Cỏ lúa mì chứa nhiều chất dinh dưỡng giúp bạn cân bằng lượng cholesterol và đường huyết. Đây cũng là một loại nguyên liệu linh hoạt rất dễ thêm vào các loại nước ép bổ sung dưỡng chất để bạn khỏe hơn mỗi ngày.
Nước ép cỏ lúa mì dễ làm mà lại mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe như giúp kiểm soát cholesterol, làm chậm sự tiến triển của bệnh ung thư hay giảm viêm. Hãy cùng tìm hiểu thêm về tác dụng của cỏ lúa mì và công thức làm loại nước ép bổ dưỡng này ngay dưới đây nhé.
Tác dụng của cỏ lúa mì
Cỏ lúa mì giàu dinh dưỡng và có tác dụng giúp bạn kiểm soát lượng cholesterol rất tốt.
1. Cỏ lúa mì cung cấp chất dinh dưỡng
Cỏ lúa mì cung cấp nhiều vitamin và các khoáng chất khác nhau, đặc biệt là vitamin A, C, E, sắt, magie, canxi và các axit amin. Trong số 17 axit amin của cỏ lúa mì còn có tới 8 loại axit amin thiết yếu. Đây là những axit amin cơ thể không thể tự sản xuất mà bạn cần phải bổ sung từ các nguồn thực phẩm.
Cỏ lúa mì cũng chứa một số chất chống oxy hóa quan trọng như glutathione, vitamin C và vitamin E. Đây là các hợp chất có khả năng chống lại các gốc tự do để ngăn ngừa tổn thương tế bào và giảm quá trình stress oxy hóa. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chất chống oxy hóa có thể giúp bạn phòng tránh một số bệnh như bệnh tim, ung thư, viêm khớp và thoái hóa thần kinh.
2. Cỏ lúa mì giúp giảm cholesterol
Cholesterol có mặt khắp cơ thể để hỗ trợ quá trình tạo hormone và tiết mật. Tuy nhiên, lượng cholesterol trong máu quá cao có thể ngăn chặn lưu lượng máu và làm tăng nguy cơ bệnh tim. Tác dụng của cỏ lúa mì tương tự như atorvastatin, một loại thuốc kê toa thường được sử dụng để điều trị tình trạng cholesterol trong máu cao.
Một số nghiên cứu trên động vật đã phát hiện ra rằng cỏ lúa mì có thể giúp giảm mức cholesterol. Trong nghiên cứu, những con chuột có cholesterol cao được cho uống nước ép cỏ lúa mì đã giảm mức cholesterol toàn phần, cholesterol xấu LDL và triglyceride.
Một nghiên cứu khác đã cho những con thỏ ăn nhiều chất béo bổ sung cỏ lúa mì. Sau 10 tuần, những con thỏ này đã giảm được tổng lượng cholesterol và tăng lượng cholesterol HDL tốt.
3. Cỏ lúa mì giúp loại trừ tế bào ung thư
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng cỏ lúa mì có thể giúp tiêu diệt các tế bào ung thư nhờ có hàm lượng chất chống oxy hóa cao. Các nhà khoa học cũng tìm thấy rằng chiết xuất cỏ lúa mì có khả năng giảm sự phát triển của các tế bào ung thư miệng tới 41%.
Nhiều bằng chứng khoa học cũng cho thấy những người kết hợp nước ép cỏ lúa mì với các phương pháp điều trị ung thư truyền thống có thể giảm thiểu tác dụng phụ của những phương pháp này. Nước ép cỏ lúa mì nhiều khả năng có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc một biến chứng phổ biến của hóa trị liệu là suy giảm chức năng tủy xương ở một số bệnh nhân ung thư vú.
4. Cỏ lúa mì hỗ trợ điều chỉnh đường huyết
Chỉ số đường huyết cao có thể gây ra hàng loạt các triệu chứng như đau đầu, khát nước, đi tiểu thường xuyên và mệt mỏi. Về lâu dài, tình trạng này còn dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn như tổn thương thần kinh, nhiễm trùng da và các vấn đề về thị lực. Bạn có thể điều chỉnh mức đường huyết và tránh các triệu chứng trên bằng cách bổ sung cỏ lúa mì.
Các nhà khoa học đã cho những con chuột mắc bệnh tiểu đường bổ sung cỏ lúa mì. Kết quả cho thấy cơ thể của những con chuột này đã điều chỉnh mức độ các enzyme giúp giảm lượng đường trong máu.
5. Cỏ lúa mì có thể giúp giảm viêm
Tình trạng viêm mãn tính có thể góp phần dẫn đến các bệnh như ung thư, bệnh tim và các bệnh tự miễn. Một số nghiên cứu cho thấy rằng các thành phần trong cỏ lúa mì có thể giúp giảm viêm rất hiệu quả.
Các nhà khoa học đã thực hiện một nghiên cứu nhỏ ở 23 người để tìm hiểu tác dụng của nước ép cỏ lúa mì đối với bệnh viêm loét đại tràng. Những bệnh nhân uống khoảng 100ml nước ép lúa mì trong một tháng cho biết đã thuyên giảm bệnh tình và bớt bị chảy máu trực tràng.
Cỏ lúa mì cũng rất giàu chất diệp lục, một sắc tố thực vật có đặc tính chống viêm mạnh. Một nghiên cứu ống nghiệm cho thấy chất diệp lục ức chế hoạt động của một loại protein gây viêm.
6. Cỏ lúa mì hỗ trợ giảm cân
Cỏ lúa mì có chứa thylakoid làm tăng cảm giác no, từ đó hỗ trợ giảm cân. Một nghiên cứu cho thấy việc bổ sung chất thylakoids bên cạnh các bữa ăn nhiều carb sẽ giúp tăng cảm giác no hơn so với giả dược. Nghiên cứu trên chuột cũng cho thấy việc bổ sung thylakoid giúp tăng cảm giác no bằng cách làm chậm quá trình tiêu hóa và kích thích giải phóng hormone giảm cơn đói.
Chất thylakoid có mặt trong nhiều loại rau xanh như bắp cải hay cải chân vịt. Bạn hãy bổ sung thylakoid từ những loại rau này bên cạnh cỏ lúa mì để hỗ trợ giảm cân.
Cách làm nước ép cỏ lúa mì
Bạn có thể ép cỏ lúa mì cùng với nhiều loại trái cây khác để có ly nước ép thơm ngon và đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể.
1. Nước ép cỏ lúa mì và cam
Vị chua chua từ cam sẽ giúp ly nước ép cỏ lúa mì dễ uống hơn nhiều đấy.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 30g cỏ lúa mì tươi
- 1-2 quả cam lớn
- 1 quả táo
Cách thực hiện
– Làm sạch cỏ lúa mì và các nguyên liệu khác thật kỹ
– Cắt nguyên liệu thành từng miếng nhỏ sao cho dễ ép hoặc xay
– Bỏ tất cả các nguyên liệu vào máy ép trái cây hay vào máy xay sinh tố với ít nước
– Nếu bạn dùng máy xay sinh tố, hãy đổ hỗn hợp mình vừa xay qua rây để lọc bớt bã
– Cuối cùng, bạn đổ nước ép ra ly là có thể thưởng thức ngay.
2. Nước ép cỏ lúa mì và thơm
Ngoài dinh dưỡng từ cỏ lúa mì, bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích của quả thơm như tăng cường miễn dịch, trị cảm lạnh, bảo vệ sức khỏe răng miệng…
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 30g cỏ lúa mì tươi
- 3-4 lát thơm
- 1-2 miếng gừng
Cách thực hiện
– Làm sạch và cắt nhỏ tất cả các nguyên liệu để chuẩn bị ép hoặc xay
– Bỏ tất cả các nguyên liệu vào máy ép trái cây để ép lấy nước hoặc bạn cũng có thể dùng máy xay sinh tố để xay nguyên liệu với ít nước
– Nếu dùng máy xay sinh tố, bạn hãy lọc hỗn hợp xay được qua rây để loại bớt bã
– Bạn đổ nước ép ra ly và có thể thưởng thức ngay.
3. Nước ép cỏ lúa mì và việt quất
Nếu không có cỏ lúa mì tươi, bạn có thể tìm mua bột cỏ lúa mì để chế biến thành món nước ép thơm ngon như công thức dưới đây.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 225g rau chân vịt
- 240ml sữa hạnh nhân
- 1/2 quả chuối
- 50g việt quất
- 5g bột cỏ lúa mì
Cách thực hiện
– Rửa sạch rau chân vịt và việt quất
– Cho tất cả nguyên liệu trên vào máy xay sinh tố và xay mịn hoặc bạn có thể lọc qua dung dịch để loại bỏ bớt phần bã
– Bạn đổ hỗn hợp nước ép ra ly là có thể thưởng thức ngay.
Lưu ý khi dùng cỏ lúa mì
Cỏ lúa mì thường an toàn cho những người mắc bệnh Celiac hay còn gọi là bệnh không dung nạp gluten. Tuy nhiên, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng cỏ lúa mì nếu bị nhạy cảm với gluten. Ngoài ra, bạn cũng nên lựa những sản phẩm cỏ lúa mì đã có chứng nhận không chứa gluten để đảm bảo an toàn. Cỏ lúa mì cũng dễ bị hư nên bạn cần kiểm tra chất lượng sản phẩm thật kỹ trước khi ăn.
Một số người sẽ gặp các triệu chứng như buồn nôn, đau đầu hoặc tiêu chảy sau khi uống nước ép cỏ lúa mì hay dùng thực phẩm chức năng có cỏ lúa mì. Bạn cần giảm lượng cỏ lúa mì mình nạp vào nếu cũng gặp các triệu chứng trên. Nếu các triệu chứng khó chịu không hết, bạn hãy loại bỏ cỏ lúa mì khỏi chế độ ăn uống hoàn toàn và đến gặp bác sĩ.
Phụ nữ mang thai cần cân nhắc trước khi dùng cỏ lúa mì vì loại thực phẩm này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Nếu dùng không đúng cách, mẹ bầu sẽ dễ bị dị ứng, mất cân bằng dinh dưỡng hay thậm chí là sẩy thai.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Cỏ lúa mì: Phụ nữ mang thai cần cân nhắc khi sử dụng
Cỏ lúa mì chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể cũng như mang đến nhiều tác động tích cực cho sức khỏe. Đây cũng là một nguyên liệu chế biến nước ép rất dễ làm tại nhà. Bạn hãy thử thêm nước ép cỏ lúa mì vào thực đơn nước uống của mình để bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất cần thiết nhé.
[embed-health-tool-bmr]