Bệnh tiểu đường có thể làm giảm lưu lượng máu đi khắp cơ thể bạn, bao gồm cả nướu răng. Nếu nướu và răng của bạn không nhận được nguồn cung cấp máu thích hợp thì có thể trở nên yếu và dễ bị nhiễm trùng hơn. Bệnh tiểu đường cũng có thể làm tăng nồng độ đường trong miệng của bạn, thúc đẩy sự tăng trưởng của vi khuẩn, nhiễm trùng và hôi miệng. Bệnh ở vùng răng miệng thường sẽ nặng hơn khi đường máu cao khiến cho việc chống lại nhiễm trùng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc chữa trị bệnh nướu răng trở nên phức tạp hơn nhiều.
Bệnh nha chu, còn gọi là bệnh nướu răng, bao gồm viêm lợi, viêm nha chu nhẹ và viêm nha chu mức độ nặng. Khi bạn mắc phải các bệnh này, vi khuẩn sẽ tấn công các mô và xương nâng đỡ răng. Tình trạng này có thể dẫn đến viêm. Tình trạng viêm ảnh hưởng đến sự trao đổi chất và tăng lượng đường trong máu khiến cho bệnh tiểu đường trở nên nghiêm trọng hơn.
Nếu bạn mắc bệnh nha chu, bệnh có thể nặng hơn và mất nhiều thời gian để chữa lành hơn ở một người không bị tiểu đường.
Hôi miệng là một dấu hiệu thường gặp của bệnh nha chu. Các dấu hiệu khác bao gồm:
- Nướu đỏ hoặc đau
- Chảy máu nướu răng
- Răng nhạy cảm
- Tụt nướu
Nhiễm toan ceton

Khi cơ thể bạn không thể sản xuất insulin, các tế bào sẽ không nhận được lượng đường cần thiết để làm năng lượng. Cơ thể sẽ bù lại lượng thiếu hụt đó bằng cách đốt cháy chất béo. Quá trình đốt cháy chất béo sẽ sản sinh ra ceton, chất này sẽ tích tụ dần dần trong máu và nước tiểu của bạn. Ceton cũng có thể được tạo ra khi bạn nhịn ăn hoặc bạn có chế độ ăn uống giàu protein và ít carbohydrate.
Nồng độ ceton cao thường gây ra hôi miệng. Ví dụ như acetone (một chất trong nhóm ceton) có thể gây ra hơi thở có mùi như sơn móng tay.
Khi hàm lượng ceton tăng vượt mức an toàn, bạn có nguy cơ bị nhiễm toan ceton máu do tiểu đường. Các triệu chứng của bệnh bao gồm:
- Hơi thở có mùi ngọt và mùi trái cây
- Đi tiểu nhiều lần hơn bình thường
- Đau bụng, buồn nôn hoặc nôn mửa
- Đường huyết cao
- Khó thở hoặc thở gấp
- Rối loạn tri giác.
Nhiễm toan ceton là một tình trạng nguy hiểm. Bệnh này thường gặp ở những người bị tiểu đường tuýp 1 không kiểm soát được mức đường huyết. Nếu bạn có những triệu chứng này, hãy đi khám ngay lập tức.
Bạn có thể làm gì để kiểm soát các biến chứng?

Cùng với bệnh thần kinh, bệnh tim mạch và những bệnh khác, nha chu là một biến chứng thường gặp của bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện các bước sau để ngăn ngừa các bệnh nha chu hoặc để làm giảm bớt mức độ nặng của các biến chứng của bệnh tiểu đường. Hãy phòng tránh chứng hôi miệng bằng những mẹo hàng ngày sau đây:
- Đánh răng ít nhất hai lần một ngày và dùng chỉ nha khoa hàng ngày.
- Đừng quên đánh răng hay cạo lưỡi, vì lưỡi là nơi sản sinh ra vi khuẩn có mùi hôi.
- Uống nước nhiều và giữ miệng ẩm.
- Sử dụng kẹo bạc hà không đường hoặc kẹo cao su để kích thích tiết nước bọt.
- Khám nha sĩ thường xuyên và làm theo lời bác sĩ tư vấn. Hãy báo cho nha sĩ biết bạn bị bệnh tiểu đường.
- Bác sĩ hoặc nha sĩ có thể kê toa thuốc kích thích tiết nước bọt cho bạn.
- Nếu bạn đeo răng giả, hãy chọn một bộ thật vừa vặn và nên gỡ chúng ra vào ban đêm.
- Không hút thuốc.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!