backup og meta

Các loại thuốc chống say xe tốt nhất là gì? Hiệu quả trong bao lâu?

Các loại thuốc chống say xe tốt nhất là gì? Hiệu quả trong bao lâu?

Say xe là nỗi ám ảnh của nhiều người, nhất là khi phải di chuyển trên đoạn đường dài. Vì thế nhiều người tích cực tìm kiếm các biện pháp từ tự nhiên đến thuốc chống say xe. Vậy đâu là những loại thuốc chống say tàu xe an toàn và hiệu quả mà bạn có thể dùng? 

Tại sao chúng ta lại bị say xe? 

Say xe chỉ tình trạng mà mắt và tai truyền tín hiệu trái ngược nhau về não. Chuyển động mà mắt nhìn thấy khác với những gì tai trong cảm nhận được, cụ thể là tai trong cảm nhận được chuyển động lăn nhưng mắt thì không nhìn thấy. Không chỉ khi đi xe, tình trạng này còn có thể xảy ra khi bạn đi máy bay, đi tàu, thuyền, các trò chơi trong công viên giải trí và thậm chí là kể cả khi xem phim 3D. 

Say tàu xe sẽ gây nên các triệu chứng khó chịu như chóng mặt, buồn nôn, nôn, đau đầu, mệt mỏi, da nhợt nhạt, mất khả năng tập trung, đổ mồ hôi, đau bụng,…, do đó, cản trở lịch trình đi công tác hoặc du lịch của bạn sau khi có một khoảng di chuyển dài trên xe, tàu hoặc máy bay. 

Các loại thuốc chống say xe thường dùng nhất hiện nay

các loại thuốc chống say xe

Để giúp những chuyến đi công tác hay về quê trở nên thoải mái hơn và những cơn say tàu xe không còn là nỗi ám ảnh, nhiều người chọn biện pháp sử dụng các loại thuốc chống say xe. Những loại thuốc này gồm có: 

Thuốc kháng đối giao cảm (kháng cholinergic) 

Scopolamine là một trong những hoạt chất nhóm kháng cholinergic được sử dụng phổ biến để chống say tàu xe. Thuốc thường có dạng miếng dán sau tai, nhỏ gọn tiện lợi. Thuốc chống say xe này có tác dụng kéo dài lên đến 72 giờ, không cần phải dùng nhiều lần như các loại thuốc uống khác. 

Vì miếng dán scopolamine là liệu pháp điều trị toàn thân, hoạt chất từ miếng dán sẽ thấm qua da vào mạch máu nên có một số tác dụng không mong muốn của thuốc có thể xảy ra nếu bạn dùng thuốc kéo dài và quá liều. Chúng bao gồm: 

  • Hoa mắt, buồn ngủ
  • Lú lẫn, ảo giác, mất trí nhớ tạm thời, mất phương hướng…
  • ​​Tăng nhịp tim
  • Tăng nhãn áp
  • Khô miệng
  • Giảm nhu động tiêu hóa
  • Giảm co thắt bàng quang và niệu quản. 

Chống chỉ định và thận trọng khi dùng thuốc: 

  • Không nên dùng miếng dán scopolamine cho phụ nữ có thai, đang cho con bú và trẻ em dưới 10 tuổi. 
  • Chống chỉ định tuyệt đối với bệnh nhân phì đại tuyến tiền liệt, tắc nghẽn hệ tiêu hóa, bệnh phổi mạn tính và nhịp tim nhanh.

Thuốc kháng histamin

Bên cạnh tác dụng chính là chống dị ứng, một số loại thuốc kháng histamin H1 còn được dùng để chống nôn và buồn nôn, chóng mặt do say tàu xe. Đây cũng được coi là một loại thuốc chống say xe. Các loại thuốc này bao gồm: diphenhydramine, dimenhydrinate, cinnarizine, meclizine, promethazine…

  • Promethazine: Uống trước khi lên xe khoảng 2 giờ, có hiệu quả kéo dài trong 6-12 tiếng. Tác dụng phụ của thuốc bao gồm buồn ngủ và khô miệng.
  • Cyclizine: Uống trước khi lên xe ít nhất 30 phút. Thuốc không được khuyến cáo dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi và có tác dụng phụ tương tự như scopolamine. 
  • Dimenhydrinate: Uống mỗi liều cách nhau từ 4-8 giờ. Tác dụng phụ của thuốc tương tự như scopolamine. 
  • Meclizine: Uống trước khi lên xe 1 giờ. Tác dụng phụ của thuốc cũng bao gồm buồn ngủ và khô miệng. 

Lưu ý chung: Các loại thuốc chống say xe kháng histamin đều có tác dụng phụ là gây buồn ngủ, vì thế không nên dùng cho tài xế, phi công, thành viên phi hành đoàn và những người phải lái xe hay vận hành máy móc. Bạn cũng không nên dùng thuốc này khi đã uống rượu và không dùng chung với những thuốc ức chế thần kinh trung ương khác.

Không khuyến cáo sử dụng để chống say xe cho trẻ em dưới 2 tuổi, đặc biệt đối với cinnarizin là trẻ em dưới 5 tuổi và meclizine là trẻ em dưới 12 tuổi. Phụ nữ có thai và cho con bú cũng nên hạn chế sử dụng các thuốc này.

Thuốc chống say xe Hàn Quốc Toslong, thuốc chống say xe Thái Lan với thành phần dimenhydrinate

Hiện nay, trên thị trường cũng rất ưa chuộng loại thuốc chống say xe Thái Lan hay thuốc chống say xe Hàn Quốc Toslong dạng nước được bào chế từ hoạt chất dimenhydrinate, thuộc nhóm kháng histamin kể trên.

Thuốc chống say xe Thái Lan có dạng viên, còn thuốc chống say xe dạng nước thì của Hàn Quốc. Cả hai thuốc đều có tác dụng phòng ngừa cảm giác buồn nôn và nôn, giúp người dùng tỉnh táo, giảm khó chịu, căng thẳng và mệt mỏi.

Bạn chỉ cần dùng những thuốc này 30 phút trước khi lên xe, tàu, máy bay.

thuốc chống say xe kháng histamin

Cách chống say xe không cần thuốc

Ngoài các loại thuốc chống say xe kể trên, bạn cũng có thể thử áp dụng những cách giảm say tàu xe không cần dùng thuốc, nhất là đối với những trường hợp nhẹ. Chúng bao gồm: 

  • Lựa chọn ngồi hàng ghế đầu, giữ mắt chỉ nhìn thẳng vào một điểm cố định, chẳng hạn như đường chân trời. 
  • Uống trà gừng hoặc nước gừng để giữ ấm, giảm cảm giác khó chịu do say xe. 
  • Dùng mùi hương từ các loại tinh dầu như vỏ chanh, cam, quýt hay bạc hà át đi mùi xe khó chịu. 
  • Nên ăn lót dạ trước khi đi tàu, xe hay máy bay nhưng lưu ý không ăn quá no, hạn chế ăn những bữa ăn nhiều đồ cay nóng và dầu mỡ. 
  • Mở cửa xe nếu có thể.
  • Đánh lạc hướng bản thân bằng cách nói chuyện, nghe nhạc; tránh đọc sách, xem phim hay sử dụng các thiết bị điện tử.

Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về các biện pháp chống say tàu xe trong bài viết sau: Say xe nên làm gì? Học ngay 12+ cách trị say xe hiệu quả 

Qua những thông tin về thuốc chống say xe trên đây, Hello Bacsi hy vọng bạn có thể “bỏ túi” thêm cho mình những cách chống say tàu xe an toàn và hiệu quả nhé! 

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Motion Sickness: Symptoms & Treatment

https://my.clevelandclinic.org/health/articles/12782-motion-sickness

Ngày truy cập: 9/1/2022

Car sickness in children: Can I prevent it? – Mayo Clinic

https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/childrens-health/expert-answers/car-sickness-in-children/faq-20057876

Ngày truy cập: 9/1/2022

Motion sickness – NHS

https://www.nhs.uk/conditions/motion-sickness/

Ngày truy cập: 9/1/2022

Motion Sickness | Travelers’ Health | CDC

https://wwwnc.cdc.gov/travel/page/motion-sickness

Ngày truy cập: 9/1/2022

Chống say xe có nên dùng thuốc?

https://syt.hanam.gov.vn/Pages/chong-say-xe-co-nen-dung-thuoc.aspx

Ngày truy cập: 9/1/2022

Phiên bản hiện tại

04/10/2023

Tác giả: Vi Quỳnh

Tham vấn chuyên môn: Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Thuốc Cinnarizine: Thuốc trị rối loạn tiền đình & say tàu xe

Say máy bay


Tham vấn chuyên môn:

Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương

Dược · Công ty cổ phần dược phẩm Gia Nguyễn


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 04/10/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo