Ung thư vòm họng là tình trạng khối u ác tính xuất hiện ở vòm họng, khu vực nằm phía sau mũi và phía trên cổ họng. Bệnh khó phát hiện sớm và hơn một nửa số trường hợp được chẩn đoán ở giai đoạn muộn. Đó là do các triệu chứng bệnh tương tự như các bệnh lý tai mũi họng thông thường khác. Vậy, tự kiểm tra ung thư vòm họng bằng cách nào ngay tại nhà nhằm phát hiện sớm bệnh?
Cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ cách kiểm tra ung thư vòm họng tại nhà qua các bước đơn giản trong bài viết ngay sau đây nhé!
Khi nào nên thực hiện tự kiểm tra ung thư vòm họng?
Mọi người đều nên kiểm tra ung thư vòm họng, nhưng những đối tượng dưới đây nên tiến hành thường xuyên hơn:
- Nam giới trên 40 tuổi
- Nhiễm virus u nhú ở người (HPV) và virus Epstein-Barr hoặc chưa tiêm vắc xin chống lại các loại virus đó
- Lạm dụng rượu bia
- Đã từng hoặc đang hút thuốc lá thường xuyên, sống ở môi trường có nhiều khói thuốc
- Chế độ ăn thiếu trái cây và rau quả
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
- Tiếp xúc với các chất độc hại tại nơi làm việc
- Thường xuyên quan hệ tình dục bằng miệng
- Từng điều trị bức xạ đến vùng đầu và cổ (do bệnh lý khác)
- Tiền sử bệnh gia đình có người mắc bệnh ung thư.
9 bước tự kiểm tra ung thư vòm họng tại nhà
Quá trình tự kiểm tra ung thư vòm họng chỉ mất chưa đầy 5 phút và bạn nên thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Chuẩn bị
Trước khi thực hiện tự kiểm tra ung thư vòm họng tại nhà, bạn nên
- Đánh răng và súc miệng sạch sẽ
- Chuẩn bị một chiếc gương
- Rửa tay và làm sạch các ngón tay
- Chuẩn bị đèn pin để soi vào miệng hoặc chọn một nơi có đầy đủ ánh sáng
- Nhờ một người khác giúp đỡ nếu cần.
Bước 2: Kiểm tra tổng thể khuôn mặt
- Nhìn tổng thể khuôn mặt để xem có vết sưng nào mà bạn chưa từng nhận thấy trước đây không?
- So sánh hai bên khuôn mặt có đối xứng với nhau không?
- Kiểm tra làn da trên mặt có gì thay đổi không, có khu vực bất thường, không đều màu hoặc bị đổi màu không?
- Nốt ruồi có trở nên lớn hơn hoặc bắt đầu ngứa hay chảy máu không?
- Quay đầu từ bên này sang bên kia và kéo căng da trên các cơ để dễ nhìn thấy điểm bất thường hơn.
Bước 3: Kiểm tra vòm họng
Kiểm tra vòm họng bằng cách nào? Cách kiểm tra vòm họng như sau: bạn ngửa đầu ra sau và há to miệng để kiểm tra sâu trong vòm miệng. Có thể sẽ khó để bạn nhìn sâu vào cổ họng, nhưng có thể quan sát amidan và gốc lưỡi. Bạn nên nhìn kỹ xem amidan có đối xứng không, có cục u nào ở phía sau lưỡi hay không, vùng này có thay đổi màu sắc hoặc vết loét nào không. Hãy soi đèn pin để thấy rõ hơn.
Kế tiếp, bạn dùng ngón tay sờ vào vòm họng xem có sự khác biệt nào về kết cấu vùng vòm họng hay không, chẳng hạn như có cục u. Dù cục u gây đau hay không thì cũng nên thận trọng. Có thể, đó không phải là ung thư mà chỉ là u nang lành tính hoặc dấu hiệu nhiễm trùng nhưng vẫn cần điều trị.
Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm tra các vùng lân cận vòm họng. Bởi ung thư vòm họng có thể lan tràn sang các bộ phận, cơ quan bên cạnh. Cụ thể:
Bước 4: Kiểm tra cổ
Tự kiểm tra ung thư vòm họng lan tràn sang hạch bạch huyết cổ bằng cách đưa các đầu ngón tay sờ cổ và vùng dưới hàm, dọc theo cơ lớn xem có hạch bất thường nào không, hai bên cổ có cân xứng?
Bước 5: Kiểm tra môi
Bạn kéo môi trên lên và môi dưới xuống để quan sát bên trong, tìm kiếm vết loét, cục u, mảng đỏ hoặc sự thay đổi về màu sắc hay bất kỳ điều gì bất thường ở cả trong và ngoài môi.
Bước 6: Kiểm tra nướu răng
Trong bước tự kiểm tra ung thư vòm họng này, bạn sử dụng ngón tay cái và ngón trỏ kẹp hai mặt của nướu răng, di chuyển xung quanh nướu răng để cảm nhận xem có gì bất thường không.
Bước 7: Kiểm tra má
- Mở miệng và dùng tay kéo má ra xa, từng bên một và tìm mảng màu đỏ hoặc trắng.
- Sờ vào bên trong má để tự kiểm tra ung thư vòm họng lan tràn lên má bằng cách xem có vết loét, cục u hoặc nơi gây đau không.
- Bạn có thể dùng lưỡi để xác định vị trí các vùng bị đau, vết loét hoặc các mảng sần sùi bên trong má.
Bước 8: Kiểm tra lưỡi
Nhẹ nhàng kéo lưỡi của bạn ra và nhìn vào phần trên (lưng lưỡi), dưới (bụng lưỡi) và hai bên lưỡi (bờ lưỡi). Bạn tìm kiếm bất kỳ vết sưng, loét hoặc thay đổi màu sắc bất thường.
Bước 9: Kiểm tra sàn miệng
Bạn nhấc lưỡi lên và nhìn xuống sàn miệng xem có bất kỳ thay đổi màu sắc bất thường nào không. Nhẹ nhàng ấn ngón tay của bạn dọc theo sàn miệng và bên dưới lưỡi để cảm nhận bất kỳ cục u, sưng tấy hoặc vết loét nào.
Khi nào cần đi khám bác sĩ và phương pháp chẩn đoán ung thư vòm họng?
Ngoài việc thực hiện tự kiểm tra ung thư vòm họng tại nhà hàng tháng, bạn cũng nên thăm khám ngay với bác sĩ nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:
- Đau họng trên 1 tuần mà không đỡ dù đã dùng thuốc
- Bị tắc mũi, nghẹt mũi kéo dài
- Khó nói, khó nghe, khó thở, chảy máu cam
- Nổi hạch cổ kèm theo đau nửa đầu.
Khi đến bệnh viện thăm khám, bác sĩ sẽ quan sát từ đầu tới cổ để kiểm tra các hạch, đồng thời bạn cũng được yêu cầu há miệng để quan sát lưỡi, vòm họng.
Bên cạnh đó, họ có thể yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm sau đây:
- Nội soi tai mũi họng. Bác sĩ sẽ dùng ống nội soi chuyên dụng có gắn camera ở một đầu nhằm quan sát kỹ bên trong vòm họng, cổ họng và thanh quản và tìm những dấu hiệu bất thường.
- Sinh thiết và/hoặc chọc hút. Nếu phát hiện thấy bất thường trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể đưa dụng cụ phẫu thuật qua ống soi để lấy mẫu mô và gửi đến phòng thí nghiệm nhằm kiểm tra xem có phải là ung thư hay không hoặc tìm kiếm sự hiện diện của virus HPV. Chọc hút những hạch cổ nghi ngờ.
- Các xét nghiệm hình ảnh khác. Các xét nghiệm hình ảnh khác, bao gồm: X – quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp phát xạ positron (PET), xạ hình xương,… có thể giúp bác sĩ xác định mức độ ung thư di căn ra ngoài bề mặt cổ họng hoặc thanh quản.
Điều trị ung thư vòm họng
Bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị dựa trên nhiều yếu tố, chẳng hạn như giai đoạn ung thư, mục tiêu điều trị, sức khỏe tổng thể và các tác dụng phụ có thể xảy ra.
Điều trị ung thư vòm họng thường bắt đầu bằng xạ trị hoặc kết hợp xạ trị và hóa trị.
- Xạ trị. Xạ trị ung thư vòm họng thường được thực hiện theo một quy trình gọi là xạ trị chùm tia ngoài. Phương pháp này sử dụng các chùm năng lượng cao, chẳng hạn như tia X hoặc proton, để tiêu diệt tế bào ung thư. Đối với các khối u nhỏ ở vòm họng, xạ trị có thể là phương pháp điều trị duy nhất.
- Hóa trị. Hóa trị là phương pháp điều trị bằng thuốc sử dụng hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư.
- Hóa trị đồng thời với xạ trị. Khi hai phương pháp điều trị này được kết hợp, hóa trị sẽ tăng cường hiệu quả của xạ trị.
- Hóa trị sau xạ trị. Hóa trị sau xạ trị được sử dụng để tấn công mọi tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể, bao gồm cả những tế bào đã tách khỏi khối u ban đầu và di căn đến nơi khác.
- Hóa trị trước xạ trị. Hóa trị trước khi xạ trị đơn thuần hoặc trước khi điều trị đồng thời.
- Phẫu thuật. Phẫu thuật không thường được sử dụng để điều trị ung thư vòm họng. Phẫu thuật có thể được sử dụng để loại bỏ các hạch bạch huyết ở cổ. Trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể được sử dụng để cắt bỏ khối u khỏi vòm họng.
Phát hiện và chẩn đoán sớm là rất quan trọng để điều trị thành công ung thư vòm họng nói riêng và các loại ung thư đầu cổ khác nói chung. Nếu nằm trong nhóm đối tượng nguy cơ được liệt kê ở đầu bài viết, hãy thực hiện tự kiểm tra ung thư vòm họng mỗi tháng một lần để chủ động phát hiện và điều trị bệnh sớm nếu cần.
[embed-health-tool-bmi]