backup og meta

Phụ nữ bị ung thư vú nên chung sống với bệnh như thế nào?

Phụ nữ bị ung thư vú nên chung sống với bệnh như thế nào?

Tỷ lệ đáp ứng tốt với điều trị và tuổi thọ của những phụ nữ bị ung thư vú đã cải thiện rất nhiều trong những năm gần đây. Tuy nhiên, điều trị ung thư vú vẫn đi kèm với những thay đổi về thể chất và tinh thần, có thể ảnh hưởng đến cách người phụ nữ suy nghĩ và cảm nhận về cơ thể mình.

Vậy, phụ nữ nên làm gì để đối diện và lạc quan sống chung với bệnh ung thư vú? Cùng Hello Bacsi tìm hiểu qua bài viết ngay sau đây nhé!

1. Chủ động đối phó với biến chứng có thể gặp phải khi bị ung thư vú

Thay đổi về kích thước và hình dạng vú

Sau phẫu thuật ung thư vú, dù vú bị cắt bỏ hoàn toàn hay vẫn được giữ lại thì phụ nữ có thể cảm thấy không hài lòng với kích thước hoặc hình dạng vú, hoặc mất tự tin khi có những vết sẹo. Hãy trao đổi với bác sĩ để có phương pháp khắc phục và mang lại cho chị em sự tự tin hơn về mặt ngoại hình.

Bạn có thể quan tâm: Ung thư vú có chữa được không?

Bác sĩ thường đề nghị:

  • Lắp vú giả. Vú giả bên ngoài là một bộ ngực nhân tạo thường được làm bằng silicon, có thể được mặc bên trong áo ngực để thay thế cho phần vú đã bị cắt bỏ. Chúng có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau để chị em lựa chọn.
  • Tái tạo vú. Bác sĩ có thể tái tạo lại mô vú đã bị cắt bỏ bằng mô của chính cơ thể bệnh nhân hoặc bằng mô được cấy ghép, nhằm tạo lại hình dạng vú gần giống nhất với tình trạng ban đầu.

bị ung thư vú lắp vú giả

Rụng tóc

Rụng tóc trong quá trình điều trị ung thư vú bằng hóa trị liệu có thể khiến tóc mỏng nhẹ hơn, thậm chí rụng hoàn toàn. Điều này khiến chị em khó chịu và mất tự tin.

Thay vì để đầu trần, phụ nữ có thể đội tóc giả, dùng khăn quàng để quấn hoặc đội mũ và chờ cho đến khi tóc mọc lại sau điều trị.

Mãn kinh sớm khi bị ung thư vú

Hầu hết trường hợp phụ nữ trên 50 tuổi mới trải qua thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, phụ nữ trẻ bị ung thư vú và phải điều trị ung thư sẽ làm giảm lượng hormone sinh dục nữ trong cơ thể, từ đó dẫn đến các triệu chứng mãn kinh sớm. Chúng bao gồm:

  • Nóng bừng (bốc hỏa)
  • Khô âm đạo
  • Mất ham muốn tình dục

Bác sĩ có thể đề nghị sử dụng liệu pháp thay thế hormone trong một số trường hợp. Tuy nhiên, liệu pháp này được cho là làm tăng nguy cơ ung thư vú tái phát sau điều trị. Vì vậy, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trong trường hợp cụ thể trước khi quyết định áp dụng.

Các biến chứng khác

Mặc dù hiếm gặp, nhưng việc điều trị ung thư vú có thể gây ra các vấn đề khác như:

  • Đau, cứng ở cánh tay và vai sau khi phẫu thuật và da ở những vùng này có thể bị căng
  • Tích tụ dịch bạch huyết dư thừa gây sưng tấy (phù bạch huyết), điều này thường xảy ra nếu phẫu thuật hoặc xạ trị làm hỏng hệ thống dẫn lưu bạch huyết ở nách.

Hãy thông báo ngay với bác sĩ nếu người bị ung thư vú gặp phải những vấn đề vừa đề cập ở trên hoặc bất kỳ tác dụng phụ lâu dài nào khác để được chỉ định phương pháp cải thiện kịp thời.

2. Người bị ung thư vú nên dành thời gian nghỉ ngơi để phục hồi

bị ung thư vú nên nghỉ ngơi nhiều hơn

Hầu hết phụ nữ bị ung thư vú đều được chỉ định phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị. Quá trình hồi phục sau điều trị có thể mất nhiều thời gian và khiến bệnh nhân rất mệt mỏi. Điều quan trọng là nên cho bản thân thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.

Trong thời gian phục hồi, các chị em phụ nữ nên:

  • Tránh nâng vác vật nặng hoặc làm việc quá nặng nhọc
  • Không nên lái xe một mình mà không có người đi cùng
  • Tạm dừng làm việc hoặc một số hoạt động bình thường nếu quá mệt
  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Tập thể dục với các bài tập phù hợp và có sự cho phép của bác sĩ
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thịt gà và cá; hạn chế đường, chất béo xấu, thịt đỏ và thịt đã qua chế biến
  • Hạn chế uống nhiều hơn 1 ly rượu mỗi ngày và tốt nhất là không nên uống
  • Nhờ đến sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè và những người xung quanh khi cần thiết.

3. Dùng phương pháp tránh thai trong suốt quá trình điều trị

Một số phụ nữ mãn kinh sớm vẫn có thể mang thai. Điều quan trọng là bạn phải giữ cho mình không mang thai nếu bị ung thư vú và đang điều trị bằng các biện pháp như: hóa trị, liệu pháp hormone, thuốc điều trị ung thư đích, liệu pháp miễn dịch và xạ trị. Bởi, những phương pháp này có thể gây hại cho thai nhi.

Mặc dù một số phương pháp điều trị có thể gây vô sinh nhưng điều này không xảy ra ngay lập tức. Vì vậy, hãy sử dụng biện pháp tránh thai trong suốt quá trình điều trị. Hãy thông báo cho bác sĩ càng sớm càng tốt nếu phụ nữ bị ung thư vú phát hiện ra mình mang thai.

4. Tái khám sức khỏe định kỳ

bị ung thư vú nên tái khám định kỳ

Trong một số trường hợp, ung thư vú có thể tái phát ngay cả khi đã điều trị xong. Vì vậy, bác sĩ vẫn cần theo dõi sức khỏe bệnh nhân chặt chẽ. Hãy đến đầy đủ các buổi tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.

Trong những lần thăm khám này, bác sĩ sẽ hỏi xem bệnh nhân có gặp vấn đề gì không và sẽ khám lâm sàng. Các xét nghiệm hình ảnh có thể được chỉ định nếu bạn có các triệu chứng bất thường, nhằm xem liệu có phải là ung thư tái phát hay là do tác dụng phụ của điều trị. Chúng bao gồm chụp X-quang, chụp CT, chụp PET, chụp MRI, xạ hình xương và/hoặc sinh thiết.

5. Cởi mở trong các mối quan hệ với bạn bè và gia đình

Các phản ứng thông thường của bệnh nhân sau khi được chẩn đoán bị ung thư vú bao gồm: cảm thấy sốc, bối rối, thất vọng, lo lắng, buồn bã hoặc chán nản. Người bị ung thư vú sẽ cảm thấy bị cô lập, hoặc tự hỏi tại sao ung thư vú lại xảy đến với mình.

Có thể là rất khó khăn để nói ra cảm xúc của mình nhưng hãy nên chia sẻ về cảm nghĩ với những người mà bạn tin tưởng. Điều này giúp bạn được giải tỏa cảm xúc, cảm thấy thoải mái hơn. Bạn cũng đừng ngại nói với họ rằng bạn cần chút thời gian một mình nếu đó thực sự là điều bạn muốn.

bị ung thư vú và mối quan hệ

6. Cùng bạn đời giải quyết vấn đề tình dục

Bị ung thư vú và việc điều trị có thể ảnh hưởng đến đời sống tình dục. Nhiều phụ nữ sẽ cảm thấy tự ti trước những thay đổi của cơ thể, đau buồn khi mất đi bộ ngực hoặc trong một số trường hợp là mất khả năng sinh sản. Điều này khiến họ mệt mỏi và giảm ham muốn.

Hãy chia sẻ thẳng thắn và trung thực với người bạn đời của mình rằng bạn chưa sẵn sàng quan hệ tình dục trong thời điểm này, cho họ biết khi nào bạn sẵn sàng trở lại, cũng như những điều bạn cần có thể là một cái ôm, cái hôn động viên hoặc những cử chỉ thân mật, quan tâm, chăm sóc để giữ được tinh thần lạc quan chống chọi với bệnh tật.

Nếu vẫn có mong muốn duy trì quan hệ tình dục nhưng gặp trục trặc do điều trị và không cải thiện theo thời gian, hãy thăm khám ngay với bác sĩ.

7. Suy nghĩ đến mong muốn có con trong tương lai

Hầu hết các bác sĩ khuyên phụ nữ bị ung thư vú tốt nhất nên đợi sau khi điều trị khoảng 2 năm thì mới nên mang thai. Bởi ung thư vú rất dễ tái phát trong vòng 2 năm đầu tiên sau khi điều trị. Việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn đối với những phụ nữ đang mang thai.

Một số phụ nữ vẫn có thể có con tự nhiên sau khi điều trị ung thư vú. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ khác không thể mang thai một cách tự nhiên được nữa. Một số phương pháp điều trị ung thư vú có thể làm mất đi khả năng sinh sản tự nhiên. Nếu bạn vẫn muốn có con trong tương lai, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn ra phương pháp phù hợp, nhằm bảo tồn được khả năng sinh sản nếu có thể.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Living with – Breast cancer in women. https://www.nhs.uk/conditions/breast-cancer/living-with/. Ngày truy cập: 17/07/2023

Living with breast cancer. https://www.healthdirect.gov.au/living-with-breast-cancer. Ngày truy cập: 17/07/2023

Breast cancer and pregnancy. https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/breast-cancer/living-with/breast-cancer-pregnancy. Ngày truy cập: 17/07/2023

Breast cancer and menopausal symptoms. https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/breast-cancer/living-with/menopausal-symptoms. Ngày truy cập: 17/03/2023

Lymphoedema after breast cancer treatment. https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/breast-cancer/living-with/lymphoedema-after-treatment. Ngày truy cập: 17/03/2023

Living as a Breast Cancer Survivor. https://www.cancer.org/cancer/types/breast-cancer/living-as-a-breast-cancer-survivor.html. Ngày truy cập: 17/03/2023

A patient’s journey: living with breast cancer. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1488759/. Ngày truy cập: 17/03/2023

Phiên bản hiện tại

10/08/2023

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Các lựa chọn phẫu thuật điều trị ung thư vú | Hello Bacsi x SANOFI

Ung thư vú di căn xương sống được bao lâu?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 10/08/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo