backup og meta

Vitamin B3 (Niacin)

Vitamin B3 (Niacin)

Vitamin B3 (hay niacin) là một vitamin nhóm B thiết yếu của cơ thể. Nó không chỉ tham gia vào quá trình trao đổi chất, đảm bảo cho cơ thể bạn khỏe mạnh mà còn là một loại thuốc được ứng dụng từ lâu trong điều trị các loại bệnh và triệu chứng do thiếu hụt vitamin B3, bệnh mỡ máu cao và một số tình trạng của da như nám da, trứng cá.

Vậy vitamin B3 là gì, có tác dụng gì? Vitamin B3 có trong thực phẩm nào? Trong trường hợp dùng vitamin này điều trị thì liều dùng và cách dùng ra sao để đạt hiệu quả tốt nhất? Cùng tìm hiểu ngay!

Tìm hiểu chung

Vitamin B3 là gì? Vitamin B3 có tác dụng gì?

Vitamin B3 hay Niacin là một loại vitamin B được cơ thể tạo ra và sử dụng để biến thức ăn thành năng lượng. Vitamin này giữ cho hệ thần kinh, hệ tiêu hóa và làn da khỏe mạnh.

Hầu hết mọi người đều nhận đủ niacin từ thực phẩm thông qua việc ăn uống.

Có một số người được bác sĩ kê đơn sử dụng niacin giúp điều trị:

  • Cholesterol cao: Vitamin B3 được sử dụng để tăng cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao (HDL) – cholesterol “tốt’, giúp loại bỏ cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) – cholesterol “xấu’ khỏi máu. LDL cholesterol là nguồn cơn của xơ vữa động mạch. Thuốc được chỉ định đơn lẻ hoặc kết hợp với simvastatin hoặc lovastatin để điều trị tăng lipid máu nguyên phát và rối loạn lipid máu hỗn hợp. Nó cũng có tác dụng giảm nguy cơ tái phát nhồi máu cơ tim không gây tử vong ở những bệnh nhân có tiền sử nhồi máu cơ tim và tăng lipid máu; điều trị bệnh động mạch vành, tăng triglycerid máu nghiêm trọng.
  • Bệnh Pellagra (thiếu niacin): Vitamin B3 cũng được bổ sung liều cao cho những người mắc bệnh Pellagra do thiếu vitamin này. Họ thuờng là người đang được nuôi ăn ngoài đường tiêu hóa, ăn uống không điều độ hoặc một bệnh lý nào đó ảnh hưởng tới việc hấp thu vitamin B3.

Thiếu vitamin B3 gây bệnh gì?

Các cơ quan bị ảnh hưởng chủ yếu do thiếu hụt niacin là đường tiêu hóa, da và hệ thần kinh trung ương, với các triệu chứng như: ỉa chảy, đau bụng, viêm lưỡi, viêm miệng, chán ăn, đau đầu, ngủ lịm, tâm thần, bệnh Pellagra với các triệu chứng như đỏ và sưng lưỡi, nhiễm khuẩn miệng và màng nhầy, các triệu chứng tâm thần.

Thiếu niacin có liên quan đến dị tật bẩm sinh. Một nghiên cứu trên chuột cho thấy bổ sung niacin trong thời kỳ mang thai giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh, nhưng còn cần thêm nghiên cứu trên người.

Vitamin B3 có trong thực phẩm nào?

Thực phẩm giàu niacin bao gồm nấm men, sữa, thịt, cá, khoai tây, đậu và ngũ cốc. Tuy nhiên một lượng nhỏ vitamin B3 trong ngũ cốc tồn tại ở dạng khó hấp thu.

Vitamin B3 (niacin) có thể được sử dụng cho một số vấn đề khác không được đề cập trong bài viết này. Bạn có thể hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm thông tin.

Cách dùng

Bạn nên sử dụng thuốc vitamin B3 (niacin) như thế nào?

Đối với thuốc dạng viên nén, viên nang, bạn uống trong bữa ăn.

Đối với viên nén giải phóng kéo dài, bạn uống trước khi đi ngủ, sau một bữa ăn nhẹ ít chất béo. Bạn nuốt nguyên viên thuốc, không nhai, tách hoặc nghiền nát viên.

Bạn có thể hỏi thêm bác sĩ hoặc dược sĩ về cách dùng thuốc để sử dụng thuốc thật chính xác.

Bạn nên làm gì trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều?

Quá liều niacin có thể xuất hiện hạ huyết áp kéo dài nghiêm trọng. Khi quá liều xảy ra, không có biện pháp giải độc đặc hiệu. Bệnh nhân bị quá liều nên được điều trị bằng các biện pháp hỗ trợ và điều trị triệu chứng, có thể bao gồm gây nôn, rửa dạ dày, truyền dịch tĩnh mạch.

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng thuốc vitamin B3 (niacin) cho người lớn như thế nào?

Liều dùng khuyến cáo cho người lớn cần bổ sung dinh dưỡng

  • Người lớn (trên 18 tuổi): nam 16 mg/ngày, nữ 14 mg/ngày, uống 1 lần hoặc chia thành 2 lần.
  • Phụ nữ mang thai: 18 mg/ngày uống 1 lần hoặc chia thành 2 lần.
  • Phụ nữ cho con bú: 17 mg/ngày uống 1 lần hoặc chia thành 2 lần.
  • Người có chế độ ăn thiếu dinh dưỡng: nên dùng 17 –  20 mg mỗi ngày, uống 1 lần hoặc chia thành 2 lần.

Niacin thường được dùng kết hợp với các vitamin khác trong chế phẩm để bổ sung dinh dưỡng.

Trong trường hợp không thể dùng thuốc theo đường uống, có thể điều trị theo đường tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch chậm.

Đối với những loại thực phẩm bổ sung niacin:

Bạn uống 50 mg mỗi 12 giờ hoặc 100 mg mỗi ngày.

Liều dùng thông thường cho người lớn bị tăng lipid máu:

Đối với dạng phóng thích nhanh, bạn dùng thuốc như sau:

  • Bạn dùng 250 mg uống một lần mỗi ngày.
  • Bạn cần thường xuyên điều chỉnh liều mỗi 4 – 7 ngày tùy vào hiệu quả và khả năng dung nạp của cơ thể trong lần sử dụng thuốc đầu tiên, sau khi uống 1,5 đến 2 g mỗi 6 – 8 giờ. Sau đó, bạn hiệu chỉnh liều mỗi 2 – 4 tuần;
  • Liều tối đa là 6 g mỗi ngày.

Đối với dạng phóng thích kéo dài, bạn dùng thuốc như sau:

  • Bạn uống liều khởi đầu 500 mg mỗi ngày trước khi ngủ;
  • Bạn có thể hiệu chỉnh liều mỗi 4 tuần tùy vào hiệu quả và khả năng dung nạp của cơ thể đến liều 1 đến 2 g một lần mỗi ngày;
  • Liều tối đa là 2 g mỗi ngày.

Liều dùng để điều trị bệnh Pellagra: 

  • Liều uống thông thường là 300 – 500 mg/ngày, tối đa 1500 mg/ngày, chia thành 3 – 10 lần.

Liều dùng vitamin B3 (niacin) cho trẻ em như thế nào?

Lượng niacin được khuyến nghị cho trẻ em như sau:

  • Đối với trẻ 0 – 6 tháng, bạn cho trẻ uống 2 mg mỗi ngày;
  • Đối với trẻ 7 – 12 tháng, bạn cho trẻ uống 4 mg mỗi ngày;
  • Đối với trẻ 1 – 3 tuổi, bạn cho trẻ uống 6 mg mỗi ngày;
  • Đối với trẻ 4 – 8 tuổi, bạn cho trẻ uống 8 mg mỗi ngày;
  • Đối với trẻ 9 – 13 tuổi, bạn cho trẻ uống 12 mg mỗi ngày;
  • Đối với trẻ 14 – 18 tuổi, bạn cho trẻ uống 16 mg mỗi ngày (đối với con trai) và 14 mg mỗi ngày (đối với con gái).

Liều dùng để điều trị bệnh Pellagra ở trẻ em:

  • Liều uống thông thường là 100 – 300 mg/ngày, chia thành 3 – 10 lần.

Thuốc vitamin B3 (niacin) có những dạng và hàm lượng nào?

Thuốc vitamin B3 có những dạng và hàm lượng sau:

  • Viên nang uống 500 mg;
  • Viên nén uống phóng thích nhanh 500 mg;
  • Viên nén, viên nén bao phim phóng thích kéo dài 500 mg, 750 mg, 1000 mg;
  • Dung dịch uống 100 ml;
  • Dung dịch tiêm truyền 100 mg/ml;
  • Kem thoa da, lotion, bột và khí dung 0,01%;
  • Mặt nạ 0,1%.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc vitamin B3 (niacin)?

Ở liều dùng nhỏ để bổ sung cho sức khỏe, niacin thuờng an toàn.

Như các loại thuốc khác, thuốc vitamin B3 (niacin) có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:

  • Da đỏ bừng nghiêm trọng, có thể kết hợp với chóng mặt, ngất xỉu
  • Mệt mỏi
  • Tim đập loạn nhịp
  • Ngứa, phát ban
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Đau bụng
  • Tiêu chảy
  • Nước tiểu sẫm màu, phân sáng màu
  • Chảy máu hoặc bầm tím bất thường
  • Tăng cơn ho
  • Cơn gút
  • Tổn thương gan
  • Tăng đường huyết

Một số người có cơ địa mẫn cảm với vitamin B3 có thể gặp các triệu chứng dị ứng như:

  • Nổi mẩn, ban, ngứa
  • Khó thở hoặc khó nuốt
  • Phù mặt, họng, môi, lưỡi, mắt, bàn tay, bàn chân, mắt cá chân hoặc cẳng chân
  • Khàn giọng
  • Đau cơ, mệt hoặc yếu cơ không rõ nguyên nhân.

Không phải ai cũng gặp các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thận trọng/Cảnh báo

Trước khi dùng thuốc vitamin B3 (niacin) bạn nên biết những gì?

Trước khi dùng thuốc vitamin B3 bạn nên báo với bác sĩ và dược sĩ nếu:

  • Bạn bị dị ứng với niacin hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc, bất kỳ loại thuốc nào khác.
  • Bạn đang dùng bất kì loại thuốc kê đơn và không kê đơn, vitamin, chất bổ sung dinh dưỡng và các sản phẩm thảo dược nào. Đặc biệt là thuốc chống đông máu, thuốc uống cho bệnh tiểu đường, thuốc điều trị cao huyết áp, bổ sung dinh dưỡng hoặc các sản phẩm khác có chứa niacin hoặc các loại thuốc khác để giảm cholesterol hoặc chất béo trung tính. Nếu bạn dùng insulin hoặc thuốc trị tiểu đường dạng uống, liều lượng của bạn có thể cần phải thay đổi vì niacin có thể làm tăng lượng đường trong máu và nước tiểu của bạn.
  • Bạn đang dùng nhựa liên kết với axit mật như colestipol hoặc cholestyramine, hãy dùng cách vitamin B3 ít nhất 4 đến 6 giờ.
  • Bạn uống một lượng lớn rượu.
  • Bạn đang hoặc đã từng mắc bệnh tiểu đường, bệnh gout, loét, dị ứng, vàng da hoặc vàng mắt, có vấn đề về chảy máu, bệnh túi mật, tim, thận hoặc gan.
  • Bạn đang mang thai, dự định có thai hoặc đang cho con bú. Nếu bạn có thai trong khi dùng niacin, hãy ngừng dùng thuốc và hỏi ý kiến bác sĩ.
  • Bạn đang phẫu thuật, kể cả phẫu thuật nha khoa, hãy nói với bác sĩ hoặc nha sĩ rằng bạn đang dùng niacin.
  • Niacin gây đỏ bừng mặt (đỏ, nóng, ngứa, ngứa ran), cổ, ngực hoặc lưng. Tác dụng phụ này thường hết sau khi dùng thuốc vài tuần. Uống aspirin hoặc một loại thuốc chống viêm không steroid khác như ibuprofen hoặc naproxen 30 phút trước khi dùng niacin có thể làm giảm đỏ bừng mặt. Nếu bạn dùng niacin giải phóng kéo dài trước khi đi ngủ, hiện tượng đỏ bừng mặt có thể xảy ra khi bạn đang ngủ. Nếu bạn thức dậy và cảm thấy đỏ mặt, hãy đứng dậy từ từ, đặc biệt nếu bạn cảm thấy chóng mặt hoặc sắp ngất xỉu.

Những điều cần lưu ý nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú

Phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú không được dùng vitamin B3 ở liều cao. Nếu muốn bổ sung vitamin này, bạn phải hỏi ý kiến bác sĩ. Trong khi dùng thuốc mà phát hiện có thai thì cần ngừng ngay và thông báo cho bác sĩ.

Tương tác thuốc

Thuốc vitamin B3 (niacin) có thể tương tác với thuốc nào?

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tài liệu này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Bạn không được tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Một số thuốc có thể tương tác với vitamin B3 khi dùng chung, bao gồm:

  • Allopurinol: Được kê đơn thêm để kiểm soát bệnh gút nếu bạn đang dùng niacin và bị bệnh gút.
  • Thuốc chống đông máu và chống kết tập tiểu cầu, thảo mộc và chất bổ sung có tác dụng tương tự: Dùng chung với niacin có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
  • Thuốc hạ huyết áp, thảo mộc và chất bổ sung có tác dụng hạ áp: Dùng cùng niacin có thể làm tăng nguy cơ huyết áp thấp (hạ huyết áp).
  • Crom: Uống niacin với crom có ​​thể làm giảm lượng đường trong máu của bạn. Nếu bạn bị tiểu đường, đồng thời dùng niacin và crom, hãy theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu.
  • Thuốc tiểu đường: Nếu bạn bị tiểu đường, niacin có thể cản trở việc kiểm soát lượng đường trong máu nên phải điều chỉnh liều lượng thuốc tiểu đường.
  • Thuốc thải độc gan, thảo dược và thực phẩm chức năng có tác dụng tương tự: Tăng tổn thương gan.
  • Statin: Nghiên cứu chỉ ra rằng dùng niacin cùng với các loại thuốc hạ cholesterol máu này mang lại ít lợi ích hơn khi chỉ dùng statin đơn lẻ và có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ.
  • Kẽm: Dùng kẽm với niacin có thể làm trầm trọng thêm các tác dụng phụ của niacin, chẳng hạn như đỏ bừng và ngứa.

Thức ăn và rượu bia có ảnh hưởng đến thuốc vitamin B3 (niacin) không?

Bạn nên ăn một chế độ ăn ít chất béo, ít cholesterol.

Tránh uống rượu hoặc đồ uống nóng hoặc ăn thức ăn cay trong khoảng thời gian bạn dùng niacin. Chúng có thể làm tác dụng phụ của vitamin B3 trở nên trầm trọng hơn.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc vitamin B3 (niacin)?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Bảo quản

Bạn nên bảo quản thuốc vitamin B3 (niacin) như thế nào?

Bạn nên bảo quản thuốc vitamin B3 ở nhiệt độ dưới 30 độ C, trong bao bì kín, tránh ẩm, tránh ánh sáng. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Niacin https://medlineplus.gov/druginfo/meds/a682518.html#:~:text=Niacin%20is%20used%20with%20diet,HDL%3B%20”good%20cholesterol”). Ngày truy cập: 17/08/2023

Niacin https://www.mayoclinic.org/drugs-supplements-niacin/art-20364984 Ngày truy cập: 17/08/2023

Niacin https://go.drugbank.com/drugs/DB00627 Ngày truy cập: 17/08/2023

Niacin https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23948546/ Ngày truy cập: 17/08/2023

Niacin Capsules and Tablets https://my.clevelandclinic.org/health/drugs/18874-niacin-capsules-and-tablets Ngày truy cập: 17/08/2023

Phiên bản hiện tại

19/08/2023

Tác giả: Lương Lan

Tham vấn chuyên môn: Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Vitamin B6 (pyridoxine)

Tác dụng của vitamin B12 và cách bổ sung phù hợp


Tham vấn chuyên môn:

Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương

Dược · Công ty cổ phần dược phẩm Gia Nguyễn


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 19/08/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo