Để bảo vệ sức khỏe thì việc tăng sức đề kháng cho người bệnh đái tháo đường type 2 thông qua chế độ ăn là điều mà mọi người bệnh nên làm.
Việc tuân thủ chế độ ăn uống đúng cách có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu, trong khi đó nếu tiêu thụ thực phẩm sai cách người bệnh có thể gặp các biến chứng nguy hiểm (1). Do đó, đối với người bị đái tháo đường, việc tìm hiểu về chế độ ăn uống đúng cách nhằm kiểm soát đường huyết là rất cần thiết.
Chế độ ăn đúng cách giúp tăng đề kháng cho người đái tháo đường type 2
Với người bệnh đái tháo đường, việc thực hiện chế độ ăn uống đúng cách không chỉ giúp họ quản lý đường huyết tốt, ngăn ngừa biến chứng mà cón giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể:
1. Hiểu nhu cầu carbohydrate của bản thân và kích thước khẩu phần phù hợp
Amy Gorin (3), nữ chuyên gia dinh dưỡng, ở Union City, New Jersey, Hoa Kỳ, chia sẻ: Thực tế không có một khẩu phần ăn nào có thể áp dụng cho tất cả mọi người. Thế nhưng nữ chuyên gia này đưa ra ghi chú rằng, bệnh nhân đái tháo đường nên nhận được khoảng 45% calo từ carbohydrate, 55% còn lại là từ protein từ thịt nạc (thịt gà bỏ da), cá béo (cá hồi, cá trích, cá mòi) và protein từ thực vật như (đậu phụ, các loại đậu) và các thực phẩm cung cấp chất béo có lợi cho tim như quả hạch, cá (1) và dầu đậu phộng, dầu ô liu…
Theo Gorin: Phụ nữ bị đái tháo đường cần 3 – 4 khẩu phần với khoảng 45 – 60g carbs/bữa ăn, trong khi đó nam giới cần 60 – 75g carbs/bữa ăn tương ứng với 4 – 5 khẩu phần. Khẩu phần ăn thường được tính là 15g carbohydrate tương đương với 1/3 chén cơm gạo lứt hay 1/2 chén đậu đen hay một lát táo hoặc một lát bánh mì nguyên hạt (5).
2. Chọn đúng thực phẩm và chế biến đúng cách
Để tăng sức đề kháng cho cơ thể giúp chống lại các bệnh nhiễm khuẩn thông thường, ngoài việc tiêu thụ các loại rau không chứa carbs, các loại ngũ cốc nguyên hạt, đậu nguyên vỏ, thịt nạc, cá…, người bị đái tháo đường type 2 nên ưu tiên các thực phẩm:
- Thực phẩm giàu omega-3: Việc tiêu thụ cá (cá hồi, cá thu, cá mòi), hạt quả óc chó, hạt chia cùng các rau xanh giúp giảm huyết áp, ngăn ngừa hoặc kiểm soát các bệnh tim mạch và tốt cho hệ miễn dịch (4).
- Thực phẩm lên men: Các thực phẩm được lên men tự nhiên như yaourt, dưa cải bắp, kim chi, trà thủy sâm… giúp cơ thể chống lại sự tấn công của các vi khuẩn gây hại từ bên ngoài cơ thể (4).
- Thực phẩm giàu vitamin E: Trong cơ thể, vitamin E hoạt động như một chất oxy hóa mạnh mẽ, tăng khả năng miễn dịch. Bạn có thể tăng lượng vitamin E cho cơ thể bằng cách ăn quả bơ, hạt hướng dương, dầu ô liu (4).
- Thực phẩm giàu vitamin C: Đây là một vitamin thiết yếu cần có trong chế độ ăn hàng ngày của mọi người, kể cả người bị đái tháo đường, giúp cơ thể chống lại sự tấn công của các vi khuẩn, virus gây bệnh. Bạn có thể ăn dứa, bưởi, cải Brussels hay kể cả tỏi… để cung cấp vitamin C cho cơ thể (4).
- Dầu ô liu: Dầu ô liu tốt cho tim (11), do đó, người bị đái tháo đường type 2 nên sử dụng dầu ô liu nguyên chất thay cho các loại dầu thực vật khác để giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề về tim mạch (12).
- Một số loại gia vị: Gừng, nghệ, quế, thì là… từ lâu đã được biết đến với đặc tính chống viêm, chống oxy hóa, phòng chống bệnh đái tháo đường và các biến chứng liên quan (6). Do đó, bạn nên thêm các loại gia vị này vào một số món ăn hay dùng chúng để chế trà. Tuy nhiên, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị về lượng dùng để tránh gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn.
Khi cố gắng thực hiện chế độ ăn uống đúng cách để bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các bệnh nhiễm khuẩn thông thường, bạn cũng nên chú trọng vào các phương pháp nấu nướng. Thực tế là cách thức nấu nướng cũng tạo nên sự khác biệt lớn trong món ăn. Với một số món ăn, thay vì chiên/rán, bạn có thể đút lò, nướng, áp chảo… để giảm lượng chất béo có trong món ăn. Với các loại rau củ, bạn nên áp dụng các phương pháp như luộc, hấp, trộn thay cho các món xào.
Ngoài ra, khi không có nhiều thời gian chuẩn bị bạn có thể dùng sữa được thiết kế chuyên biệt cho người đái tháo đường trong các bữa phụ để kiểm soát đường huyết tốt hơn. Bạn nên ưu tiên chọn sữa có bổ sung đầy đủ các vitamin và khoáng chất mà cơ thể cần như vitamin D, A, E, C cùng kẽm, sắt, canxi, magie, đồng, crôm…. cùng hỗn hợp axit đặc chế giàu axit béo không bão hòa đơn (MUFA) và axit béo không bão hòa đa nối đôi PUFA tốt cho tim mạch.
3. Thực phẩm cần hạn chế hoặc loại bỏ khỏi chế độ ăn
Người có bệnh đái tháo đường nên cắt giảm hoặc tránh tiêu thụ một số loại thực phẩm nhất định. Chúng bao gồm các thực phẩm có xu hướng làm tăng cân hoặc có chỉ số đường huyết cao. Việc tiêu thụ các thực phẩm này có thể góp phần làm gia tăng lượng đường trong máu (7).
Bên cạnh đó, người bệnh đái tháo đường cũng cần tránh tiêu thụ đồ ăn vặt như: khoai lang chiên, chuối chiên, khoai tây chiên, bánh su, pizza…. Nguyên do là những món ăn này thường có nhiều carbohydrate, muối, chất béo bão hòa… không tốt cho sức khỏe (1).
Bạn cũng nên tránh tiêu thụ các loại bánh ngọt vì chúng là các món ăn giàu calo nhưng lại thiếu dưỡng chất. Do đó, bạn có thể nhấm nháp dưa leo, yaourt không đường… với lượng vừa phải để thỏa mãn cơn thèm ăn nhưng không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ngoài ra, bạn cũng nên tránh tiêu thụ soda có đường, nước ép trái cây và các loại nước ngọt khác. Trong trường hợp quá thèm đồ uống có vị ngọt, bạn có thể dùng soda không đường dành cho người ăn kiêng. Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố vào tháng 3 năm 2014 đã chỉ ra rằng những người không mắc bệnh đái tháo đường dùng soda dành cho người ăn kiêng có liên quan đến lượng calo cao hơn, dẫn đến tăng cân (10). Do đó, tốt nhất người bị tiểu đường type 2 nên sử dụng nước lọc.
Những lưu ý khác giúp người bệnh đái tháo đường bảo vệ sức khỏe hiệu quả
1. Ưu tiên thực phẩm lành mạnh chứa carb giải phóng chậm
Việc thực hiện chế độ ăn uống tập trung chủ yếu vào thực phẩm chứa carbs giải phóng chậm có thể giúp người bệnh duy trì mức đường huyết và năng lượng ổn định. (15) Bên cạnh đó, chế độ ăn này cũng có thể mang đến những lợi ích cho người bị tiểu đường trong những vấn đề sau:
- Quản lý cân nặng: Việc tiêu thụ thực phẩm chứa carbs giải phóng chậm làm giảm cảm giác đói và tăng chuyển hóa chất béo.
- Sức khỏe tim mạch: Cải thiện lưu lượng máu do tăng độ đàn hồi của mạch máu.
- Nồng độ cholesterol: Thực phẩm nhiều chất xơ, thực phẩm carbs giải phóng chậm giúp giảm mức lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) hoặc cholesterol xấu.
- Hiệu suất nhận thức: Carbs giải phóng chậm giúp duy trì mức năng lượng, dẫn đến tăng sự tỉnh táo và hiệu suất nhận thức tốt hơn.
Hãy thử kết hợp các loại thực phẩm chứa carbs giải phóng chậm như ngũ cốc nguyên hạt, khoai lang, đậu lăng, chuối, mì ống, gạo lứt… (14) với sữa hạt không đường, sữa chua, các loại hạt hoặc một vài loại trái cây thích hợp. (15) Đây là những kết hợp tuyệt vời trong bữa ăn hàng ngày, đồng thời giúp củng cố sức mạnh hệ miễn dịch.
2. Hạn chế đặt mua thức ăn bày bán sẵn và thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm nhiều bệnh thông thường
Người bị bệnh tiểu đường type 2 nên ưu tiên tiêu thụ thức ăn được nấu tại nhà nhằm kiểm soát lượng thức ăn và các thành phần có trong đó. Trong trường hợp muốn dành thời gian nấu nướng để nghỉ ngơi, bạn nên áp dụng các biện pháp bảo vệ bản thân khỏi các bệnh dễ lây nhiễm như viêm họng, cúm, tiêu chảy… khi ra ngoài mua đồ ăn hay đặt mua trực tuyến (1).
Nếu đặt mua đồ ăn qua các ứng dụng trực tuyến, sau khi nhận đồ ăn, bạn nên vệ sinh tay kỹ lưỡng, lấy thức ăn ra tô chén sạch và hâm nóng trước khi ăn. Việc nấu lại thực phẩm với nhiệt độ cao sẽ giúp tiêu diệt các mầm bệnh (8).
Khi đặt mua thức ăn được nấu sẵn, bạn nên ưu tiên:
- Chọn các món có nhiều rau.
- Lượng ngũ cốc nguyên hạt có trong món ăn nên có tỷ lệ vừa phải so với các loại đã qua chế biến.
- Chọn các món cung cấp protein từ thịt nạc, thịt da cầm bỏ da, phi lê cá, đậu, đậu phụ. Tránh chọn các món có thịt đỏ.
- Giảm lượng nước sốt (nếu có) vì chúng có thể chứa nhiều calo và muối.
3. Vận động thể chất đầy đủ
Người bị đái tháo đường type 2 nên duy trì vận động thể chất ít nhất 150 phút/tuần, các buổi tập nên chia đều cho các ngày trong tuần. Việc hoạt động thể chất không chỉ làm cho tăng độ nhạy của insulin đối với quá trình chuyển hóa glucose, giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường (13) mà còn giúp tăng cường sức khỏe. Ngoài ra, sau khi thưởng thức bữa ăn, bạn nên có các vận động thể chất ở mức độ nhẹ.
Bạn có thể tập yoga, đi bộ hay đạp xe tại chỗ nhẹ nhàng, thậm chí là dọn dẹp nhà cửa… Tuy nhiên, trước khi bắt đầu bất kỳ hình thức vận động nào, bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ điều trị để tránh gặp phải các rủi ro.
Hy vọng với những được chia sẻ ở trên, bạn đã cập nhật được những thông tin hữu ích để chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
[embed-health-tool-bmi]