Một số phụ nữ sẽ có hiện tượng chảy máu vùng kín ngay sau khi thụ thai. Tuy nhiên, việc xuất huyết âm đạo hay ra lấm tấm máu không hoàn toàn đồng nghĩa với dấu hiệu mang thai.
Vậy làm thế nào để nhận biết xuất huyết liệu có là dấu hiệu thai kỳ, kinh nguyệt hay một vấn đề sức khỏe nào khác? Bài viết sau sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.
Khi mong muốn có thai, khoảng thời gian 2 tuần chờ đợi kết quả thử thai hoặc trễ kinh mang đến cảm giác dài đằng đẵng. Bạn sẽ cảm nhận sâu sắc từng cơn đau, cảm giác mệt mỏi và khẩu vị thay đổi, đồng thời tự hỏi điều này có phải là dấu hiệu mang thai sớm hay không.
Một trong những triệu chứng dễ nhận thấy là máu báo thai. Trứng được thụ tinh sẽ trở thành một phôi thai. Phôi thai đi vào tử cung và làm tổ trong lớp nội mạc. Khi bám vào đây, nó sẽ gây chảy một ít máu. Tuy nhiên, chảy máu cũng có thể là do chu kỳ kinh nguyệt hoặc một vấn đề sức khỏe khác. Vậy bạn làm thế nào để phân biệt được chúng?
Xuất huyết âm đạo là gì?
Ở thời điểm trứng được thụ tinh thành công bởi tinh trùng, phôi bắt đầu phân chia và phát triển, gửi tín hiệu cho cơ thể người phụ nữ để chuẩn bị cho thời kỳ mang thai. Khi đó, lớp lót trong thành tử cung (nội mạc tử cung) bắt đầu dày lên trong suốt chu kỳ kinh nguyệt, nhưng chúng sẽ cần phát triển và trưởng thành hơn nữa để bảo vệ và nuôi dưỡng phôi thai trong 9 tháng.
Ở bất kỳ thời điểm nào từ 6–12 ngày sau khi thụ tinh, phôi phát triển nhanh chóng, di chuyển xuống các ống dẫn trứng vào tử cung. Nó bắt đầu cần thêm chất dinh dưỡng và nội mạc tử cung đã đủ khả năng để nuôi phôi. Vào thời điểm này, phôi tự dính vào nội mạc tử cung nơi có các chất dinh dưỡng và oxy.
Khi phôi được cấy vào tử cung, nó có thể phá vỡ các mạch máu nhỏ ngay tại chỗ mà nó sẽ làm tổ. Điều này sẽ không gây ra bất kỳ vấn đề gì, nhưng một số phụ nữ sẽ bị chảy máu nhẹ, dịch rỉ ra có màu hồng, đỏ hoặc nâu. Hiện tượng chảy máu do phôi làm tổ này đến sớm hơn so với kỳ kinh nguyệt hằng tháng (thường là khoảng 5–10 ngày sau khi thụ thai).
[embed-health-tool-due-date]