backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

5 bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ bạn nên biết

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hồng Nhung · Ngày cập nhật: 28/02/2023

    5 bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ bạn nên biết

    Ước tính mỗi năm tại Việt Nam có hơn 94.000 người tử vong do ung thư và ghi nhận thêm 126.000 ca mắc mới. Hãy góp phần giảm con số này xuống bằng cách tìm hiểu về những bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ vì có rất nhiều bệnh ung thư mà chúng ta có thể kiểm soát được nếu phát hiện sớm.

    Hãy hỏi ý kiến những chuyên gia ung bướu hàng đầu để tìm hiểu những bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ và cách phòng ngừa những căn bệnh nguy hiểm này. Dưới đây là danh sách 5 bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ.

    1. Ung thư đại trực tràng

    Ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến thứ 3 trên thế giới, với khoảng 1,4 triệu ca bệnh mới mỗi năm. Ung thư đại trực tràng do các tế bào ung thư ảnh hưởng đến đại tràng hoặc trực tràng.

    Bệnh bắt đầu bằng sự tăng trưởng của một nhóm tế bào tập trung trong một cấu trúc gọi là polyp ở trên thành của đại tràng hay trực tràng. Vì vậy việc phát hiện và cắt bỏ các polyp có vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn ung thư đại trực tràng.

    Các triệu chứng bệnh 

    Những người bị ung thư đại trực tràng thường sẽ có các triệu chứng:

    • Đầy bụng

    • Đi đại tiện ra máu

    • Buồn nôn hoặc nôn

    • Hậu môn bị chảy máu

    • Suy nhược, mệt mỏi

    • Tiêu chảy hoặc táo bón

    • Bị sụt cân không rõ lý do

    • Thường xuyên ợ hơi, đau bụng

    • Bị đầy hơi chướng bụng.

    Cách phòng ngừa

    Sàng lọc ung thư trực tràng định kỳ là cách hiệu quả để phòng ngừa ung thư trực tràng. Nội soi trực tràng là phương pháp sàng lọc đạt hiệu quả cao nhất, bắt đầu ở độ tuổi 45 và sàng lọc định kỳ 10 năm một lần. Khi thực hiện nội soi trực tràng, bác sĩ sẽ tiến hành luồn một ống rất mỏng và linh hoạt vào trực tràng và quan sát những cấu trúc bất thường nếu có trong đó.

    Phương pháp nội soi không chỉ giúp các bác sĩ phát hiện ung thư trực tràng mà cũng cho phép phát hiện các polyp trực tràng và loại bỏ các polyp này kịp thời trước khi chúng tiến triển và gây ung thư.

    Các lựa chọn sàng lọc khác còn bao gồm xét nghiệm phân, xét nghiệm máu. Bác sĩ có thể tiến hành xét nghiệm máu để phát hiện các dấu hiệu ung thư hoặc là thực hiện xét nghiệm ADN trong phân với phương pháp có tên là Cologuard để phát hiện những thay đổi về gene có thể dẫn tới ung thư. Tuy nhiên, các phương pháp này có thể dẫn tới dương tính giả và vẫn phải thực hiện nội soi đại tràng để có thể đưa ra kết quả chuẩn đoán chính xác.

    2. Ung thư tuyến giáp

    Ung thư tuyến giáp xảy ra khi có sự phát triển bất thường của các tế bào tuyến giáp. Tuyến giáp nằm ở cổ, có vai trò tạo ra hormone kiểm soát sự trao đổi chất. Tế bào ở tuyến giáp được gọi là tế bào nang và tế bào cận nang.

    Các triệu chứng bệnh

    • Thông thường, ung thư tuyến giáp khi mới khởi phát sẽ không có dấu hiệu và triệu chứng nào. Nếu có, dấu hiệu đầu tiên xuất hiện khối u tuyến giáp.

    • Khi ung thư phát triển, bệnh thường lây lan đến các bộ phận gần đó và khiến bệnh nhân bị khàn tiếng, khó nuốt, sưng tuyến bạch huyết và đau cổ.

    Cách phòng ngừa

    Nếu bác sĩ phát hiện một nốt nhỏ, thì bệnh nhân nên theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát trước thay vì thực hiện phẫu thuật. Nếu cuối cùng vẫn phải can thiệp bằng phẫu thuật, cắt bỏ một nửa tuyến giáp thay vì cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp có thể là lựa chọn tốt. Khi làm như vậy bệnh nhân sẽ không phải dùng hormone tuyến giáp thay thế.

    Nếu bác sĩ của bạn đề xuất cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp dù bạn chỉ có một nốt kích thước dưới 1 cm, bạn nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia khác. Phẫu thuật tuyến giáp có những rủi ro nhất định như có thể làm tổn thương dây âm thanh đồng thời bạn sẽ cần phải dùng hormone tuyến giáp thay thế sau phẫu thuật đến cuối đời.

    3. Ung thư nội mạc tử cung

    Ung thư nội mạc tử cung là một loại ung thư xảy ra trong tử cung, tức bộ phận rỗng, hình quả lê ở vùng chậu ở phụ nữ nơi nuôi bào thai.

    Ung thư nội mạc tử cung ảnh hưởng chủ yếu đến phụ nữ sau giai đoạn tiền mãn kinh, tuổi khởi phát bệnh này trung bình là 60. Hiện nay, vẫn chưa có hình thức sàng lọc nào hiệu quả giúp phát hiện sớm căn bệnh này.

    Các triệu chứng bệnh

    Dịch tiết âm đạo bất thường

    • Cảm giác đau vùng xương chậu

    • Âm đạo chảy máu bất thường sau mãn kinh

    • Đi tiểu thường xuyên hơn

    • Nước tiểu có thể rò rỉ khi vận động mạch hoặc gây đau khi đi tiểu.

    Cách phòng ngừa

    Một số cách phòng ngừa bệnh này là kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý. Theo hiệp hội ung thư Hoa Kỳ, nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung tăng cấp đôi ở phụ nữ thừa cân và tăng gấp 3 lần ở phụ nữ bị béo phì.

    Các tế bào mỡ tiết ra estrogen, loại hormone này có thể tạo ra những thay đổi có thể dẫn tới ung thư. Nếu phụ nữ ở giai đoạn sau tuổi tiền mãn kinh có sử dụng thuốc tránh thai, nên xem xét uống thuốc trong vài năm. Theo một nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Y khoa danh tiếng Lancet Oncology, sử dụng thuốc trong 5 năm có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung tới 25%.

    4. Ung thư phổi

    Ung thư phổi xảy ra khi các tế bào phổi tăng trưởng với một tốc độ nhanh bất thường, làm hình thành một khối u. Phổi giúp bạn thở và cung cấp oxy cho các phần còn lại của cơ thể. Theo WHO, ung thư phổi là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong do ung thư. Ung thư phổi có thể gây tàn phế và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của bạn.

    Theo hiệp hội phổi Hoa Kỳ, số trường hợp ung thư phổi ở phụ nữ đã tăng 98% trong vòng 4 thập kỷ qua và hơn một nửa số phụ nữ bị ung thư phổi chưa từng hút thuốc. Một số giả thuyết đưa ra là do phổi của phụ nữ thường nhạy cảm hơn với khói thuốc thụ động và estrogen có thể đã là nhiên liệu cho các tế bào ung thư.

    Các triệu chứng bệnh

    • Khó thở

    • Khó nuốt

    • Khàn tiếng

    • Thở khò khè

    • Ăn không ngon

    • Có máu trong đờm

    • Cảm thấy  mệt mỏi

    • Sụt cân không có lý do

    • Khó chịu hoặc đau ở ngực

    • Viêm hoặc tắc nghẽn trong phổi

    • Bị ho không giảm hoặc nặng dần theo thời gian

    • Hạch sưng hoặc phì đại ở trong ngực hoặc vùng giữa 2 phổi.

    Cách phòng ngừa

    Không hút thuốc và tránh xa khói thuốc thụ động. Khói thuốc làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi tới 30%. Nếu bạn đã từng hút thuốc trước đây hoặc nhiều lần sống trong môi trường khói thuốc thụ động, bạn nên đề cập với bác sĩ khi đi khám chức năng phổi.

    Tùy thuộc vào tình trạng hiện tại của bạn bác sĩ có thể kê đơn cho bạn dùng liều  325 mg aspirin hàng ngày. Nghiên cứu chỉ ra rằng liều dùng này của aspirin giúp ngăn ngừa ung thư phổi hiệu quả.

    5. Ung thư vú

    Ung thư vú là tình trạng khối u ác tính phát triển ở các tế bào vú. Khối u ác tính là tập hợp các tế bào ung thư có thể sinh sôi rất nhanh ở các mô xung quanh, hoặc có thể lan ra các bộ phận khác trong cơ thể. Ung thư vú hầu hết xuất hiện ở nữ giới. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, nam giới cũng có thể mắc bệnh này.

    Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê, năm 2010 nước ta có 12.533 trường hợp mắc ung thư vú và tới năm 2020 con số này ước tính lên tới 22.612.

    Các triệu chứng bệnh

    Ung thư vú ở giai đoạn đầu thường không gây đau đớn và có thể không có triệu chứng gì. Khoảng 10% bệnh nhân không bị đau, không thấy khối u hoặc bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh. Tuy nhiên, nếu khối u vú phát triển, bệnh có thể gây ra các triệu chứng sau:

    • Xuất hiện khối u cứng ở vú

    • Vú bị thay đổi kích thước hoặc hình dạng

    • Vú tiết dịch, bị thụt vào trong hoặc có cảm giác đau.

    • Vú bị sưng, biến dạng hay kích ứng da vùng vú hoặc vùng dưới cánh tay

    • Quầng vú hoặc núm vú có sự thay đổi màu sắc hay các thay đổi khác, chẳng hạn như xuất hiện nếp nhăn hoặc đóng vảy.

    Cách phòng ngừa

    Chụp quang tuyến vú thường xuyên định kì là rất quan trọng để sàng lọc ung thư vú. Bạn nên hỏi bác sĩ xem khi nào thì nên bắt đầu tiến hành sàng lọc. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo nên thực hiện sàng lọc này hàng năm từ khi 45 tuổi.

    Song song với thực hiện sàng lọc là điều chỉnh thói quen và lối sống để tránh tình trạng ít vận động, thừa cân và tiêu thụ quá nhiều chất béo. Bạn cũng không nên uống rượu vì rượu làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.

    Chế độ ăn uống và thói quen sống lành mạnh có thể giúp bạn ngăn ngừa các bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ. Vì vậy, hãy điều chỉnh ngay từ bây giờ và khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để đảm bảo sức khỏe bạn nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hồng Nhung · Ngày cập nhật: 28/02/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo