backup og meta

12 quan niệm sai lầm khi tìm hiểu về bệnh tiểu đường (Phần 1)

12 quan niệm sai lầm khi tìm hiểu về bệnh tiểu đường (Phần 1)

Khi tìm hiểu về bệnh tiểu đường, bạn sẽ có rất nhiều băn khoăn hoặc nhận được nhiều nguồn thông tin. Trong đó cũng có không ít những thông tin sai lệch, khiến bạn có quan niệm sai lầm về bệnh. Nếu không tìm hiểu thật kỹ lưỡng, bạn sẽ rất khó để biết điều gì là chính xác và điều gì là không. Hậu quả dẫn đến là quá trình điều trị bệnh thực sự không hiệu quả, thậm chí khiến tiểu đường trở nên nghiêm trọng hơn.

Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu về quan niệm sai lầm này để hiểu chính xác hơn về bệnh nhé!

1. Ăn nhiều đường và đồ ngọt sẽ bị tiểu đường

Ăn nhiều đồ ngọt có bị tiểu đường không có lẽ là điều được hoài nghi nhiều nhất trong quá trình tìm hiểu về bệnh tiểu đường. Rất nhiều người lầm tưởng rằng ăn một chế ăn với nhiều đường và đồ ngọt là nguyên nhân gây ra bệnh.

Tuy nhiên, thực chất bệnh tiểu đường xảy ra là do cơ thể không thể tạo ra insulin (tiểu đường type 1) hoặc insulin không hoạt động đúng cách (tiểu đường type 2), khiến cho glucose (đường) không thể đi vào cung cấp năng lượng cho tế bào. Đây mới là thủ phạm làm gia tăng lượng đường trong máu.

Ăn nhiều đường và đồ ngọt không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh tiểu đường. Thế nhưng, việc tiêu thụ các thực phẩm giàu năng lượng, ít dinh dưỡng này có thể khiến bạn dễ dàng gây tăng cân. Và, thừa cân, béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu làm gia tăng khả năng mắc bệnh tiểu đường type 2.

ăn nhiều đồ ngọt sẽ bị tiểu đường?

2. Người bệnh tiểu đường không thể ăn đường và đồ ngọt

Đây là một trong những sai lầm mà khi tìm hiểu về bệnh tiểu đường bạn sẽ rất thường gặp phải. Vì lượng đường trong máu luôn có xu hướng tăng cao nên nhiều người nghĩ rằng bệnh nhân cần tránh tuyệt đối đường và thực phẩm có chứa đường trong chế độ ăn.

Tuy nhiên, người mắc bệnh tiểu đường không nhất thiết phải tránh hoàn toàn đường và đồ ngọt. Điều quan trọng là tập trung vào một chế độ ăn uống cân bằng, ít carbohydrate, giảm chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa; ưu tiên rau quả tươi, cá, đậu và các loại hạt. Đôi khi, bạn có thể tự thưởng cho mình một viên socola hay nhấm nháp chút trái cây khô, nhưng đừng quá thường xuyên là được.

Bên cạnh đó, người bị tiểu đường rất dễ gặp phải tình trạng hạ đường huyết. Lúc này, một viên kẹo ngọt, viên đường hay nước ngọt sẽ rất hữu ích để nhanh chóng kéo đường huyết lên cao, tránh được nhiều biến chứng nghiêm trọng. Vậy nên hãy luôn mang theo chúng bên mình để sử dụng khi cần thiết.

3. Tiểu đường type 1 chỉ xảy ra ở trẻ em, còn type 2 là bệnh của người lớn

Khi tìm hiểu kỹ về bệnh tiểu đường, bạn sẽ thấy điều này là hoàn toàn sai lầm. Bệnh thuộc tuýp nào cũng đều có thể xảy ra ở mọi nhóm tuổi. Mặc dù bệnh tiểu đường type 2 thường xuất hiện nhiều ở người trưởng thành trên 45 tuổi, nhưng đang dần trẻ hóa và có thể xuất hiện ở cả trẻ em, thanh thiếu niên và người trẻ tuổi do tình trạng béo phì, thừa cân gia tăng. 

Còn bệnh tiểu đường type 1 thường được biết là căn bệnh của tuổi trẻ, vì khởi phát chủ yếu ở những người dưới 30 tuổi. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, gần một nửa số người mắc bệnh chỉ được chẩn đoán sau năm 30 tuổi.

4. Bệnh tiểu đường type 2 là nhẹ

Bệnh tiểu đường type 2 là dạng phổ biến nhất của bệnh tiểu đường. Vì vậy, tìm hiểu về bệnh tiểu đường type 2 là nặng hay nhẹ sẽ nhiều hơn là tiểu đường tuýp 1.

Bạn cần nhớ rằng không có dạng bệnh tiểu đường nào là nhẹ. Nếu không được điều trị và kiểm soát tốt, bệnh tiểu đường type 2 có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm trên tim mạch, tổn thương dây thần kinh, tổn thương thận, hoại tử chi và thậm chí là gây tử vong. Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và làm giảm tuổi thọ của bệnh nhân.

tìm hiểu về bệnh tiểu đường với bác sĩ

5. Bệnh tiểu đường type 2 chỉ ảnh hưởng đến người thừa cân, béo phì

Thừa cân, béo phì là một yếu tố nguy cơ làm gia tăng khả năng phát triển bệnh tiểu đường type 2. Vì vậy, nhiều người khi tìm hiểu về bệnh tiểu đường lại lầm tưởng rằng bệnh tiểu đường type 2 chỉ ảnh hưởng đến người thừa cân béo phì.

Đừng chủ quan vì không ít ​​những người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường type 2 có trọng lượng bình thường hoặc nhẹ cân. Thừa cân chỉ là một yếu tố nguy cơ phát triển bệnh này bên cạnh tiền sử gia đình, chế độ ăn uống, tuổi tác và mức độ hoạt động thể chất…

6. Người bệnh tiểu đường không nên chơi thể thao

Khi tìm hiểu về bệnh tiểu đường, bạn nhận được lời khuyên là người bệnh tiểu đường không nên chơi thể thao. Đây hoàn toàn là một quan niệm vô cùng sai lầm. Có một số vấn đề cần xem xét trước khi người bệnh tiểu đường tham gia thể thao như tình trạng hạ đường huyết, mức độ vận động, tránh chấn thương… nhưng họ vẫn nên tham gia tập thể dục hàng ngày để duy trì lối sống lành mạnh.

Tập thể dục và hoạt động thể chất thường xuyên sẽ giúp kiểm soát cân nặng, ổn định lượng đường trong máu và rất tốt cho sức khỏe tổng thể của mọi người, bao gồm cả người bị bệnh tiểu đường. Ngoài ra, nó còn giúp kiểm soát căng thẳng, là cơ hội để bạn gặp gỡ, giao lưu với mọi người cũng như hít thở không khí trong lành.

Mỗi người nên dành thời gian từ 30 phút hằng ngày để vận động với bất kỳ môn thể thao ưa thích nào. Nếu đã có biến chứng, hãy cùng bác sĩ tìm hiểu về bệnh tiểu đường nên tập thể dục như thế nào để nhận được lợi ích tốt nhất nhé!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Diabetes: What’s True and False? https://www.hopkinsallchildrens.org/Patients-Families/Health-Library/HealthDocNew/Diabetes-What-s-True-and-False. Ngày truy cập: 12/11/2021

5 Myths and Misconceptions About Diabetes. https://riverview.org/blog/nutrition-2/5-myths-and-misconceptions-about-diabetes/. Ngày truy cập: 12/11/2021

10 Common Misconceptions About Diabetes. https://www.healthywomen.org/content/article/10-common-misconceptions-about-diabetes. Ngày truy cập: 12/11/2021

Diabetes Myths and Facts. https://www.healthhub.sg/a-z/diseases-and-conditions/592/facts–myths-of-diabetes. Ngày truy cập: 12/11/2021

Myths & facts. https://www.diabetesaustralia.com.au/about-diabetes/myths-facts/. Ngày truy cập: 12/11/2021

Phiên bản hiện tại

16/11/2021

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Đường huyết cao có phải bị tiểu đường?

Biến chứng của bệnh tiểu đường type 2 trên tim mạch không nên xem nhẹ


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 16/11/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo