backup og meta

Giảm tiểu cầu có phải là ung thư máu không?

Giảm tiểu cầu có phải là ung thư máu không?

Ung thư máu ảnh hưởng đến cách cơ thể bạn tạo ra các tế bào máu và cách hoạt động của các tế bào đó. Tủy xương tạo ra các tế bào máu bao gồm hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Ung thư máu xảy ra khi các tế bào máu bất thường áp đảo các tế bào máu bình thường. Cuối cùng, tủy xương tạo ra ít tế bào máu bình thường hơn. Vậy, giảm tiểu cầu có phải là ung thư máu không?

Mời bạn cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp trong bài viết ngay sau đây nhé!

Giảm tiểu cầu là gì?

Giảm tiểu cầu là tình trạng số lượng tiểu cầu thấp do tủy xương không tạo đủ tiểu cầu, hoặc cơ thể bị mất hay phá huỷ tiểu cầu. Đây là tế bào máu giữ nhiệm vụ đông máu, kiểm soát chảy máu và hỗ trợ cầm máu. Số lượng hoặc mức tiểu cầu bình thường ở người lớn dao động từ 150.000 đến 450.000 tiểu cầu trên mỗi microlit máu. Khi mức tiểu cầu thấp hơn bình thường, máu không thể đông lại như bình thường, làm tăng nguy cơ bị chảy máu quá nhiều và khó cầm máu khi có vết thương.

Giảm tiểu cầu nhẹ không phải lúc nào cũng gây ra các triệu chứng. Thông thường, tình trạng này chỉ được phát hiện thông qua xét nghiệm máu thông thường, chẳng hạn như xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC), biểu hiện qua chỉ số số lượng tiểu cầu.

giảm tiểu cầu là gì, có phải ung thư máu?

Khi các triệu chứng xuất hiện cho thấy số lượng tiểu cầu thấp đến mức nguy hiểm (mức tiểu cầu từ 51.000 đến 21.000 microlit máu). Các dấu hiệu giảm tiểu cầu bao gồm:

  • Chảy máu từ bất cứ đâu (chẳng hạn như nướu, miệng, mũi hoặc trực tràng)
  • Nôn hoặc khạc ra máu hoặc dịch có màu nâu sẫm
  • Phân màu đỏ tươi, đỏ sẫm hoặc đen
  • Nước tiểu màu đỏ, hồng hoặc nâu
  • Phụ nữ có thể bị chảy máu âm đạo nhiều trong thời kỳ kinh nguyệt
  • Xuất hiện vết bầm tím bất thường không rõ nguyên nhân trên da
  • Các chấm nhỏ màu đỏ trên da giống như phát ban, thường bắt đầu ở bàn chân và cẳng chân (dấu hiệu xuất huyết dưới da)
  • Đau đầu, chóng mặt hoặc mờ mắt (trường hợp nặng, nguy cơ xuất huyết não)
  • Đau khớp hoặc cơ.

Các dấu hiệu giảm tiểu cầu vừa kể trên có những tương đồng nhất định với dấu hiệu ung thư máu. Vì vậy, nhiều người thắc mắc không biết giảm tiểu cầu có phải là ung thư máu không?

Giảm tiểu cầu có phải là ung thư máu không?

Khi nào thì phải?

Ung thư máu xảy ra khi có một yếu tố nào đó làm gián đoạn quá trình tạo ra tế bào máu, trong đó có tiểu cầu. Vì vậy, giảm tiểu cầu có thể là một trong những dấu hiệu cảnh báo ung thư máu, cụ thể là bệnh bạch cầu hoặc ung thư hạch, mà bạn nên thận trọng.

Để biết giảm tiểu cầu có phải là ung thư máu hay không, bác sĩ cần làm thêm nhiều xét nghiệm khác trước khi khẳng định.

Giảm tiểu cầu cũng là biến chứng khá phổ biến của một số bệnh ung thư; là tác dụng phụ của các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị và xạ trị.

Ở bệnh nhân ung thư, số lượng tiểu cầu thấp có thể do:

  • Hóa trị. Hóa trị toàn thân là nguyên nhân thường gặp nhất gây giảm tiểu cầu ở bệnh nhân ung thư. Thuốc hoá trị có thể làm hỏng tủy xương, phá hủy các tiểu cầu khỏe mạnh và dẫn đến giảm tiểu cầu. Tuy nhiên, tình trạng này thường chỉ là tạm thời. Hiếm khi nào hoá trị gây tổn thương tuỷ xương không hồi phục.
  • Xạ trị. Liều lượng lớn xạ trị hoặc xạ trị kết hợp hóa trị cũng có thể dẫn đến mức tiểu cầu thấp.
  • Ung thư di căn xương. Khối u trong xương có thể gây khó khăn cho tuỷ xương tạo tiểu cầu.
  • Ung thư lá lách. Một trong những chức năng của lá lách là lưu trữ tiểu cầu. Ung thư có thể làm to lá lách, khiến lá lách lưu trữ quá nhiều tiểu cầu. Vì vậy mà lượng tiểu cầu trong máu thấp. Tuy nhiên trường hợp này là rất hiếm gặp.

Khi nào thì không? Các nguyên nhân gây giảm tiểu cầu không liên quan đến ung thư

bị giảm tiểu cầu có phải là ung thư máu không

Giảm tiểu cầu có phải là ung thư máu? Câu trả lời là KHÔNG PHẢI nếu nguyên nhân do:

  • Các bệnh tự miễn dịch: Trong các bệnh tự miễn dịch như giảm tiểu cầu miễn dịch (ITP), lupus ban đỏ hệ thống và viêm khớp dạng thấp, hệ miễn dịch của chúng ta tự tấn công nhầm và phá hủy tiểu cầu.
  • Ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối (TPP): Rối loạn máu này gây ra cục máu đông trong các mạch máu nhỏ khắp cơ thể, và tiểu cầu chính là một trong những nguyên liệu cần để tạo cục máu đông. Vì vậy, bệnh làm cạn kiệt nguồn tiểu cầu của cơ thể. Một tình trạng tương tự là đông máu nội mạch lan tỏa (DIC) cũng có thể sử dụng hết tiểu cầu.
  • Nhiễm trùng: Nhiễm trùng do vi khuẩn và virus có thể làm giảm mức tiểu cầu.
  • Lạm dụng rượu: Rượu làm chậm quá trình sản xuất tiểu cầu. 
  • Hóa chất độc hại: Tiếp xúc với hóa chất độc hại, bao gồm asen, benzen và thuốc trừ sâu, có thể ảnh hưởng đến mức tiểu cầu trong máu.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Thuốc kháng sinh, thuốc chống co giật, thuốc điều trị bệnh tim và heparin có thể ảnh hưởng đến mức độ tiểu cầu.

Hiểu rõ giảm tiểu cầu có phải là ung thư máu để biết nên làm gì

Điều trị theo chỉ định

Giảm tiểu cầu nhẹ mà không phải do ung thư máu thường tự khỏi. Tuy nhiên, bạn sẽ cần điều trị nếu có các triệu chứng hoặc số lượng tiểu cầu rất thấp. Mục tiêu điều trị là duy trì số lượng tiểu cầu trong mức an toàn. Điều này cho phép điều trị hiệu quả bệnh lý ác tính tiềm ẩn (ung thư), ngăn ngừa các biến chứng do chảy máu quá nhiều và giảm thiểu việc phải truyền tiểu cầu.

Bất kể giảm tiểu cầu có phải là ung thư máu hay không thì nếu số lượng tiểu cầu rất thấp đều gây nguy hiểm. Rủi ro bao gồm chảy máu không kiểm soát, thậm chí tử vong. Các phương pháp điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân như giảm liều hóa trị (nếu do hóa trị) hoặc truyền tiểu cầu.

Truyền tiểu cầu được thực hiện tương tự như truyền máu tiêu chuẩn nhằm mục đích:

  • Ngăn ngừa chảy máu khi số lượng tiểu cầu rất thấp,
  • Cầm máu khi bệnh nhân bị chảy máu bất thường,
  • Nâng số lượng tiểu cầu về mức bình thường.

Tuy nhiên, tác dụng chỉ là tạm thời và bạn có thể cần truyền tiểu cầu vài lần trong suốt quá trình điều trị.

giảm tiểu cầu có phải là ung thư máu không, điều trị ra sao

Phòng ngừa chảy máu tại nhà

Dù giảm tiểu cầu có phải là ung thư máu không thì bạn cũng cần thực hiện các biện pháp sau đây để ngăn ngừa chảy máu do giảm tiểu cầu:

  • Tránh uống rượu
  • Thận trọng với bất kỳ loại thuốc giảm đau chống viêm không kê đơn nào
  • Tránh các môn thể thao tiếp xúc và các hoạt động khác có khả năng gây thương tích
  • Bảo vệ làn da của bạn khỏi vết cắt, vết trầy xước. Thận trọng với dao, kéo và các vật sắc nhọn khác
  • Sử dụng bàn chải đánh răng mềm hơn, đặc biệt nếu nướu dễ chảy máu
  • Sử dụng dũa móng tay thay vì bấm móng tay
  • Đừng xì mũi hoặc ho quá mạnh
  • Tránh đi lại bằng chân trần ở ngoài trời và trong nhà
  • Chỉ sử dụng dao cạo điện (không phải lưỡi dao) để cạo râu
  • Sử dụng thuốc làm mềm phân hay thuốc nhuận tràng để tránh táo bón, tránh rặn khi đi tiêu
  • Không đặt bất cứ thứ gì vào trực tràng, kể cả thuốc đạn, thụt tháo, nhiệt kế,…
  • Nếu bắt đầu chảy máu, hãy bình tĩnh, ngồi hoặc nằm xuống và yêu cầu sự giúp đỡ
  • Gọi cấp cứu ngay lập tức nếu bạn bị chảy máu bất thường hoặc chảy máu không ngừng.

Hi vọng bài viết này đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc giảm tiểu cầu có phải là ung thư máu không và biết nên làm gì, điều trị ra sao nhé! Hãy thăm khám bác sĩ sớm ngay khi có những triệu chứng bất thường.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Blood Cancer. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22883-blood-cancer. Ngày truy cập: 07/08/2023

Thrombocytopenia in cancer patients. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24862148/. Ngày truy cập: 07/08/2023

Low Platelet Count (Bleeding). https://www.cancer.org/cancer/managing-cancer/side-effects/low-blood-counts/bleeding.html. Ngày truy cập: 07/08/2023

Thrombocytopenia. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14430-thrombocytopenia. Ngày truy cập: 07/08/2023

Low Platelet Count (Thrombocytopenia). https://www.oncolink.org/support/side-effects/low-blood-counts/low-platelet-count-thrombocytopenia. Ngày truy cập: 07/08/2023

Low Platelet Count or Thrombocytopenia. https://www.cancer.net/coping-with-cancer/physical-emotional-and-social-effects-cancer/managing-physical-side-effects/low-platelet-count-or-thrombocytopenia. Ngày truy cập: 07/08/2023

Cancer risk in patients with primary immune thrombocytopenia. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1877782120301405. Ngày truy cập: 07/08/2023

Phiên bản hiện tại

14/08/2023

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Kiến Bình

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Tìm hiểu về những cách chữa trị bệnh giảm tiểu cầu

Tiểu cầu thấp nên ăn gì để tăng tiểu cầu nhanh nhất?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Trần Kiến Bình

Ung thư - Ung bướu · BV Ung Bướu TP. Cần Thơ


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 14/08/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo