Marker ung thư là một trong những yếu tố giúp bác sĩ phát hiện sớm, chẩn đoán và tìm hiểu sâu hơn về một số bệnh ung thư. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về xét nghiệm này qua bài viết dưới đây.
Tìm hiểu chung
Xét nghiệm marker ung thư là gì?
Marker ung thư (hay còn gọi là chất chỉ điểm khối u, dấu ấn sinh học khối u) là những chất được tạo ra bởi các tế bào ung thư hoặc tế bào bình thường để đáp ứng với bệnh ung thư. Bên cạnh đó, những thay đổi trong gen và các bộ phận khác của tế bào ung thư cũng có thể coi là dấu hiệu của khối u.
Marker ung thư được tìm thấy trong máu, nước tiểu hoặc các mẫu tế bào lấy từ khối u trong quá trình sinh thiết. Một số marker có trong nước bọt hoặc phân.
Một số chất chỉ điểm khối u đặc hiệu cho một loại ung thư nhất định, nhưng cũng có các loại marker ung thư hiện diện ở nhiều bệnh ung thư khác nhau như:
- Alpha-fetoprotein (AFP): Marker ung thư gan, ung thư buồng trứng và ung thư tinh hoàn
- Kháng nguyên ung thư 12-5 (CA125): Marker ung thư buồng trứng
- Kháng nguyên ung thư 15-3 (CA15-3) và 27-29 (CA27-29): Marker ung thư vú
- Kháng nguyên ung thư phổi (CEA): Marker ung thư phổi, đại trực tràng, marker ung thư dạ dày, tuyến giáp, tuyến tụy, vú và buồng trứng
- B2M: Marker đa u tủy, một số bệnh u lympho và bệnh bạch cầu
- Kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA): Marker ung thư tuyến tiền liệt
- CA 19-9: Marker ung thư tuyến tụy, túi mật, ống mật và dạ dày
- Đột biến gen BRCA1 và BRCA2: Ung thư vú và ung thư buồng trứng
Vì sao phải thực hiện xét nghiệm marker ung thư?
Xét nghiệm chất chỉ điểm khối u được thực hiện để:
- Sàng lọc bệnh ung thư ở những người có tiền sử gia đình mắc bệnh nhưng không có triệu chứng
- Chẩn đoán và tiên lượng ung thư, kết hợp với các xét nghiệm khác
- Tìm kiếm xem ung thư còn sót lại sau điều trị không
- Đánh giá xem việc điều trị ung thư có hiệu quả hay không hoặc có tái phát không.
Thận trọng/Cảnh báo
Những điều bạn cần biết trước khi thực hiện xét nghiệm marker ung thư là gì?
Có những hạn chế nhất định đối với các marker ung thư như:
- Một số tình trạng hoặc bệnh lý khác không phải ung thư có thể làm tăng nồng độ chất chỉ điểm khối u. Vì vậy, không phải cứ xét nghiệm cho kết quả marker ung thư cao nghĩa là bạn bị ung thư (không đặc hiệu).
- Chỉ có một số marker đặc trưng cho một loại ung thư cụ thể, trong khi, một số khác lại gặp ở nhiều bệnh ung thư khác nhau.
- Nồng độ marker có thể không tăng cho đến khi bệnh ung thư trở nên nghiêm trọng. Vì vậy, xét nghiệm chất chỉ điểm khối u không hữu ích để phát hiện sớm ung thư hoặc kiểm tra xem ung thư có tái phát sau điều trị không.
- Một số bệnh ung thư không có marker.
- Một số bệnh nhân ung thư vẫn có nồng độ marker bình thường mặc dù loại ung thư đó vẫn thường tạo ra các chất chỉ điểm khối u.
Một số tình trạng không phải ung thư nhưng nồng độ chất chỉ điểm khối u có thể vẫn cao là:
- Thiếu máu
- Bệnh tuyến giáp
- U nang buồng trứng (lành tính)
- Bệnh thận
- Sỏi thận
- Viêm gan
- Bệnh sarcoid.
Quy trình
Cần chuẩn bị gì trước khi làm xét nghiệm?
- Nếu lấy máu hoặc nước tiểu, bạn thường không cần phải chuẩn bị bất cứ điều gì cho xét nghiệm
- Với sinh thiết, bạn có thể cần nhịn ăn uống vài giờ trước khi làm thủ thuật.
Quy trình xét nghiệm diễn ra như thế nào?
Đối với xét nghiệm máu
Nhân viên y tế sẽ lấy mẫu máu ở tĩnh mạch cánh tay bằng một cây kim nhỏ. Khi kim đưa vào, máu sẽ được thu vào ống nghiệm hoặc lọ và bạn có thể thấy hơi nhức một chút. Quá trình lấy máu thường mất chưa tới 5 phút.
Tiếp theo, mẫu máu được phân tích bằng máy chuyên dụng.
Nếu như marker ung thư đang được sử dụng để đánh giá xem phương pháp điều trị có hiệu quả hay không, hoặc xem ung thư có tái phát không thì bác sĩ sẽ lấy mẫu máu nhiều lần để đo.
Đối với xét nghiệm nước tiểu
Nhân viên y tế sẽ đưa cho bạn dụng cụ để đựng nước tiểu.
Đối với sinh thiết
Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ. Cách lấy mẫu tùy thuộc vào vị trí lấy mẫu, chẳng hạn như:
- Sinh thiết da bằng cách cạo hoặc cắt vùng da đó
- Sinh thiết mô bên trong cơ thể có thể sử dụng cây kim đặc biệt để lấy mẫu,…
Điều gì xảy ra sau khi làm xét nghiệm marker ung thư?
- Với xét nghiệm máu: Có rất ít rủi ro, bạn có thể bị đau nhẹ hoặc bầm tím tại vị trí lấy máu nhưng sẽ nhanh chóng hết.
- Với xét nghiệm nước tiểu: Không có rủi ro.
- Với sinh thiết: Bạn có thể bị bầm tím hoặc chảy máu nhẹ tại vị trí sinh thiết hoặc khó chịu trong vòng 1-2 ngày.
Kết quả
Ý nghĩa kết quả
Mặc dù được gọi là chất chỉ điểm khối u nhưng chỉ riêng xét nghiệm đo nồng độ chất này thôi là không đủ để sàng lọc hoặc chẩn đoán ung thư. Kết quả xét nghiệm marker ung thư cần kết hợp với:
- Khai thác tiền sử bệnh kỹ càng
- Kiểm tra thể chất
- Các xét nghiệm khác trong phòng thí nghiệm
- Các xét nghiệm hình ảnh.
Nếu bác sĩ làm xét nghiệm marker ung thư để theo dõi hiệu quả điều trị, kết quả sẽ được so sánh với kết quả trước khi bắt đầu điều trị.
- Nếu nồng độ marker giảm hoặc trở lại như người bình thường có nghĩa là việc kiểm soát ung thư đang có hiệu quả.
- Nếu nồng độ marker tăng có nghĩa là ung thư không đáp ứng với điều trị, đang tiến triển hoặc tái phát. Tuy nhiên, mức tăng nhẹ có thể không đáng kể.
- Việc điều trị bằng hóa trị có thể làm tăng tạm thời nồng độ marker ung thư vì hóa trị làm hàng loạt tế bào ung thư bị tiêu diệt nhanh chóng và giải phóng lượng lớn chất chỉ điểm khối u.
Kết quả được trả sau 1-2 ngày nếu là xét nghiệm máu, nước tiểu,… còn sinh thiết cần tới 1 tuần trở lên.
[embed-health-tool-bmi]