Chẩn đoán sớm và xác định chính xác giai đoạn ung thư có ý nghĩa rất lớn trong việc đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân và dự đoán tiên lượng sống của họ. Ung thư thực quản cũng không ngoại lệ. Nếu bạn được chẩn đoán ung thư thực quản giai đoạn II (thường gọi là ung thư thực quản giai đoạn 2), đừng bỏ qua bài viết dưới đây vì đây là thông tin chi tiết về phương pháp điều trị và tiên lượng sống của bệnh này.
Ung thư thực quản giai đoạn 2 là gì?
Ung thư thực quản giai đoạn 2 (II) có nghĩa là ung thư đã phát triển vào lớp cơ thực quản và có thể đã lan rộng đến tận lớp áo ngoài bao phủ thực quản. Khối u cũng có thể đã lan đến 1 hoặc 2 hạch bạch huyết gần đó. Tuy nhiên, ung thư chưa lan đến các bộ phận, cấu trúc hoặc cơ quan khác ở xa của cơ thể.
Bạn có thể quan tâm: Cảnh báo 6 dấu hiệu ung thư thực quản
Ung thư thực quản giai đoạn 2 (II) được chia thành:
- Giai đoạn IIa: Ung thư đã lan vào lớp cơ thực quản nhưng chưa lan đến các hạch bạch huyết lân cận và chưa có di căn xa.
- Giai đoạn IIb: Ung thư đã lan rộng vào lớp mô liên kết của thành thực quản HOẶC vào lớp niêm mạc, hoặc lớp dưới niêm mạc của thành thực quản và Ung thư cũng đã lan đến 1 hoặc 2 hạch bạch huyết gần đó. Hay ung thư xâm lấn đến lớp áo ngoài cơ nhưng chưa có di căn hạch bạch huyết gần đó.
Điều trị ung thư thực quản giai đoạn 2
Việc điều trị ung thư thực quản giai đoạn 2 (II) bằng phương pháp nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như:
- Loại ung thư thực quản mắc phải là ung thư tế bào vảy hay còn gọi là tế bào gai (phát triển từ các tế bào vảy/gai tạo nên lớp lót bên trong thực quản) hay ung thư biểu mô tuyến (phát triển trong các tế bào tuyến tạo ra chất nhầy trong niêm mạc thực quản)
- Vị trí ung thư thực quản (1/3 trên, 1/3 giữa hay 1/3 dưới)
- Mức độ di căn đến các hạch bạch huyết lân cận
- Sức khỏe tổng thể và nhu cầu của của bệnh nhân.
Bạn có thể quan tâm: Bệnh ung thư thực quản có chữa được không?
Hầu hết trường hợp ung thư thực quản giai đoạn 2 (II) cần phải điều trị trước khi tiến hành phẫu thuật. Cụ thể như sau:
Đối với ung thư tế bào vảy, đầu tiên, bác sĩ sẽ chỉ định hóa xạ trị (hóa trị kết hợp với xạ trị). Sau đó, họ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ thực quản. Bệnh nhân có thể không cần điều trị gì thêm và các bác sĩ sẽ theo dõi sát sao trong những lần tái khám định kỳ.
Đối với ung thư biểu mô tuyến, bệnh nhân thường được chỉ định một trong số 3 lựa chọn sau đây:
- Hóa trị để thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật
- Hóa trị trước và sau phẫu thuật để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại
- Hóa xạ trị trước phẫu thuật.
Trong một số trường hợp (đặc biệt đối với ung thư ở phần trên của thực quản), hóa xạ trị có thể được khuyến cáo là phương pháp điều trị chính thay vì phẫu thuật. Những bệnh nhân không phẫu thuật cần được theo dõi chặt chẽ bằng nội soi để tìm kiếm các dấu hiệu ung thư còn sót lại. Đôi khi nội soi không quan sát thấy tế bào ung thư nhưng chúng vẫn có thể còn sót lại bên dưới lớp lót bên trong của thực quản.
Những bệnh nhân không thể phẫu thuật vì có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác hoặc ung thư quá lớn để loại bỏ thường được chỉ định điều trị bằng hóa trị. Nếu hóa xạ trị không phù hợp, bác sĩ có thể chỉ định hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch hoặc kết hợp.
Đối với những người bị ung thư ở vị trí tiếp nối giữa dạ dày và thực quản và có thụ thể HER2 dương tính, kết hợp hóa trị và thuốc nhắm mục tiêu trastuzumab có thể được sử dụng làm phương pháp điều trị đầu tiên. Nếu có biểu hiện PD-L1 thì có thể lựa chọn liệu pháp miễn dịch bằng pembrolizumab.
Bên cạnh đó, cần chú ý đến vấn đề điều trị triệu chứng cũng như dinh dưỡng cho người bệnh:
- Mở thông dạ dày nuôi ăn bằng sonde.
- Dinh dưỡng bằng đường truyền.
- Trong quá trình phối hợp đa phương thức điều trị ung thư thực quản, thường xuyên phải quan tâm tới vấn đề dinh dưỡng và viêm thực quản.
- Thức ăn nhiều dinh dưỡng, mềm, xay nhuyễn, ăn nhiều bữa trong ngày, truyền tĩnh mạch thêm các loại dịch dinh dưỡng bổ sung.
- Nếu bệnh nhân không ăn được, tốt nhất nên nuôi dưỡng qua đường mở thông dạ dày hoặc ruột non.
- Cho các loại thuốc chống viêm loét niêm mạc thực quản.
Tiên lượng
Ung thư thực quản giai đoạn 2 (II) sống được bao lâu? Không có một câu trả lời chính xác về tiên lượng cho từng người, bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, loại ung thư thực quản, mức độ di căn và tình trạng sức khỏe tổng thể.
Theo một thống kê tại Anh, khoảng 30% trường hợp ung thư thực quản giai đoạn 2 có thể sống sót từ 5 năm trở lên sau khi được chẩn đoán. Con số này chỉ là trung bình, rất nhiều người sống được lâu hơn nhiều khi đáp ứng tốt với điều trị.
Chi tiết hơn, bạn có thể nghe bác sĩ Trần Kiến Bình giải đáp ung thư thực quản sống được bao lâu?
Hi vọng bài viết này đã cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích để hiểu rõ hơn về căn bệnh ung thư thực quản giai đoạn 2 (II). Việc chẩn đoán sớm và điều trị tích cực sẽ giúp bạn kiểm soát bệnh tốt nhất, sống khỏe, sống lâu hơn với căn bệnh này.
[embed-health-tool-bmi]