backup og meta

Pesancort

Pesancort

Tên biệt dược: Pesancort

Tên hoạt chất: Acid fusidic, betamethasone valerate

Tác dụng

Tác dụng của thuốc Pesancort là gì?

Acid fusidic là kháng sinh mang cấu trúc steroid, có tác dụng kìm khuẩn và diệt vi khuẩn. Bên cạnh đó, betamethasone valerate là một corticoid tổng hợp có đặc tính kháng viêm, chống dị ứng giúp làm giảm tình trạng đỏ và ngứa trên da.

Dựa vào cơ chế này, thuốc Pesancort 10g thường được dùng để điều trị các thương tổn thâm nhiễm khu trú, phì đại của liken phẳng, vảy nến, sẹo lồi, lupus ban đỏ dạng đĩa, lupus ban đỏ đa dạng, viêm da tróc vảy, viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng, vết côn trùng đốt.

Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lý khi có chỉ định của bác sĩ.

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Thuốc Pesancort có những dạng và hàm lượng nào?

Hiện nay, thuốc được bào chế dưới dạng tuýp kem bôi da với các hàm lượng như sau: Pesancort 5g, 10g và 15g

Liều dùng thuốc cho người lớn như thế nào?

Bôi thuốc 1 hoặc 2 lần mỗi ngày, trong thời gian tối đa 7 ngày. Hoặc bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu để xác định khoảng thời gian điều trị trong các trường hợp cần thiết.

Liều dùng thuốc Pesancort cho trẻ em như thế nào?

Chưa xác định được tính an toàn và hiệu quả của thuốc Pesancort đối với trẻ em. Tuy nhiên, tốt nhất vẫn nên hạn chế dùng các thuốc corticoid tác dụng tại chỗ như betamethasone để bôi cho trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Chỉ sử dụng khi có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ. 

Cách dùng

Bạn nên dùng thuốc như thế nào?

Thuốc Pesancort chỉ sử dụng để điều trị ngoài da, không được bôi lên mắt.

Bôi một lớp thuốc mỏng, vừa đủ lên vùng da cần điều trị sau khi đã rửa sạch. Tránh bôi thuốc thành lớp quá dày. Đồng thời, bạn cũng cần lưu ý phải vệ sinh tay sạch sẽ ngay trước và sau khi tiếp xúc với thuốc.

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Chưa tìm thấy thông tin khi sử dụng quá liều đối với thuốc bôi ngoài da.

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc bôi này?

tác dụng phụ của Pesancort

Rất hiếm trường hợp gặp phản ứng quá mẫn khi dùng thuốc Pesancort bôi ngoài da. Tuy nhiên, một số ít trường hợp có thể gặp các tác dụng không mong muốn như: viêm da dị ứng, mày đay, phù thần kinh mạch.

Sử dụng kem bôi da Pesancort liều cao trong thời gian dài có thể gây mỏng da, vân da, giãn các mạch máu nông, đặc biệt là khi băng kín hoặc bôi thuốc ở vùng da có nhiều nếp gấp.

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ. Đôi khi có thể xảy ra những tác dụng phụ khác không được đề cập đến. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thận trọng/Cảnh báo

Trước khi dùng thuốc Pesancort, bạn nên lưu ý những gì?

Thuốc chỉ dùng ngoài da, cần thận trọng khi bôi lên mặt và vùng da xung quanh mắt. Tuyệt đối không được bôi lên mắt.

Chống chỉ định thuốc bôi Pesancort trong các trường hợp nhiễm khuẩn, nhiễm virus, nhiễm nấm toàn thân và bệnh nhân suy gan.

Thời gian của mỗi đợt điều trị nên giới hạn trong vòng 7 ngày để tránh hiện tượng chọn lọc chủng vi khuẩn nhạy cảm, ngoại trừ trường hợp điều trị mụn trứng cá.

Thuốc có thể hấp thu vào tuần hoàn chung thông qua đường dùng tại chỗ trong trường hợp tổn thương da diện rộng hoặc loét ở chân.

Không nên dùng thuốc liên tục trong một khoảng thời gian dài, đặc biệt là ở mặt, các nếp gấp, vùng bị hăm, ở trẻ em và nhũ nhi. 

Ngưng điều trị và thay thế bằng thuốc khác nếu xuất hiện tình trạng kích ứng hay mẩn cảm với thuốc.

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)

Thận trọng khi dùng thuốc bôi Pesancort

Không nên dùng kem bôi da Pesancort cho phụ nữ mang thai.

Thuốc đi qua nhau thai và bài xuất vào trong sữa mẹ với một lượng nhỏ, điều này có thể gây ảnh hưởng đến trẻ. Cần cân nhắc giữa lợi ích của người mẹ và khả năng nguy hại cho trẻ nhỏ. Do đó, phụ nữ đang cho con bú cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định dùng thuốc. 

Tương tác thuốc

Thuốc Pesancort có thể tương tác với những thuốc nào?

Thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Những thuốc có thể tương tác với thuốc bôi này, bao gồm: 

  • Ciprofloxacin
  • Penicillin
  • Thuốc kháng virus ức chế protease
  • Paracetamol
  • Glycosid digitalis
  • Thuốc điều trị đái tháo đường, insulin
  • Phenobarbiton, rifampicin, phenytoin, ephedrin
  • Các thuốc chống đông loại coumarin

Thuốc Pesancort có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc Pesancort?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản thuốc bôi Pesancort như thế nào?

Bảo quản thuốc ở nơi khô thoáng, nhiệt độ không quá 30°C. Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Để thuốc ở nơi an toàn, xa tầm tay trẻ em.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Pesancort. https://drugbank.vn/thuoc/Pesancort&VD-24421-16. Ngày truy cập 13/07/2021 

Pesancort https://bvnguyentriphuong.com.vn/kien-thuc-duoc-cho-cong-dong/pesancort Ngày truy cập 13/07/2021 

Fusidic acid https://www.nhs.uk/medicines/fusidic-acid/ Ngày truy cập 13/07/2021 

Topical fusidic acid https://dermnetnz.org/topics/topical-fusidic-acid/ Ngày truy cập 13/07/2021 

Betamethasone Valerate (Topical Application Route) https://www.mayoclinic.org/drugs-supplements/betamethasone-valerate-topical-application-route/description/drg-20073730 Ngày truy cập 13/07/2021 

Phiên bản hiện tại

16/07/2021

Tác giả: Ngân Châu

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Phương Quỳnh


Bài viết liên quan

Bệnh viêm da tiếp xúc có lây không, điều trị thế nào?

Cách điều trị khi bị vảy nến ở tai


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 16/07/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo