backup og meta

Công dụng của cây kế sữa: Có thể bạn chưa biết

Công dụng của cây kế sữa: Có thể bạn chưa biết

Cây kế sữa là một loại thảo dược phổ biến. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ công dụng của loài thực vật này.

Cây kế sữa hay còn được biết đến qua tên gọi kế thánh, kế đức mẹ, cúc gai là một loại thực vật có hoa phổ biến thuộc họ cúc có tên khoa học là Silybum marianum.

Loài cây có gai này có hoa màu tím đặc trưng với những đường gân trắng. Các thành phần hoạt chất có trong kế sữa là một nhóm các hợp chất thực vật được gọi chung là silymarin.

Phương thuốc thảo dược của nó được gọi là chiết xuất cây kế sữa. Chiết xuất này có một lượng lớn silymarin, khoảng 65–80%, được cô đặc từ kế sữa.

Silymarin chiết xuất từ ​​cây kế sữa được biết đến nhờ đặc tính chống oxy hóa cao, kháng virus và chống viêm.

Trên thực tế, từ thời xa xưa, silymarin đã được các thầy thuốc sử dụng để điều trị rối loạn gan và túi mật, thúc đẩy sản xuất sữa mẹ, ngăn ngừa cũng như điều trị ung thư và thậm chí còn bảo vệ gan trước độc tố xâm nhập vào cơ thể, chẳng hạn như nọc rắn, cồn (bia, rượu) và các chất độc từ môi trường khác.

Cây kế sữa vốn mọc hoang ở vùng Ðịa Trung Hải. Tuy nhiên, kể từ khi y học phát hiện ra dược chất silymarin trong loại thực vật này có tác dụng chữa bệnh thì nó đã được trồng khắp nơi trên thế giới. Loại thực phẩm chức năng chứa chiết xuất cây kế sữa được sử dụng rộng rãi ở Mỹ và châu Âu. Chúng cũng đã sớm du nhập vào nhiều quốc gia ở châu Á, trong đó có Việt Nam.

Hello Bacsi sẽ giới thiệu bảy lợi ích của cây kế sữa mà có thể bạn chưa biết.

1. Cây kế sữa: hiệp sĩ bảo vệ gan

10 biến chứng xơ gan cảnh báo bạn đang gặp nguy hiểm

Cây kế sữa được biết đến nhiều nhất nhờ đặc tính bảo vệ gan.

Nó thường được sử dụng như một liệu pháp bổ sung cho những người bị tổn thương gan do các bệnh lý như xơ gan do rượu, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, viêm gan và thậm chí là ung thư gan.

Nó cũng được sử dụng để bảo vệ gan chống lại các độc tố như amatoxin, có nhiều trong nấm tử thần với khả năng gây tử vong cho người chẳng may ăn phải.

Các nghiên cứu đã phát hiện hoạt chất trong kế sữa cải thiện chức năng gan ở những người mắc bệnh gan, từ đó nó có thể giúp giảm viêm gan và tổn thương gan.

Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn về cơ chế hoạt động của chất silymarin để chính thức công bố rộng rãi, loại thảo dược này vẫn được tin tưởng với khả năng giảm tổn thương gan bởi các gốc tự do, được tạo ra khi gan chuyển hóa các chất độc hại.

Một nghiên cứu khác cũng cho thấy loại thảo dược này có thể kéo dài một chút tuổi thọ của những người bị xơ gan do rượu.

Tuy nhiên, theo kết quả từ nhiều cuộc nghiên cứu khác nhau, không phải lúc nào chiết xuất cây kế sữa cũng có ảnh hưởng tích cực đến chức năng gan. Do đó, các chuyên gia cần nhiều nghiên cứu sâu hơn để xác định liều lượng cũng như thời gian điều trị cần thiết cho mỗi tình trạng cụ thể của gan.

Bên cạnh đó, mặc dù hoạt chất silymarin từ kế sữa thường được sử dụng như một liệu pháp bổ sung cho những người mắc bệnh gan, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy chiết xuất cây kế sữa có tác dụng ngăn ngừa những bệnh lý liên quan đến gan, đặc biệt là khi lối sống của bạn không lành mạnh.

2. Ngăn ngừa sự suy giảm chức năng não liên quan đến tuổi tác

bộ não con người

Cây kế sữa đã được sử dụng như một phương thuốc truyền thống cho các tình trạng thần kinh như bệnh Alzheimer và bệnh Parkinson trong nhiều thập kỷ.

Nhờ đặc tính chống viêm và chống oxy hóa, nó có khả năng bảo vệ thần kinh, đồng thời hỗ trợ ngăn ngừa sự suy giảm chức năng não mà bạn gặp phải khi tuổi ngày một tăng.

Theo kết quả từ nhiều cuộc nghiên cứu tiến hành trên động vật, hoạt chất silymarin đã được chứng minh là có tác dụng ngăn ngừa tổn thương oxy hóa cho các tế bào não. Ngoài ra, nó còn có thể giúp ngăn ngừa suy giảm tinh thần.

Những nghiên cứu này cũng đã khám phá ra cây kế sữa có công dụng làm giảm số lượng mảng amyloid trong não của động vật mắc bệnh Alzheimer.

Các mảng amyloid là những cụm dính liền do protein amyloid tạo nên có thể tích tụ giữa các tế bào thần kinh khi bạn già đi. Chúng được tìm thấy với số lượng lớn trong não của những người mắc bệnh Alzheimer. Cây kế sữa có thể được sử dụng để hỗ trợ tình trạng khó khăn này.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có cuộc thử nghiệm lâm sàng nào tiến hành kiểm tra ảnh hưởng của cây kế sữa trên những người mắc bệnh Alzheimer hoặc các tình trạng thần kinh khác như chứng mất trí và bệnh Parkinson. Mặt khác, các chuyên gia cũng vẫn chưa xác định rõ chiết xuất cây kế sữa có thể được hấp thu đủ để phát huy công dụng của nó ở não người hay không. Ngoài ra, liều lượng chỉ định để tối ưu công dụng của hoạt chất silymarin vẫn là ẩn số.

3. Cây kế sữa có thể bảo vệ xương

Loãng xương là bệnh lý xảy ra khi xương ngày càng yếu và hàm lượng chất khoáng trong xương giảm dần theo thời gian. Điều này khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và gãy ngay cả khi chỉ chịu tác động nhẹ. Dấu hiệu thông thường là sụt cân và đau lưng. Loãng xương là nguyên nhân chính gây ra gãy xương ở phụ nữ sau mãn kinh và người già.

Cây kế sữa loãng xương

Cây kế sữa đã được chứng minh qua các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cũng như trên động vật để kích thích quá trình khoáng hóa xương (tăng nồng độ chất khoáng trong xương lên) và có khả năng bảo vệ chống mất xương.

Do đó, các nhà nghiên cứu cho rằng cây kế sữa có thể là một liệu pháp hữu ích để ngăn ngừa hoặc trì hoãn tình trạng mất xương ở phụ nữ mãn kinh (24, 25).

Tuy nhiên, vì hiện tại vẫn chưa được tiến hành nghiên cứu trên người, hiệu quả của chiết xuất cây kế sữa vẫn chưa rõ ràng.

4. Khả năng hỗ trợ quá trình điều trị ung thư

thảo dược kế sữa

Nhiều chuyên gia tin rằng tác dụng chống oxy hóa của silymarin có khả năng tạo nên một số ảnh hưởng tích cực đối với việc chống ung thư. Điều này sẽ hữu ích cho những người đang điều trị ung thư.

Một số nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng cây kế sữa có tiềm năng hữu ích trong việc giảm tác dụng phụ của phương pháp điều trị ung thư như hóa trị hay xạ trị.

Nó cũng có thể làm cho hóa trị hoạt động hiệu quả hơn đối với một số bệnh ung thư cụ thể và thậm chí có thể tiêu diệt hoàn toàn những tế bào đột biến trong vài trường hợp đặc biệt.

Tuy nhiên, cho đến nay, những nghiên cứu ở người về công dụng này của cây kế sữa vẫn còn rất hạn chế. Hiệu quả lâm sàng vẫn chưa chứng minh rõ. Điều này có thể là do cơ thể tình nguyện viên vẫn chưa hấp thụ đủ lượng chiết xuất từ cây kế sữa để nó phát huy tối đa công dụng trị bệnh của mình.

Do đó, các chuyên gia sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn trước khi có thể xác định silymarin có thể được sử dụng như thế nào để hỗ trợ những người đang điều trị ung thư.

5. Khả năng thúc đẩy tuyến sữa mẹ hoạt động tốt

Một tác dụng khác được báo cáo của cây kế sữa là nó có thể thúc đẩy tuyến sữa ở các mẹ đang cho con bú hoạt động tốt. Giả thiết về cơ chế hoạt động của nó là khả năng sản sinh nhiều hormone prolactin để tạo nên sữa mẹ.

Cây kế sữa sữa mẹ

Mặc dù dữ liệu về công dụng này vẫn còn rất hạn chế, nhưng một nghiên cứu ngẫu nhiên có kiểm soát gần đây cho thấy phụ nữ đang cho con bú dùng 420mg silymarin trong 63 ngày sẽ tiết ra sữa nhiều hơn 64% so với những người dùng giả dược.

Tuy nhiên, đây đồng thời cũng chỉ là nghiên cứu lâm sàng duy nhất có sẵn. Các nhà khoa học sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận kết quả này cũng như sự an toàn của kế sữa đối với những phụ nữ đang cho con bú.

6. Cây kế sữa có thể giúp điều trị mụn trứng cá

cô gái da đẹp

Mụn trứng cá là một biểu hiện rõ rệt của tình trạng viêm da mãn tính. Tuy không có bất kỳ mối đe dọa nào đến sức khỏe, nó lại gây tác động tiêu cực về mặt thẩm mỹ với nguy cơ cao gây ra sẹo. Thông thường, người bị mụn trứng cá sẽ cảm thấy đau nhức ở vùng da xuất hiện mụn và lo lắng hoặc thậm chí là stress vì ảnh hưởng của mụn đối với vẻ bề ngoại của họ.

Về mặt lý thuyết, chúng ta đều biết rằng mất cân bằng lượng oxy hóa (ứng kích oxy hóa) trong cơ thể đóng một vai trò nhất định trong sự hình thành cũng như phát triển của mụn trứng cá.

Nhờ tác dụng chống oxy hóa và chống viêm, cây kế sữa có thể được xem là một liệu pháp hữu ích cho những người bị mụn trứng cá.

Một nghiên cứu về da liễu gần đây cho thấy những người bị mụn trứng cá tiêu thụ 210g silymarin mỗi ngày trong vòng tám tuần đã giảm 53% các tổn thương do mụn. Tuy nhiên, vì đây mới chỉ là nghiên cứu duy nhất, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe da liễu cũng như chuyên viên thẩm mỹ cần nhiều nghiên cứu chất lượng cao hơn để xác nhận công dụng này của chiết xuất cây kế sữa.

7. Tác dụng làm giảm lượng đường trong máu cho người mắc bệnh đái tháo đường

đo đường huyết

Theo nhiều chuyên gia, cây kế sữa còn được cho là một liệu pháp bổ sung hữu ích nhằm hỗ trợ kiểm soát bệnh đái tháo đường tuýp 2.

Người ta đã phát hiện ra rằng một trong những hợp chất có trong cây kế sữa có khả năng hoạt động tương tự như một số loại thuốc điều trị đái tháo đường bằng cách hỗ trợ cải thiện độ nhạy insulin và giảm lượng đường trong máu.

Trên thực tế, một đánh giá và phân tích gần đây cho thấy những người thường xuyên sử dụng silymarin đã giảm lượng đường huyết đáng kể và HbA1c, một trong những chỉ số quan trọng giúp bác sĩ kiểm tra mức độ ổn định lượng đường trong máu.

Ngoài ra, các đặc tính chống oxy hóa và chống viêm của cây kế sữa cũng có thể hữu ích trong việc giảm nguy cơ phát triển các biến chứng của đái tháo đường như bệnh thận.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng lưu ý rằng chất lượng của các kết quả nghiên cứu vẫn chưa đủ độ tin cậy, vì vậy cần nhiều nghiên cứu hơn trước khi có thể công bố nó trước mọi người.

Sử dụng chiết xuất cây kế sữa có an toàn không?

Cây kế sữa đã được kiểm định an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu sử dụng một liều silymarin cao trong thời gian dài thì có khoảng 1% người gặp phải tác dụng phụ.

Cây kế sữa

Theo các chuyên gia ghi nhận, tác dụng phụ của cây kế sữa thường liên quan đến vấn đề rối loạn đường ruột (hệ tiêu hóa) như tiêu chảy, buồn nôn hoặc đầy hơi.

Một số nhóm người được khuyên nên thận trọng khi dùng cây kế sữa, bao gồm:

Phụ nữ mang thai

Chiết xuất cây kế sữa vẫn chưa được công nhận an toàn cho phụ nữ mang thai sử dụng. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị mẹ bầu không nên sử dụng loại thảo dược này.

Những người bị dị ứng với cây kế sữa

Cây kế sữa có thể gây ra phản ứng dị ứng ở những người bị dị ứng với họ thực vật Asteraceae (họ cúc) hay Compositae (họ hướng dương hay cúc tây).

Người đang bị bệnh đái tháo đường

Tuy có tác động tích cực đến bệnh đái tháo đường, cây kế sữa cũng có thể khiến người bệnh gặp nguy cơ lượng đường huyết trong máu hạ quá mức cho phép.

Những người đang trong tình trạng sức khỏe cá biệt

Cây kế sữa có thể ảnh hưởng đến estrogen, một loại nội tiết tố (hormone) quan trọng, làm xấu đi tình trạng nhạy cảm với hormone, bao gồm một số loại ung thư vú.

Tổng kết

lợi ích của cây kế sữa

Chiết xuất cây kế sữa là một hoạt chất an toàn chứng tỏ tiềm năng hoạt động như một liệu pháp bổ sung cho các tình trạng khác nhau, bao gồm bệnh gan, ung thư và đái tháo đường.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu về tác dụng của hoạt chất silymarin như trên vẫn chưa đủ để công bố trước giới khoa học do phạm vi nhỏ cũng như còn nhiều sai sót về phương pháp, gây khó khăn cho việc đưa ra hướng dẫn chắc chắn về bổ sung này cũng như xác nhận tác dụng của nó.

Nhìn chung, chúng ta vẫn cần nhiều nghiên cứu chất lượng cao hơn để xác định liều lượng và tác dụng lâm sàng của loại thảo dược đầy tiềm năng này.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

7 Science-Based Benefits of Milk Thistle. https://www.healthline.com/nutrition/milk-thistle-benefits. Ngày truy cập 31/01/2019.

Milk Thistle: Benefits and Side Effects. https://www.webmd.com/digestive-disorders/milk-thistle-benefits-and-side-effects#1. Ngày truy cập 31/01/2019.

What are the benefits of milk thistle? https://www.medicalnewstoday.com/articles/320362.php. Ngày truy cập 31/01/2019.

Phiên bản hiện tại

06/03/2020

Tác giả: Ngọc Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Diệu Thu


Bài viết liên quan

Bạn sẽ ra sao nếu sử dụng bột quế quá nhiều?

Bạn đã biết rõ về công dụng của trà bồ công anh chưa?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 06/03/2020

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo