backup og meta

Cải bó xôi kỵ gì? 5 thực phẩm tránh kết hợp và 5 đối tượng không nên ăn

Cải bó xôi kỵ gì? 5 thực phẩm tránh kết hợp và 5 đối tượng không nên ăn

Cải bó xôi (rau chân vịt, rau bina) chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, trong chế biến, chúng ta cần lưu ý rau cải bó xôi kỵ gì, tránh kết hợp cải bó xôi với thực phẩm gì để không làm giảm hiệu quả hấp thụ hoặc gây ra các vấn đề tiêu hóa.

Hello Bacsi mời bạn đọc tiếp bài viết để tìm hiểu cải bó xôi kỵ với gì; Những ai không nên ăn cải bó xôi và những thông tin liên quan.

Thành phần dinh dưỡng trong cải bó xôi

Theo thông tin từ USDA (Trung tâm Dữ liệu Thực phẩm, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ), hàm lượng dinh dưỡng trong 100 gam cải bó xôi sống bao gồm:

  • Năng lượng: 23 kcal
  • Chất đạm: 2,9g
  • Chất béo: 0,4g
  • Carbohydrate: 3,6g
  • Chất xơ: 2,2g
  • Đường: 0,4g
  • Vitamin C: 28.1mg
  • Vitamin K: 483µg
  • Canxi: 99mg
  • Sắt: 2.71mg
  • Magie: 79mg
  • Kali: 558mg.

Cải bó xôi cũng chứa lượng lớn carotenoids và vitamin B9. Ngoài ra, nó cũng bao gồm nhiều hợp chất thực vật quan trọng có công dụng nâng cao sức khỏe như lutein, kaempferol, nitrat, quercetin và zeaxanthin.

Với giá trị dinh dưỡng cao, loại cải này là thực phẩm hữu ích giúp cải thiện tình trạng căng thẳng oxy hóa, tăng cường sức khỏe mắt, xương khớp, giảm nguy cơ bệnh tiểu đường, tim mạch và ung thư.

Cải bó xôi kỵ gì?

Các thực phẩm không tương thích khi kết hợp với nhau có thể gây ra vấn đề về tiêu hóa hoặc hấp thu chất dinh dưỡng. Vậy cải bó xôi kỵ gì? 

1. Rau chân vịt kỵ gì? Đậu nành

Đậu nành giàu magie và canxi. Trong khi đó, cải bó xôi lại chứa nhiều axit oxalic. Axit này khi kết hợp với canxi và magie trong đậu nành sẽ tạo ra magie oxalat và canxi oxalat. Đây là các chất kết tủa không tan trong dạ dày, có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ chất và hoạt động của hệ tiêu hóa.  

Tuy nhiên, sự hình thành kết tủa trong dạ dày do sự kết hợp của axit oxalic với magie và canxi từ đậu nành không phải là một quá trình đơn giản. Nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như môi trường dạ dày, lượng và thời gian tiếp xúc giữa các chất…

2. Rau chân vịt kỵ ăn với đậu phụ

Đậu phụ được làm từ đậu nành nên có hàm lượng canxi cao. Vì thế, việc kết hợp đậu phụ và rau bina cũng có thể gây giảm khả năng hấp thụ canxi và rối loạn tiêu hóa do lượng canxi này hình thành kết tủa.

Cải bó xôi kỵ gì

Bên cạnh đó, cả hai thực phẩm này đều có tính mát. Khi dùng chung với nhau dễ gây tình trạng đau bụng, tiêu chảy ở những người nhạy cảm.

3. Rau bó xôi kỵ khoai lang

Cải bó xôi kỵ gì? Cải bó xôi và khoai lang đều chứa nhiều axit phytic và oxalate. Những chất này dễ kết hợp với các khoáng chất trong cơ thể tạo thành muối. Điều này gây cản trở việc hấp thụ sắt, kẽm và canxi, khiến chúng bị đào thải khỏi cơ thể. Do đó, khi chế biến, bạn nên tránh kết hợp hai loại này để đảm bảo cơ thể hấp thụ chất đầy đủ nhất.

Cải bó xôi kỵ gì

4. Cải bó xôi kỵ gì? Tránh ăn thịt lươn với cải bó xôi

Bạn không nên chế biến cải bó xôi với thịt lươn vì có thể gây đau bụng, tiêu chảy bởi sự tương tác giữa các chất có trong hai loại thực phẩm này. Thay vì lươn, bạn có thể chế biến cải bó xôi với thịt bò, lợn, gà để tạo ra nhiều món ngon khác.

5. Cải bó xôi kỵ hải sản có đúng không?

Người ta thường sợ canxi làm tăng bài tiết kẽm gây giảm tỷ lệ hấp thu kẽm trong cơ thể. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với trường hợp bổ xung canxi bằng đường uống. Canxi trong bó xôi sẽ không làm giảm lượng kẽm có trong hải sản. Vì vậy, bạn vẫn có thể kết hợp 2 thực phẩm này với nhau. Mặc dù vậy, bạn chỉ nên ăn mỗi loại với số lượng vừa đủ, không nên lạm dụng để tránh các vấn đề quá tải cho đường tiêu hóa.

Những ai nên hạn chế ăn cải bó xôi?

Cải bó xôi là thực phẩm quý được nhiều chuyên gia khuyến khích tiêu thụ trong khẩu phần ăn hàng ngày của người khỏe mạnh. Tuy nhiên, một số đối tượng đang có các vấn đề sức khỏe cụ thể nên cân nhắc hạn chế sử dụng loại rau này để tránh tác động xấu đến thể trạng.

1. Người có tiền sử sỏi thận

Sỏi thận hình thành do sự tích tụ axit và muối khoáng. Loại sỏi phổ biến nhất là sỏi canxi, bao gồm canxi oxalate. Rau cải bó xôi chứa nhiều canxi và oxalat. Vì vậy, nếu tiêu thụ nhiều sẽ làm tăng nguy cơ phát triển sỏi thận. Người có tiền sử sỏi thận chỉ nên ăn cải bó xôi với lượng vừa phải và chần sơ qua với nước sôi trước khi ăn.

Bên cạnh đó, loại rau này cũng có hàm lượng kali cao. Khi được dung nạp quá thường xuyên, nó có thể gây tác hại cho những người bị suy giảm chức năng thận.

2. Người bị bệnh gout

Hàm lượng purin cao trong rau cải bó xôi có khả năng làm nặng thêm bệnh gout hoặc viêm khớp do gout, dẫn đến đau khớp, sưng và viêm.

Phần lá non của rau bó xôi có hàm lượng purin cao (171.9mg/100g) hơn gấp 3 lần phần lá cải bó xôi trưởng thành (51.4 mg/100g). Điều này có thể tiềm ẩn nguy cơ thúc đẩy bệnh gút bùng phát. Do đó, cải bó xôi trưởng thành là loại rau tốt cho người bệnh gút nhưng phần cải non của loại cây này thì không.

3. Người đang dùng thuốc chống đông máu

Rau bina chứa nhiều vitamin K, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc chống đông máu. Do đó, những người đang dùng các loại thuốc chống đông máu (như warfarin) nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc bổ sung rau bina vào chế độ ăn hàng ngày.

4. Người bị dị ứng với rau cải bó xôi

Dị ứng với cải bó xôi không quá phổ biến nhưng vẫn có thể xảy ra. Các triệu chứng dị ứng thực phẩm thường gặp bao gồm nổi mề đay, nôn mửa, chảy nước mắt, hắt hơi và khó thở. 

Những người nhạy cảm với mủ cao su hoặc một số loại nấm mốc có nhiều khả năng bị dị ứng với cải bó xôi. Ngoài ra, những người bị dị ứng với các loại thực phẩm như củ cải và củ cải đường cũng có nhiều khả năng bị dị ứng với cải bó xôi hơn.

5. Người mắc bệnh tuyến giáp

Người có các vấn đề về tuyến giáp cũng là đối tượng nên hạn chế ăn cải bó xôi vì trong chúng chứa hợp chất goitrogens. Tiêu thụ quá mức hợp chất này có thể gây khó hấp thụ iod, cản trở chức năng bình thường của tuyến giáp.

Nếu ăn cải bó xôi với lượng vừa phải và được nấu chín, thực phẩm này hoàn toàn an toàn với mọi người, kể cả người có vấn đề về tuyến giáp vì rau được hấp hoặc nấu chín sẽ phá vỡ enzyme myrosinase, giúp giảm goitrogens.

Người mắc bệnh tuyến giáp không nên ăn cải bó xôi

Lưu ý khi sử dụng và chế biến cải bó xôi

Bên cạnh việc tìm hiểu cải bó xôi kỵ gì; Những ai không nên ăn cải bó xôi, bạn cũng cần chú ý đến những điều sau khi sử dụng và chế biến cải bó xôi để giữ được tối đa chất dinh dưỡng:

  • Khi mua, bạn nên chọn những bó cải xanh tươi, không bị héo úa, dập nát. Bạn cũng không nên chọn rau màu đậm vì đây là rau già, ăn cứng và không ngon. Thay vào đó, bạn nên chọn những bó rau xanh tươi, non để chứa nhiều dinh dưỡng và mềm, ngọt, dễ ăn. 
  • Trước khi chế biến, bạn cần rửa sạch cải bó xôi bằng nước lạnh để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn.
  • Bạn có thể bảo quản cải bó xôi trong ngăn mát tủ lạnh trong khoảng 3 – 4 ngày. Bạn nên cho cải bó xôi vào túi nhựa hoặc hộp đựng thực phẩm có nắp đậy kín. 
  • Với người mắc bệnh thận hoặc có tiền sử sỏi thận cần chần rau cải bó xôi khi sơ chế để loại bỏ phần lớn axit oxalic và kali có trong rau.

Cải bó xôi kỵ gì

  • Không nấu chín cải bó xôi quá lâu, vì điều này sẽ làm mất đi nhiều dưỡng chất. Không nên dùng nhiều dầu khi chế biến vì độ xốp của rau có thể thấm hút lượng lớn chất béo.
  • Không nên ăn quá nhiều cải bó xôi trong thời gian dài. Việc tiêu thụ quá nhiều rau này có thể khiến bạn bị thiếu hụt khoáng chất, do axit oxalic trong cải bó xôi liên kết với kẽm, magie và canxi khiến cơ thể không hấp thụ đủ chất dinh dưỡng. Ngoài ra, việc ăn quá nhiều cải bó xôi cũng khiến bạn bị đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy và các vấn đề dạ dày khác do cơ thể không thể tiêu hóa kịp chất xơ.

Thông tin trên là những lưu ý cải bó xôi kỵ gì, ai không nên ăn nhiều cải bó xôi và các lưu ý khác trong chế biến để sử dụng rau an toàn, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Bạn hãy luôn tìm hiểu thật kỹ về các loại thực phẩm có trong bữa ăn gia đình để đảm bảo cả nhà luôn mạnh khỏe nhé.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Spinach, raw

https://fdc.nal.usda.gov/fdc-app.html#/food-details/168462/nutrients

Ngày truy cập: 11/11/2023

Spinach

https://nutritionfacts.org/topics/spinach/

Ngày truy cập: 11/11/2023

Spinach, cooked, boiled, drained, without salt

https://fdc.nal.usda.gov/fdc-app.html#/food-details/168463/nutrients

Ngày truy cập: 11/11/2023

Mayo Clinic Minute: What you can eat to help avoid getting kidney stones

https://newsnetwork.mayoclinic.org/discussion/mayo-clinic-minute-what-you-can-eat-to-help-avoid-getting-kidney-stones/

Ngày truy cập: 11/11/2023

Ask the doctor: Is it okay to eat leafy greens while taking warfarin?

https://www.health.harvard.edu/heart-health/ask-the-doctor-is-it-okay-to-eat-leafy-greens-while-taking-warfarin

Ngày truy cập: 11/11/2023

Phiên bản hiện tại

20/11/2023

Tác giả: Dung Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CK Dinh dưỡng Trương Thị Hồng

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Nâng mũi kiêng gì và ăn gì cho nhanh lành?

Bác sĩ giải đáp: Ăn gì tốt cho tinh hoàn?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CK Dinh dưỡng Trương Thị Hồng

Dinh dưỡng và Chế độ ăn uống · Bệnh Viện Phong Da Liễu Trung Ương Quy Hòa


Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: 20/11/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo