backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Trà giảo cổ lam: Liệu có phải thần dược cho người tiểu đường?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền · Dinh dưỡng - Da liễu Thẩm mỹ · Bệnh viện Y học Cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 02/11/2023

    Trà giảo cổ lam: Liệu có phải thần dược cho người tiểu đường?

    Giảo cổ lam là một loại thảo dược quý, có tên khoa học là Gynostemma pentaphyllum, còn được gọi là cổ yếm, cỏ trường thọ, cỏ thần kỳ, trường sinh thảo,… với nhiều công dụng có lợi với sức khỏe. Đặc biệt là trà giảo cổ lam còn được xem là một loại trà tiểu đường. Vậy thực hư công dụng của loại trà này như thế nào? Cách dùng và những lưu ý khi dùng trà giảo cổ lam như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu với Hello Bacsi trong bài viết sau đây nhé! 

    Trà giảo cổ lam có tác dụng gì? 

    Trong một số bài thuốc dân gian lưu truyền đến hiện nay, người ta tin rằng trà giảo cổ lam có khả năng giảm đường huyết và cải thiện tình trạng tiểu đường. 

    Nghiên cứu ban đầu về giảo cổ lam với bệnh tiểu đường 

    Giảo cổ lam là một trong những cây dược liệu cổ quý hiếm được biết đến với rất nhiều tác dụng trong y học. Dược liệu này đã được sử dụng từ rất lâu đời, bao gồm cả giới vua chúa, ở các nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia, Triều Tiên, đặc biệt là Trung Quốc. Ở Nhật Bản, năm 1976, các nhà khoa học tình cờ phát hiện ra Giảo cổ lam khi nghiên cứu một bộ lạc sống trên vùng núi cao có tuổi thọ bình quân xấp xỉ 100 tuổi. Nguyên nhân là do người dân nơi đây đã dùng giảo cổ lam, chế biến thành trà uống hàng ngày, để tăng cường sức khỏe.

    Giảo cổ lam đã được ghi trong sách cổ “Nông chính toàn thư hạch chú”, quyển Hạ năm 1694 và trong cuốn “Từ điển cây thuốc Việt Nam” với những công dụng sau:

  • Ba chống: Chống u, chống lão hóa, chống mệt mỏi
  • Ba giảm: Giảm béo, giảm căng thẳng, giảm nám sạm da
  • Năm tốt: Ăn ngủ tốt, tiêu hóa tốt, da dẻ tốt, sức khỏe tốt và giúp tỉnh táo.
  • Ở Việt Nam, nhiều loại chiết xuất thảo dược đã được sử dụng từ lâu đời để điều trị cho bệnh nhân tiểu đường, tuy nhiên tác dụng của các chiết xuất này chưa được nghiên cứu đầy đủ. Trong đó một số bài thuốc dân gian lưu truyền đến hiện nay là trà giảo cổ lam có khả năng giảm đường huyết và cải thiện tình trạng tiểu đường.

    Giống cây giảo cổ lam Gynostemma pentaphyllum (GP), lấy từ vùng núi phía Bắc Việt Nam đã được mang đi nghiên cứu. Chiết xuất từ mẫu thử này có tác dụng hạ đường huyết trên chuột và được chứng minh là có chứa một chất phanoside, có tác dụng kích thích tiết insulin. Điều thú vị là độ nhạy cảm của tế bào beta đảo tụy với phanoside khi nồng độ glucose cao tốt hơn khi ở nồng độ thấp. Điều này có nghĩa là giảo cổ lam hầu như không gây hạ đường huyết khi nồng độ đường trong máu ở mức bình thường mà chỉ làm giảm đường huyết ở người có nồng độ đường trong máu cao. Ngoài ra, trà giảo cổ lam đã được chứng minh là làm giảm cả tình trạng tăng đường huyết và tăng lipid máu ở chuột béo Zucker mắc bệnh tiểu đường.

    trà giảo cổ lam có tốt cho người tiểu đường?

    Nghiên cứu gần đây về tác dụng của trà giảo cổ lam trên bệnh nhân tiểu đường 

    Một số nghiên cứu về giảo cổ lam cho thấy, dược liệu này chứa thành phần chính là các chất thuộc nhóm Saponin và Flavonoid. Hoạt chất Saponin ở giảo cổ lam có cấu trúc triterpen kiểu dammaran giống với Saponin trong tam thất và nhân sâm nhưng hàm lượng lại nhiều hơn hai nguyên liệu này gấp 3 – 4 lần. Ngoài ra, chúng còn chứa lượng lớn acid amin, vitamin và khoáng chất như P, Mn, Fe, Zn, Se,…

    Nghiên cứu mới đây nhằm tìm hiểu về tác dụng của chiết xuất giảo cổ lam, được dùng dưới dạng nước trà và so sánh với giả dược trong một thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi ở những bệnh nhân chưa từng dùng thuốc mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 mới được chẩn đoán. Tất cả bệnh nhân cũng nhận được hướng dẫn về chế độ ăn uống và tập thể dục. Ngoài việc theo dõi tác động lên việc điều hòa glucose huyết tương, tác giả còn nghiên cứu những tác động có thể có đối với lipid huyết tương, chức năng thận và gan cũng như trọng lượng cơ thể và huyết áp. Nghiên cứu này cho thấy sự cải thiện nhanh chóng của bệnh nhân về đường huyết và độ nhạy với insulin của tế bào. Từ đó cung cấp cơ sở cho một phương pháp điều trị mới, hiệu quả và an toàn, sử dụng trà giảo cổ lam. 

    Năm 2010, một cuộc thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 đã được thực hiện. Kết quả cho thấy, sau khi sử dụng trà Giảo cổ lam với mức liều 6g/ngày, sau 4 tuần thì nồng độ đường trong máu giảm 3 mmol/l so với trước khi sử dụng, đồng thời Giảo cổ lam còn giúp cải thiện tình trạng rối loạn mỡ máu của bệnh nhân tiểu đường.

    Các nghiên cứu chỉ ra rằng, tác dụng hạ đường huyết của giảo cổ lam dựa trên các cơ chế:

    • Kích thích tế bào beta đảo tụy tăng tiết insulin.
    • Giảm tính kháng của tế bào đối với insulin
    • Giảm tân tạo glucose ở gan

    Tuy nhiên, dù đã có một số nghiên cứu khảo sát về trà giảo cổ lam và tác dụng của nó đối với người tiểu đường, kết quả vẫn chưa đủ rõ ràng và đồng nhất. Hiện tại, chưa có đủ bằng chứng khoa học thuyết phục để xác định trà giảo cổ lam là một phương pháp điều trị chính thức cho người tiểu đường.

    Chính vì vậy, trước khi sử dụng trà giảo cổ lam hoặc bất kỳ loại thảo dược nào khác, việc tham khảo ý kiến từ chuyên gia y tế là điều cần thiết. Ngoài ra, người bị tiểu đường nên tuân thủ chế độ ăn uống và điều trị theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình kiểm soát bệnh.

    Cách dùng trà giảo cổ lam cho người tiểu đường 

    cách dùng trà giảo cổ lam cho người tiểu đường

    Để sử dụng trà giảo cổ lam bạn có thể tham khảo cách dùng đơn giản như sau: 

    • Cho 20g giảo cổ lam đã phơi khô vào ấm trà. 
    • Thêm nước đun sôi vào và hãm trong 5-10 phút. 

    Dùng trà giảo cổ lam uống thay nước lọc hằng ngày. Lưu ý nên uống trà cho người tiểu đường vào buổi sáng hoặc đầu buổi chiều. Không nên dùng trà giảo cổ lam buổi tối vì các hợp chất kích thích thần kinh trong trà có thể gây mất ngủ. 

    Ngoài cách tự pha trà giảo cổ lam kể trên, bạn cũng có thể mua sẵn các loại trà túi lọc được chế biến đóng gói sẵn khá tiện lợi. Tuy nhiên hãy đọc kỹ nhãn sản phẩm để nắm rõ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng nhé! 

    Những lưu ý cần biết khi dùng giảo cổ lam

    Dưới đây là một số lưu ý bạn cần biết khi có ý định dùng trà giảo cổ lam cho người tiểu đường: 

    • Dược liệu này có tác dụng làm hạ đường huyết. Vì vậy không nên dùng quá liều để tránh trường hợp hạ đường huyết đột ngột đe dọa đến tính mạng. Liều dùng giảo cổ lam ở mỗi đối tượng là khác nhau. Hiện chưa có khuyến nghị cụ thể về liều lượng chuẩn. Các chuyên gia khuyên sử dụng 4 – 6 gram trà mỗi ngày, chia hai lần trong ngày và nên uống trước ăn 30 phút. Riêng đối với dược liệu khô  không nên dùng quá 60 gram trong một ngày.
    • Một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng trà giảo cổ lam như đầy bụng, mất ngủ, khó ngủ hoặc hạ đường huyết. Nếu xuất hiện các phản ứng này, bạn nên ngưng sử dụng và thông báo cho bác sĩ biết. 
    • Trà giảo cổ lam chỉ nên sử dụng trong ngày. Không dùng trà đã để qua đêm vì có thể bị oxy hoá dẫn đến biến đổi chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
    • Sau khi sử dụng trà giảo cổ lam, cơ thể có thể xuất hiện những phản ứng như tăng huyết áp nhẹ, nóng trong người, khát nước hoặc khô miệng. Những triệu chứng này sau một thời gian sẽ tự hết nhưng hãy uống thêm nhiều nước lọc, trường hợp xuất hiện các triệu chứng bất thường hãy ngưng sử dụng và đi khám bác sĩ ngay. 
    • Nếu đang sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh khác, bạn không nên sử dụng giảo cổ lam để tránh tương tác thuốc gây tác dụng phụ. Đặc biệt, không dùng dược liệu này với thuốc chống đông máu. Vì cây giảo cổ lam có tác dụng làm chậm quá trình đông máu, nếu kết hợp chung có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết. 
    • Không dùng trà giảo cổ lam cho phụ nữ mang thai, cho con bú; trẻ em dưới 6 tháng tuổi; người bị chứng hư hàn đổ mồ hôi nhiều, hơi thở ngắn, mệt mỏi, chân tay lạnh, chịu rét kém; bệnh nhân sử dụng thuốc chống thải ghép; người bị rối loạn xuất huyết hoặc chuẩn bị phẫu thuật hay mới phẫu thuật xong. 

    Trà giảo cổ lam, cũng giống như các loại thực phẩm bảo vệ sức khoẻ khác với vai trò chính là hỗ trợ bệnh nhân kiểm soát đường huyết. Đây không phải là “thần dược” giúp bạn chữa khỏi tiểu đường. Vì vậy không nên có tâm lý phụ thuộc cho rằng dùng giảo cổ lam trị tiểu đường mà thay vào đó kết hợp loại trà này với chế độ ăn uống, tập luyện và dùng thuốc phù hợp nhé! 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền

    Dinh dưỡng - Da liễu Thẩm mỹ · Bệnh viện Y học Cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 02/11/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo