi thơm của chanh dây và hạt đác.
4. Bánh sandwich sữa chua
Nguyên liệu: (cho 5 cái)
- Sữa chua có đường: 1 hộp
- Bánh mì sandwich: 5 cái
- Lòng đỏ trứng gà: 1 quả
- Sữa tươi không đường: 50 ml
- Bơ lạt: 10 g
- Bột bắp (hoặc bột mì): 5 g
- Đường: 15 g
Cách thực hiện:
Phần nhân bánh:
- Bạn cho lòng đỏ trứng gà và 4 muỗng canh đường vào tô rồi đánh đều cho đến khi đường tan và hỗn hợp chuyển thành màu vàng nhạt.
- Tiếp theo, bạn cho thêm bột bắp (hoặc bột mì) vào và trộn đều lên.
- Sau đó, cho 50 ml sữa tươi vào nồi đun ở lửa vừa đến khi thấy có hơi nước bốc lên thì tắt bếp.
- Từ từ đổ sữa tươi vừa đun vào phần trứng đã trộn sẵn, vừa đổ vừa khuấy đều.
- Sau đó, đổ ngược hỗn hợp vào nồi rồi đun ở nhiệt độ thấp đến khi thấy có hơi nước bốc lên thì cho 10 g bơ lạt vào và khuấy đến khi sánh lại.
- Cho vào tiếp sữa chua và khuấy đến khi sánh dẻo, không còn bóng khí nữa thì tắt bếp.
- Khi hỗn hợp nguội hoàn toàn, bạn cho vào túi bắt bông kem, cột chặt và để trong tủ lạnh khoảng 10-15 phút.
Phần vỏ bánh:
- Bạn cắt bỏ phần viền bánh sandwich rồi dùng cây cán bột cán dẹt ra.
- Phết một ít nước lên 3 cạnh của miếng bánh rồi gấp đôi lại, dùng cán dao ấn vào 3 cạnh của bánh để giữ phần nhân không bị lọt ra ngoài.
- Bạn lấy phần nhân sữa chua từ tủ lạnh ra rồi bơm từ từ vào trong bánh, sau đó, hãy dán hai mép bánh lại rồi dùng cán dao ấn chặt lại lần nữa.
- Cuối cùng, bạn có thể dùng dao cắt đi các phần cạnh thừa để bánh trông đẹp mắt hơn.
- Đây là cách tận dụng phần sữa chua bị tách nước sáng tạo và ngon miệng bạn không nên bỏ qua.
- Như vậy, sữa chua bị tách nước nếu còn hạn thì bạn vẫn ăn được như bình thường và không gây hại gì cho sức khỏe.
- Ngoài ra, bạn cũng có thể tùy thích sáng tạo những món ăn khác để đổi khẩu vị.
Mẹo làm sữa chua không bị tách nước
Mặc dù sữa chua bị tách nước vẫn có thể ăn được nhưng kết cấu của nó thường sẽ trở nên lỏng hơn và có thể khiến cảm giác ngon miệng của bạn giảm đi phần nào. Do đó, hãy tham khảo những mẹo làm sữa chua không bị tách nước dưới đây để tạo nên những hũ sữa chua ngon miệng và đẹp mắt.
1. Tiệt trùng dụng cụ làm sữa chua kỹ lưỡng
Sữa chua bị tách nước, thậm chí dễ bị hỏng có thể xuất phát từ việc các dụng cụ làm sữa chua không được tiệt trùng đúng cách. Do đó, bạn cần lưu ý đến bước khử trùng dụng cụ và hũ đựng trước khi làm sữa chua. Hãy ngâm các dụng cụ cần thiết trong nước sôi mới đun trong khoảng 30 gây, sau đó lấy ra rồi để ráo, lau khô sạch sẽ trước khi sử dụng.
2. Điều chỉnh nhiệt độ ủ phù hợp
Có rất nhiều thiết bị gia dụng bạn có thể sử dụng để ủ sữa chua, từ nồi cơm điện, lò nướng, lò vi sóng, nồi áp suất, thùng xốp hay đơn giản là dùng khăn ủ. Tuy nhiên, dù sử dụng hình thức ủ nào thì yếu tố quan trọng nhất để tránh sữa chua bị tách nước chính là điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp.
Sữa chua nên được ủ ở nhiệt độ khoảng 40-45°C trong thời gian 4-6 giờ. Nếu ủ ở nhiệt độ thấp, vi khuẩn sẽ phát triển chậm, làm kéo dài thời gian ủ và ảnh hưởng đến hương vị cũng như độ đặc của sữa chua. Ngược lại, nếu ủ ở nhiệt độ cao, vi khuẩn sẽ có khả năng bị chết, khiến quá trình lên men không hoàn chỉnh và sữa chua không đạt chất lượng như mong muốn, chẳng hạn như sữa chua bị tách nước.
3. Xem xét loại sữa sử dụng
Tùy theo công thức làm sữa chua mà bạn áp dụng, bạn cần dùng đến sữa tươi hay sữa đặc. Chính thành phần hay phương thức sản xuất sữa cũng sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc của sữa, nghĩa là có thể làm thay đổi độ đặc của sữa chua, khiến sữa chua dễ bị tách nước hơn. Do đó, bạn có thể thử nghiệm nhiều nhãn hiệu sữa khác nhau để tìm ra loại cho ra độ đặc mà bạn mong muốn. Thông thường, sữa có hàm lượng chất béo hoặc protein cao chắc chắn sẽ mang đến cho bạn loại sữa chua đặc hơn, béo hơn.
Bảo quản sữa chua như thế nào để tránh bị tách nước?
Để tránh tình trạng sữa chua bị tách nước, bạn cần bảo quản sữa chua đúng cách và không ăn sữa chua đã quá hạn sử dụng.
- Đậy kín nắp: Sử dụng nắp để đậy kín sữa chua sau khi làm xong. Sữa chua sau khi đã mở nắp nên sử dụng hết trong ngày, tối đa khoảng 2 ngày.
- Bảo quản lạnh: Bạn nên để sữa chua trong ngăn mát tủ lạnh ở nhiệt độ 2-8°C và xếp ở phần phía sau tủ lạnh, nơi có nhiệt độ ổn định hơn. Sự thay đổi nhiệt độ khi đóng mở tủ lạnh có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng của sữa chua nếu để gần cửa tủ.
- Không để gần thực phẩm có mùi: Các thực phẩm có mùi mạnh như hành, tỏi, mít, sầu riêng… có khả năng phát tán mùi qua sữa chua nên bạn cần để chúng xa khỏi sữa chua và sử dụng nắp đậy thật kín.
- Không để ở nhiệt độ phòng quá lâu: Sữa chua sau khi lấy ra khỏi tủ lạnh sẽ trải qua sự biến động nhiệt độ, dễ làm kết cấu sữa chua thay đổi. Do đó, bạn nên dùng hết sữa chua trong vòng 2 giờ sau khi để ở nhiệt độ phòng. Sau thời gian này, vi khuẩn có hại có thể phát triển, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nếu bảo quản đúng cách, bạn sẽ tránh được tình trạng sữa chua bị tách nước và hỏng không dùng được. Thông thường, sữa chua nhà làm để ở ngăn mát tủ lạnh có thể dùng trong 5-7 ngày, sữa chua để ở ngăn đông có thể dùng trong 10-14 ngày. Các loại sữa chua đóng hộp có thời hạn sử dụng lâu hơn, có thể lên đến 6 tháng tùy quy trình sản xuất. Tuy nhiên, nếu sữa chua đã lấy ra khỏi tủ lạnh thì bạn nên dùng ngay.
Như vậy, bạn đã hiểu rõ tình trạng sữa chua bị tách nước là hoàn toàn bình thường và có thể ăn được. Sữa chua là một trong những món ăn mang lại nhiều lợi ích cho hệ tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch. Do đó, bạn hãy tận dụng sữa chua, kể cả sữa chua tách nước để cung cấp các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể. Đừng quên áp dụng những mẹo chế biến và bảo quản sữa chua đúng cách để đảm bảo chất lượng sữa chua tối ưu khi sử dụng.