Ung thư tuyến giáp giai đoạn cuối đa số không thể chữa khỏi. Việc điều trị cho bệnh nhân lúc này chỉ nhằm mục đích giảm nhẹ các triệu chứng, ngăn cản khối u di căn ra xa hơn, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Tùy theo từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp những phương pháp điều trị bệnh khác nhau bao gồm: phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, hóa trị, xạ trị bên ngoài và phương pháp phóng xạ Iod 131.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kết hợp sử dụng thêm các loại thuốc điều trị nhắm mục tiêu với nồng độ cao. Một số thuốc điều trị nhắm mục tiêu thường được dùng cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp là thuốc ức chế tyrosine kinase và thuốc ức chế protein kinase. Thuốc sẽ nhanh chóng tác động vào các tế bào ung thư ở tuyến giáp để làm mất đi tính hoạt hóa của tế bào, ức chế chúng phát triển và di căn ra xa hơn.
Ung thư tuyến giáp giai đoạn cuối sống được bao lâu?
Ung thư tuyến giáp giai đoạn cuối sống được bao lâu sẽ còn phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng sức khỏe, tinh thần và tuổi tác của người bệnh, cũng như mức độ khối u di căn và hiệu quả của phác đồ điều trị.
Hầu hết bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp đều có tiên lượng tốt trong trường hợp khối u chỉ mới di căn đến hạch cổ. Một khi ung thư tuyến giáp đã di căn ra bên ngoài cổ đến các cơ quan khác như phổi, xương, gan, não thì hoàn toàn có thể dẫn đến tử vong.
Cũng theo thống kê của trung tâm ung thư Memorial Sloan Kettering, thời gian sống thêm 5 năm của bệnh nhân ung thư tuyến giáp di căn đơn cơ quan là 77,6% và 15,3% ở bệnh nhân di căn đa cơ quan. Tỷ lệ tiến triển từ di căn đơn đến đa cơ quan xảy ra ở 76% bệnh nhân sau 5 năm. Đối với những bệnh nhân trên 45 tuổi, nồng độ PSA cao trên 30 ng/ml là dấu hiệu cảnh báo tình trạng bệnh đã di căn đa cơ quan.
Ung thư tuyến giáp di căn xa có nguy cơ tử vong cao gấp 3 lần so với những bệnh nhân chỉ bị di căn một cơ quan. Những bệnh nhân ung thư tuyến giáp đã di căn ra ngoài cổ cần được điều trị tích cực, vì đây là các đối tượng có nguy cơ tử vong cao.

Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp giai đoạn cuối
Chăm sóc giảm nhẹ được sử dụng song song với phương pháp điều trị chính để giúp làm giảm các triệu chứng và tác dụng phụ do phác đồ điều trị chính gây ra. Các phương pháp chăm sóc giảm nhẹ sẽ giúp hỗ trợ bệnh nhân cả về mặt thể chất, tinh thần, tình cảm và các nhu cầu xã hội. Khi ung thư tiến triển đến giai đoạn cuối, một số trường hợp bệnh nhân sẽ đặc biệt cần đến chăm sóc giảm nhẹ:
- Khi khối u đã di căn đa cơ quan, kích thước khối u lớn và không thể kiểm soát nữa.
- Bệnh nhân tuổi tác quá cao, sức khỏe suy yếu nên không thể tiến hành điều trị bằng phẫu thuật hay xạ trị, hóa trị được.
- Thể trạng bệnh nhân không đáp ứng được với phác đồ điều trị, khối u tiếp tục lan rộng.
Cách chăm sóc giảm nhẹ sẽ đóng vai trò quan trọng giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và tạo tinh thần lạc quan cho người bệnh ung thư tuyến giáp giai đoạn cuối. Bệnh nhân lúc này có thể cảm thấy mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần. Vì vậy, người chăm sóc cần thấu hiểu, chia sẻ, động viên và đặc biệt là hỗ trợ người bệnh có được một không gian sống thoải mái, xua tan mệt mỏi và vui vẻ sống quãng thời gian còn lại. Với những bệnh nhân đã ở giai đoạn nặng, người thân có thể cân nhắc để các biện pháp chăm sóc cuối đời.
Bạn có thể quan tâm: Tầm soát ung thư tuyến giáp có thực sự quan trọng?
Bệnh nhân ung thư tuyến giáp giai đoạn cuối cần tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ và giữ tinh thần lạc quan. Thời gian sống được mấy năm sẽ còn phụ thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực, kiên trì của chính bản thân người bệnh! Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu thêm về căn bệnh ung thư này nhé!
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!