Một nguyên nhân khác gây ung thư da đầu là da đầu thường xuyên tiếp xúc với một số hóa chất độc hại, chẳng hạn như hắc ín, than đá, thuốc nhuộm tóc…
Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố làm tăng nguy cơ gây ung thư da đầu bao gồm:
- Phơi nắng, tắm nắng hoặc làm việc thường xuyên dưới ánh nắng mặt trời
- Tiền sử bị cháy nắng hoặc da dễ cháy nắng
- Tóc vàng hoặc làn da trắng, nhiều tàn nhang
- Có nhiều nốt ruồi hoặc nốt ruồi có hình dạng bất thường
- Bị dày sừng quang hóa (da tăng trưởng mạnh thành những mảng sần sùi, có vảy, màu hồng đậm đến nâu)
- Bản thân từng bị ung thư da hoặc thành viên gia đình mắc bệnh ung thư da
- Có một tình trạng ức chế hệ thống miễn dịch như HIV
- Dùng thuốc ức chế hoặc làm suy yếu hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như thuốc chống thải ghép trong cấy ghép nội tạng
- Da từng bị tổn thương do điều trị bằng xạ trị
- Chiếu xạ vào vùng đầu.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán ung thư da dầu?
Chẩn đoán ung thư da đầu được thực hiện giống như đối với các loại ung thư da khác, thường gồm khám lâm sàng và sinh thiết.
Việc phát hiện và chẩn đoán sớm ung thư da đầu có thể khó khăn do tóc che phủ và suy nghĩ chủ quan của bệnh nhân. Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi xem bạn có nhận thấy bất kỳ thay đổi hoặc bất thường nào trên da đầu hay không. Tiếp theo, họ sẽ dùng tay vén tóc và kiểm tra kỹ lưỡng da đầu.
Nếu nghi ngờ có tổn thương da đầu, sinh thiết có thể được thực hiện. Bác sĩ lấy mẫu mô da đầu bất thường để kiểm tra dưới kính hiển vi xem có phải là ung thư không.
Ung thư tế bào đáy và tế bào vảy được phân loại theo kích thước và mức độ tăng trưởng. Ung thư tế bào đáy hiếm khi di căn đến các hạch bạch huyết, nhưng chúng có thể phát triển khá lớn và xâm lấn các cấu trúc lân cận. Ung thư tế bào vảy có tỷ lệ di căn đến hạch bạch huyết ở cổ cao hơn nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm.
Trong khi đó, ung thư hắc tố được phân loại theo mức độ xâm lấn sâu vào các lớp da. Loại này phát triển rất khó lường và dễ lan tràn đến các cơ quan ở xa. Vì vậy, việc chẩn đoán những khối u hắc tố có kích thước trung bình thường phải sinh thiết hạch, xem nó đã di căn tới hạch bạch huyết hay chưa. Đồng thời cũng cần khảo sát các cơ quan khác xem đã bị di căn xa hay chưa.
Bạn có thể quan tâm: Bạn đã biết gì về xét nghiệm ung thư da?
Những phương pháp điều trị ung thư da đầu
Gần như tất cả các bệnh ung thư da đều có thể kiểm soát tốt nếu được phát hiện và điều trị sớm. Các phương pháp điều trị bao gồm phẫu thuật cắt bỏ, phẫu thuật Mohs, hóa trị và xạ trị.
Khối u của ung thư tế bào đáy hoặc ung thư tế bào vảy giai đoạn đầu có thể được loại bỏ bằng phẫu thuật Mohs, chỉ loại bỏ khối u và để lại mô lân cận, đảm bảo diện cắt không còn tế bào ác tính.
Còn các tình trạng ung thư da đầu có liên quan đến hạch bạch huyết hoặc có kích thước lớn sẽ không phù hợp với phẫu thuật Mohs. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định cắt bỏ, kết hợp với xạ trị hoặc hóa trị bổ trợ.
Riêng với khối u hắc tố, nó có nhiều nguy cơ lan rộng hơn nên cần cắt bỏ tích cực với bờ rộng kết hợp hóa trị và/hoặc xạ trị.
Bạn có thể quan tâm: Giải đáp thắc mắc ung thư da có chữa được không?
Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa ung thư da đầu?
Bạn có thể thực hiện các biện pháp sau đây để phòng ngừa ung thư da đầu
- Thường xuyên kiểm tra da đầu. Bạn nên nhờ người khác kiểm tra da đầu kỹ lưỡng và thường xuyên xem có bất thường nào không. Nếu thuộc nhóm có nguy cơ cao, bạn nên tầm soát ung thư định kỳ.
- Tránh để da đầu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Khi tóc mỏng đi, ánh nắng mặt trời có thể tác động trực tiếp đến da đầu và làm tăng nguy cơ ung thư. Đây là lý do tại sao đội mũ là rất quan trọng để bảo vệ da đầu, mặt và cổ khỏi ánh nắng mặt trời.
Hi vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ về ung thư da đầu và cách để phòng ngừa, điều trị hiệu quả. Hãy chủ động theo dõi những bất thường, không chỉ trên da đầu mà toàn bộ cơ thể để phát hiện sớm bệnh ung thư (nếu có) và có giải pháp phù hợp cho bản thân mình.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!