Trên thực tế, các loại thuốc trị nổi mề đay càng cho hiệu quả nhanh chóng càng được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, liệu đó có phải là lựa chọn an toàn hay không? Để tránh gặp phải tác dụng không mong muốn của thuốc trị mề đay mẩn ngứa, đồng thời nhanh chóng thoát khỏi tình trạng này, hãy cùng tham khảo nổi mề đay uống thuốc gì hay bôi thuốc gì qua bài viết dưới đây.
Bị mề đay bôi hay uống thuốc gì? 5 loại thuốc trị nổi mề đay tại nhà
Một số trường hợp bị nổi mề đay cấp tính, nhẹ thường tự khỏi hoặc cải thiện nhanh chóng khi dùng thuốc trị mề đay đúng cách. 5 loại thuốc thường được sử dụng nhất bao gồm:
1. Thuốc trị ngứa nổi mề đay cetirizin
Cetirizin là một thuốc kháng histamin thế hệ 2 được sử dụng để cắt cơn ngứa, sưng phù và dị ứng. Vì thế, thuốc thường chỉ định để điều trị mề đay mạn tính, viêm kết mạc hoặc viêm mũi dị ứng.
Lưu ý khi sử dụng cetirizin trị nổi mề đay:
- Thuốc thường được chỉ định cho trẻ em trên 6 tuổi và bạn nên hỏi bác sĩ về liều dùng cho trẻ. Người lớn uống mỗi ngày không quá 10mg cetirizin, chia thành 2 lần
- Người trên 77 tuổi khuyến cáo sử dụng liều 5mg mỗi lần
- Bệnh nhân suy thận cần tuân thủ liều dùng của bác sĩ
- Tác dụng phụ người bệnh có thể gặp phải là buồn ngủ, ngủ gật, mệt mỏi, nhức đầu,…
- Chống chỉ định thuốc trị mề đay cetirizin cho phát ban có vết bầm tím hoặc phồng rộp, màu bất thường, không ngứa; người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc hoặc hydroxyzin
- Cetirizin có thể bài tiết vào sữa mẹ, không nên dùng cho phụ nữ có thai và đang cho con bú.
- Thận trọng khi lái xe hoặc vận hành máy móc
- Tránh dùng thuốc cùng với đồ uống có cồn, các thuốc ức chế thần kinh trung ương khác.
2. Thuốc trị nổi mề đay loratadin
Bên cạnh cetirizin, bác sĩ cũng thường chỉ định thuốc kháng histamin thế hệ 2 khác là loratadin trong các tình trạng mề đay, dị ứng hoặc một số bệnh da liễu khác. Thuốc trị mề đay này có tác dụng khá nhanh chóng và kéo dài. Thuốc chống chỉ định với phụ nữ mang thai và cho con bú.
Lưu ý khi sử dụng thuốc loratadin:
- Một số tác dụng phụ có thể gặp phải bao gồm: khô mũi, miệng, thường xuyên hắt hơi, đau nhức đầu.
- Thuốc sử dụng đường uống, liều dùng cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi là mỗi ngày 1 viên 10mg, trẻ em 2-12 tuổi mỗi ngày 5-10mg.
3. Thuốc bôi mề đay Phenergan
Phenergan dạng bôi ngoài da thường được chỉ định để điều trị ngứa, ngứa sẩn, côn trùng đốt, bỏng bề mặt, kích ứng da do tia X,…
Thuốc bôi mề đay Phenergan chống chỉ định với:
- Người mẫn cảm với thành phần promethazine
- Chàm (eczema)
- Bệnh ngoài da do nhiễm trùng hoặc bị kích ứng
- Các tổn thương có chảy dịch
- Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi
- Trẻ em có các dấu hiệu của hội chứng Reye, đặc biệt là khi dùng liều cao có thể gây ra các triệu chứng ngoại tháp dễ nhầm với dấu hiệu thần kinh trung ương của hội chứng này, gây khó khăn cho chẩn đoán.
Lưu ý khi sử dụng thuốc bôi trị mề đay Phenergan
- Đều đặn bôi mỗi ngày 3-4 lần, làm sạch vùng da cần điều trị trước khi bôi thuốc
- Không để kem thuốc dính vào mắt hoặc nuốt
- Không tiếp xúc với tia cực tím và nắng mặt trời khi sử dụng kem bôi Phenergan.
4. Thuốc trị nổi mề đay Eumovate
Eumovate với thành phần chính là clobetasone butyrate 0.05% có tác dụng giảm tình trạng ngứa, viêm da do bệnh da liễu hoặc do côn trùng cắn gây ra, trong đó bao gồm mề đay. Thuốc đặc biệt thích hợp để điều trị mề đay cho những vùng da ẩm ướt hoặc rỉ dịch.
Tuy nhiên, không điều trị bằng thuốc này cho những nhiễm trùng da chưa được điều trị như nhiễm Herpes, thủy đậu; mụn trứng cá, mụn trứng cá đỏ; ngứa nhưng không viêm.
Không khuyến khích sử dụng thuốc trị mề đay mẩn ngứa Eumovate với phụ nữ đang mang thai, đang cho con bú. Nếu buộc phải dùng, chỉ dùng liều thấp nhất trong thời gian ngắn nhất.
Lưu ý khi sử dụng Eumovate:
- Sử dụng theo liều dùng của bác sĩ chỉ định, không tự ý mua và dùng thuốc tại nhà để tránh tác dụng không mong muốn.
- Bôi kem thuốc Eumovate mỗi ngày 2 lần với một lớp mỏng vừa đủ.
5. Thuốc chữa mề đay dạng nặng methylprednisolon
Ở những trường hợp mề đay thể nặng, bệnh nhân thường ngứa ngáy dữ dội và xuất hiện những mảng phù trên da. Methylprednisolon là một corticosteroid có tác dụng ức chế hệ miễn dịch rất mạnh, giúp cắt cơn ngứa, giảm viêm và sưng nhanh chóng nên có hiệu quả trong những trường hợp nặng.
Không sử dụng methylprednisolon trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng (trừ sốc nhiễm khuẩn và lao màng não); có tổn thương da do virus, nấm hoặc lao; đang dùng vắc xin virus sống hoặc mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào có trong thuốc.
Lưu ý khi sử dụng thuốc methylprednisolon
- Liều lượng và thời gian sử dụng thuốc được bác sĩ chỉ định tùy theo từng trường hợp cụ thể, tuyệt đối không tự ý sử dụng tại nhà.
- Một số tác dụng phụ thường gặp là tăng ngon miệng, khó tiêu, mất ngủ, kích động thần kinh, đau khớp, rậm lông, đục thủy tinh thể, glocom, tăng đường huyết…
- Thận trọng khi dùng thuốc với đối tượng bị đau dạ dày hoặc gặp vấn đề về tiêu hóa.
Một số lưu ý cần biết khi dùng thuốc trị mề đay
Thuốc trị nổi mề đay giúp xoa dịu nhanh chóng triệu chứng của bệnh gây ra. Tuy nhiên khi sử dụng thuốc, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Có nhiều nguyên nhân dẫn tới mề đay và những thuốc ở trên chỉ điều trị triệu chứng. Bạn nên thăm khám nếu tình trạng nổi mề đay kéo dài hay tái phát nhiều lần để xác định rõ căn nguyên và có biện pháp điều trị phù hợp.
- Thuốc trị nổi mề đay có tác dụng nhanh nhưng nguy cơ tác dụng phụ cũng cao. Bạn cần tuân thủ đầy đủ chỉ dẫn của bác sĩ khi dùng thuốc.
- Thông báo với bác sĩ về tiền sử dị ứng thuốc của bạn.
- Tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, không tự ý mua dùng thuốc và tăng giảm liều ngoài chỉ định.
- Kết hợp việc dùng thuốc trị nổi mề đay với chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh; hạn chế uống rượu bia và các chất kích thích khi đang dùng thuốc.
[embed-health-tool-bmi]