Kiểm soát đường huyết trong phạm vi mục tiêu đề ra là một phần quan trọng để quản lý bệnh tiểu đường, ngăn chặn nguy cơ phát triển các biến chứng trên tim mạch, thận hay thần kinh,… Trên hành trình này, có một thông số bạn nên quan tâm đặc biệt là chỉ số đường huyết sau ăn. Bởi nó sẽ cho biết liệu chế độ ăn của bạn đã hợp lý hay chưa, có ảnh hưởng xấu đến đường huyết hay không.
Vậy chỉ số đường huyết sau ăn bao nhiêu là bình thường? Làm thế nào để kiểm soát đường huyết sau ăn hiệu quả? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé!
Tại sao phải kiểm soát chỉ số đường huyết sau ăn?
Đối với người khoẻ mạnh, đường huyết sau ăn tăng cao là điều bình thường. Vì đường cũng chính là một phần quan trọng cung cấp năng lượng cho cơ thể trong mỗi bữa ăn. Tuy nhiên với bệnh nhân tiểu đường thì việc sản xuất và sử dụng insulin bị rối loạn thì việc đường huyết tăng cao đột biến sau bữa ăn liên tục sẽ có thể kích hoạt các phản ứng oxy hóa gây tổn thương thành mạch, tạo điều kiện cho mảng xơ vữa hình thành.
Ngoài ra, khi lượng đường trong máu tăng cao cũng có thể gây ra hàng loạt các triệu chứng như mệt mỏi, khát nước, đi tiểu nhiều,… gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm trạng người bệnh.
Vậy nên, kiểm soát chỉ số đường huyết sau ăn là một trong những chìa khoá để cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân tiểu đường bên cạnh việc kiểm soát chỉ số HbA1c hay đường huyết lúc đói,…
Vậy đường huyết sau ăn bao nhiêu là bình thường?
Các mục tiêu về lượng đường trong máu của bạn có thể khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, các vấn đề sức khỏe và việc dùng thuốc khác. Dưới đây là mức khuyến nghị chung của CDC Hoa Kỳ cho chỉ số đường huyết sau ăn và lúc đói:
- Trước bữa ăn: 80 đến 130 mg/dL (tương đương khoảng 4.5-7.2 mmol/dL).
- Đường huyết sau ăn 2 giờ: Dưới 180 mg/dL (tương đương với 10 mmol/dL)
Theo đó, CDC Hoa Kỳ và các tổ chức quản lý tiểu đường khác cũng khuyến cáo bệnh nhân nên tự kiểm tra đường huyết trước ăn và sau ăn từ 1,5-2 giờ và ghi lại kết quả này trong khoảng 1 tuần. Bên cạnh thời gian đo và kết quả mức đường huyết đo được, bạn cũng nên ghi chú lại một số thông tin sau:
- Thuốc/insulin bạn đang dùng.
- Lịch tập luyện thể dục.
- Khẩu phần ăn bao gồm các loại và lượng thực phẩm giàu bột đường đã tiêu thụ.
Nếu chỉ số đường huyết sau ăn tăng cao tái diễn liên tục, bạn nên đi khám bác sĩ và cung cấp những thông tin ghi nhận kể trên. Bác sĩ sẽ giúp bạn tìm ra nguyên nhân và điều chỉnh kế hoạch dùng thuốc, chế độ ăn uống và tập luyện sao cho phù hợp.
Tham khảo thêm: Cách thử tiểu đường tại nhà đơn giản mà dễ thực hiện
Cách kiểm soát đường huyết sau ăn hiệu quả
Dưới đây là 5 bước để bạn kiểm soát chỉ số đường huyết sau ăn an toàn và hiệu quả.
Lưu ý: Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp kiểm soát đường huyết nào nhé!
1. Chọn những loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp
Những loại thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) cao sẽ giải phóng glucose vào máu rất nhanh, gây tăng đường huyết sau ăn đột ngột, chẳng hạn như bánh mì trắng, cơm, bún,…Tuy nhiên, nếu khéo léo chọn các loại thực phẩm giàu chất xơ, có chỉ số GI thấp như yến mạch, bánh mì nguyên cám hay đậu Hà Lan,… bạn sẽ kiểm soát được tốc độ đường giải phóng vào máu, hạn chế được nguy cơ đường huyết sau ăn tăng vọt.
Ngược lại nếu đường huyết giảm thấp xuống dưới 4 mmol/dL, bạn cần ngay lập tức “bù” đường cho cơ thể bằng cách uống một viên nén dextrose hoặc nước trái cây. Những loại thực phẩm này được hấp thụ nhanh chóng để nâng cao mức đường huyết và điều trị hạ đường huyết.
2. Chọn đúng loại insulin vào đúng thời điểm
Các loại insulin tác dụng nhanh thường phải mất đến 15 phút để giải phóng vào cơ thể, điều hoà lại lượng đường trong máu, khác với insulin tự nhiên được sản xuất ngay lập tức khi đường huyết tăng lên. Vậy nên bạn cần trao đổi với bác sĩ để chọn các loại insulin có tác dụng nhanh phù hợp và tiêm trước khi ăn khoảng 15-20 phút.
Một số trường hợp bệnh nhân bị liệt dạ dày khiến thức ăn không được di chuyển qua đường tiêu hoá một cách bình thường, dẫn đến đầy bụng khó tiêu. Những trường hợp này nên được tiêm một liều insulin bolus trước bữa ăn 30 phút.
3. Cân bằng bữa ăn và chia nhỏ bữa ăn
Thực phẩm chứa chất béo và protein có thể làm chậm quá trình tiêu hoá và hấp thu chất bột đường. Đó là lý do vì sao bệnh nhân tiểu đường nên duy trì một chế độ ăn cân bằng bao gồm protein từ động, thực vật, chất béo lành mạnh và tinh bột chậm có chỉ số đường huyết thấp, giàu chất xơ.
Ví dụ như bạn nên thay bữa sáng với ngũ cốc bằng một lát bánh mì đen nướng, trứng và quả bơ. Protein và chất béo trong trứng và bơ có thể giúp giảm hấp thu tinh bột và nhờ đó ngăn chặn nguy cơ tăng cao chỉ số đường huyết sau ăn.
4. Cân nhắc đi bộ hoặc tập thể dục nhẹ nhàng sau một bữa ăn thịnh soạn
Đi bộ 10-15 phút sau ăn có thể giúp ngăn ngừa tình trạng đường huyết tăng vọt. Đồng thời cũng giúp hỗ trợ tiêu hoá và tăng cường sức khỏe. Bạn cũng có thể lên lịch cho các hoạt động đi dạo ngoài trời hay dắt chó đi chơi vào sau giờ ăn, giống như một lịch trình tập luyện thoải mái nhé!
5. Ngăn ngừa hạ đường huyết
Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng bên cạnh kiểm soát chỉ số đường huyết sau ăn ở mức ổn định bạn cũng cần quan tâm đến đường huyết lúc đói. Bởi nếu đường huyết lúc đói thấp thì nguy cơ tăng vọt lại sau ăn sẽ cao hơn, dẫn đến nhiều biến chứng khác khi đường huyết liên tục biến động.
Đường huyết sau ăn luôn là một chỉ số quan trọng trong kế hoạch tự quản lý bệnh tiểu đường. Với các thiết bị kiểm tra đường huyết cá nhân, bạn có thể tự đo chỉ số đường huyết sau ăn tại nhà và so sánh với mục tiêu điều trị của mình, để phối hợp tốt nhất với bác sĩ trong việc kiểm soát đường huyết.