Bạn cần lưu ý về liều lượng bột quế sử dụng hàng ngày để tránh trường hợp gặp phải những tác dụng phụ không đáng có.
Bột quế là một loại gia vị làm từ vỏ bên trong của các cây thuộc chi Cinnamomum, một chi thực vật thường xanh thuộc họ Nguyệt quế. Bột quế được dùng từ rất lâu nhờ lợi ích sức khỏe ấn tượng, bao gồm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, ung thư và các bệnh lý về tim mạch.
Hai loại quế chính gồm:
- Cassia: đây là loại quế thông thường, được nhiều người sử dụng nhất.
- Ceylon (quế quan hay quế Tích Lan): được xem là “quế thực sự’, thường có mùi vị nhẹ và ít đắng hơn.
Cassia thường có trong các siêu thị, vì giá thành của nó rẻ hơn nhiều so với Ceylon.
Mặc dù quế Cassia đã được kiểm định là an toàn cho người tiêu dùng, nhưng sử dụng một lượng lớn bột quế có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Nguyên nhân là do quế Cassia chứa một lượng lớn hợp chất coumarin, tác nhân gây hại cho gan cũng như tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư nếu cơ thể tích trữ quá nhiều.
Mặt khác, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng bột quế Cassia có mối liên hệ với nhiều tác dụng phụ khác.
Sau đây, Hello Bacsi sẽ giúp bạn tìm hiểu một số tác dụng phụ có khả năng xảy ra nếu bạn sử dụng quá nhiều bột quế Cassia.
1. Nguy cơ gây tổn thương gan
Cassia hay quế thông thường là một nguồn coumarin phong phú. Với mỗi muống cà phê (2g) bột quế Cassia, nó chứa khoảng 5mg coumarin trong khi số lượng này nếu so với quế Ceylon thì rất ít, không đáng kể.
Giới hạn coumarin hàng ngày bạn có thể hấp thụ được khuyến nghị vào khoảng 0,1mg/kg đối với trọng lượng cơ thể hoặc cụ thể hơn là 5mg mỗi ngày cho một người nặng 60kg. Điều này có nghĩa bạn có thể dùng quá giới hạn mỗi ngày với 1/2–1 muỗng cà phê bột quế Cassia.
Theo các chuyên gia, hàm lượng coumarin trong cơ thể quá cao sẽ trở thành độc tố gây tổn thương cho gan.
2. Gia tăng nguy cơ ung thư
Bên cạnh gây tổn thương cho gan, việc hấp thụ một lượng lớn coumarin còn có thể làm tăng nguy cơ khiến bạn mắc phải một số bệnh ung thư.
Ví dụ như, các nghiên cứu trên động vật gặm nhấm đã phát hiện ra rằng ăn quá nhiều coumarin có thể khiến khối u ác tính phát triển ở những cơ quan nội tạng quan trọng như phổi, gan và thận.
Tính đến thời điểm hiện tại, cơ chế hoạt động của coumarin gây đột biến tế bào vẫn chưa được xác định rõ.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học tin rằng coumarin có thể lặp đi lặp lại quá trình tổn thương ở một số cơ quan. Theo thời gian, những thương tổn đó sẽ giết chết toàn bộ tế bào khỏe mạnh và thay thế chúng bằng khối u có khả năng phát triển thành ung thư.
Tuy nhiên, giả thiết này chỉ mới được nghiên cứu trên động vật và cần thêm nhiều nghiên cứu trên con người để xác nhận liệu có mối liên kết tương tự giữa coumarin và ung thư ở người hay không.
3. Đặc tính gây lở loét miệng
Một số người bị loét miệng do sử dụng quá nhiều bột quế.
Bột quế chứa cinnamaldehyde, một hoạt chất có khả năng gây dị ứng ở miệng nếu bạn ăn quá nhiều. Một lượng nhỏ gia vị này lại không gây ra phản ứng tiêu cực như vậy vì nước bọt đã ngăn không cho chúng tiếp xúc với miệng quá lâu.
Ngoài lở loét miệng, các triệu chứng khác của dị ứng cinnamaldehyde bao gồm sưng lưỡi hoặc nướu, cảm giác nóng rát hoặc ngứa trong khoang miệng và xuất hiện của các mảng trắng. Mặc dù các triệu chứng này không nghiêm trọng nhưng chúng lại gây khó chịu vô cùng.
Tuy nhiên, điều quan trọng là cinnamaldehyde chỉ gây lở loét miệng nếu cơ thể bạn dị ứng với nó. Bạn có thể được kiểm tra bằng các xét nghiệm dị ứng.
4. Hạ lượng đường trong máu
Lượng đường huyết thường xuyên cao là tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Nếu không được điều trị kịp thời, nó có nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như tiểu đường, bệnh tim mạch hay các vấn đề sức khỏe khác.
Quế được biết đến với đặc tính hạ đường huyết. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng loại gia vị này có thể mô phỏng tác dụng của insulin. Tuy vậy, sử dụng bột quế quá nhiều sẽ khiến lượng đường trong máu quá thấp, gây ra các triệu chứng hạ đường huyết bao gồm mệt mỏi, chóng mặt và có khả năng ngất xỉu.
5. Những vấn đề hô hấp
Ăn quá nhiều bột quế trong một lần có nguy cơ gây khó thở. Điều này là do ở dạng bột mịn, loại gia vị này có kết cấu thuận lợi cho việc dễ dàng hít vào. Nếu bạn vô tình hít vào bột quế, nó có thể gây ho, nôn hay thậm chí khiến bạn hô hấp khó khăn.
Ngoài ra, cinnamaldehyde trong quế là chất gây kích thích cổ họng. Trong trường hợp này, nó sẽ khiến tình trạng của bạn tệ hơn.
Những người mắc bệnh hen suyễn hoặc các tình trạng sức khỏe khác ảnh hưởng đến hơi thở cần đặc biệt cẩn thận khi vô tình hít phải quế.
6. Khả năng tương tác với một số loại thuốc
Bột quế an toàn nếu sử dụng với một lượng ít hoặc vừa phải, kể cả khi dùng chung với thuốc.
Tuy nhiên, dùng quá nhiều bột quế sẽ là một vấn đề lớn, đặc biệt khi bạn đang phải uống các loại thuốc điều trị tiểu đường, bệnh tim hoặc bệnh gan. Quế có khả năng tương tác với các loại thuốc này và tăng cường hoạt động của chúng. Đồng thời, nó cũng tăng cường tác dụng phụ mà các loại thuốc trên mang đến.
Chẳng hạn như, bột quế Cassia chứa một lượng lớn coumarin có thể gây độc tính và tổn thương gan khi nồng độ của nó trong cơ thể quá cao. Nếu bạn đang dùng các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến gan, như paracetamol, acetaminophen và statin, quá nhiều quế có thể làm tăng nguy cơ tổn thương gan.
Ngoài ra, quế còn có khả năng giảm lượng đường huyết. Do đó, dùng nó chung với thuốc trị tiểu đường có nguy cơ khiến lượng đường trong máu giảm quá thấp.
Tổng kết
Bột quế là một loại gia vị thơm ngon và mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều gia vị này sẽ gặp phải một số tác dụng phụ. Nguyên nhân chủ yếu là do hàm lượng lớn coumarin trong bột quế Cassia có liên quan đến những tình trạng sức khỏe như tổn thương gan và ung thư.
Mặt khác, quế Ceylon chỉ chứa một lượng rất nhỏ coumarin. Nó có thể được tiêu thụ một cách an toàn với số lượng lớn. Tuy vậy, bột quế Ceylon lại không phổ biến như bột quế Cassia do giá thành đắt đỏ.
[embed-health-tool-bmr]