Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Điều trị bệnh tiểu đường: Đâu là giải pháp giúp ngăn ngừa biến chứng?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thảo Viên · Ngày cập nhật: 05/11/2021

    Điều trị bệnh tiểu đường: Đâu là giải pháp giúp ngăn ngừa biến chứng?
    Quảng cáo

    Điều trị bệnh tiểu đường không chỉ dừng lại ở mục tiêu ổn định đường huyết mà còn phải ngăn ngừa được các biến chứng gây tổn thương ở mắt, tim, thận và hệ thần kinh.

    Tiểu đường (đái tháo đường) là bệnh lý rối loạn chuyển hóa chất đường, chất béo (lipid) và chất đạm (protein) do sự thiếu hụt insulin hoặc insulin hoạt động không hiệu quả.

    Trong những năm trước đây, điều trị bệnh tiểu đường chưa chú trọng kiểm soát biến chứng mà chỉ tập trung vào mục tiêu hạ đường huyết. Tuy nhiên, các chuyên gia y học phát hiện ra rằng việc ổn định đường huyết vẫn chưa đủ để giúp người bệnh tránh được các biến chứng nguy hiểm như tổn thương mắt, suy thận, bệnh mạch vành hay tai biến mạch máu não…

    Vì vậy, y học hiện đại đã thay đổi mục tiêu điều trị: người bệnh tiểu đường cần phải có sự kết hợp giữa ổn định đường huyết và bệnh cơ hội mắc kèm để ngăn chặn biến chứng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với cả tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 bởi biến chứng chính là nguyên nhân hàng đầu khiến người bệnh tử vong.

    Nhằm tăng hiệu quả điều trị bệnh tiểu đường và bảo vệ sức khỏe tốt hơn, bạn cần tìm hiểu về nguy cơ gặp các biến chứng mạn tính cùng giải pháp ngăn ngừa những rủi ro này.

    Triệu chứng bệnh tiểu đường giai đoạn đầu

    Triệu chứng tiểu đường ở giai đoạn đầu:

    • Xuất hiện những mảng da tối màu, sẫm màu tại vùng có nếp gấp và nếp nhăn của cơ thể. Ngoài ra, da cũng có thể xuất hiện mụn phỏng, mụn nước, da khô, ngứa…
    • Vết thương lâu lành hoặc nhiễm trùng thường xuyên
    • Mệt mỏi không rõ nguyên nhân
    • Giảm ham muốn tình dục ở nam và khô âm đạo ở nữ
    • Nhiễm trùng răng miệng, răng dễ lung lay, chân răng yếu.

    Ở giai đoạn bùng phát, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như:

    • Đói liên tục, luôn có cảm giác ăn không đủ, thèm đồ ngọt
    • Hay khát nước và đi tiểu nhiều lần trong ngày
    • Mắt mờ
    • Giảm cân nhanh
    • Tê bì, đau nhói, ngứa ran ở lòng bàn tay, bàn chân.

    Các biến chứng của bệnh tiểu đường

    Nếu phát hiện muộn hoặc điều trị bệnh tiểu đường không hiệu quả, bạn sẽ có nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng như:

    • Bệnh thần kinh: có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, rối loạn chức năng cương dương và nhiều chức năng khác
    • Bệnh tim mạch: nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, là nguyên nhân phổ biến gây tử vong ở người bệnh tiểu đường.
    • Bệnh võng mạc: gây giảm thị lực và tăng nguy cơ mù lòa
    • Bệnh thận: tổn thương mạch máu nhỏ làm cho thận hoạt động không hiệu quả và cuối cùng là suy thận

    Chìa khóa để ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường là ổn định đường huyết. Tuy nhiên, biến chứng mạn tính ở người tiểu đường tuýp 2 lại có thể hình thành ngay từ giai đoạn tiền tiểu đường khi chưa chẩn đoán bệnh. Đến khi được chẩn đoán mắc tiểu đường, phần lớn người bệnh đã bị 1 hay nhiều biến chứng đi kèm khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn.

    Điều trị bệnh tiểu đường bằng cách ổn định đường huyết

    điều trị bệnh tiểu đường

    Để đánh giá mức độ ổn định đường huyết trong khoảng 2 – 3 tháng, bạn sẽ dựa vào chỉ số HbA1c. Nếu bạn có thể duy trì chỉ số HbA1c dưới 7% thì có thể giảm nguy cơ dẫn đến các biến chứng làm tổn thương tim, thận, mắt, thần kinh, mạch máu ngoại vi…

    Hiệp hội Bệnh Tiểu đường Mỹ khuyến cáo chỉ số HbA1c giảm 1% nghĩa là bạn có thể giảm được 72% nguy cơ mất thị lực, 67% nguy cơ bị đoạn chi và 87% biến chứng suy thận.

    Một số chỉ số bạn cần nhớ để kiểm soát tốt đường huyết:

    Glucose máu lúc đói: 4.0 – 7,0 mmol/l

    – Glucose máu sau ăn 2 giờ:

    • Với người tiêm insulin < 10 mmol/l
    • Với người không tiêm insulin < 7.8 mmol/l

    Nhằm đạt được mục tiêu ổn định đường huyết khi điều trị bệnh tiểu đường, bạn nên áp dụng 3 giải pháp cơ bản bao gồm ăn uống khoa học, tập thể dục đều đặn và dùng thuốc điều trị.

    1. Ăn uống theo chế độ dành cho người tiểu đường

    Bạn cần tránh những thực phẩm chứa nhiều đường như bánh kẹo, chè, mứt, nước ngọt, đồ uống có gas… Hãy hạn chế muối, chất béo và các sản phẩm động vật. Đồng thời, tăng cường rau xanh và chất xơ trong mỗi bữa ăn.

    Thay vì xào, quay, rán, bạn nên chế biến bằng cách hấp, luộc, nấu canh… Bạn không nên ăn quá no hay quá đói mà hãy chia nhỏ thành 3 bữa chính và 3 bữa phụ mỗi ngày nhé.

    2. Tập thể dục để duy trì trọng lượng khỏe mạnh

    Không chỉ có tác dụng giảm đề kháng insulin, tập thể dục còn giúp cải thiện chỉ số đường huyết. Nhờ đó bạn sẽ duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh và giảm cholesterol máu, phòng ngừa các biến chứng trên tim mạch.

    Bạn có thể lựa chọn nhiều bài tập vận động theo sở thích như đi bộ, chạy bộ, bơi lội hay đạp xe… Hãy tập thể dục khoảng 30 phút/ngày và 5 ngày/tuần, kết quả điều trị bệnh tiểu đường sẽ được cải thiện.

    3. Sử dụng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ để điều trị bệnh tiểu đường

    Bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc uống hạ đường huyết hoặc thuốc tiêm insulin tùy theo tình trạng của người bệnh. Điều quan trọng là bạn phải dùng đúng loại thuốc, liều lượng và thời gian sử dụng.

    Bạn không nên tự ý thay đổi thuốc điều trị vì có thể làm biến động lượng đường trong máu, làm tăng nguy cơ xuất hiện biến chứng.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Thảo Viên · Ngày cập nhật: 05/11/2021

    Quảng cáo

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    Quảng cáo
    Quảng cáo
    Quảng cáo