backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Cà phê có tốt cho trí não của bạn?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 23/11/2018

    Cà phê có tốt cho trí não của bạn?

    Thói quen uống cà phê vào mỗi buổi sáng có thể thấy ở bất kỳ đâu, đặc biệt là những nơi học tập và làm việc. Vậy cà phê có tốt cho trí não như nhiều người thích uống cà phê vẫn nghĩ không?

    Cà phê là thức uống phổ biến rộng rãi trên thế giới. Các nhà khoa học hiện nay đã chứng minh rằng uống cà phê có thể có lợi cho hoạt động não bộ của bạn, giúp cải thiện mệt mỏi và tăng khả năng tập trung. Trong thực tế, cà phê là thức uống chính chống oxy hóa trong chế độ ăn uống phương Tây.

    Vậy cà phê có tốt cho trí não bạn không? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu bằng những thông tin dưới đây nhé.

    Các thành phần của cà phê

    Cà phê là một thức uống lành mạnh, chứa hàng trăm hợp chất có tính chống oxy hóa, chống lại các tác hại do các gốc tự do gây ra trong các tế bào của bạn. Những thành phần hoạt chất quan trọng nhất của cà phê bao gồm:

    Caffeine: Là thành phần hoạt chất chính trong cà phê, caffeine kích thích hệ thần kinh trung ương. Đây là chất tác động đến hệ thần kinh được tiêu thụ phổ biến nhất trên toàn thế giới.

    Axit chlorogenic (CGAs):một chất chống oxy hóa trong cà phê giúp làm chậm việc hấp thụ đường trong ruột. Điều này giúp hạn chế và giảm được nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 ở những người thường xuyên uống cà phê.

    Cafestol và kahweol:những hợp chất được tìm thấy nhiều nhất trong dầu cà phê. Chúng có thể tốt cho gan và bảo vệ chống lại ung thư, nhưng lại làm tăng cholesterol xấu LDL trong máu.

    Trigonelline: Trigonelline trong hạt cà phê có nhiệm vụ tạo hương vị trong quá trình rang. Ở nhiệt độ cao trên 160ºC, trigonelline phản ứng tạo thành khí CO2, nước và phức hợp các chất tạo mùi và hương vị ngọt ngào cho các sản phẩm cà phê rang.

    Những lợi ích của cà phê đối với trí não

    cà phê có tốt cho trí não

    Caffeine ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương theo nhiều cách khác nhau, các hiệu ứng chủ yếu từ cách caffeine tác động với adenosine trong não. Khi caffeine vào trong cơ thể, nó cạnh tranh với adenosine để gắn kết với các thụ thể của tế bào thần kinh, thúc đẩy kích thích hệ thống thần kinh trung ương để bạn cảm thấy tỉnh táo hơn.

    1. Caffeine giúp suy nghĩ nhạy bén hơn

    Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng caffeine có thể làm tăng chức năng não trong thời gian ngắn. Điều này chủ yếu nhờ vào caffeine có khả năng cạnh tranh adenosine gắn kết với các thụ thể của tế bào thần kinh, giúp bạn tỉnh táo và suy nghĩ nhạy bén hơn.

    Ngoài ra, caffeine cũng kích thích hệ thống thần kinh trung ương bằng cách thúc đẩy giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh khác, bao gồm noradrenaline, dopamine và serotonin giúp cải thiện tâm trạng, thời gian phản ứng, học tập và tập trung hiệu quả.

    2. Cà phê giúp cải thiện trí nhớ

    Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng cà phê có thể giúp bạn tăng cường trí nhớ ngắn hạn. Tuy nhiên, lại có báo cáo khác cho rằng caffeine không ảnh hưởng đến trí nhớ hoặc thậm chí còn làm giảm hiệu suất bộ nhớ.

    Về tác dụng của caffeine đối với trí nhớ dài hạn, các nhà nghiên cứu vẫn còn đang tìm hiểu. Tuy nhiên, một nghiên cứu nhỏ cho thấy rằng caffeine có thể cải thiện trí nhớ lâu dài khi được dùng sau khi học.

    Thử nghiệm cho thấy một số người sử dụng một viên thuốc caffeine sau khi học một loạt các hình ảnh giúp khả năng nhận biết những hình ảnh này sau 24 giờ được tăng lên. Từ đó, kết luận rằng caffeine có trong cà phê có thể giúp tăng cường một số ký ức nhất định trong vòng ít nhất một ngày sau khi các ký ức này được hình thành.

    3. Cà phê giúp xua tan mệt mỏi

    Lý do chính khiến mọi người thường uống cà phê là cà phê giúp họ cảm thấy tràn đầy năng lượng và tỉnh táo hơn. Nghiên cứu cho thấy caffeine có khả năng ức chế cảm giác mệt mỏi, tuy nhiên, việc tăng năng lượng chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định.

    Bạn cần lưu ý không tiêu thụ một lượng lớn caffeine vào buổi chiều muộn hoặc buổi tối, vì nó có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn vào ban đêm. Việc làm giảm chất lượng giấc ngủ của bạn khiến cà phê có tác dụng ngược và làm giảm chức năng não tổng thể của bạn.

    Mọi người thường sử dụng cà phê để chống mệt mỏi và giúp tỉnh táo. Tuy nhiên, khi sử dụng cà phê vào cuối ngày, nó có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ của bạn và làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi hơn.

    4. Cà phê giúp giảm nguy cơ Alzheimer

    Bệnh Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất gây mất trí nhớ trên toàn thế giới. Đây là bệnh thường bắt đầu chậm nhưng trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Bệnh Alzheimer gây mất trí nhớ và các vấn đề về suy nghĩ và hành vi.

    Điều thú vị là các yếu tố liên quan đến chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer và các dạng chứng mất trí khác. Các nghiên cứu quan sát đã cho thấy ở người tiêu thụ cà phê thường xuyên với mức độ vừa phải có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer thấp hơn tới 65%.

    Việc tiêu thụ cà phê thường xuyên với mức độ vừa phải có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, cần có các nghiên cứu chất lượng cao hơn để xác nhận được những phát hiện này.

    5. Cà phê giúp ngăn ngừa Parkinson

    cà phê có tốt cho trí não

    Bệnh Parkinson là một rối loạn cấp cao của hệ thần kinh có ảnh hưởng đến vận động, do các tế bào thần kinh nhất định (neuron) trong não chết dần làm giảm sản xuất chất hóa học trong não của bạn được gọi là dopamine. Nồng độ dopamine giảm gây ảnh hưởng đến tình trạng cử động, thăng bằng và kiểm soát cơ của người bệnh.

    Các nghiên cứu chỉ ra rằng cà phê có thể giúp ngăn ngừa căn bệnh này. Ở những người uống 3 tách cà phê mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh Parkinson thấp hơn 29%. Caffeine trong cà phê dường như là thành phần hoạt chất cho các tác dụng bảo vệ này, tuy nhiên cơ chế tác động chưa được làm rõ.

    Phó giáo sư Khoa Thần kinh tại Đại học McGill, Ronald Postuma, trưởng nhóm nghiên cứu nói: “Caffeine có thể chữa được bệnh Parkinson. Chúng tôi đã thấy khả năng tiềm ẩn của nó trong việc cải thiện các triệu chứng vận động. Bệnh nhân cảm thấy khỏe mạnh, tỉnh táo hơn”.

    Cách uống cà phê tốt cho trí não

    cà phê có tốt cho trí não

    Khi bạn tiêu thụ cà phê ở mức vừa phải, cà phê có thể sẽ tốt cho não của bạn. Trong thời gian ngắn hạn, cà phê có thể cải thiện tâm trạng, tập trung, học tập và thời gian phản ứng của bạn. Sử dụng cà phê lâu dài có thể giúp bạn bảo vệ chống lại các bệnh về não như Alzheimer và Parkinson.

    Tuy nhiên, khi bạn dùng cà phê quá nhiều, bạn có thể gặp phải những tình trạng như lo lắng, run rẩy, tim đập nhanh và các vấn đề về giấc ngủ.

    Đối với những người mới bắt đầu uống cà phê, bạn nên bắt đầu một ly cà phê một ngày để nhận được những lợi ích như kích thích sự tỉnh táo, hoạt động trí óc, hiệu quả làm việc, hỗ trợ tim mạch…

    Bạn nên sử dụng loại cà phê nguyên chất và uống vào khoảng 10 giờ sáng và 3 giờ chiều, khi đó cơ thể bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, cần sử dụng cà phê. Một ngày bạn không nên dùng quá 300mg caffeine. Nếu 1 ly cà phê chứa khoảng 60 đến 125mg caffeine thì lượng tách cà phê tối đa mỗi ngày bạn có thể dùng là 3–4 ly.

    Lợi ích của cà phê đối với trí não chỉ tốt khi bạn uống với liều lượng vừa phải, bạn hãy sử dụng chúng một cách điều độ và hợp lý để nhận được những công dụng mà cà phê mang lại nhé!

    Hoàng Trí HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 23/11/2018

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo