Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Máy đo đường huyết không cần lấy máu là gì và có chính xác không?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Lê Hoàng Bảo · Khoa nội tiết · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 29/11/2022

    Máy đo đường huyết không cần lấy máu là gì và có chính xác không?
    Quảng cáo

    Vì phải thực hiện kiểm tra đường huyết gần như mỗi ngày nên việc lấy máu vẫn khiến nhiều bệnh nhân đái tháo đường cảm thấy e dè và sợ hãi. Vậy có loại máy đo đường huyết nào không cần lấy máu không?

    Hiện nay, trên thị trường đã có nhiều dòng máy tân tiến giúp bạn xác định mức đường huyết mà không cần phải lấy máu nữa. Vậy, máy đo đường huyết không cần lấy máu là gì và hoạt động như thế nào? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu thêm trong bài viết sau đây nhé!

    Các loại máy đo đường huyết không cần lấy máu

    Vì hiểu được sự lo lắng của những bệnh nhân cần phải kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên, nhiều nhà sản xuất đã không ngừng nghiên cứu để phát triển ra các dòng máy giúp đo đường huyết không cần lấy máu. Các loại máy này có thể đo nồng độ đường trong máu bằng một trong những cách sau:

    • Có đèn hồng ngoại chiếu xuyên qua da ở cánh tay hoặc ngón tay
    • Truyền một dòng điện yếu qua da để hút máu qua da
    • Thông qua nước mắt hoặc nước bọt
    • Dùng bộ cảm biến dưới da để đo nồng độ đường trong dịch mô

    Cơ chế hoạt động

    Dù có nhiều dòng máy đo đường huyết không lấy máu được phát triển nhưng thực tế, không có quá nhiều loại được phê duyệt sử dụng trên thị trường. Vì vậy, hiện nay, khi nhắc về máy đo đường huyết không cần lấy máu, người ta thường chỉ nghĩ đến loại máy theo dõi đường huyết liên tục CGM.

    Các loại máy này đều hoạt động thông qua một cảm biến nhỏ được đặt vào dưới da, thường là ở bụng hoặc cánh tay. Bộ cảm biến này giúp đo nồng độ đường trong dịch mô năm phút một lần liên tục trong cả ngày và đêm. Sau đó, máy sẽ gửi thông tin đến màn hình của bộ thu hoặc đến các thiết bị điện tử như điện thoại và máy tính bảng của bạn. Bạn có thể tải dữ liệu đường huyết vào máy tính và gửi cho bác sĩ bất kỳ lúc nào.

    Với một vài dòng máy, bộ cảm biến được kết nối với thiết bị bơm insulin tự động để nạp insulin khi đường huyết tăng cao.

    Cơ chế của máy đo đường huyết không cần lấy máu

    Máy đo đường huyết không lấy máu phù hợp với những đối tượng nào?

    Máy theo dõi đường huyết liên tục không cần lấy máu đa số được sử dụng cho bệnh nhân đái tháo đường type 1. Nhiều nghiên cứu đang được thực hiện để quan sát tác dụng của loại máy này đối với bệnh nhân đái tháo đường type 2.

    Máy có thể được sử dụng cho người lớn và trẻ em nếu bệnh nhân:

    • Đang điều trị bằng liệu pháp insulin tích cực
    • Nghi ngờ bị hạ đường huyết mà không thể nhận biết
    • Có mức đường huyết tăng cao hoặc hạ xuống thấp thường xuyên
    • Không thể nhận ra hoặc không thể nói với ai về các triệu chứng mình đang gặp phải (các bệnh nhi nhỏ tuổi, những người gặp vấn đề về phát triển hoặc thần kinh)

    Các bác sĩ có thể đề nghị bạn sử dụng máy theo dõi đường huyết liên tục lâu dài hoặc chỉ trong vài ngày để giúp điều chỉnh kế hoạch kiểm soát bệnh của bạn.

    Ưu điểm của máy đo đường huyết không cần lấy máu

    Ưu điểm lớn nhất của các dòng máy này chính là giảm tần suất người bệnh phải đâm kim vào tay để lấy máu khi đo đường huyết. Như vậy, người bệnh sẽ cảm thấy an tâm và thoải mái hơn khi sử dụng, đặc biệt hữu ích và phù hợp cho những bệnh nhi nhỏ tuổi. Ngoài ra, máy còn có một số ưu điểm khác như:

    • Máy nhỏ gọn và bạn có thể mang theo đến bất cứ đâu
    • Máy giúp theo dõi đường huyết của bạn liên tục suốt 24 giờ, ngay cả khi làm việc, tắm, tập thể dục hay đi ngủ.
    • Máy sẽ báo khi mức đường huyết của bạn quá cao hoặc quá thấp, điều này sẽ giúp bạn có những phương pháp để kiểm soát đường huyết kịp thời, từ đó khiến quá trình quản lý bệnh hiệu quả hơn
    • Bên cạnh đo đường huyết, máy còn cho phép ghi chú bữa ăn, hoạt động thể chất và thuốc.
    • Bạn có thể tải dữ liệu về mức đường huyết hằng ngày xuống máy tính để theo dõi tình trạng của mình hoặc người thân, đồng thời gửi dữ liệu cho bác sĩ
    • Việc sử dụng máy sẽ cải thiện chỉ số HbA1c vì máy giúp bạn theo dõi và điều chỉnh lượng insulin cần sử dụng một cách cẩn thận hơn.

    Ưu điểm máy đo đường huyết không cần lấy máu

    Nhược điểm của máy đo đường huyết không cần lấy máu, máy có chính xác không?

    Máy đo đường huyết không cần lấy máu có chính xác không? Dù các nhà khoa học luôn nỗ lực nghiên cứu để cải tiến máy đo đường huyết không lấy máu chính xác và dễ sử dụng hơn nhưng dòng máy này hiện vẫn chưa đạt đủ độ tin cậy cần thiết. Bạn vẫn cần phải đo đường huyết bằng cách lấy máu ngón tay 2 lần mỗi ngày để hiệu chỉnh máy đo đường không cần lấy máu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, bạn sẽ không thể dựa vào kết quả từ các loại máy này để đưa ra bất kỳ quyết định điều trị nào, chẳng hạn như điều chỉnh liều insulin.

    Không những vậy, dù có kích thước khá nhỏ gọn nhưng việc mang cảm biến dưới da cũng có thể khiến bạn khó chịu. Ngoài ra, một điểm bất tiện khác của loại máy này là bạn phải thay cảm biến sau mỗi 7 – 14 ngày sử dụng. Đồng thời, giá máy đo đường huyết không cần lấy máu cũng không hề rẻ, vì vậy, bạn có thể phải tiêu tốn khá nhiều tiền bạc.

    Cách sử dụng máy đo đường huyết không cần lấy máu

    Việc sử dụng máy theo dõi đường huyết liên tục không cần lấy máu tương đối đơn giản, bạn sẽ cần thực hiện theo các bước sau:

    • Đặt cảm biến vào dưới da, lớp băng dính sẽ giúp cố định cảm biến tại chỗ
    • Hiệu chỉnh thiết bị bằng cách đo đường huyết với máy đo tiêu chuẩn lấy máu đầu ngón tay
    • Thiết lập các thông số và thông báo cho máy
    • Đọc các dữ liệu về mức đường huyết của bạn trên các thiết bị điện tử
    • Điều chỉnh lại kế hoạch kiểm soát đường huyết của mình dựa trên các dữ liệu đã thu thập được
    • Thay bộ cảm biến mỗi 7-14 ngày.

    Máy đo đường huyết không cần lấy máu ra đời như một “vị cứu tinh” cho những bệnh nhân đái tháo đường sợ lấy máu. Tuy nhiên, bạn cần hiểu rõ về cơ chế hoạt động cũng như ưu, nhược điểm của loại máy này để từ đó sử dụng hiệu quả nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Lê Hoàng Bảo

    Khoa nội tiết · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


    Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 29/11/2022

    Quảng cáo

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    Quảng cáo
    Quảng cáo
    Quảng cáo