backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Mách bạn cách chọn mua que thử đường huyết tại nhà

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai · Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 13/03/2023

    Mách bạn cách chọn mua que thử đường huyết tại nhà

    Que thử đường huyết cùng với máy đo đường huyết là một phần quan trọng của kế hoạch kiểm soát đường huyết tại nhà cho bệnh nhân tiểu đường. Nếu bạn đang tìm hiểu và muốn chọn loại que thử đường phù hợp, hãy theo dõi bài viết sau đây của Hello Bacsi. Chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin cần thiết để giúp bạn dễ dàng chọn lựa một sản phẩm que thử đường huyết hiệu quả và tiết kiệm nhé!

    Que thử đường huyết là gì? 

    Với bệnh nhân tiểu đường, que thử đường huyết và máy thử đường huyết là các công cụ cần thiết giúp đo lường và hiển thị lượng đường trong máu để giúp bệnh nhân kiểm soát đường huyết tốt hơn. Bất kỳ biến động nào của chỉ số đường huyết và các yếu tố ảnh hưởng đường huyết, chẳng hạn như thức ăn hay thuốc men, đều có thể được ghi nhận qua các dụng cụ đo lường này. 

    Hãy đọc thêm: Đo đường huyết lúc nào chính xác nhất? 4 thời điểm bạn cần biết

    Que thử đường huyết hoạt động như thế nào? 

    Que thử đường huyết hoạt động dựa trên phản ứng hóa học của glucose trong mẫu thử (máu) với một chất hóa học gọi là glucose oxidase tạo ra axit gluconic tại đầu đặt mẫu thử vào. Ở phía đầu còn lại, que thử sẽ có các điện cực để đo dòng điện thay đổi tùy thuộc vào mức axit gluconic được tạo ra. Sau đó, dựa trên các thuật toán lập trình sẵn trong máy đo đường huyết để tính toán kết quả nồng độ đường trong máu.

    que thử đường huyết 1

    Ưu điểm lớn nhất của phương pháp tự đo đường huyết tại nhà bằng que thử và máy đo đường huyết so với phương pháp kiểm tra máu tại các cơ sở y tế là tính nhanh chóng và tiện lợi. Bệnh nhân có thể kiểm tra đường huyết nhanh chóng với kết quả chính xác cao (nhiều que thử đạt độ tin cậy đến 99%) ngay tại nhà với thao tác đơn giản. 

    Cách lựa chọn que thử đường huyết 

    Hiện nay có nhiều loại que thử đường huyết khác nhau trên thị trường, có thể được bán kèm theo máy đo đường huyết hoặc bán rời. Tuy nhiên, bạn lưu ý là mỗi loại máy thì cần sử dụng que thử đi kèm với máy đó. Ngoài ra, trong quá trình chọn mua máy và que thử đường huyết thì cũng cần lưu ý các tiêu chí sau: 

    • Ưu tiên các loại que thử tiện lợi, dễ mang đi bên người, dễ bảo quản và dễ thao tác,…
    • Chọn các loại que có hạn sử dụng và thời gian bảo hành tương đối dài. Song song đó cũng tính toán dựa trên hạn dùng để mua một số lượng que thử vừa đủ, không mua quá nhiều vì que có thể hết hạn khi chưa kịp dùng đến. 
    • Về giá cả: Do bạn có thể cần dùng nhiều đến que thử nên hãy cân nhắc đến yếu tố này để chọn lựa sản phẩm phù hợp với túi tiền. 
    • Một số tính năng đặc biệt mà bạn có thể yêu thích hơn ví dụ như bản que thử to, dễ cầm nắm,… 

    Hướng dẫn sử dụng que thử đường huyết 

    hướng dẫn sử dụng que thử đường huyết

    Mỗi loại máy và que thử tiểu đường đều sẽ có hướng dẫn cụ thể trên máy và bao bì. Nhìn chung sẽ bao gồm các bước sau: 

    • Bước 1: Bạn cần rửa tay thật kỹ bằng nước ấm và lau khô trước khi đo.
    • Bước 2: Tiến hành lắp kim lấy máu vào bút thử tiểu đường theo như hướng dẫn sử dụng.
    • Bước 3: Điều chỉnh độ sâu của kim cho phù hợp với loại da của bạn, bao gồm da mỏng, bình thường hay da dày.
    • Bước 4: Lắp que thử đường huyết vào máy đo. Lưu ý: Nhanh chóng đóng lọ que thử sau khi lấy que ra để tránh làm ẩm mốc hay làm hỏng que thử khác dẫn đến các lần đo về sau không còn chính xác. 
    • Bước 5: Bóp nhẹ đầu ngón tay để máu lưu thông về. Sau đó ấn nhẹ ống bút vào đầu ngón tay hoặc mé ngón tay. Kim lấy máu sẽ đâm nhẹ vào ngón tay của bạn.
    • Bước 6: Đưa giọt máu vừa xuất hiện trên đầu ngón tay lên đúng phần que thử trên máy đo.
    • Bước 7: Bạn dùng khăn sạch ấn nhẹ vào ngón tay để cầm máu và đợi vài giây cho máy hiển thị kết quả.
    • Bước 8: Ghi chép lại kết quả và vệ sinh dụng cụ theo đúng hướng dẫn.

    Lưu ý: Hãy lưu trữ lại kết quả thử đường huyết tại nhà và báo với bác sĩ ngay khi cần nhé!

    Bạn có thể xem thêm: Máy đo đường huyết không cần lấy máu là gì và có chính xác không?

    Những lưu ý cần biết trước khi sử dụng que thử đường huyết tại nhà 

    lưu ý khi dùng que thử đường huyết

    Để có kết quả kiểm tra đường huyết tại nhà chính xác nhất, bạn cần lưu ý: 

    • Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên bao bì hoặc nhờ nhân viên y tế chỉ dẫn rõ ràng, cụ thể trước khi dùng que thử đường huyết. 
    • Luôn rửa tay và lau khô trước khi đo đường huyết. 
    • Que thử sau khi lấy ra khỏi hộp phải được sử dụng luôn và không tái sử dụng. Đồng thời đậy kín lọ để bảo quản que thử đảm bảo an toàn nhất. 
    • Không dùng que thử khi đã quá hạn sử dụng. Một số loại que được khuyến cáo chỉ nên dùng trong 3 hoặc 6 tháng sau khi mở lọ, nên hãy lưu ý kiểm tra trước khi bắt đầu sử dụng nhé!
    • Tuyệt đối không cắt, bẻ cong hay làm đứt gãy que thử trước khi thử đường huyết.
    • Không tự ý thay đổi thuốc hay liệu trình điều trị dựa trên kết quả thử đường huyết mà không được sự chỉ định từ bác sĩ. 

    Tổng hợp các loại que thử đường huyết phổ biến trên thị trường hiện nay

    Hiện nay, bạn có thể dễ dàng tìm mua các sản phẩm que thử đường huyết được bán rời hoặc bán chung với máy đo đường huyết tại các cửa hàng vật tư y tế hay tại cửa hàng trên sàn thương mại điện tử uy tín. Trong đó, các loại que thử đường huyết thường gặp nhất hiện nay gồm có: 

  • Que thử đường huyết On Call Plus. 
  • Que thử đường huyết Accu-chek Active, Accu-chek Instant, Accu-chek Guide.
  • Que thử đường huyết Safe- Accu Sinocare.
  • Que thử đường huyết Onetouch Ultra.
  • Que thử đường huyết Omron. 
  • Que thử đường huyết Ogcare. 
  • Ngoài ra còn có các dòng sản phẩm khác như: Bayer Contour, Medismart Sapphire Plus, Clever check,…

    Xem thêm: Máy đo đường huyết tốt nhất 2023: Gợi ý tiêu chí lựa chọn!

    Việc lựa chọn que thử đường huyết như thế nào còn phụ thuộc vào máy đo đường huyết của bạn. Vì vậy hãy kiểm tra kỹ xem máy đo đường huyết tại nhà bạn đang dùng là loại nào và tương thích với que thử nào nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

    Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 13/03/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo