backup og meta

Nhịn ăn thanh lọc cơ thể: Nguy hại khó lường!

Nhịn ăn thanh lọc cơ thể: Nguy hại khó lường!

Thanh lọc cơ thể là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, bên cạnh những cách thanh lọc khoa học bằng chế độ ăn uống nhẹ nhàng, có những người còn cách nhịn ăn nhịn uống hoàn hoàn để “làm sạch cơ thể”. Điều nay đang là mối đe dọa lớn đến sức khỏe của người nhịn ăn. 

“Nhịn ướt”, “nhịn khô” là tên gọi của hai trào lưu nhịn ăn thanh lọc cơ thể đang được không ít người theo đuổi. Với nhịn ướt, bạn sẽ bỏ hẳn thức ăn trong một vài ngày hoặc lâu hơn và vẫn uống các loại nước không chứa calo. Trong khi đó, để nhịn khô, bạn sẽ nhịn ăn và nhịn cả uống tất cả các loại nước trong nhiều ngày liên tục. Thực hiện phương pháp này, cơ thể chỉ hoạt động ở mức ít tiêu hao năng lượng nhất có thể, do đó không phù hợp với những ai đang cần làm việc.

Trong khi chưa có những bằng chứng và lập luận rõ ràng, khoa học về cơ chế và hiệu quả của việc nhịn ăn, nhịn uống dài ngày này, những tác động tiêu cực lên cơ thể lại khá rõ ràng.

Tác hại của nhịn ăn dài ngày, hay “nhịn ướt”

nhịn ăn dài ngày và tác hại

Ngoài mục đích nhịn ăn giảm cân, phương pháp này được tin là cho cơ thể có dịp sử dụng hết năng lượng tích trữ lâu ngày dưới dạng đường, mỡ máu, năng lượng dự trữ trong mô mỡ. Phương pháp này cũng được cho là sẽ thúc đẩy hệ tiêu hóa tăng cường đào thải độc tố, thanh lọc cơ thể một cách toàn diện, triệt để.

Tuy nhiên, phương pháp nhịn ăn “ướt” quên rằng những quá trình này luôn diễn ra đồng thời và linh hoạt trong một cơ thể khỏe mạnh. Chỉ khi bỏ đói cơ thể đến mức độ cực đoan, những cơ chế tự điều hòa trên mới trở thành giải pháp tình thế bất đắc dĩ để cơ thể sống sót vượt qua.

Theo bác sĩ Maureen Gallagher, chuyên gia dinh dưỡng cấp cao của Tổ chức Hành động Đẩy lùi Nạn đói Toàn cầu (Action Against Hunger), cơ thể sẽ bắt đầu “ăn chính mình” khi bị bỏ đói nhiều ngày. Khi carbonhydrate và chất béo từ thức ăn và nguồn dự trữ không còn nữa, tế bào sẽ ăn protein của chính mình.

Khi tế bào phải dùng đến kho dự trữ của mình cho nhu cầu tồn tại cơ bản, các cơ quan thiết yếu như tim, phổi, buồng trứng, tinh hoàn… sẽ không được cung cấp chất dinh dưỡng nữa. Tự thực bào (tế bào tự ăn chính mình) không loại trừ tế bào cơ tim và tế bào não. Các cơ quan này đều sẽ teo nhỏ lại. Ở giai đoạn muộn của sự bỏ đói, cơ thể run tẩy, yếu ớt, nảy sinh ảo giác, thân nhiệt hạ, rối loạn nhịp tim.

Việc nhịn ăn giảm cân và thanh lọc cơ thể này sẽ khiến những người vốn gầy ốm dễ loãng xương, gãy xương và suy giảm miễn dịch – theo bác sĩ dinh dưỡng Kathy McManus, Giám đốc Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Brigham and Women, hoạt động dưới sự liên kết với Đại học Harvard.

Tác hại của nhịn ăn và nhịn uống nước dài ngày, hay “nhịn khô”

Cơ thể chúng ta thường xuyên mất nước. Nước tiểu chính là sản phẩm bài tiết của việc thận lọc máu không ngừng. Mọi tế bào trong cơ thể cũng luôn đốt cháy năng lượng để hoạt động và giữ thân nhiệt ổn định ở mức khoảng 37 độ C, quá trình này tạo ra khí CO2 và hơi nước khi chúng ta thở ra. Thanh lọc cơ thể bằng cách nhịn ăn, nhịn uống hoàn toàn (còn gọi là nhịn khô) sẽ gây ra những hậu quả sau cho cơ thể:

  • Sốc vì giảm thể tích máu đáng kể: nước là thành phần chính rất quan trọng của máu. Nhịn uống nước sẽ khiến máu đặc lại, hạ huyết áp và ngạt oxy cho mọi tế bào.
  • Ngất xỉu: thiếu nước nặng luôn đi kèm mất cân bằng điện giải. Trong khi đó, chất điện giải là những chất đóng vai trò liên lạc giữa các tế bào. Mất cân bằng các chất điện giải khiến thông tin truyền đi bị rối loạn, có thể dẫn đến co cơ mất kiểm soát và thậm chí mất ý thức.
  • Tổn thương thận và hệ bài tiết: cơ thể bị thiếu nước thường xuyên hoặc kéo dài khiến hệ bài tiết có nguy cơ nhiễm trùng, hình thành sỏi thận và thậm chí dẫn đến suy thận.
  • Tổn thương vì nhiệt: một số người “nhịn khô” còn vận động cho cơ thể toát nhiều mô hôi để nhanh “giải độc”, dẫn đến chuột rút, cơ thể bị lạnh vì mất nhiệt, thậm chí sốc nhiệt đe dọa tính mạng.

Cơ thể đã có sẵn cơ chế tự thải độc, chỉ cần chúng ta chăm sóc bản thân đúng cách

nhịn ăn có giúp thanh lọc cơ thể không

Nhu cầu giải độc cơ thể sinh ra khi hằng ngày chúng ta đưa vào cơ thể mình nhiều loại thức ăn không lành mạnh hoặc các tác nhân gây hại từ môi trường. Điều này gây cảm giác căng tức, mệt mỏi, ì ạch cho hệ tiêu hóa. Sự thật là, để tồn tại, cơ thể không thể chờ những dịp được chúng ta giải độc. Hệ thống tự thanh lọc của cơ thể bao gồm gan, dạ dày, ruột, và thận. Công việc cơ bản của chúng chính là xử lý những thứ chúng ta ăn và uống vào để lọc và loại bỏ đi những gì chúng ta không tiếp nhận được và không cần đến.

Theo bác sĩ nội khoa Tom Hopkins, Trung tâm Y học Sutter, Sacramento, Mỹ: “Không một tác động bên ngoài nào của chúng ta tốt hơn được những gì cơ thể vốn đang thực hiện. Nhịn ăn lâu hơn hai ngày đã có thể khiến cơ thể thiếu đi những vitamin, khoáng chất và chất điện giải mà gan cần để xử lý những chất có khả năng gây ung thư”.

Cho đến nay, chưa có một phương pháp nhịn ăn giảm cân hay thanh lọc cơ thể nào thực sự mang lại hiệu quả gì khác ngoài việc giảm cân và các cải thiện gián tiếp nhờ vào giảm đi cân nặng dư thừa.

Kết luận

Điểm mấu chốt nên nhắm đến để khỏe mạnh là áp dụng lối sống, chế độ ăn lành mạnh và bền vững. Ngay cả những phương pháp nhịn ăn gián đoạn ngắn ngày cũng không mang lại tác động hữu ích nếu cơ thể chúng ta phải mang cảm giác chịu đựng.

Trào lưu nhịn ăn, nhịn uống dài ngày mà nhiều người đang thực hiện rất nguy hiểm bởi nó làm tăng nguy cơ suy kiệt cơ thể. Điều này càng nguy hại hơn đối với những người mắc bệnh mãn tính hoặc đang có mầm bệnh trong cơ thể chưa được phát hiện.

Để đối xử tốt với cơ thể mình, bác sĩ Toni Brayer (Tổ chức Y khoa Sutter Pacific) đưa ra lời khuyên: “Liệu pháp chữa trị cho những gì độc hại chúng ta trót ăn vào cơ thể, chính là một chế độ ăn nhiều chất xơ, trái cây, rau xanh, và tập thể dục thường xuyên để cơ thể tự kích hoạt những quy trình thải độc của chính mình”.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

https://www.health.harvard.edu/staying-healthy/4-intermittent-fasting-side-effects-to-watch-out-for

Ngày truy cập: 14/06/2021

https//www.health.harvard.edu/staying-healthy/is-intermittent-fasting-safe-for-older-adults

Ngày truy cập: 14/06/2021

https://www.health.harvard.edu/blog/intermittent-fasting-surprising-update-2018062914156

Ngày truy cập: 14/06/2021

https://www.npr.org/sections/goatsandsoda/2016/01/20/463710330/what-happens-to-the-body-and-mind-when-starvation-sets-in

Ngày truy cập: 14/06/2021

https://www.sedig.org/physical-and-psychological-effects-of-the-starvation-syndrome

Ngày truy cập: 14/06/2021

https://ucsdnews.ucsd.edu/pressrelease/how_cells_know_when_its_time_to_eat_themselves

Ngày truy cập: 14/06/2021

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/dehydration/symptoms-causes/syc-20354086

Ngày truy cập: 14/06/2021

https://www.mdanderson.org/publications/focused-on-health/FOH-cleanses-detox-fasts.h10-1590624.html

Ngày truy cập: 14/06/2021

https://www.sutterhealth.org/health/nutrition/the-truth-about-fasts-and-cleanses

Ngày truy cập: 14/06/2021

Phiên bản hiện tại

23/07/2021

Tác giả: Phó Ngọc Trinh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Phó Ngọc Trinh


Bài viết liên quan

Hướng dẫn cách làm tôm sốt Thái cho người bệnh mạn tính

Phương pháp nhịn ăn chống lão hóa có đáng tin?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phó Ngọc Trinh · Ngày cập nhật: 23/07/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo