Virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) là một loại virus tấn công hệ thống miễn dịch của cơ thể. Bệnh lây lan từ người sang người qua đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con. Xuất hiện từ hơn 40 năm trước, HIV hiện vẫn là một vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn trên toàn cầu, là một căn bệnh xã hội cực kỳ nguy hiểm. Cho đến nay, căn bệnh này đã cướp đi sinh mạng của khoảng 40,4 triệu người, gây suy giảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của những người không may mắc phải. Hiện tại vẫn chưa có cách chữa khỏi HIV. Cách điều trị hiện tại là dùng thuốc ARV – thuốc kháng virus giúp bệnh nhân kéo dài thời gian sống, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Vậy, thuốc ARV là gì, có tác dụng gì, dùng như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Thuốc ARV là gì?
ARV là từ viết tắt của Antiretroviral, dùng để chỉ một nhóm gồm nhiều loại thuốc có tác dụng kháng HIV. HIV là virus gây suy giảm miễn dịch ở người. Khi HIV nhiễm vào cơ thể sẽ tấn công vào hệ thống miễn dịch khiến người bệnh dễ mắc các bệnh nhiễm trùng khác như lao, và một số bệnh ung thư,.. HIV có thể trực tiếp gây tổn thương não, hệ sinh dục, thận, tim, gây suy giảm nhận thức, giảm hormon sinh dục, suy thận và bệnh tim. Cho đến hiện tại, vẫn chưa có cách chữa khỏi căn bệnh nguy hiểm này.
Thuốc ARV không thể chữa khỏi HIV nhưng giúp ngăn chặn virus nhân lên trong cơ thể, duy trì lượng virus HIV trong máu ở mức thấp nhất có thể, hạn chế ảnh hưởng tới hệ miễn dịch, giúp hệ thống miễn dịch của người bệnh mạnh mẽ hơn để chống lại các bệnh nhiễm trùng khác. Mục tiêu của các loại thuốc này là:
- Ức chế sự phát triển của virus HIV và giảm lượng virus trong cơ thể
- Giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong liên quan đến HIV
- Cải thiện hoạt động của hệ thống miễn dịch, ngăn ngừa nhiễm trùng
- Ngăn chặn các triệu chứng, cho phép người nhiễm HIV có một cuộc sống khỏe mạnh và lâu dài
- Ngăn ngừa lây truyền HIV từ người nhiễm sang người khác hoặc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Khi người bệnh điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng HIV < 200 bản sao/ml máu và tuân thủ điều trị thì sẽ không làm lây truyền HIV cho bạn tình qua đường tình dục.
Phụ nữ mang thai nhiễm HIV nên được tiếp cận và điều trị bằng ARV càng sớm càng tốt. Điều này vừa giúp bảo vệ sức khỏe của người mẹ vừa giúp ngăn ngừa HIV truyền sang thai nhi trước khi sinh hoặc lây truyền sang con qua sữa mẹ.
Thuốc ARV cũng có thể được chỉ định cho người không nhiễm HIV có thể dự phòng bệnh. Nếu tiêm trước khi phơi nhiễm với HIV, nó được gọi là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). Khi được tiêm sau khi phơi nhiễm, nó được gọi là điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP). Một người có thể sử dụng PrEP hoặc PEP theo chỉ định của bác sĩ khi nguy cơ lây nhiễm HIV cao.
Thuốc ARV có mấy loại?
Đến năm 1996, nghiên cứu đã cho thấy những ưu điểm của việc kết hợp các loại thuốc ARV trong điều trị HIV. Sử dụng kết hợp các loại thuốc ARV để điều trị được gọi là liệu pháp kháng virus (ART). Hình thức trị liệu này được Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (DHHS) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị cho tất cả bệnh nhân nhiễm HIV. Phác đồ điều trị HIV ban đầu điển hình bao gồm kết hợp ít nhất 3 loại thuốc điều trị HIV từ tối thiểu 2 nhóm thuốc.
Những loại thuốc ARV thường được chia thành 8 nhóm tùy theo giai đoạn của vòng đời HIV bị chúng ức chế. Các kết hợp phổ biến trong liệu pháp kháng virus bao gồm 2 NRTI và 1 NNRTI, 1 PI hoặc 1 II. Các nhóm thuốc cụ thể như sau:
- Nhóm thuốc ức chế enzym sao chép ngược tương tự nucleosid và nucleotid (NRTI): abacavir, emtricitabine, lamivudine, tenofovir disoproxil fumarate, zidovudine
- Nhóm thuốc ức chế enzym sao chép ngược không có cấu trúc nucleosid (NNRTI): efavirenz, etravirine, nevirapine, rilpivirine, delavirdine
- Chất ức chế kết hợp (FI): enfuvirtide
- Thuốc ức chế protease (PI): atazanavir, darunavir, fosamprenavir, ritonavir, saquinavir, tipranavir
- Thuốc đối kháng CCR5: maraviroc
- Nhóm thuốc ức chế men tích hợp integrase (II): dolutegavir, raltegravir, elvitegravir, bictegravir
- Thuốc ức chế sau gắn: ibalizumab
- Thuốc tăng cường dược động học: cobicistat.
Các phác đồ điều trị với thuốc ARV
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP)
Đây là biện pháp sử dụng thuốc ARV cho người chưa nhiễm HIV nhưng có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV như quan hệ tình dục hoặc tiêm chích ma túy.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế Việt Nam, các nhóm đối tượng nguy cơ được sử dụng PrEP để dự phòng lây nhiễm HIV gồm:
- Nam có quan hệ tình dục đồng giới
- Người chuyển giới nữ
- Người bán dâm
- Người tiêm chích ma túy
- Bạn tình của người nhiễm HIV mà người nhiễm HIV đó chưa điều trị ARV hoặc điều trị ARV nhưng tải lượng virus chưa đạt dưới ngưỡng phát hiện (có ≥ 200 bản sao/ml máu).
Trong PrEP, thuốc ARV được sử dụng là tenofovir đơn thuần hoặc chứa 2 loại thuốc kháng virus phối hợp. Vào năm 2019, FDA đã phê duyệt tenofovir alafenamide/emtricitabine dưới dạng PrEP cho thanh thiếu niên và người lớn nặng ít nhất 77 lb (35 kg). Ở Việt Nam, chương trình PrEP đang sử dụng là loại phối hợp 2 thuốc: tenofovir và emtricitabine.
Thuốc sẽ giúp ngăn chặn virus xâm nhập và nhân lên. Nếu tuân thủ tốt điều trị, có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ 96 đến 99%.
Các thuốc ARV dùng trong PrEP không được bán tự do mà người có nhu cầu sử dụng phải đến các cơ sở khám chữa bệnh để được bác sĩ thăm khám, tư vấn, chỉ định thuốc điều trị và hướng dẫn dùng thuốc một cách chính xác nhất.
Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP)
PEP là phương pháp dùng thuốc ARV để ngăn ngừa HIV sau khi có khả năng bị phơi nhiễm HIV. PEP được dùng càng sớm càng tốt, tối đa trong vòng 72 giờ (3 ngày) sau khi tiếp xúc hoặc có khả năng cao bị phơi nhiễm HIV. PEP được chỉ định trong các trường hợp sau đây:
- Trong khi quan hệ tình dục (ví dụ: bao cao su bị rách khi quan hệ với bạn tình không rõ tình trạng nhiễm HIV hoặc bạn tình nhiễm HIV mà không biết tải lượng virus hoặc tải lượng virus không bị ức chế).
- Thông qua việc dùng chung kim tiêm, ống tiêm dùng chung hoặc các thiết bị khác dùng để tiêm chích ma túy.
- Thông qua tấn công tình dục
- Phơi nhiễm với máu hoặc dịch cơ thể khi thực hiện nghiệp vụ: bơm máu vào tay khi làm thủ thuật, tiếp xúc trực tiếp với máu khi cấp cứu; công an trấn áp tội phạm.
Thuốc lúc này sẽ có tác dụng ngăn chặn virus xâm nhập vào cơ thể. PEP có hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhiễm HIV khi dùng đúng cách, nhưng không đảm bảo hiệu quả 100%.
Phác đồ được khuyến nghị là sự kết hợp của 3 loại thuốc ARV, bao gồm: emtricitabine, tenofovir và raltegravir, dùng thuốc mỗi ngày trong 28 ngày.
PEP chỉ được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. PEP không thể thay thế cho việc sử dụng thường xuyên các biện pháp phòng ngừa HIV khác. PEP không phải là lựa chọn phù hợp cho những người có nguy cơ phơi nhiễm HIV thường xuyên. PEP an toàn nhưng có thể gây tác dụng phụ như buồn nôn ở một số người.
Điều trị cho người được chẩn đoán bị nhiễm HIV
Nguyên tắc điều trị là điều trị ngay sau khi được chẩn đoán nhiễm HIV, người bệnh sẽ được dùng thuốc ARV ngay lập tức trong mọi trường hợp. Điều trị hàng ngày, liên tục, suốt đời và cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định để đảm bảo hiệu quả và tránh kháng thuốc.
Nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời với đúng phác đồ phù hợp, sau 3 tháng, nồng độ virus HIV trong máu sẽ giảm mạnh, người bệnh sẽ bắt đầu khỏe mạnh trở lại và khả năng lây nhiễm HIV cho người khác dường như là rất thấp.
Khi đã điều trị từ 6 tháng đến 1 năm, HIV sẽ bị ức chế và nồng độ HIV trong máu sẽ giảm xuống dưới ngưỡng có thể phát hiện bằng xét nghiệm, người bệnh đã khỏe mạnh giống như người không bị nhiễm HIV và không còn lây nhiễm HIV cho người khác. Hầu hết những người điều trị HIV hàng ngày đều đạt tải lượng virus không thể phát hiện được trong vòng 6 tháng kể từ khi bắt đầu điều trị. Điều quan trọng là phải uống thuốc đúng giờ, đủ liều và tái khám đúng theo chỉ định của bác sĩ.
Theo Bộ Y Tế Việt Nam, thuốc ARV điều trị nhiễm HIV phải kết hợp ít nhất 3 loại thuốc. Theo Hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS, phác đồ điều trị HIV có 3 bậc. Cụ thể như sau:
- Phác đồ ARV bậc một được chỉ định cho người nhiễm HIV chưa điều trị ARV hoặc đã điều trị ARV nhưng không có bằng chứng về việc thất bại điều trị.
- Phác đồ ARV bậc hai, bậc ba được chỉ định khi người bệnh thất bại điều trị với phác đồ ARV bậc một, bậc hai tương ứng.
Xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ là phương pháp tốt nhất để theo dõi khả năng đáp ứng với điều trị, phát hiện sớm thất bại trong điều trị. Những người bị phơi nhiễm HIV nên được xét nghiệm HIV theo dõi định kỳ sau 6, 12 và 24 tuần. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính ở tuần thứ 24 thì được coi là không còn lây nhiễm.
Tác dụng phụ
Điều trị HIV với thuốc ARV có thể gây ra tác dụng phụ ở một số người. Tuy nhiên, không phải ai cũng gặp tác dụng phụ. Các phản ứng thường gặp nhất là:
- Buồn nôn và ói mửa
- Tiêu chảy
- Khó thở
- Đau đầu
- Phát ban
- Chóng mặt, choáng váng
- Mệt mỏi
- Đau tạm thời tại chỗ tiêm (nếu tiêm).
Thông thường, các tác dụng phụ này sẽ hết sau 1 đến 2 tuần.
Một số tác dụng không mong muốn khác của thuốc ARV bao gồm:
- Thiếu máu, giảm bạch cầu hạt
- Tăng cân hoặc béo phì, rối loạn lipid máu
- Tiêu chảy, viêm tụy
- Nhiễm độc gan, gan nhiễm mỡ, viêm gan
- Tổn thương thận
- Giảm mật độ khoáng xương
- Đau cơ, tiêu cơ vân
- Phản ứng quá mẫn nặng, hội chứng Stevens-Johnson.
Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ, không phải thuốc ARV nào cũng có tất cả các tác dụng phụ kể trên và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Trao đổi với bác sĩ nếu việc điều trị HIV khiến bạn không khỏe. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc bổ sung để giúp kiểm soát các tác dụng phụ hoặc có thể thay đổi kế hoạch điều trị.
Tương tác thuốc
Uống ARV có được uống thuốc khác không?
Các thuốc ARV tương tác với rất nhiều thuốc, dưới đây là một số tương tác quan trọng:
- Thuốc chống đông máu: apixaban, dabigatran, edoxaban, rivaroxaban và warfarin.
- Thuốc chẹn kênh canxi điều trị huyết áp cao như amlodipin, verapamil, nifedipin, nicardipin, diltiazem,…
- Thuốc ức chế bơm proton kháng tiết acid dạ dày như omeprazole, esomeprazole, pantoprazole,…
- Statin điều trị rối loạn mỡ máu như atorvastatin, lovastatin hoặc simvastatin.
- Thuốc tránh thai hormone.
- Thuốc trị tiểu đường như metformin, glibenclamide, gliclazide.
- Thuốc nhóm kháng viêm steroid.
Ngoài ra còn rất nhiều tương tác khác và mỗi thuốc khác nhau lại có các tương tác khác nhau. Hãy báo cho bác sĩ, dược sĩ tất cả thuốc bạn đã và đang sử dụng để có hướng xử lý.
Một số câu hỏi thường gặp
Thuốc ARV giá bao nhiêu?
Chi phí thuốc ARV trong phác đồ bậc 1 khoảng hơn 4 triệu đồng/năm/người. Phác đồ bậc 2 đắt gấp 7-8 lần. Hiện nay, tại Việt Nam, Bảo hiểm Y tế có chi trả tiền thuốc ARV, các xét nghiệm phục vụ điều trị và các dịch vụ đặc thù theo phạm vi, mức hưởng của người tham gia BHYT.
Uống ARV bao lâu thì bị kháng thuốc?
Kháng thuốc là tình trạng khi người bệnh dùng thuốc nhưng tải lượng virus vẫn tăng. Trước khi kết luận kháng thuốc, bác sĩ sẽ thực hiện các kiểm tra loại trừ khả năng người bệnh không tuân thủ, tương tác thuốc hay bất cứ nguyên nhân nào khác.
Kháng thuốc xảy ra do virus đột biến khiến thuốc không còn khả năng tiêu diệt được nó nữa. Do đó, không có câu trả lời chính xác trong mọi trường hợp cho câu hỏi “uống ARV bao lâu thì bị kháng thuốc?”. Nếu bạn không đáp ứng với phác đồ điều trị, bác sĩ có thể thay thế một hoặc vài thuốc trong liệu trình để đảm bảo hiệu quả kiểm soát bệnh.
Uống thuốc ARV quan hệ không đeo bao cao su có lây không?
Việc lây truyền HIV qua quan hệ tình dục phụ thuộc vào tải lượng virus trong máu. Uống thuốc ARV sẽ giúp giảm tải lượng virus và giảm nguy cơ lây nhiễm. Những người nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc ARV và có tải lượng virus ở ngưỡng không phát được được trong máu sẽ không truyền HIV cho bạn tình. Tuy nhiên, nếu uống thuốc nhưng tải lượng virus vẫn còn ở mức phát hiện được thì khi quan hệ vẫn có khả năng lây nhiễm cho bạn tình.
Vì vậy, người đang điều trị bằng ARV dù có tải lượng virus cao hay thấp thì vẫn nên dùng bao cao su khi quan hệ nhằm đảm bảo an toàn, giúp dự phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai, viêm gan B, viêm gan C…và tránh mang thai ngoài ý muốn.
Quên uống thuốc ARV 1 ngày có sao không?
Bỏ liều thuốc điều trị HIV có thể làm giảm tác dụng của thuốc và tăng khả năng phát triển tình trạng kháng thuốc, khiến một số loại thuốc ARV mất đi hiệu quả.
Nếu bạn nhận ra mình đã bỏ lỡ một liều, hãy uống thuốc càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra. Nếu khoảng cách giữa 2 liều dưới 4 giờ (đối với người uống một ngày hai liều thuốc) hoặc dưới 12 giờ (đối với người uống một ngày một liều thuốc) thì phải đợi trên 4 giờ hoặc trên 12 giờ mới uống thuốc. Ngày hôm sau uống thuốc như thường lệ (trừ khi bác sĩ, dược sĩ có hướng dẫn khác). Hãy đọc kỹ hướng dẫn trên từng thuốc bạn đang sử dụng để chắc chắn cách xử trí.
Việc tuân thủ điều trị HIV rất quan trọng. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc tuân thủ liệu trình như gặp tác dụng phụ, hay quên uống thuốc, lịch trình bận rộn,… hãy báo với bác sĩ để được tư vấn, hướng dẫn cách khắc phục.
Uống thuốc ARV sống được bao nhiêu năm?
Ngày nay, nhờ những cải tiến về hiệu quả điều trị HIV bằng thuốc ARV, những người nhiễm HIV được chẩn đoán và điều trị sớm bằng ARV. Điều này làm gia tăng tuổi thọ, giúp bệnh nhân có thể sống lâu và khỏe mạnh. Tuy nhiên, không thể có một câu trả lời chính xác cho số năm mà bệnh nhân có thể sống được vì nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng đáp ứng với điều trị, có tuân thủ điều trị theo chỉ định không hay tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.
HIV đã từng là căn bệnh đáng sợ với tỷ lệ tử vong rất cao. Tuy nhiên, dựa vào các nghiên cứu và cải tiến không ngừng trong điều trị, hiện tại, người bệnh HIV hoàn toàn có khả năng sống khỏe mạnh, lâu dài với việc điều trị bằng thuốc ARV. Hi vọng bài viết này đã giải đáp được các thắc mắc của bạn về nhóm thuốc này.