backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Mối liên hệ giữa tiểu đường tuýp 2 và bệnh điếc

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: 08/07/2020

    Mối liên hệ giữa tiểu đường tuýp 2 và bệnh điếc

    Ở Mỹ, có khoảng 30 triệu người mắc bệnh tiểu đường. Trong đó, có đến 90-95% trường hợp thuộc tiểu đường tuýp 2. Có nhiều nghiên cứu đã chứng minh người bị tiểu đường tuýp 2 có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh điếc (mất thính lực).

    Do đó, việc tuân thủ hướng dẫn điều trị và kiểm soát lượng đường trong máu là rất quan trọng để ngăn ngừa mất thính lực.

    Nghiên cứu về mối liên hệ giữa tiểu đường và bệnh điếc

    Một nghiên cứu năm 2008 đã phân tích dữ liệu từ các bài kiểm tra thính giác của người trưởng thành trong độ tuổi từ 20-69. Hầu hết những người tham gia nghiên cứu đều bị tiểu đường tuýp 2. 

    Kết quả nghiên cứu cho thấy, bệnh tiểu đường có thể góp phần làm giảm thính lực thông qua việc gây tổn thương dây thần kinh và mạch máu. Các nghiên cứu tương tự cũng đã chỉ ra mối liên hệ giữa bệnh điếc và tổn thương thần kinh.

    Bệnh điếc

    Năm 2013, một nhóm nghiên cứu khác đã phân tích các tài liệu từ năm 1974 đến 2011 về bệnh tiểu đường và mất thính lực. Họ kết luận rằng những người mắc bệnh tiểu đường có khả năng bị mất thính lực cao hơn gấp đôi so với những người không mắc bệnh.

    Nguyên nhân gây điếc ở người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2

    Nguyên nhân gây nên tình trạng mất thính lực ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 vẫn chưa được xác định rõ ràng.

    Lượng đường trong máu cao có thể làm tổn thương các mạch máu trên khắp cơ thể, bao gồm các mạch máu ở tai. Nếu bạn bị bệnh tiểu đường trong một thời gian dài và không được kiểm soát tốt, các mạng lưới mao mạch trong tai bạn có thể bị ảnh hưởng.

    Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị mất thính lực cao hơn những người không mắc bệnh, kể cả khi bệnh được kiểm soát tốt.

    Phụ nữ bị tiểu đường tăng nguy cơ mắc bệnh điếc

    Biến chứng của bệnh tiểu đường cũng có thể làm tổn thương thần kinh thính giác. Điều này dễ khiến bạn bị điếc tai.

    Các yếu tố nguy cơ gây mất thính giác là gì?

    Theo Healthline, đến nay, các yếu tố nguy cơ gây mất thính giác ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 vẫn chưa rõ ràng.

    Bạn sẽ dễ bị mất thính lực hơn nếu bạn không thể kiểm soát lượng đường trong máu. Đó là lý do tại sao việc theo dõi kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường là rất quan trọng.

    Nếu bạn bị cả tiểu đường lẫn bệnh điếc, không nhất thiết hai căn bệnh này phải có liên quan với nhau. Có nhiều lý do khác khiến bạn bị mất thính giác, bao gồm:

  • Tiếp xúc với tiếng ồn lớn trong thời gian dài
  • Lão hóa
  • Tiền sử gia đình có người bị mất thính lực
  • Ráy tai tích tụ hoặc dị vật trong tai
  • Virus hoặc sốt
  • Có vấn đề ở cấu trúc trong tai
  • Thủng màng nhĩ
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc hóa trị
  • Một số loại thuốc có thể gây mất thính lực

    Chẩn đoán bệnh điếc

    Bệnh điếc có thể diễn tiến từ từ và đôi khi bạn không thể nhận thấy nó. Trẻ em và người lớn đều có thể bị mất thính lực bất cứ lúc nào. Nếu nghi ngờ mình bị suy giảm thính giác, bạn hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau:

    • Có ai phàn nàn rằng bạn không nghe thấy họ nói không?
    • Bạn có thường yêu cầu mọi người lặp lại lời nói không?
    • Bạn có cho rằng mọi người xung quanh bạn hay nói lí nhí không?
    • Bạn có gặp vấn đề khi tham gia vào các cuộc trò chuyện có hơn 2 người không?
    • Có ai phàn nàn rằng bạn nghe tivi hoặc radio quá lớn không?
    • Bạn có gặp khó khăn khi hiểu nội dung các cuộc trò chuyện trong phòng đông người không?

    Nếu bạn trả lời có cho nhiều hơn một câu hỏi, bạn nên đi khám và kiểm tra thính giác của mình.

    Kiểm tra thính giác

    Đầu tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra tai của bạn để xem có bị tắc, chảy dịch hay nhiễm trùng không. Sau đó, bạn có thể được yêu cầu thực hiện bài kiểm tra âm thoa để đánh giá tình trạng mất thính lực. Bài kiểm tra này giúp xác định xem vấn đề là do dây thần kinh ở tai giữa hay tai trong. Tùy thuộc vào kết quả, bạn có thể được giới thiệu đến một chuyên gia tai mũi họng hoặc chuyên gia thính học.

    Một phương pháp chẩn đoán khác là đo thính lực. Trong bài kiểm tra này, bạn sẽ đeo một bộ tai nghe. Âm thanh trong các phạm vi và cấp độ khác nhau sẽ được truyền đồng thời đến tai bạn. Bạn sẽ được yêu cầu chỉ ra một âm điệu bất kỳ nào đó khi nghe được.

    Điều trị bệnh điếc do tiểu đường

    Phương pháp điều trị phổ biến nhất cho tình trạng mất thính lực do tiểu đường là sử dụng máy trợ thính. Bác sĩ có thể tư vấn cho bạn loại máy phù hợp nhất với nhu cầu và lối sống của bạn.

    Các phương pháp điều trị khác sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây điếc, bao gồm:

    • Sử dụng thuốc cho trường hợp nhiễm trùng cấp tính
    • Lấy ráy tai hoặc loại bỏ các vật thể gây tắc nghẽn khác
    • Cấy ốc tai điện tử, phụ thuộc vào tình trạng các dây thần kinh trong tai bạn

    Phương pháp phẫu thuật có thể cần thiết nếu bạn bị bệnh điếc do:

    • Khuyết tật bẩm sinh
    • Chấn thương đầu
    • Chảy dịch tai giữa mãn tính
    • Nhiễm trùng tai mãn tính
    • Khối u.

    Nếu bạn được kê đơn thuốc mới, hãy nhớ hỏi về các tác dụng phụ của thuốc. Bên cạnh đó, bạn cũng nên chia sẻ thông tin, tình trạng và mối quan tâm của bạn về bệnh tiểu đường và mất thính lực. Như vậy các bác sĩ sẽ dễ dàng hình dung về sức khỏe tổng thể của bạn hơn.

    Điều trị bệnh điếc

    Trong một số trường hợp, bạn chỉ bị mất thính giác tạm thời. Điều trị sớm là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi chức năng nghe. Đối với một số dạng bệnh điếc nhất định, những người mắc bệnh tiểu đường hoặc huyết áp cao có tỷ lệ hồi phục thấp hơn.

    Phương pháp ngăn ngừa bệnh điếc do tiểu đường

    Nếu bạn bị tiểu đường, bạn nên đi kiểm tra thính giác mỗi năm. Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý các biện pháp phòng tránh mất thính lực và các biến chứng khác từ tiểu đường, bao gồm:

    • Tuân thủ kế hoạch điều trị tiểu đường
    • Theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu
    • Quản lý tình trạng cao huyết áp
    • Quản lý cân nặng
    • Tập thể dục thường xuyên và điều độ.

    Dung Nguyễn / HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: 08/07/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo