Tinh dầu thông đỏ là loại tinh dầu thiên nhiên thường được dùng để chăm sóc da, thư giãn tinh thần, hoặc hỗ trợ điều trị bệnh lý. Tuy vậy, không phải đối tượng nào cũng phù hợp sử dụng tinh dầu thông đỏ vì có thể gặp phải các rủi ro tiềm ẩn. Vậy những ai không nên uống tinh dầu thông đỏ?
Hello Bacsi mời bạn đọc tiếp bài viết để tìm hiểu những ai không nên uống tinh dầu thông đỏ, tác dụng của tinh dầu thông đỏ và những thông tin liên quan.
Tinh dầu thông đỏ là gì?
Cây thông đỏ có tên khoa học là Taxus wallichiana, xuất xứ từ Bắc Mỹ và được tìm thấy ở một số vùng núi cao Việt Nam như: Đức Dương, Đơn Dương, Lạc Dương và thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Tinh dầu thông đỏ được chiết xuất từ lá của cây thông đỏ – một loại cây quý. Một số đặc tính nổi bật của tinh dầu thông đỏ bao gồm:
- Đặc tính chống oxy hóa, kháng viêm
- Kích thích sản sinh tế bào mới cho vết thương nhanh lành
- Có khả năng kháng khuẩn, kháng nấm hiệu quả
- Có tiềm năng ngăn ngừa các tế bào ung thư.
Mặc dù tinh dầu thông đỏ có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, nhưng không phải ai cũng nên sử dụng tinh dầu thông đỏ. Hơn nữa, người dùng được cũng cần chú ý đến liều lượng để tránh các tác dụng phụ không mong muốn. Dưới đây là thông tin giúp giải đáp câu hỏi những ai không nên uống tinh dầu thông đỏ?
Những ai không nên uống tinh dầu thông đỏ?
1. Người mắc bệnh tim mạch, huyết áp
Cây thông đỏ chứa các thành phần độc tố như các loại taxane khác nhau. Trong khi đó, bản chất của chúng là các alkaloid có hại, thậm chí có thể gây chết người.
Theo các chuyên gia, taxane xuất hiện nhiều nhất trong lá và vỏ cây thông đỏ, khi vào cơ thể sẽ có tiềm ẩn tác động lên tim mạch, thần kinh gây ra các triệu chứng như:
- Đau cơ và cứng khớp
- Phát ban tại chỗ
- Buồn nôn và nôn
- Giảm tiểu cầu
- Thiếu máu
- Làm huyết áp thấp, nhịp tim chậm, ảnh hưởng đến não bộ và các cơ quan khác.
Nếu để các độc tố từ lá thông đỏ ảnh hưởng đến hệ thần kinh sẽ rất nguy hiểm, gây ra hiện tượng co giật, run người, thậm chí là bất tỉnh và tử vong. Do đó, người mắc các bệnh lý về tim mạch và huyết áp là đối tượng đầu tiên trong danh sách những ai không nên uống tinh dầu thông đỏ.
2. Người bị thiếu máu không nên uống tinh dầu thông đỏ
Như đã đề cập, taxane trong tinh dầu thông có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn máu, làm giảm số lượng bạch cầu, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Mặc dù vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để chứng minh cho điều này nhưng để đảm bảo an toàn sức khỏe, người bị thiếu máu nên tránh sử dụng tinh dầu thông đỏ.
3. Trẻ em dưới 6 tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú
Những ai không nên uống tinh dầu thông đỏ? Hiện chưa có báo cáo, nghiên cứu về độ an toàn khi sử dụng tinh dầu thông đỏ cho trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé, bạn không nên sử dụng sản phẩm này cho những đối tượng trên.
4. Người đang sử dụng các thực phẩm chức năng và điều trị bệnh lý
Mặc dù tinh dầu thông đỏ có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh, nhưng hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ về hiệu quả của loại tinh dầu này trong điều trị ung thư hay thay thế các liệu trình điều trị bệnh khác. Vì thế, nếu đang trong quá trình điều trị bệnh, khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ, bạn tuyệt đối không nên tự ý sử dụng tinh dầu thông đỏ. Điều này nhằm tránh việc dầu thông đỏ làm giảm hiệu quả thuốc điều trị bệnh.
Hơn nữa, bạn cũng không nên sử dụng chung tinh dầu thông đỏ với thực phẩm chức năng khác để tránh các phản ứng giữa các thành phần với nhau.
5. Người có phản ứng, dị ứng với dầu thông đỏ
Những người nhạy cảm hay có tiền sử dị ứng với tinh dầu thông đỏ không nên sử dụng để tránh các phản ứng gây khó chịu. Những người đang sử dụng liên tục theo đúng liệu trình, nếu có bất kỳ phản ứng mẫn cảm, kích thích nào cũng nên ngưng dùng ngay lập tức.
4 tác dụng của tinh dầu thông đỏ
Uống tinh dầu thông đỏ có tốt không? Nếu được dùng đúng cách, đúng đối tượng, tinh dầu thông đỏ có thể mang lại một số lợi ích sức khỏe, bao gồm:
1. Có tiềm năng chống ung thư
Một số nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng cho thấy thành phần taxol trong thông đỏ có tác dụng trong việc chống ung thư, làm chậm sự phát triển của nhiều tế bào ung thư như ung thư gan, ruột kết, buồng trứng và vú.
Tuy nhiên, do quy trình bào chế và sản xuất chưa đảm bảo trong lúc nghiên cứu nên vẫn còn nhiều hạn chế, kết quả cần được cân nhắc và nghiên cứu thêm.
2. Chống oxy hóa và làm đẹp da
Tinh dầu thông đỏ chứa các hợp chất chống oxy mạnh, có khả năng trung hòa các gốc tự do. Từ đó, nó được sử dụng để chăm sóc da, làm chậm quá trình lão hóa.
3. Tăng cường hệ miễn dịch
Chính nhờ đặc tính chống oxy hóa cao, tinh dầu thông đỏ có lợi cho cơ thể về mặt tăng cường miễn dịch, phòng ngừa các bệnh cảm cúm, hỗ trợ sức đề kháng cho người bệnh đang điều trị ung thư bằng hóa trị, xạ trị.
4. Kháng khuẩn, kháng nấm
Chất chiết xuất từ các taxus trong thông đỏ là có hoạt tính kháng khuẩn và kháng nấm. Đồng thời, taxol trong thông đỏ cũng có hoạt tính sinh học có tác dụng kháng khuẩn. Cuối cùng, hoạt chất nhóm polyphenol trong tinh dầu thông đỏ có tác dụng tích cực trong việc khử trùng, chống oxy hóa, và chống viêm cao.
Cách sử dụng tinh dầu thông đỏ hiệu quả
Ngoài câu hỏi những ai không nên uống tinh dầu thông đỏ, bạn cũng cần tìm hiểu cách sử dụng tinh dầu này để có thể tận dụng những lợi ích mà nó mang lại.
Thoa tinh dầu lên da
Tận dụng đặc tính chống oxy hóa, bạn có thể bôi tinh dầu thông đỏ lên da bằng cách pha loãng với nước hoặc với tinh dầu khác. Tuy nhiên, bạn nên thử trên vùng da trên tay trước để kiểm tra phản ứng dị ứng trước khi áp dụng lên da mặt.
Uống viên nang
Hiện nay, tinh dầu thông đỏ còn được bào chế dưới dạng viên nang, bạn có thể uống sau khi ăn 30 phút, trong vòng 3-6 tháng. Song bạn vẫn cần hỏi ý kiến bác sĩ khi uống loại viên nang này để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Ngoài ra, bạn hãy đảm bảo mua sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có kiểm định của cơ quan chức năng, tránh hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Hy vọng bạn đọc đã được giải đáp những ai không nên uống tinh dầu thông đỏ. Thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định sử dụng tinh dầu thông đỏ để đảm bảo không gặp phải các rủi ro có thể xảy ra cho sức khỏe.
[embed-health-tool-bmr]