Rất nhiều người thắc mắc tại sao đường huyết tăng cao vào buổi sáng sớm. Tình trạng này được gọi là hiện tượng bình minh, rất phổ biến ở bệnh nhân tiểu đường.
Bạn có sử dụng insulin để đối phó với bệnh tiểu đường (đái tháo đường) và có lượng đường huyết tăng cao vào buổi sáng? Hãy cùng tìm hiểu về tình trạng này qua bài viết dưới đây!
Hiện tượng bình minh là gì?
“Hiện tượng bình minh” là một thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng đường huyết tăng bất thường (thường là 10 đến 20 miligam mỗi decilít) vào sáng sớm, thường là từ 3 đến 8 giờ sáng. Tình trạng này phổ biến nhất ở những người bị bệnh đái tháo đường tuýp 1, mặc dù người bị bệnh đái tháo đường tuýp 2 cũng có thể gặp phải.
Ảnh hưởng của tình trạng này với sức khỏe
Cơ thể chúng ta sử dụng insulin để đối phó với sự gia tăng lượng đường trong máu. Tuy nhiên, cơ thể của một người mắc bệnh tiểu đường không sản xuất đủ insulin hoặc không thể sử dụng insulin đúng cách. Kết quả là cơ thể người bệnh sẽ thay đổi khi có lượng đường trong máu tăng cao, chẳng hạn như:
- Ngất xỉu
- Buồn nôn
- Nôn
- Mờ mắt
- Đuối sức
- Mất phương hướng
- Cảm thấy mệt
- Khát nước
Nguyên nhân gây hiện tượng bình minh là gì?
Hiện tượng bình minh xảy ra như sau:
Cơ thể con người vốn sử dụng glucose để tạo ra năng lượng, và bạn buộc phải có đủ năng lượng để thức dậy vào buổi sáng. Vì vậy, trong một khoảng thời gian vào sáng sớm, cơ thể bắt đầu tiết ra lượng gluocose dự trữ để chuẩn bị cho ngày mới. Đồng thời, cơ thể cũng tiết ra hormone làm giảm độ nhạy cảm của tế bào với insulin. Kết quả là đường huyết tăng lên.
Bên cạnh đó, hiện tượng bình minh ở người tiểu đường cũng xảy ra do thuốc trị tiểu đường uống vào tối hôm trước đã hết tác dụng, không sử dụng đủ liều thuốc hay vì không ăn nhẹ trước khi đi ngủ.
Hiện tượng tăng đường huyết vào buổi sáng còn có thể xảy ra do hiệu ứng Somogyi. Hiệu ứng này đề cập đến các chu kỳ đường huyết tăng cao vào buổi sáng sau một đợt hạ đường huyết vào ban đêm. Lượng đường trong máu của bạn có thể giảm xuống thấp quá mức vào nửa đêm, vì vậy cơ thể bạn sẽ cân bằng bằng cách giải phóng các hormone để nâng cao đường huyết.
Để tìm hiểu lý do dẫn đến lượng đường trong máu lên cao vào buổi sáng, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn kiểm tra đường huyết lúc giữa 2 và 3 giờ sáng trong nhiều đêm liên tiếp. Nếu đường huyết của bạn vẫn liên tục thấp trong khoảng thời gian này, có thể là do hiệu ứng Somogyi. Nếu đường huyết của bạn là bình thường hoặc cao trong khoảng thời gian này, có thể là do hiện tượng bình minh.
Điều trị hiện tượng bình minh
Để kiểm soát đường huyết của bạn, bác sĩ có thể yêu cầu bạn ghi chép lại thực đơn, cũng như lịch trình uống thuốc hoặc tiêm insulin. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn thức dậy trong đêm, khoảng từ 2 đến 3 giờ sáng trong một vài đêm để kiểm tra lượng đường trong máu của bạn.
Điều này sẽ giúp bác sĩ xác định được nguyên nhân tăng đường huyết của bạn là do những thay đổi tự nhiên hay có nguyên nhân nào khác.
Bác sĩ sẽ sử dụng thông tin này để điều chỉnh liều lượng thuốc hoặc loại thuốc điều trị tiểu đường. Bạn cần thực hiện một số thay đổi như sau:
Với hiện tượng bình minh:
- Thay đổi thời gian hoặc loại thuốc tiểu đường đang dùng
- Ăn bữa sáng nhẹ nhàng hơn
- Tăng liều thuốc tiểu đường vào buổi sáng
- Nếu đang điều trị với insulin, hãy chuyển sang máy bơm insulin và lập trình nó để giải phóng insulin bổ sung nhiều hơn vào mỗi sáng.
Với hiệu ứng Somogyi:
- Giảm liều thuốc điều trị tiểu đường buổi tối
- Ăn nhẹ trước khi đi ngủ với thức ăn có chứa tinh bột
- Tập thể dục buổi tối sớm hơn, không quá gần giờ đi ngủ
- Nếu bạn đang dùng insulin, hãy chuyển sang máy bơm insulin và lập trình để giải phóng ít insulin hơn vào ban đêm.
Ngoài ra, để ổn định đường huyết dài hạn, bạn nên xây dựng thói quen tập thể dục kiểm soát bệnh tiểu đường với bất kỳ bài tập nào yêu thích, ngủ đủ giấc và ngủ ngon, uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, tránh căng thẳng.