Rối loạn đường huyết ở người bệnh đái tháo đường có thể xảy ra khi bệnh nhân chưa kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Việc nhận biết và hiểu các triệu chứng là điều cần thiết cho cả bệnh nhân đái tháo đường và những người xung quanh để phòng ngừa các biến chứng và xử lý kịp thời trong những trường hợp khẩn cấp.
Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu về tình trạng rối loạn đường huyết ở người bệnh đái tháo đường trong bài viết ngay sau đây nhé!
Tìm hiểu chung
Rối loạn đường huyết ở người bệnh đái tháo đường là gì?
Rối loạn đường huyết là gì? Rối loạn đường huyết hay rối loạn dung nạp đường huyết ở người bệnh đái tháo đường là tình trạng lượng đường trong máu cao (tăng đường huyết) hoặc lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết). Bệnh nhân đái tháo đường cần học cách nhận biết triệu chứng, nguyên nhân của tình trạng này để có phương pháp xử lý kịp thời, phòng tránh những biến chứng nguy hiểm.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng rối loạn đường huyết ở người bệnh đái tháo đường
Các triệu chứng hạ đường huyết
Khi bị lượng đường trong máu giảm xuống dưới 70mg/dL, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng hạ đường huyết. Các triệu chứng này có thể phát triển nhanh chóng trong vòng từ 10 đến 15 phút, bao gồm:
- Mệt mỏi
- Lo lắng
- Yếu cơ, run rẩy
- Đổ mồ hôi
- Nhịp tim nhanh.
Nếu tình trạng kéo dài và lượng đường trong máu tiếp tục giảm xuống dưới mức 40mg/dL, hành vi của bệnh nhân có thể thay đổi và họ có thể cảm thấy cáu kỉnh hơn. Bệnh nhân có thể trở nên suy nhược, đói cực độ, chóng mặt và mệt mỏi.
Nếu lượng đường trong máu tiếp tục giảm xuống thấp hơn, bệnh nhân có thể mất ý thức, bất tỉnh hoặc co giật và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Một số trường hợp đái tháo đường lâu năm, bệnh nhân có thể không biểu hiện triệu chứng cho đến khi lượng đường trong máu xuống rất thấp hoặc giảm một cách đột ngột.
Các triệu chứng tăng đường huyết
Lượng đường trong máu cao hơn mức cho phép khiến cho bệnh nhân đái tháo đường cảm thấy mệt mỏi và khát. Tình trạng đường huyết tăng cao thường phát triển chậm trong khoảng từ vài giờ đến vài ngày với các triệu chứng như sau:
- Cần đi tiểu thường xuyên
- Sụt cân
- Buồn ngủ
- Buồn nôn
- Cực kỳ đói và khát
- Mắt bị mờ.
Tại sao nhận biết các triệu chứng rối loạn đường huyết lại quan trọng đối với người bệnh đái tháo đường?
Việc nhận biết những triệu chứng rối loạn đường huyết rất quan trọng đối với người bị đái tháo đường. Bởi họ có thể gặp phải tình trạng này vào rất nhiều thời điểm trong ngày. Nhận biết kịp thời các triệu chứng giúp bệnh nhân và người thân có thể biết cách đối phó với từng tình huống một cách hợp lý.
Việc kiểm soát tốt lượng đường huyết giúp người bị bệnh đái tháo đường có thể tránh được các biến chứng cấp tính, chẳng hạn như nhiễm toan ceton do tiểu đường, mất nước do tăng đường huyết hay bất tỉnh do hạ đường huyết nghiêm trọng. Hầu hết các vấn đề rối loạn đường huyết có thể được kiểm soát tốt bằng cách tuân theo các hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây rối loạn đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường là gì?
Hạ đường huyết
Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp) xảy ra khi lượng đường trong máu xuống mức thấp hơn 70mg/dL. Dạng rối loạn đường huyết đói xảy ra rất phổ biến ở người tiểu đường, do nhịn ăn, kiêng ăn quá đà. Bên cạnh đó, nguyên nhân còn có thể là vì dùng quá liều insulin hoặc thuốc hạ đường huyết khác, tập thể dục quá nhiều.
Tăng đường huyết
Tăng đường huyết rất thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường. Nó xảy ra khi bệnh nhân ăn quá nhiều thức ăn có chỉ số đường huyết cao, liều thuốc hạ đường huyết chưa đủ để đưa nồng độ đường trong máu về mức bình thường, quên thuốc… Đôi khi, căng thẳng về cảm xúc, cảm cúm, cảm lạnh, bị nhiễm trùng, chấn thương hoặc bệnh tật, đang sử dụng thuốc steroid, ít vận động hay hiện tượng bình minh… ở người đái tháo đường cũng có thể là nguyên nhân.
Tình trạng lượng đường trong máu tăng cao liên tục có thể gây ra các biến chứng tiểu đường nghiêm trọng, bao gồm hôn mê nhiễm ceton, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu máu và tử vong. Theo thời gian, lượng đường trong máu cao có thể gây tổn thương cho mắt, tim, não, thận, mạch máu và dây thần kinh.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán rối loạn đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường?
Nếu bạn có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của rối loạn đường huyết, hãy kiểm tra lượng đường trong máu bằng máy đo đường huyết – một thiết bị nhỏ để đo và hiển thị mức đường trong máu của bạn. Bạn bị hạ đường huyết khi lượng đường trong máu của bạn giảm xuống dưới 70mg/dL (3,9 mmol/L). Còn nếu đường huyết khi đói lớn hơn 130 mg/dL, đường huyết sau ăn 2 giờ lớn hơn 180mg/dL thì có nghĩa là bạn bị tăng đường huyết.
Những phương pháp điều trị rối loạn đường huyết
Rối loạn đường huyết có chữa được không? Bạn hoàn toàn có thể điều trị bệnh và kiểm soát lượng đường trong máu bằng nhiều cách. Cụ thể như sau:
Điều trị hạ đường huyết
Nếu bạn nghĩ rằng lượng đường trong máu của bạn có thể xuống quá thấp, hãy kiểm tra lượng đường trong máu bằng máy đo đường huyết.
- Điều trị khẩn cấp: Ăn hoặc uống thứ gì đó, tốt nhất là có chất bột đường như bánh, kẹo, socola, trái cây ngọt, ly nước đường, … cho đến khi lượng đường trong máu của bạn tăng lên trên 70mg/dL. Bạn có thể mua các gói đường 15g bán ở siêu thị … để dự phòng và sử dụng khi cần thiết
- Thăm khám thường xuyên: Nếu bạn bị hạ đường huyết nghiêm trọng thì hãy tái khám và hỏi ý kiến bác sĩ về việc liệu bạn có nên điều chỉnh lại liều lượng insulin hoặc thuốc điều trị tiểu đường hay không.
Điều trị tăng đường huyết
Những người mắc bệnh đái tháo đường có thể kiểm soát tình trạng tăng đường huyết bằng cách ăn theo chế độ giảm bột đường, tăng rau quả; tập thể dục, duy trì cân nặng hợp lý và kiểm soát căng thẳng. Ngoài ra, phải sử dụng thuốc đúng, đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Hãy nhớ tái khám định kỳ hoặc khi tăng đường huyết diễn ra thường xuyên dù vẫn dùng thuốc đều đặn để bác sĩ có phương án điều chỉnh phù hợp.
Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa rối loạn đường huyết?
Điều quan trọng nhất là bệnh nhân đái tháo đường phải giữ lượng đường trong máu luôn ổn định. Bệnh nhân có thể phòng ngừa rối loạn đường huyết bằng cách tuân thủ theo kế hoạch điều trị, thay đổi lối sống, ăn uống và kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên.
Cụ thể như sau:
- Kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên: Kiểm tra đường huyết tại nhà sẽ giúp bệnh nhân xác định lượng đường trong máu có nằm trong mức mục tiêu hay không. Bệnh nhân có thể biết khi nào bản thân bị rối loạn đường huyết ngay cả khi không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào vừa đề cập ở trên.
- Tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ và tái khám định kỳ: Bệnh nhân đái tháo đường cần thường xuyên thăm khám định kỳ để được bác sĩ theo dõi và kiểm soát lượng đường trong máu. Trong một vài trường hợp, thuốc và liều dùng insulin có thể cần được điều chỉnh hoặc thay đổi cho phù hợp.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn uống điều độ, có thể chia nhỏ bữa ăn, tăng cường thực phẩm giàu đạm nạc và chất xơ, có chỉ số đường huyết thấp. Đồng thời, giảm lượng đồ uống và thức ăn ngọt, giảm lượng carbohydrate tinh chế và chất béo nguồn gốc động vật bởi nó ảnh hưởng đến nồng độ đường, mỡ trong máu.
- Thận trọng khi sử dụng rượu: Rượu có thể gây hạ đường huyết nếu bạn uống vào lúc đói hoặc sau khi uống vài giờ. Bạn nên hạn chế uống rượu, nếu có hãy dùng vào bữa ăn.
- Uống nhiều nước: Uống nước lọc hoặc các loại đồ uống không chứa caffein, không đường để ngăn ngừa tình trạng mất nước do tăng đường huyết.
- Bổ sung carbohydrate tác dụng nhanh khi hạ đường huyết: Hãy đảm bảo luôn mang bên mình một loại carbohydrate tác dụng nhanh, chẳng hạn như nước trái cây hoặc viên đường để phòng ngừa tình trạng hạ đường huyết đột ngột có thể gây nguy hiểm.
Rối loạn đường huyết ở người bệnh đái tháo đường là tình trạng khó tránh khỏi. Việc nhận biết sớm các triệu chứng và có biện pháp can thiệp kịp thời là điều cần thiết. Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn những kiến thức hữu ích nhé!