Biệt dược: Bostacet
Hoạt chất: Paracetamol 325mg, tramadol hydroclorid 37,5mg.
Dạng bào chế: Viên nén bao phim
Tìm hiểu chung
Tác dụng, công dụng của thuốc Bostacet là gì?
Bostacet là một thuốc phối hợp của 2 hoạt chất có tác dụng giảm đau là tramadol và paracetamol. Thuốc được chỉ định điều trị triệu chứng đau từ trung bình đến nặng.
Việc sử dụng thuốc này nên được giới hạn ở những bệnh nhân mà cơn đau của họ ở mức độ từ trung bình đến nặng và thật sự cần thiết phải sử dụng phối hợp paracetamol + tramadol.
Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này khi có chỉ định của bác sĩ.
Liều dùng
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.
Liều dùng thuốc Bostacet ở người lớn là bao nhiêu?
Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Liều khởi đầu là 2 viên, có thể bổ sung liều khi cần thiết nhưng không được quá 8 viên/ ngày. Khoảng cách giữa các liều sử dụng tối thiểu là 6 giờ.
Điều chỉnh liều dùng cho từng bệnh nhân tùy theo cường độ đau và đáp ứng của họ.
Không cần phải điều chỉnh liều cho bệnh nhân trên 75 tuổi không có biểu hiện lâm sàng của suy giảm chức năng gan hoặc thận. Nhưng cần lưu ý rằng ở người trên 75 tuổi thì thời gian bán thải kéo dài hơn, nên tùy từng bệnh nhân cụ thể mà có thể cần phải nới rộng khoảng cách giữa các liều dùng.
Không dùng cho bệnh nhân suy thận nặng. Trường hợp suy thận mức độ trung bình, tăng khoảng cách giữa các liều lên khoảng 12 giờ.
Thời gian thải trừ của tramadol tăng lên ở bệnh nhân suy gan, cần xem xét tăng khoảng cách giữa các liều dùng thuốc ở bệnh nhân suy gan. Không dùng thuốc này cho bệnh nhân suy gan nặng.
Liều dùng thuốc Bostacet cho trẻ em là bao nhiêu?
Độ an toàn và hiệu quả của thuốc chưa được nghiên cứu ở trẻ em. Do đó, không khuyến cáo dùng thuốc này cho trẻ em dưới 12 tuổi.
Cách dùng
Bạn nên dùng thuốc như thế nào?
Thuốc dùng đường uống và nên uống cùng với nước lọc, uống nguyên viên, không được nhai hoặc bẻ viên thuốc. Hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Nếu có thắc mắc gì về cách dùng thuốc, bạn có thể hỏi lại dược sĩ hoặc bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?
Thuốc Bostacet là thuốc phối hợp đa thành phần. Vì thế, biểu hiện lâm sàng của việc dùng thuốc quá liều có thể là dấu hiệu, triệu chứng ngộ độc tramadol hoặc paracetamol hoặc cả hai:
- Quá liều tramadol: Triệu chứng ngộ độc tramadol cũng tương tự như các thuốc giảm đau opioid khác, bao gồm co đồng tử, nôn ói, trụy tim mạch, rối loạn ý thức (có thể dẫn đến hôn mê), co giật, ức chế hô hấp (có thể gây ngừng thở).
- Quá liều paracetamol: Triệu chứng quá liều trong 24 giờ đầu là xanh xao, buồn nôn, nôn, chán ăn, đau bụng. Trong vòng 12–48 giờ sau khi uống có biểu hiện tổn thương gan rõ (tăng men gan, tăng bilirubin huyết tương, tăng nồng độ prothrombin). Trường hợp ngộ độc nặng, suy gan có thể tiến triển thành xuất huyết, hạ đường huyết, phù não và thậm chí tử vong. Suy thận cấp tính kèm theo hoại tử ống thận cấp (đau thắt lưng, tiểu ra máu, protein niệu,…) có thể phát triển ngay cả khi không có dấu hiệu của tổn thương gan). Ngoài ra, có thể gặp triệu chứng loạn nhịp tim và viêm tụy. Quá liều paracetamol thường xảy ra ở trẻ nhỏ.
Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.
Bạn nên làm gì nếu quên một liều?
Nếu bạn quên một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.
Tác dụng phụ
Bạn có thể gặp phải tác dụng phụ nào khi sử dụng thuốc Bostacet?
Các tác dụng không mong muốn được ghi nhận ở những người sử dụng thuốc này gồm:
– Rất thường gặp (> 1/10):
- Tiêu hóa: Buồn nôn
- Rối loạn hệ thần kinh: Chóng mặt, buồn ngủ
– Thường gặp (>1/100 đến < 1 /10):
- Tiêu hóa: Nôn, táo bón, khô miệng, tiêu chảy, đau bụng, đầy hơi, khó tiêu
- Thần kinh: Đau đầu, run rẩy
- Da: Ngứa, đổ mồ hôi
- Tâm thần: Lú lẫn, thay đổi tâm trạng (lo âu, căng thẳng, hưng phấn), rối loạn giấc ngủ
– Ít gặp (> 1/1.000 đến < 1/100):
- Tiêu hóa: Khó nuốt, phân đen
- Thần kinh: Co thắt cơ, dị cảm, hay quên
- Tâm thần: Trầm cảm, ảo giác, ác mộng
- Da: Phản ứng da (phát ban, nổi mề đay)
- Tim mạch: Đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, loạn nhịp, tăng huyết áp
- Hô hấp: Khó thở
- Gan mật: Tăng men gan
- Chuyển hóa và dinh dưỡng: Hạ đường huyết
- Tiết niệu: Albumin niệu, rối loạn tiểu tiện (tiểu khó, bí tiểu)
- Toàn bộ cơ thể: Rùng mình, đỏ bừng, đau ngực
– Hiếm gặp (> 1/1.000 đến < 1/100):
- Mắt: Nhìn mờ, co đồng tử, giãn đồng tử
- Thần kinh: Thất điều, ngất xỉu, lú lẫn, rối loạn ngôn ngữ
- Tâm thần: Lệ thuộc thuốc, sảng
– Rất hiếm gặp (< 1/1.000):
- Lạm dụng thuốc.
Bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ khác có liên quan đến việc sử dụng tramadol và paracetamol. Nếu bạn gặp phải bất kỳ tác dụng không mong muốn nào, hãy ngưng dùng thuốc và thông báo ngay cho bác sĩ.
Thận trọng/ Cảnh báo
Bạn nên lưu ý những gì khi dùng thuốc Bostacet?
Thuốc chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Quá mẫn với tramadol, paracetamol hay bất cứ thành phần nào của thuốc hoặc với các thuốc nhóm opioid khác.
- Bị ngộ độc cấp tính do rượu, thuốc ngủ, các chất ma túy, thuốc giảm đau trung ương, thuốc opioid và các thuốc hướng tâm thần.
- Điều trị đồng thời hoặc sau khi ngừng điều trị với thuốc ức chế monoamin oxydase (IMAO) trong vòng 2 tuần.
- Suy gan nặng.
- Động kinh không được điều trị.
Ngoài ra, những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Bostacet là:
- Không dùng quá liều chỉ định. Không dùng cùng với thuốc khác có chứa paracetamol và tramadol nếu không được bác sĩ chỉ định.
- Không khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân suy thận nặng (độ thanh thải creatinin < 10ml/ phút) và bệnh nhân nhân suy hô hấp nặng.
- Bệnh nhân có bệnh gan do rượu, không xơ gan có nguy cơ quá liều paracetamol cao hơn.
- Dung nạp và lệ thuộc về tinh thần và/hoặc thể chất có thể xảy ra, kể cả khi dùng liều điều trị. Tránh dùng thuốc kéo dài, đặc biệt ở người có tiền sử nghiện opioid. Tramadol không có tác dụng ngăn chặn triệu chứng cai nghiện morphin nên không sử dụng tramadol làm chất thay thế cho người bệnh phụ thuộc opioid.
- Có nguy cơ gây co giật khi dùng đồng thời tramadol với các thuốc làm giảm ngưỡng động kinh, đặc biệt là thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI), thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA), các opioid, IMAO, thuốc an thần hay trên các bệnh nhân động kinh, có tiền sử co giật hay có nguy cơ co giật. Chỉ dùng Bostacet khi thật sự cần thiết và sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
- Không khuyến cáo sử dụng đồng thời với các thuốc chủ vận hay đối kháng với opioid (buprenorphin, nalbuphin, pentazocin).
- Dùng thuốc kéo dài có thể gây quen thuốc và nghiện thuốc nhưng tránh ngừng dùng thuốc đột ngột. Việc giảm liều từ từ trước khi ngừng thuốc sẽ làm giảm nguy cơ xảy ra các triệu chứng cai thuốc.
- Dùng quá liều paracetamol có thể gây ngộ độc gan.
- Tránh sử dụng đồng thời cùng thuốc tê, thuốc mê.
- Bác sĩ cần cảnh báo bệnh nhân về các dấu hiệu của phản ứng trên da nghiêm trọng như hội chứng Stevens – Johnson (SJS), hội chứng hoại tử da nhiễm độc (TEN), hay hội chứng Lyell, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính (AGEP)
- Thận trọng khi dùng Bostacet cho bệnh nhân chấn thương sọ não, tăng áp lực nội sọ, có xu hướng rối loạn co giật, rối loạn đường mật, đang bị shock, đang trong trạng thái thay đổi ý thức không rõ nguyên nhân, có các vấn đề ảnh hưởng đến trung tâm hô hấp hoặc chức năng hô hấp.
Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)
Không nên sử dụng thuốc này cho phụ nữ mang thai do chưa có đủ bằng chứng để đánh giá tính an toàn của tramadol với phụ nữ mang thai. Phụ nữ đang cho con bú thì không được dùng thuốc do trẻ rất nhạy cảm với tramadol (có thể gây ra hội chứng cai thuốc ở trẻ sơ sinh, có thể gây tăng nhịp thở).
Tramadol có thể gây buồn ngủ, chóng mặt và suy giảm khả năng nhận thức. Nếu bị các ảnh hưởng này, người bệnh không nên vận hành máy móc, lái xe, làm việc trên cao hay các công việc đòi hỏi sự tỉnh táo.
Tương tác thuốc
Thuốc Bostacet có thể tương tác với những thuốc nào?
Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.
Các tương tác có thể xảy ra giữa tramadol với các thuốc như:
- IMAO (chống chỉ định phối hợp)
- Carbamazepin
- Các thuốc chủ vận hoặc đối kháng với opioid (buprenorphin, nabuphin, pentazocin)
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI)
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng
- Thuốc chống loạn thần
- Các thuốc có khả năng làm giảm ngưỡng động kinh: Bupropion, mirtazapin, tetrahydrocannabinol
- Các dẫn xuất opioid khác (bao gồm thuốc trị ho, thuốc cai nghiện)
- Benzodiazepin, barbiturat
- Thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1
- Thuốc an thần
- Thuốc hạ huyết áp tác động lên thần kinh trung ương
- Thalidomid
- Baclofen
- Các dẫn xuất coumarin: warfarin
- Thuốc đối vận 5-HT3 như ondansetron
- Thuốc ức chế CYP3A4
Paracetamol có thể tương tác với một số thuốc khác như:
- Cholestyramin
- Metoclopramid hay domperidon
- Thuốc chống đông máu như warfarin, các coumarin khác
Thuốc này có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?
Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Rượu và đồ uống chứa cồn làm tăng tác dụng an thần của thuốc, ảnh hưởng lên khả năng lái xe và vận hành máy móc. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.
Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc này?
Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.
Bảo quản thuốc
Bạn nên bảo quản thuốc Bostacet như thế nào?
Bảo quản nơi khô thoáng, nhiệt độ dưới 30ºC, tránh ánh sáng.