Bánh mì là một trong những món ăn phổ biến ở cả Việt Nam và trên thế giới vì có thể linh hoạt chế biến thành nhiều món ngon miệng và tiện lợi. Nhưng với người bệnh tiểu đường, liệu đây có phải là một món ăn lành mạnh? Người tiểu đường ăn bánh mì được không? Loại bánh mì cho người tiểu đường tốt nhất là loại nào?
Với bệnh nhân tiểu đường, chế độ ăn uống rất quan trọng trong kế hoạch điều trị bệnh. Vì thế rất nhiều người quan tâm những món ăn nào khi bị tiểu đường nên ăn và không nên ăn, chẳng hạn như bị tiểu đường ăn bánh mì được không? Hãy cùng đi tìm giải đáp ngay sau đây với Hello Bacsi nhé!
Giải đáp: Bị tiểu đường ăn bánh mì được không?
Bánh mì là một nguồn thực phẩm giàu carb (tinh bột, đường) để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Tuy nhiên, với chỉ số đường huyết GI của bánh mì đặc ruột là 95 – thuộc nhóm thực phẩm có chỉ số đường huyết cao. Điều này đồng nghĩa với việc đường huyết sau ăn bánh mì sẽ tăng cao một cách nhanh chóng, nhất là khi bạn ăn một lượng lớn.
Vì vậy, người tiểu đường ăn bánh mì được không thì bánh mì cũng tương tự như cơm, đều thuộc nhóm thực phẩm được khuyên nên hạn chế ăn khi bị tiểu đường.
Tuy nhiên bên cạnh việc chứa nhiều tinh bột, một số loại bánh mì còn cung cấp một số vitamin, khoáng chất, chất béo tốt, protein và chất xơ. Vì vậy bệnh nhân tiểu đường vẫn ăn bánh mì được với lượng vừa phải nhưng cần đọc kỹ thành phần dinh dưỡng và lựa chọn loại phù hợp.
Tiểu đường thai kì ăn bánh mì được không?
Tương tự với câu trả lời ở trên, những bệnh nhân mắc phải tiểu đường thai kỳ cũng cần kiểm soát lượng ăn vào, đồng thời kết hợp các loại hạt với bánh mì.
Loại bánh mì cho người tiểu đường nào tốt?
Nhìn chung, câu hỏi “tiểu đường ăn bánh mì được không” có đáp án còn phụ thuộc vào loại bánh mì được nhắc đến. Bởi dù cùng làm từ ngũ cốc thường thấy là lúa mì nhưng bánh mì trắng và bánh mì nguyên cám có rất nhiều điểm khác nhau trong giá trị dinh dưỡng.
Trước tiên, chúng ta cần tìm hiểu đôi chút về cấu tạo của các loại ngũ cốc. Chúng thường gồm 3 phần:
- Nội nhũ: Phần mềm ở trong hạt và chứa nhiều tinh bột.
- Mầm là lớp tiếp theo chứa nhiều chất dinh dưỡng bao gồm các axit béo và vitamin E.
- Cám là lớp vỏ cứng bên ngoài của hạt chứa nhiều chất xơ và vitamin B.
Bánh mì trắng làm bằng bột mì tức là đã loại bỏ lớp mầm và cám chứa vitamin, chất béo và chất xơ, chỉ còn lại phần nội nhũ chứa nhiều tinh bột. Nếu bạn ăn bánh mì trắng, tức là bạn đã bỏ qua những chất dinh dưỡng này. Hơn thế nữa, bánh mì từ ngũ cốc nguyên hạt có chỉ số GI là 69, thấp hơn bánh mì trắng nên ít tác động đến đường huyết hơn.
Để có được bánh mì từ ngũ cốc nguyên cám, bạn có thể tự làm tại nhà. Hãy thêm hạt chia, yến mạch,… vào bánh mì. Dù vậy, bánh mì nguyên cám vẫn sẽ là thực phẩm chứa nhiều carb mà người tiểu đường cần ăn có chừng mực đấy nhé!
Gợi ý một số món ngon từ bánh mì cho người tiểu đường
Nếu bạn yêu thích món ăn này, có thể thử kết hợp bánh mì theo các gợi ý sau, để có những bữa ăn ngon miệng mà vẫn lành mạnh:
- Bánh mì ăn kèm với thịt gà nạc cùng với cà chua băm nhỏ, cà rốt bào và dưa chuột.
- Bánh mì Brioche (Pháp) ăn kèm với mứt trái cây nguyên chất (167Kcal – 23,3g carbs – 6,3g chất béo).
- Bánh mì ciabatta (bánh mì dép tông) tỏi giảm béo (54Kcal – 8,98g carbs – 1,2g chất béo).
- Bánh mì chua (Sourdough) ăn kèm với gà, phô mai, mayo ít béo,… (79Kcal – 15,7g carbs – 0,2g chất béo).
Ngoài ra, bạn cũng có thể sáng tạo thêm các công thức khác. Quan trọng là bạn biết rõ lượng carb, chất béo và calo dung nạp, đảm bảo không vượt quá mức cho phép mỗi ngày. Nếu chưa rõ lượng carb và calo mỗi ngày nên nạp, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị. Hy vọng các thông tin trên đây đã giải đáp cho thắc mắc “tiểu đường ăn bánh mì được không” để có nhiều sự lựa chọn hơn trong chế độ ăn uống mỗi ngày.
[embed-health-tool-bmi]