backup og meta

Bộ Y tế hướng dẫn sử dụng thuốc trị Covid 19

Bộ Y tế hướng dẫn sử dụng thuốc trị Covid 19

Hiện nay, số ca nhiễm Covid-19 đang có dấu hiệu tăng trở lại, cùng với thời điểm mà các bệnh hô hấp khác cũng bùng phát. Nhiều người bắt đầu mua thuốc trị covid để dự trữ tại nhà. Tuy nhiên, nếu bạn dùng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ có thể lãnh nhận nhiều hậu quả tiêu cực. 

Vậy nên trong bài viết này, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu thông tin về các loại thuốc hỗ trợ điều trị covid mà Bộ Y tế khuyến cáo nên trang bị tại nhà, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Các loại thuốc hỗ trợ điều trị covid tại nhà 

Hiện nay tỷ lệ ca nhiễm Covid-19 có dấu hiệu tăng lại nhưng với tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phủ rộng trên cả nước, đa số các ca nhiễm nhẹ, người bệnh có thể tự cách ly và điều trị tại nhà. Tuy nhiên đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người lạm dụng thuốc, dùng thuốc sai cách. 

Dưới đây là 7 nhóm thuốc nằm trong danh mục các nhóm thuốc quan trọng để điều trị covid tại nhà do Bộ Y tế ban hành: 

1. Thuốc hạ sốt, giảm đau chứa thành phần paracetamol

Hiện nay có rất nhiều chế phẩm thuốc hạ sốt, giảm đau không kê đơn có chứa thành phần paracetamol mà bạn có thể tìm mua tại các quầy thuốc, nhà thuốc. Tuỳ vào đối tượng và nhu cầu sử dụng, bạn có thể chọn dạng viên nén, bột, cốm để uống hay viên đạn nhét hậu môn,…

  • Đối với trẻ em, các bậc phụ huynh có thể dùng dạng gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống hàm lượng 80mg, 100mg, 150mg hoặc 250mg. 
  • Với người người lớn có thể dùng dạng viên nén 250mg hoặc 500mg.

các thuốc trị covid 19

2. Chất cân bằng nước – điện giải

Uống nước và bù điện giải là một phần rất quan trọng trong việc hạ sốt, nhất là với những tình trạng sốt kéo dài khi nhiễm Covid. Ngoài lưu ý uống nhiều nước, bạn cũng có thể dùng dung dịch Oresol, gói bù nước và chất điện giải khác.

3. Thuốc, thực phẩm bổ sung hỗ trợ tăng sức đề kháng

Bạn nên sử dụng các vitamin tổng hợp có một trong các thành phần sau: vitamin B1, B6 và B12; vitamin C (có thể bao gồm kẽm); vitamin D.

4. Thuốc sát khuẩn hầu họng

Ngoài việc dùng các thuốc giảm triệu chứng thì bạn cũng cần trang bị thêm một số loại thuốc, dung dịch sát khuẩn hầu họng như: 

  • Natri clorid (dung dịch 0,9% hoặc viên pha nước muối).
  • Thuốc sát khuẩn hầu họng khác.

5. Thuốc chống viêm, điều hoà miễn dịch đường uống

Corticoid cũng nằm trong đơn thuốc trị covid, được chỉ định cho bệnh nhân nhiễm covid từ mức độ vừa trở lên. Trong đó, dexamethasone 0,5mg được ưu tiên vì đã có bằng chứng về hiệu quả trong điều trị COVID-19 từ thử nghiệm RECOVERY. 

Trong trường hợp bệnh nhân không được sử dụng dexamethasone (phụ nữ có thai chẳng hạn) thì bác sĩ có thể đổi sang corticoid khác với liều quy đổi tương đương, ví dụ như methylprednisolon

Bệnh nhân đang điều trị các bệnh lý khác bằng corticoid nên được tiếp tục duy trì corticoid điều trị bệnh lý nền.

6. Thuốc chống đông máu đường uống

Trong đơn thuốc trị covid được hướng dẫn bởi Bộ Y tế, bệnh nhân có thể lựa chọn điều trị chống đông máu với một trong 2 thuốc sau: Rivaroxaban 10 mg (viên), hoặc Apixaban 2,5mg (viên).

Lưu ý đối với người trên 65 tuổi hoặc mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, bệnh tim mạch,… cần chú ý theo dõi điều trị các bệnh nền này. Những đối tượng này sẽ có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng hơn khi nhiễm Covid-19. 

Lưu ý: Với thuốc corticoid và thuốc chống đông máu, bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng tại nhà nếu bạn có dấu hiệu sớm của suy hô hấp mà chưa kịp đến cơ sở y tế để điều trị, hoặc với bệnh mức độ vừa trở lên.

7. Thuốc trị covid: Thuốc kháng virus

Dù nằm trong danh mục thuốc covid do Bộ Y tế khuyến cáo nhưng thuốc kháng lại virus hiện chưa được cấp phép mà mới chỉ được sử dụng theo đề cương nghiên cứu được Bộ Y tế phê duyệt.

Trong đó, các liệu pháp kháng virus chủ yếu được chỉ định ở các bệnh nhân ở mức độ nhẹ và trung bình, cần phải giảm tải lượng virus trong cơ thể.  Đó có thể là thuốc kháng virus phổ rộng (ví dụ: favipiravir, molnupiravir, remdesivir, paxlovid) hoặc các kháng thể đơn dòng đặc hiệu với virus SARS-CoV-2 (ví dụ: casirivimab + imdevimab, bamlanivimab + etesevimab, sotrovimab). 

Ngoài 7 loại thuốc trong danh mục khuyến cáo của Bộ Y tế, bạn cũng nên chuẩn bị thêm thuốc trị ho, thuốc xịt mũi, thuốc tiêu chảy, các thảo dược trị cảm và ho, thuốc điều trị bệnh lý nền (lượng đủ cho 4 tuần) nếu F0 đang mắc các bệnh khác.

Các dụng cụ, thiết bị cần thiết khác để tự chăm sóc bệnh tại nhà 

que test nhanh trong điều trị covid

Bên cạnh trang bị túi thuốc điều trị covid tại nhà thì bạn cũng có thể chú ý dự trữ những dụng cụ, thiết bị cần thiết khác như: 

Que test nhanh 

Nếu xuất hiện triệu chứng nghi ngờ Covid-19, bạn có thể tự kiểm tra ngay tại nhà bằng que test nhanh để kịp thời cách ly và có biện pháp chăm sóc, điều trị phù hợp. Ngoài ra, trong thời gian cách ly và tự điều trị tại nhà, bệnh nhân cũng có thể dùng que test để kiểm tra xem mình đã âm tính hay chưa. 

Nhiệt kế 

Sốt là một trong những triệu chứng thường gặp ở người nhiễm Covid. Sốt cao kéo dài sẽ rất nguy hiểm, thậm chí gây tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Vậy nên, bác sĩ thường khuyến cáo người bệnh tự trang bị nhiệt kế tại nhà để kiểm tra và kịp thời đến bệnh viện trong các trường hợp khẩn cấp.

Lưu ý: Trường hợp dùng thuốc mà không hạ sốt, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc phù hợp. 

Khẩu trang 

Sử dụng khẩu trang y tế và thay khẩu trang ít nhất 2 lần mỗi ngày. Bạn để khẩu trang thải bỏ vào thùng rác thải riêng có nắp đậy, để tránh lây lan virus. 

Máy đo spO2

Máy đo spO2 là thiết bị đo nồng độ oxy bão hòa trong máu, được khuyến cáo trang bị tại nhà, để kịp thời phát hiện tình trạng thiếu oxy máu ở mức nguy hiểm, cần được xử trí gấp.

Tuy nhiên, hiện cũng có nhiều tranh cãi xoay quanh việc có cần thiết trang bị máy đo spO2 tại nhà không. Nếu bạn là người trẻ tuổi và không mắc các vấn đề về phổi, có thể máy đo spO2 là không cần thiết. Ngược lại, với trẻ em, người cao tuổi hay người mắc bệnh về phổi và đường hô hấp thì nên có máy đo spO2 tại nhà. 

Cồn sát trùng

Bạn nên chuẩn bị các dung dịch cồn 70 độ để sát khuẩn tay và các bề mặt trong nhà thường xuyên như tay nắm cửa, bàn, ghế,… Bên cạnh thuốc trị covid thì cồn sát khuẩn rất quan trọng nhằm góp phần giảm thiểu nhanh lượng virus trong không khí, giảm lây lan cho những người còn lại trong gia đình.

Hello Bacsi hi vọng những thông tin về thuốc trị covid tại nhà trên đây sẽ giúp bạn bổ sung thêm kiến thức tự điều trị Covid-19 tại nhà, để dùng đúng thuốc đúng bệnh nhé!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Treatments for COVID-19 – NHS

https://www.nhs.uk/conditions/covid-19/treatments-for-covid-19/

Ngày truy cập: 5/5/2023

Treating COVID-19 at home: Care tips for you and others – Mayo Clinic

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/coronavirus/in-depth/treating-covid-19-at-home/art-20483273

Ngày truy cập: 5/5/2023

Cập nhật một số thuốc điều trị COVID-19 (01/2022)

https://benhvien108.vn/duoc-lam-sang/cap-nhat-mot-so-thuoc-dieu-tri-covid-19-01-2022.htm

Ngày truy cập: 5/5/2023

Bộ Y tế hướng dẫn 7 loại thuốc quan trọng cho bệnh nhân Covid-19 điều trị ở nhà – Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM

https://covid19.hochiminhcity.gov.vn/guide-to-take-care-of-f0-cases-at-home/-/asset_publisher/ZSHLi888uq2s/content/bo-y-te-huong-dan-7-loai-thuoc-quan-trong-cho-benh-nhan-covid-19-ieu-tri-o-nha

Ngày truy cập: 5/5/2023

9 loại thuốc và 6 thiết bị F0 cần chuẩn bị để cách ly, điều trị tại nhà – Hoạt động của địa phương – Cổng thông tin Bộ Y tế

https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-dia-phuong/-/asset_publisher/gHbla8vOQDuS/content/9-loai-thuoc-va-6-thiet-bi-f0-can-chuan-bi-e-cach-ly-ieu-tri-tai-nha?fbclid=IwAR1o65ZdQPdKuHKYuJmvETKdNbBb1jFbmLj92Ak5w4MuFzq-5or5HBW0A_M

Ngày truy cập: 5/5/2023

Should You Really Have a Pulse Oximeter at Home? > News > Yale Medicine

https://www.yalemedicine.org/news/covid-pulse-oximeter

Ngày truy cập: 5/5/2023

Coronavirus Disease 2019 (COVID-19) | CDC

https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/index.html?CDC_AA_refVal=https%3A%2F%2Fwww.cdc.gov%2Fcoronavirus%2F2019-ncov%2Ffaq.html

Ngày truy cập: 5/5/2023

Phiên bản hiện tại

22/05/2023

Tác giả: Vi Quỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Phân biệt cảm cúm và covid bằng cách nào?

Có nên tiêm vaccine mũi 4 phòng COVID-19? Những ai nên tiêm?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 22/05/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo