backup og meta

Xét nghiệm nước tiểu trong bệnh tiểu đường

Xét nghiệm nước tiểu trong bệnh tiểu đường

Chắc hẳn bạn đã từng một lần nghe đến việc thử tiểu đường bằng nước tiểu. Xét nghiệm nước tiểu trong bệnh tiểu đường (đái tháo đường), đặc biệt là ở tuýp 1, cũng là một cách giúp đánh giá và kiểm soát bệnh. Lượng ceton bất thường được phát hiện thấy trong nước tiểu là dấu hiệu cho thấy cơ thể không tạo ra đủ lượng insulin cần thiết.

Đái tháo đường là tình trạng đường trong máu tăng cao hơn bình thường. Nguyên nhân có thể là do cơ thể không tạo ra/ tạo ra không đủ insulin hay sử dụng insulin không hiệu quả, hoặc cả hai lý do trên.

Trong đái tháo đường tuýp 1, tế bào đảo tụy bị chính cơ thể tấn công khiến insulin không được sản sinh hoặc sản sinh không đủ, dẫn đến tế bào không sử dụng được glucose và lượng đường trong máu sẽ tăng cao. Khi đó, cơ thể bắt đầu chuyển hóa chất béo để tạo năng lượng. Sau quá trình đó, ceton cũng được tạo thành và tích tụ trong máu, khiến cho máu bị axit hóa. Lượng ceton quá cao có thể khiến người bệnh hôn mê, thậm chí tử vong.

Xét nghiệm nước tiểu trong bệnh tiểu đường thường không được dùng phổ biến với mục đích chẩn đoán. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm xét nghiệm để thử tiểu đường bằng nước tiểu nhằm theo dõi mức độ ceton và glucose trong nước tiểu. Đôi khi, bạn thực hiện xét nghiệm nước tiểu để đảm bảo bệnh đái tháo đường đang được kiểm soát tốt.

Xét nghiệm nước tiểu có biết bị tiểu đường không?

xét nghiệm nước tiểu trong bệnh tiểu đường

Xét nghiệm nước tiểu có thể là một phần của quá trình kiểm tra sức khỏe định kỳ. Các nhân viên y tế sẽ hướng dẫn bạn cách lấy mẫu nước tiểu để họ đem đến phòng thí nghiệm kiểm tra. Xét nghiệm nước tiểu có biết bị tiểu đường không? Nếu kết quả cho thấy có sự hiện diện của glucose và ceton trong nước tiểu tức là cơ thể đang không sản xuất đủ insulin.

Một số loại thuốc điều trị tiểu đường như canagliflozin và empagliflozin có thể khiến nước tiểu có đường (tức lượng đường trong nước tiểu tăng lên). Do đó, người đang sử dụng các thuốc trên không nên đo nồng độ glucose trong nước tiểu và nếu xét nghiệm, nồng độ ceton trong nước tiểu vẫn ở mức bình thường.

Bạn có thể xem thêm cách dùng que thử tiểu đường tại nhà. Một trong các bước giúp bạn kiểm soát đường huyết tốt hơn.

Glucose trong nước tiểu

Đo nồng độ glucose (đường) trong nước tiểu là một loại xét nghiệm thử tiểu đường bằng nước tiểu cho biết cơ thể bạn kiểm soát đường dư thừa như thế nào. Thông thường, cơ thể không đào thải đường qua nước tiểu, trừ khi lượng đường trong máu ở mức rất cao. Nồng độ đường trong nước tiểu cao có thể báo hiệu rằng cơ thể đang gặp vấn đề trong việc chuyển hóa đường.

Tuy nhiên, xét nghiệm nước tiểu không cho thấy nồng độ đường hiện tại. Kết quả chỉ phản ánh lượng glucose trong vài giờ trước. Đấy là lý do tại sao xét nghiệm đường huyết là xét nghiệm chính để xác định nồng độ đường thực sự đang có trong máu của bạn.

Ceton trong nước tiểu

Ceton (hay ketone) là một sản phẩm phụ từ quá trình chuyển hóa chất béo thành năng lượng khi các tế bào không thể hấp thu được glucose từ máu. Nước tiểu khi bị tiểu đường thường chứa nồng độ ceton cao và được ghi nhận thông qua xét nghiệm nước tiểu.

Thử tiểu đường bằng nước tiểu thông qua kết quả nồng độ ceton trong nước tiểu rất cần thiết cho những người bị đái tháo đường tuýp 1, khi:

thử tiểu đường bằng nước tiểu nhận biết nhiễm toan ceton

Nhiễm toan ceton do đái tháo đường là một biến chứng cấp tính, cần phải điều trị y tế ngay lập tức. Các triệu chứng cho thấy bạn có nguy cơ bị nhiễm toan ceton bao gồm:

  • Nôn hoặc cảm thấy buồn nôn
  • Đường huyết cao trên 250mg/dL (hay 13,9mmol/l) mà không đáp ứng với điều trị
  • Có cảm giác như bị cúm hay nhiễm trùng
  • Cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức
  • Khát nước quá mức, khô miệng
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Hơi thở có mùi trái cây (mùi táo chín do ceton được đào thải qua phổi)
  • Hay nhầm lẫn, tinh thần không tỉnh táo

Ý nghĩa của việc xét nghiệm nước tiểu trong bệnh tiểu đường

Theo dõi nồng độ ceton trong nước tiểu rất quan trọng nếu bạn bị nghi ngờ mắc phải đái tháo đường tuýp 1. Ceton cũng thường xuất hiện trong nước tiểu của người tiểu đường tuýp 1 hơn so với tuýp 2.

Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia ở Anh (NHS), mức bình thường của ceton trong nước tiểu là 0,6mmol/l. Các mức ceton khác nhau sẽ cho thấy những vấn đề có khả năng xảy ra tương ứng.

Mức ceton tăng nhẹ đến vừa

Khi mức ceton ở khoảng 10–30mg/dL (0,6–1,5mmol/l) có nghĩa là sự tích tụ ceton đang bắt đầu. Bạn nên kiểm tra lại sau vài giờ.

Lần xét nghiệm sau đó, bạn nên uống nhiều nước trước khi lấy mẫu thử nghiệm. Không tập thể dục nếu mức đường huyết đang tương đối cao. Tình trạng đói cũng có thể khiến một lượng nhỏ ceton xuất hiện trong nước tiểu, vì vậy bạn cần tránh bỏ bữa trước khi xét nghiệm.

Mức ceton tăng vừa đến cao

Mức ceton từ 30–50mg/dL (1,6–3,0mmol/l) có thể báo hiệu rằng bệnh đái tháo đường không được quản lý tốt.

Lúc này, bạn cần có những biện pháp điều trị phù hợp.

xét nghiệm nước tiểu trong bệnh tiểu đường nồng độ ceton cao

Mức ceton tăng rất cao

Mức ceton ở trên 50mg/dL (hay 3,0mmol/l) có thể cho thấy bạn đã bị nhiễm toan ceton do đái tháo đường. Đây là một tình trạng đe dọa đến tính mạng và cần can thiệp y tế ngay.

Nhiễm toan ceton có thể gây phù não, hôn mê và thậm chí tử vong nếu không được điều trị.

Nếu bạn đang mang thai và bị đái tháo đường thai kỳ, điều quan trọng là theo dõi nồng độ ceton thông qua xét nghiệm nước tiểu trong bệnh tiểu đường và các xét nghiệm khác nếu cần. Trong quá trình mang thai, nhu cầu insulin có thể thay đổi cùng với sự thay đổi hormone và lối sống. Việc sớm xác định hàm lượng ceton trong nước tiểu giúp bạn biết liệu có cần sử dụng thêm insulin hay điều chỉnh chế độ ăn uống hay không. Điều này sẽ giúp cả mẹ và con an toàn, làm giảm tác động mà bệnh đái tháo đường thai kỳ mang đến cho em bé, bao gồm cả thai to.

Điều gì xảy ra sau khi thử tiểu đường bằng nước tiểu?

Nước tiểu có đường có nguy hiểm không? Nếu bác sĩ phát hiện có glucose và ceton trong nước tiểu, bạn có thể phải trải qua một vài xét nghiệm bổ sung khác để tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng trên. Các xét nghiệm thêm bao gồm cả kiểm tra đường huyết.

thử tiểu đường bằng nước tiểu

Nếu bạn bị đái tháo đường, bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị và kiểm soát lượng đường trong máu bạn thông qua:

  • Chế độ ăn uống
  • Tập luyện thể dục
  • Sử dụng thuốc
  • Theo dõi đường huyết thường xuyên tại nhà

Nếu mắc phải đái tháo đường tuýp 1, bạn có thể phải theo dõi nồng độ ceton bằng cách xét nghiệm nước tiểu trong bệnh tiểu đường thường xuyên bằng que thử tại nhà.

Nếu mức ceton tăng từ nhẹ đến vừa, hãy thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu phát hiện mức ceton tăng cao trong nước tiểu, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời. Nhiễm toan ceton sẽ xảy ra khi mức ceton vượt quá cao. Khi đó, bác sĩ sẽ truyền dịch qua tĩnh mạch và sử dụng insulin để điều trị tình trạng này.

Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ mục đích và ý nghĩa của việc xét nghiệm nước tiểu trong bệnh tiểu đường để thoải mái thực hiện xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ. Cũng từ đây hiểu rõ hơn về khái niệm thử tiểu đường bằng nước tiểu nhé!

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

American Diabetes Association. (n.d.). Checking for Ketones. Retrieved November 17, 2011, from ADA: Living with Diabete

http://www.diabetes.org/living-with-diabetes/treatment-and-care/blood-glucose-control/checking-for-ketones.html.

Ngày truy cập 21/2/2023

Urine Tests for Diabetes

https://diabetesjournals.org/care/article/14/Supplement_2/39/17200/Urine-Glucose-and-Ketone-Determinations

Ngày truy cập 21/2/2023

Urine Tests for Diabetes

https://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/11730-diabetes-home-testing

Ngày truy cập 21/2/2023

Urine Tests for Diabetes

http://labtestsonline.org/conditions/diabetes

Ngày truy cập 21/2/2023

DKA Ketoacidosis Ketones

http://diabetes.org/diabetes/dka-ketoacidosis-ketones

Ngày truy cập 21/2/2023

Urine testing for diabetic analysis

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4944103/

Ngày truy cập 21/2/2023

Ngày truy cập 21/2/2023

 

Phiên bản hiện tại

21/02/2023

Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Vi Quỳnh


Bài viết liên quan

5 bài tập thể dục cho người tiểu đường mà bạn không nên bỏ qua

Tiểu đường ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn thế nào?


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 21/02/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo