Ung thư phổi được xếp vào nhóm các bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong hàng đầu trên thế giới. Cũng chính vì vậy mà nhiều bệnh nhân đặt câu hỏi rằng bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối sống được bao lâu? Trong bài viết này, hãy cùng Hello Bacsi giải đáp cho câu hỏi này, thông qua đó hiểu rõ hơn về quá trình chăm sóc và nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư phổi vào những giai đoạn cuối nhé!
Hiểu về bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối
Trước khi đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi ung thư phổi giai đoạn cuối sống được bao lâu, bạn cần hiểu rõ hơn về các giai đoạn của bệnh lý ung thư nguy hiểm này. Theo Ủy ban Liên hợp về Ung thư Hoa Kỳ (AJCC: the American Joint Committee on Cancer), ung thư phổi được phân loại dựa trên kích thước khối u và mức độ di căn (hay lan rộng). Hiện nay, ung thư phổi được chia thành giai đoạn từ 0 đến IV.
Ung thư phổi giai đoạn 4 (IV) có phải là giai đoạn cuối không? Ung thư phổi giai đoạn IV được xem là giai đoạn cuối (hay ung thư phổi di căn). Ở giai đoạn này, tế bào ung thư đã di căn đến nhiều khu vực trên cơ thể, có thể bao gồm di căn sang phổi còn lại, tràn dịch màng phổi, gan, não, tuyến thượng thận, mô mềm hay xương.
Ung thư phổi cũng được chia thành hai loại chính, bao gồm ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC – Small Cell Lung Cancer) và ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC – Non Small Cell Lung Cancer). Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ – loại phổ biến nhất, có kích thước lớn hơn dưới kính hiển vi so với ung thư phổi tế bào nhỏ và thường có tiên lượng tốt hơn so với ung thư phổi tế bào nhỏ.
Bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối sống được bao lâu?
Bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối sống được bao lâu? Tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư phổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như loại ung thư phổi là tế bào nhỏ hay không tế bào nhỏ, kích thước và mức độ di căn bao xa, khả năng đáp ứng với điều trị và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.
Theo một thống kê trung bình tại Anh, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân ung thư phổi phát hiện ở giai đoạn sớm lên đến gần 65% thì vào giai đoạn cuối, tỷ lệ này khá thấp, chỉ khoảng 5%.
Ung thư phổi di căn sống được bao lâu? Một thống kê khác cho thấy tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm tính theo mức độ ung thư lan rộng như sau:
- 61,2% (64% đối với NSCLC, 29% đối với SCLC) trong trường hợp ung thư khu trú ở một phổi.
- 33,5% (37% đối với NSCLC, 18% đối với SCLC) trong trường hợp ung thư di căn hạch bạch huyết trong vùng.
- 7% (26% đối với NSCLC, 3% đối với SCLC) trong trường hợp ung thư di căn đến các cơ quan khác ở xa.
Theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với bệnh nhân ung thư tế bào nhỏ như sau:
- Ung thư khu trú: 30%
- Ung thư di căn hạch vùng: 18%
- Ung thư di căn xa: 3%
- Tất cả các giai đoạn kết hợp: 7%
Theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, đối với ung thư không tế bào nhỏ, tỷ lệ sống sót sau 5 năm như sau:
- Ung thư khu trú: 65%
- Ung thư di căn hạch vùng: 37%
- Ung thư di căn xa: 9%
- Tất cả các giai đoạn kết hợp: 28%
Lưu ý rằng đây chỉ là những con số thống kê trung bình. Như đã nói ở trên, việc một bệnh nhân bị ung thư phổi giai đoạn cuối sống được bao lâu còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Một vài người có thể sống lâu hơn con số thống kê trung bình, một số người khác thì tiên lượng có thể kém hơn.
Điều quan trọng là bạn cần trao đổi với bác sĩ để nhận được tiên lượng cụ thể trong trường hợp của mình. Bác sĩ sẽ xem xét các yếu tố cụ thể và đưa ra những phương pháp điều trị, cũng như chăm sóc nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ càng lâu càng tốt cho bệnh nhân.
Chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối
Việc hiểu được tỷ lệ sống sót sau 5 năm hay ung thư phổi giai đoạn cuối sống được bao lâu không chỉ có ý nghĩa là những con số thống kê, mà còn giúp bệnh nhân hiểu được khả năng điều trị bệnh thành công là bao nhiêu và những bước tiếp theo trong kế hoạch điều trị của mình. Trong đó bao gồm cả việc chăm sóc bệnh nhân đúng cách.
Đối với bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối, điều quan trọng là nâng cao chất lượng cuộc sống và giúp họ cảm thấy thoải mái nhất có thể. Điều này bao gồm việc kiểm soát các triệu chứng, hỗ trợ tinh thần và cảm xúc, cũng như tôn trọng các mong muốn của bệnh nhân.
Dưới đây là những điều cần lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối:
- Hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng bệnh hoặc tác dụng phụ do quá trình điều trị mang lại như: đau, khó thở, ho, nôn và buồn nôn, chán ăn, táo bón,…
- Hỗ trợ xoa dịu tinh thần và cảm xúc lo lắng của bệnh nhân bằng cách lắng nghe, cảm thông và trò chuyện với họ càng nhiều càng tốt.
- Tôn trọng các mong muốn của bệnh nhân trong việc điều trị và chăm sóc bệnh.
Ngoài ra, người chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối cũng cần chú ý đến sức khỏe và tinh thần của bản thân. Tránh trường hợp căng thẳng và mệt mỏi dẫn đến kiệt sức, hãy nhờ đến sự hỗ trợ từ những người xung quanh và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ có sẵn.
Hello Bacsi hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn giải đáp được mối lo lắng bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối sống được bao lâu. Từ đó, phối hợp với bác sĩ trong kế hoạch điều trị và quản lý ung thư phổi hiệu quả hơn nhé!
[embed-health-tool-bmi]