backup og meta

Phô mai feta: Món ngon bắt nguồn từ Hy Lạp

Phô mai feta: Món ngon bắt nguồn từ Hy Lạp

Phô mai feta là món ăn ngon được làm từ sữa cừu hoặc sữa dê. Loại phô mai này chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe và rất dễ để thêm vào chế độ ăn.

Feta là loại phô mai nổi tiếng nhất ở Hy Lạp với kết cấu mềm, trắng, rất bổ dưỡng và chứa nhiều canxi. Loại phô mai này xuất hiện khá nhiều trong nền ẩm thực Địa Trung Hải và có thể được dùng để chế biến nhiều món ăn, từ món khai vị đến món tráng miệng.

Hello Bacsi sẽ giới thiệu những thông tin thú vị về món ăn này mà bạn không nên bỏ qua.

Phô mai feta là gì?

Phô mai feta có nguồn gốc từ Hy Lạp và là món ăn nhận được chứng chỉ bảo hộ xuất xứ POD (Protected Designation of Origin). Điều này đồng nghĩa rằng chỉ có sản phẩm được làm ở một số vùng nhất định tại Hy Lạp mới có đủ tiêu chuẩn được dán nhãn phô mai feta.

Ở những vùng này, phô mai được làm từ sữa của những chú cừu hay dê được chăn thả tự nhiên. Môi trường đặc biệt là điều góp phần mang lại cho phô mai feta những đặc điểm độc đáo riêng biệt nhất định.

Giá trị dinh dưỡng của phô mai feta

Phô mai feta là một món ăn lành mạnh, tốt cho sức khỏe nếu biết cách kết hợp vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Theo các chuyên gia, 28 gram phô mai chứa:

  • Calo: 74
  • Chất béo: 6 gram
  • Protein: 4 gram
  • Carbs: 1,1 gram
  • Riboflavin: 14% RDI
  • Canxi: 14% RDI
  • Natri: 13% RDI
  • Phốt pho: 9% RDI
  • Vitamin B12: 8% RDI
  • Selen: 6% RDI
  • Vitamin B6: 6% RDI
  • Kẽm: 5% RDI

*RDI: mức hấp thụ khuyến nghị hàng ngày của một chất dinh dưỡng

Món ăn này cũng chứa một lượng nhất định vitamin A và K, folate, axit pantothenic, sắt và magiê.

Những lợi ích sức khỏe của phô mai feta

1. Tốt cho xương, răng

Món ăn đến từ Hy Lạp này chứa khá nhiều canxi, phốt pho và protein. Đây đều là những dưỡng chất có tác dụng tăng cường sức khỏe của xương.

Canxi và protein giúp duy trì mật độ xương, ngăn ngừa loãng xương. Bên cạnh đó, phốt pho đóng góp vào sự phát triển của xương và răng.

Lượng canxi mà phô mai feta cung cấp gần gấp đôi so với phốt pho. Tỷ lệ này cho thấy loại pho mát feta đem lại tác dụng tích cực đối với sức khỏe của xương.

Hơn nữa, sữa dê và sữa cừu, những nguyên liệu chính làm nên phô mai feta chứa nhiều canxi cũng như phốt pho hơn sữa bò. Do đó, việc thêm vào thực đơn dinh dưỡng các sản phẩm từ sữa, chẳng hạn như phô mai parmesan hoặc feta có thể giúp bạn đạt được lượng canxi khuyến nghị hàng ngày.

2. Tốt cho ruột

phô mai feta

Probiotic là những vi khuẩn sống, thân thiện và có lợi cho sức khỏe. Phô mai feta đã được chứng minh có chứa lợi khuẩn là Lactobacillus plantarum. Những lợi khuẩn này sẽ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và sức khỏe đường ruột bằng cách bảo vệ ruột khỏi các vi khuẩn gây bệnh như E.coli và Salmonella.

Hơn nữa, lợi khuẩn Lactobacillus plantarum còn làm tăng sản xuất các hợp chất ức chế, do đó mang lại lợi ích kháng viêm.

3. Chứa nhiều axit béo có lợi

Axit linoleic liên hợp (CLA) là một axit béo được tìm thấy trong các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Axit linoleic đã được chứng minh có khả năng giúp giảm khối lượng chất béo và tăng khối lượng nạc của cơ thể cũng như ngăn ngừa bệnh tiểu đường.

Phô mai feta làm từ sữa cừu có nồng độ axit linoleic liên hợp (CLA) cao hơn phô mai làm từ sữa bò hoặc dê. Do vậy, đây là món ăn tốt lành thân thiện với sức khỏe mà bạn không thể bỏ qua.

Vấn đề có thể gặp phải khi sử dụng

Loại phô mai đến từ Hy Lạp này là một món ăn tốt với đa dạng các chất dinh dưỡng khác nhau. Tuy nhiên, do cách thức sản xuất và các loại sữa được sử dụng, mà loại phô mai này tồn tại một số nhược điểm, chẳng hạn như:

1. Lượng natri cao

Trong quá trình làm phô mai, muối được thêm vào sữa đông. Ngoài ra, trong quá trình bảo quản, khối phô mai cần được ngâm trong nước muối với tỷ lệ muối lên đến 7%.

Thành phẩm có được sẽ là một khối phô mai có hàm lượng natri cao. Trên thực tế, trong 28 gram phô mai feta có chứa 312 mg natri. Do vậy, nếu bạn nhạy cảm với muối hoặc mắc phải các tình trạng sức khỏe cần hạn chế nạp muối vào cơ thể, hãy ngâm sơ phô mai qua với nước trước khi sử dụng.

2. Chứa lactose

Các loại phô mai “chưa chín’ có xu hướng chữa lượng đường sữa cao hơn so với các loại phô mai “già’. Những người mắc chứng dị ứng hoặc không dung nạp lactose nên tránh ăn các loại phô mai “chưa chín’, bao gồm cả phô mai feta.

3. Phụ nữ mang thai không nên ăn phô mai feta

Vi khuẩn Listeria monocytogenes là mầm bệnh sống trong nước và đất, từ đó lây nhiễm sang cây trồng và động vật. Phụ nữ mang thai thường được khuyên nên tránh ăn các loại thực phẩm, cũng như các sản phẩm từ làm sữa chưa tiệt trùng chẳng hạn như phô mai feta, vì có nguy cơ bị nhiễm các vi khuẩn này.

Các cách để ăn phô mai feta

món salad có phô mai feta

Món ăn này có thể là một gợi ý tuyệt vời cho bữa ăn của bạn vì hương vị đầy hấp dẫn. Trên thực tế, người Hy Lạp luôn để một vài mẩu phô mai trên bàn ăn và mọi người có thể tự do biến tấu theo cách họ muốn.

Dưới đây là một vài gợi ý thú vị để thêm loại phô mai này vào thức ăn của bạn:

  • Với bánh mì: Xếp phô mai lên trên cùng, rắc muối, hạt tiêu cùng dầu ô liu rồi đem nướng
  • Với món salad: Rắc phô mai vụn vào món salad của bạn
  • Với trái cây: Trộn dưa hấu, phô mai cùng một chút lá bạc hà
  • Với khoai tây: Nướng phô mai cùng khoai tây nghiền để có món khai vị.

Phương Uyên/HELLO BACSI

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

The 9 Healthiest Types of Cheese https://www.healthline.com/nutrition/healthiest-cheese ngày truy cập 02.02.2020

Feta Cheese: Good or Bad? https://www.healthline.com/nutrition/feta-cheese-good-or-bad ngày truy cập 02.02.2020

Feta Cheese https://www.castellocheese.com/en-us/cheese-types/fresh-cheese/feta-cheese/ ngày truy cập 02.02.2020

Phiên bản hiện tại

12/05/2020

Tác giả: Trần Lê Phương Uyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

10 cách ăn phô mai lành mạnh tốt cho sức khỏe

10 lợi ích sức khỏe của phô mai xanh


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 12/05/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo