Thuốc tiêu sợi huyết (hay thuốc tan sợi huyết) là một phần quan trọng trong việc kiểm soát và điều trị các bệnh lý đe dọa tính mạng liên quan đến huyết khối trong lòng mạch.
Để hiểu rõ hơn về nhóm thuốc này, hãy cùng Hello Bacsi điểm qua một số thông tin sau đây nhé!
Thuốc tiêu sợi huyết (thuốc tan sợi huyết) là gì?
Thuốc tiêu sợi huyết (hay thuốc tan sợi huyết) là những loại thuốc được sử dụng để làm tan cục máu đông trong lòng mạch máu.
Cơ chế hoạt động của thuốc tiêu sợi huyết:
Để hiểu rõ cơ chế hoạt động của nhóm thuốc này, bạn cần tìm hiểu đôi chút về quá trình hình thành – ly giải huyết khối. Huyết khối thực chất là một phản ứng sinh lý của cơ thể để chống lại tình trạng xuất huyết do tổn thương mạch máu lớn và nhỏ. Chúng được hình thành nhờ vào các liên kết fibrin. Nếu huyết khối hình thành và làm cản trở lưu thông máu trong lòng mạch, gây tắc nghẽn thì chất gọi là plasmin sẽ tiến hành hủy fibrin thành các chất hòa tan được.
Chỉ định và chống chỉ định của thuốc tiêu sợi huyết
Chỉ định
- Nhồi máu cơ tim cấp tính.
- Huyết khối tĩnh mạch sâu.
- Thuyên tắc phổi.
- Đột quỵ thiếu máu cục bộ cấp tính.
- Tắc động mạch ngoại vi cấp tính.
- Tắc nghẽn tĩnh mạch trung tâm.
- Cục máu đông trong tim.
- Bỏng lạnh (severe frostbite) là chỉ định ngoài nhãn của các thuốc tiêu sợi huyết.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Thuốc điều trị tai biến mạch máu não và những thông tin cần biết
Chống chỉ định
Chống chỉ định tuyệt đối dùng thuốc tiêu sợi huyết cho các đối tượng sau đây:
- Không chắc chắn thời gian khởi phát huyết khối.
- Tiền sử xuất huyết nội sọ trong 3 tháng gần đây (ICH).
- Tổn thương cấu trúc mạch máu não.
- Ung thư nội sọ.
- Đột quỵ thiếu máu cục bộ trong vòng 3 tháng gần đây.
- Chảy máu nội tạng (không bao gồm kinh nguyệt).
- Chấn thương đầu, mặt sọ đáng kể trong vòng 3 tháng gần đây.
- Phẫu thuật nội sọ, động mạch chủ và cột sống gần đây.
- Tăng huyết áp nặng không kiểm soát được.
- Đối với thuốc streptokinase, đã từng dùng thuốc trong vòng 6 tháng trở lại đây.
Chống chỉ định tương đối khi dùng thuốc điều trị tiêu sợi huyết:
- Tiền sử tăng huyết áp nặng và kiểm soát kém.
- Tăng huyết áp nặng với huyết áp tâm thu> 180 mmHg hoặc huyết áp tâm trương> 110mmHg.
- Hồi sức tim phổi (CPR) kéo dài (> 10 phút) hoặc phẫu thuật lớn trong vòng ba tuần.
- Tiền sử đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
- Sa sút trí tuệ.
- Chảy máu kéo dài trong vòng 2-4 tuần.
- Rách, vỡ mạch máu không vá lại được.
- Phụ nữ đang mang thai.
- Loét dạ dày tá tràng trong đợt cấp tính.
- Sử dụng đồng thời với thuốc chống đông máu, có chỉ số INR > 1,7 hoặc thời gian prothrombin (PT) lâu hơn 15 giây.
Các loại thuốc tiêu sợi huyết thường gặp hiện nay
Streptokinase là một protein tổng hợp từ C ß- Hemolytic streptococci, tiêu huyết khối theo cơ chế gắn với plasmin để hình thành phức hợp fibrin – plasminogen, có khả năng phân hủy plasminogen thành plasmin. Thời gian bán thải của streptokinase là khoảng 16-90 phút.
Urokinase là một glycoprotein nội sinh có thể tách ra từ thận, có thời gian bán thải 9-12 phút. Do là chất nội sinh nên urokinase không gây dị ứng như streptokinase.
rtPA (Recombinant Tissue Plasminogen Activator) tên biệt dược là Alteplase là thuốc tiêu sợi huyết duy nhất được FDA phê chuẩn dùng trong điều trị đột quỵ nhồi máu não từ năm 1996. Được tổng hợp bởi tế bào nội mô và lưu hành trong máu ở nồng độ thấp, rtPA có thời gian bán hủy ngắn từ 3 – 8 phút. Thuốc được gắn kết trên màng tiểu cầu, có tác dụng kết dính mạnh gấp đến 100 lần khi hoạt hóa tại phức hợp fibrin – plasminogen.
Một số chất khác Reteplase, Tenecteplase , Desmoteplase…có thời gian bán thải dài hơn và bước đầu thể hiện kết quả đầy hứa hẹn trong một số nghiên cứu. Tuy nhiên, chúng đều là các loại thuốc vẫn còn đang trong quá trình thử nghiệm.
Tác dụng phụ khi điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết
Tác dụng ngoài ý muốn của các loại thuốc tan sợi huyết gần như là như nhau, điển hình gồm có:
- Chảy máu ở các vị trí bị rách/vỡ hoặc tự phát ở bất cứ đâu trong cơ thể
- Tắc mạch.
- Hạ huyết áp.
- Phản ứng dị ứng, phù mạch, sốc phản vệ.
- Loạn nhịp tái tưới máu (khi dùng trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp).
Chảy máu là biến chứng thường gặp nhất khi dùng thuốc tiêu sợi huyết, đặc biệt được quan tâm chú ý nhiều nhất là đột quỵ xuất huyết hoặc xuất huyết nội sọ. Các yếu tố nguy cơ liên quan đến xuất huyết bao gồm bệnh nhân cao tuổi, tăng huyết áp không được kiểm soát, tiền sử đột quỵ hoặc phẫu thuật gần đây, xuất huyết nội tạng hoặc dùng chung với các thuốc chống đông máu khác.
Thận trọng khi sử dụng thuốc tiêu sợi huyết
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tiêu sợi huyết cho các đối tượng bệnh nhân đặc biệt bao gồm:
- Phụ nữ mang thai là đối tượng chống chỉ định tương đối của thuốc tan huyết khối do làm tăng nguy cơ chảy máu. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Tim mạch – Đột quỵ Hoa Kỳ, có thể cân nhân sử dụng Alteplase tiêm tĩnh mạch nếu nguy cơ đột quỵ cao hơn nguy cơ chảy máu tử cung.
- Phụ nữ đang cho con bú cần cân nhắc, đánh giá giữa lợi ích và rủi ro trước khi dùng thuốc tan huyết.
- Bệnh nhân suy gan nặng có nguy cơ xuất huyết do rối loạn đông máu khi dùng thuốc.
- Bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối tăng nguy cơ chảy máu khi dùng thuốc.
[embed-health-tool-bmi]