backup og meta

Triaxobiotic

Triaxobiotic

Biệt dược: Triaxobiotic 500, Triaxobiotic 1000, Triaxobiotic 2000

Hoạt chất: Ceftriaxone với hàm lượng tương ứng 500mg, 1000mg hay 2000mg

Dạng bào chế: Thuốc bột khô pha tiêm

Tìm hiểu chung

Tác dụng, công dụng của thuốc Triaxobiotic là gì?

Triaxobiotic với hoạt chất ceftriaxone là một kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 3 được chỉ định trong điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn nặng do chủng nhạy cảm với thuốc, như:

  • Nhiễm khuẩn huyết, viêm màng trong tim, viêm màng não mủ
  • Nhiễm khuẩn ổ bụng: viêm màng bụng, nhiễm khuẩn đường mật và ống tiêu hóa
  • Nhiễm khuẩn xương, khớp, da, mô mềm và các vết thương
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm phế quản cấp, viêm phổi…
  • Nhiễm khuẩn ở thận, đường tiết niệu – sinh dục (kể cả bệnh lậu)
  • Nhiễm khuẩn tai mũi họng
  • Phòng ngừa nhiễm khuẩn khi phẫu thuật

Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này khi có chỉ định của bác sĩ.

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng thuốc Triaxobiotic ở người lớn là bao nhiêu?

Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi có thể dùng liều 1-2g trong 24 giờ, 1 lần/ ngày.

Khi điều trị lậu không biến chứng, dùng liều duy nhất 250mg tiêm bắp.

Phòng nhiễm khuẩn khi phẫu thuật thường dùng liều duy nhất 1-2g tiêm tĩnh mạch trước khi phẫu thuật 30-90 phút.

Thời gian điều trị thường kéo dài từ 4-14 ngày (tiếp tục dùng ít nhất 2-3 ngày sau khi hết các triệu chứng nhiễm khuẩn).

Liều dùng thuốc Triaxobiotic cho trẻ em là bao nhiêu?

Liều dùng khuyến cáo cho trẻ em như sau:

  • Trẻ sơ sinh: dùng liều 20-50mg/ kg thể trọng
  • Trẻ từ 3 tuần – 12 tuổi: dùng liều 20-80mg/ kg thể trọng. Nếu liều lớn hơn 50mg/ kg phải truyền tĩnh mạch chậm trong hơn 30 phút.

Trong điều trị viêm màng não mủ ở trẻ em, bắt đầu với liều 100mg/ kg thể trọng (không quá 4g/ ngày). Sau đó, liều được điều chỉnh cho phù hợp.

Cách dùng

Bạn nên dùng thuốc Triaxobiotic như thế nào?

Cách dùng thuốc triaxobiotic

Thuốc được dùng đường tiêm, có thể:

  • Tiêm tĩnh mạch chậm 2-4 phút
  • Truyền tĩnh mạch ít nhất 30 phút
  • Tiêm bắp sâu: chia nhỏ liều, không tiêm quá 1g vào một vị trí và tiêm vào các vị trí khác nhau.

Với dạng thuốc này, các nhân viên y tế sẽ là người thực hiện pha và tiêm thuốc cho bạn theo chỉ định từ bác sĩ.

Bạn nên làm gì trong trường hợp quá liều hay quên một liều?

Vì bạn sẽ được tiêm hoặc truyền thuốc do nhân viên y tế thực hiện trong cơ sở khám chữa bệnh nên trường hợp quá liều hoặc quên liều rất ít khi xảy ra.

Quá liều Triaxobiotic có thể gây triệu chứng buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Không có thuốc điều trị đặc hiệu, lọc máu cũng không giúp loại bỏ thuốc khỏi cơ thể, vì vậy chỉ điều trị theo triệu chứng.

Nếu nhận thấy có biểu hiện bất thường nghi ngờ do quá liều thuốc, hãy thông báo ngay cho nhân viên y tế.

Tác dụng phụ

Bạn có thể gặp phải tác dụng phụ nào khi sử dụng thuốc Triaxobiotic?

Kháng sinh ceftriaxone được dung nạp tương đối tốt. Chỉ khoảng một số ít người bệnh gặp phải tác dụng phụ, tần suất phụ thuộc vào liều và thời gian dùng thuốc.

Các tác dụng phụ không mong muốn được ghi nhận là:

  • Thường gặp: tiêu chảy; phản ứng trên da, ngứa, phát ban
  • Ít gặp: sốt, viêm tĩnh mạch, phù; tăng bạch cầu ưa eosin, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu; nổi mề đay
  • Hiếm gặp: đau đầu, chóng mặt, phản vệ, thiếu máu tan máu nặng, mất bạch cầu hạt, rối loạn đông máu, viêm đại tràng có màng giả, ban đỏ đa dạng, tiểu ra máu, tăng creatinin huyết thanh…

Đây không phải danh mục đầy đủ tất cả tác dụng phụ của thuốc. Nếu bạn gặp phải bất kỳ tác dụng không mong muốn nào, hãy ngưng dùng thuốc và thông báo ngay cho bác sĩ.

Thận trọng/ Cảnh báo

Bạn nên lưu ý những gì khi dùng thuốc Triaxobiotic?

Chống chỉ định dùng thuốc trong các trường hợp sau:

  • Người quá mẫn với hoạt chất hay các cephalosporin khác
  • Không dùng tiêm bắp với trẻ em dưới 2 tuổi, phụ nữ mang thai và đang cho con bú.

Ngoài ra, thận trọng khi dùng thuốc ở những người:

  • Có tiền sử dị ứng với penicillin hay bất kỳ loại thuốc nào
  • Người bệnh đường tiêu hóa (như viêm đại tràng), viêm tụy, viêm túi mật, tiêu chảy
  • Thiếu dinh dưỡng
  • Sỏi thận
  • Tăng canxi niệu
  • Suy giảm tổng hợp vitamin K hoặc mức vitamin K thấp
  • Suy gan, suy thận nặng

Thuốc có thể gây tác dụng phụ là chóng mặt, vì vậy hãy thận trọng khi lái xe hoặc vận hành máy móc.

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)

Thận trọng khi dùng triaxobiotic

Phụ nữ có thai và đang cho con bú không nên dùng thuốc trừ khi thật sự cần thiết và được đánh giá thấy có lợi ích cao hơn nguy cơ.

Tương tác thuốc

Thuốc Triaxobiotic có thể tương tác với những thuốc nào?

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Một số thuốc có thể gây tương tác với ceftriaxone gồm:

  • Kháng sinh nhóm aminosid
  • Colistin, furosemid
  • Probenecid
  • Các chế phẩm có chứa canxi
  • Dung dịch Ringer
  • Thuốc chống đông warfarin
  • Chủng ngừa bệnh tả

Thuốc này có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Ăn uống bình thường trừ khi có chỉ định đặc biệt của bác sĩ.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc này?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào như đề cập trong phần Thận trọng/ Cảnh báo.

Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản thuốc Triaxobiotic như thế nào?

Bảo quản nơi khô ráo, tránh ánh sáng, nhiệt độ dưới 30ºC.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Ceftriaxone. https://www.mims.com/vietnam/drug/info/ceftriaxone?mtype=generic. Ngày truy cập 20/9/2021.

Thông tin thuốc Triaxobiotic. http://benhvienvixuyen.org.vn/files/files/23-04-2019.pdf. Ngày truy cập 20/9/2021.

Ceftriaxone (Injection Route). https://www.mayoclinic.org/drugs-supplements/ceftriaxone-injection-route/description/drg-20073123. Ngày truy cập 20/9/2021.

Ceftriaxone injection. https://my.clevelandclinic.org/health/drugs/20162-ceftriaxone-injection. Ngày truy cập 20/9/2021.

Ceftriaxone Injection. https://medlineplus.gov/druginfo/meds/a685032.html. Ngày truy cập 20/9/2021.

Ceftriaxone 1g Powder for Solution for Injection or Infusion. https://www.medicines.org.uk/emc/product/1361/smpc#gref. Ngày truy cập 20/9/2021.

Phiên bản hiện tại

21/09/2021

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

15 Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh bạn cần biết

Kháng kháng sinh là gì? Đừng chủ quan trước tình trạng này!


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 21/09/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo