Biệt dược: Lipofundin MCT/LCT 10%, Lipofundin MCT/LCT 20%
Hoạt chất: Hàm lượng các thành phần trong 100ml nhũ tương là:
Dạng bào chế: Nhũ tương tiêm truyền, màu trắng sữa, pha dầu trong nước.
Tìm hiểu chung
Tác dụng, công dụng của thuốc Lipofundin là gì?
Nhũ tương Lipofundin thuộc nhóm dung dịch nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch. Thuốc được chỉ định để:
- Cung cấp năng lượng bởi thành phần lipid sử dụng sẵn có (MCT)
- Cung cấp các axit béo thiết yếu như một phần của nuôi dưỡng toàn phần qua đường tĩnh mạch.
Thuốc này chỉ dùng theo đơn của bác sĩ.
Liều dùng
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.
Liều dùng tối đa hàng ngày chỉ được dùng sau khi tăng từng bước với sự theo dõi cẩn thận về khả năng dung nạp thuốc truyền.
Việc sử dụng các lipid trong tĩnh mạch phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh lý sẵn có, thể trọng, tuổi thai và tuổi sau sinh cũng như các chức năng cụ thể của cơ thể.
Tùy vào các yếu cầu năng lượng, các liều khuyên dùng hằng ngày như sau:
Liều dùng thuốc Lipofundin MCT/LCT 10% hay 20% ở người lớn là bao nhiêu?
Ở người lớn, liều bình thường là 0,7 – 1,5g lipid/ kg thể trọng mỗi ngày. Không vượt quá liều tối đa 2,0g lipid/ kg thể trọng/ ngày trừ khi có yêu cầu cao về năng lượng hoặc khi tăng sử dụng chất béo (chẳng hạn bệnh nhân ung thư).
Đối với điều trị nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch dài hạn ở nhà (> 6 tháng) và ở các bệnh nhân mắc hội chứng ruột ngắn, truyền lipid trong tĩnh mạch không được quá 1,0g lipid/ kg thể trọng/ ngày.
Đối với bệnh nhân nặng 70kg, liều hàng ngày là 2,0g/ kg thể trọng/ ngày tương ứng với liều tối đa hàng ngày là 1400ml Lipofundin MCT/LCT 10% hay 700ml Lipofundin MCT/LCT 20%.
Liều dùng thuốc Lipofundin cho trẻ em là bao nhiêu?
Ở nhóm bệnh nhi, tăng dần lượng lipid ở các khoảng tăng 0,5 – 1,0g/ kg thể trọng/ ngày có thể có lợi cho khả năng theo dõi tình trạng tăng mức triglyceride huyết tương và phòng ngừa tình trạng thừa lipid huyết.
Trẻ sơ sinh thiếu tháng, đủ tháng và trẻ tập đi được khuyến cáo không dùng liều hàng ngày vượt quá 3,0g (tối đa 4,0g) lipid/ kg thể trọng/ ngày. Liều lipid hàng ngày phải được truyền liên tục trong 24 giờ.
Đối với trẻ em và trẻ vị thành niên khuyến cáo không dùng vượt quá liều lipid hàng ngày là 2,0 – 3,0g/ kg thể trọng/ ngày.
Cách dùng
Bạn nên dùng nhũ tương Lipofundin như thế nào?
Thuốc được dùng dưới dạng tiêm truyền tĩnh mạch. Lắc nhẹ trước khi sử dụng. Việc tiêm truyền nhũ tương Lipofundin sẽ được thực hiện bởi nhân viên y tế theo chỉ định của bác sĩ.
Thời gian dùng Lipofundin MCT/LCT 10% hay 20% thường là 1 – 2 tuần. Nếu cần thiết, người bệnh có thể được cho dùng thuốc trong thời gian lâu hơn miễn là có theo dõi thích hợp.
Khi truyền thuốc, tốc độ truyền phải ở mức thấp nhất có thể. Trong 15 phút đầu tiên, tốc độ truyền chỉ nên bằng 50% tốc độ truyền tối đa cần sử dụng. Người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ xem có xuất hiện phản ứng bất lợi hay không.
Tốc độ truyền tối đa ở các nhóm đối tượng là:
- Người lớn: lên đến 0,15g lipid/ kg thể trọng/ giờ. Đối với người bệnh nặng 70kg, con số này tương đương tốc truyền tối đa là 105ml Lipofundin MCT/LCT 10% hay 52,5ml Lipofundin MCT/LCT 20% mỗi giờ. Lượng lipid được dùng khi đó là 10,5g/ giờ.
- Trẻ sơ sinh thiếu tháng, đủ tháng và trẻ tập đi: lên đến 0,17g lipid/ kg thể trọng/ giờ.
- Trẻ em và trẻ vị thành niên: lên đến 0,13g lipid/ kg thể trọng/ giờ.
Bạn nên làm gì trong trường hợp quá liều hay quên một liều?
Vì bạn sẽ được tiêm hoặc truyền thuốc do nhân viên y tế thực hiện trong cơ sở khám chữa bệnh nên trường hợp quá liều hoặc quên liều rất hiếm khi xảy ra.
Các triệu chứng có thể xảy ra khi dùng quá liều Lipofundin là tăng lipid máu, nhiễm toan chuyển hóa. Ngoài ra, hội chứng quá tải chất béo cũng có khả năng xuất hiện.
Việc điều trị đầu tiên là ngừng truyền thuốc ngay khi có dấu hiệu quá liều. Các biện pháp trị liệu khác sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng cụ thể và mức độ nghiêm trọng của chúng. Sau khi các triệu chứng giảm bớt, việc truyền dịch nên tăng dần tốc độ truyền có giám sát thường xuyên.
Nếu nhận thấy có biểu hiện bất thường nghi ngờ do quá liều thuốc, hãy thông báo ngay cho nhân viên y tế.
Tác dụng phụ
Bạn có thể gặp phải tác dụng phụ nào khi sử dụng thuốc Lipofundin?
Khi sử dụng chính xác về liều lượng, theo dõi, tuân thủ các giới hạn và hướng dẫn về an toàn thì phần lớn các phản ứng bất toàn thân rất hiếm gặp. Một số phản ứng bất lợi toàn thân liên quan đến việc sử dụng nhũ tương tiêm truyền này gồm:
- Các rối loạn máu và hệ bạch huyết: tăng khả năng đông máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu
- Rối loạn hệ miễn dịch: các phản ứng dị ứng (ví dụ như phản ứng phản vệ, phát ban trên da, phù thanh quản, miệng và mặt)
- Các rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng: tăng lipid máu, tăng glucose máu, nhiễm toan chuyển hóa, nhiễm xeton axit
- Các rối loạn hệ thần kinh: nhức đầu, buồn ngủ
- Rối loạn mạch máu: tăng hoặc hạ huyết áp, đỏ mặt
- Rối loạn hô hấp, ngực và trung thất: khó thở, xanh tím
- Rối loạn tiêu hóa: buồn nôn, nôn, chán ăn
- Rối loạn gan – mật: ứ mật
- Rối loạn da và mô dưới da: ban đỏ, vã mồ hôi
- Rối loạn cơ xương và mô liên kết: đau lưng, xương, ngực và vùng thắt lưng
- Những rối loạn chung và tình trạng tại nơi dùng thuốc: thân nhiệt tăng, cảm thấy lạnh, rét run, hội chứng quá tải chất béo.
Nếu xảy ra phản ứng bất lợi, người bệnh cần phải ngưng truyền thuốc hoặc tiếp tục ở liều thấp hơn nếu cần. Khi bắt đầu truyền lại, người bệnh cần được theo dõi cẩn thận, nhất là vào lúc đầu và phải xác định triglyceride huyết thanh ở những khoảng thời gian ngắn.
Thận trọng/ Cảnh báo
Bạn nên lưu ý những gì khi dùng thuốc Lipofundin?
Chống chỉ dùng thuốc này cho các trường hợp:
Quá mẫn với protein trứng hoặc đậu tương, các sản phẩm từ đậu tương hoặc đậu phộng hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc
- Tăng lipid máu nặng
- Rối loạn đông máu nặng
- Suy gan nặng
- Ứ mật trong gan
- Suy thận nghiêm trọng không có liệu pháp thay thế thận
- Hiện tượng nghẽn mạch huyết khối cấp tính
- Nghẽn mạch do mỡ
- Xuất huyết tạng nặng
- Nhiễm toan chuyển hóa
Bên cạnh đó, các chống chỉ định đối với nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch bao gồm:
- Tình trạng tuần hoàn không ổn định có đe dọa tính mạng (trạng thái xẹp và sốc)
- Điều kiện chuyển hóa không ổn định (như hội chứng sau xâm lấn nặng, nhiễm khuẩn huyết nặng, hôn mê không rõ nguyên nhân)
- Giai đoạn cấp tính của nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ
- Rối loạn cân bằng thể dịch và điện giải không điều chỉnh được, chẳng hạn như giảm kali huyết và mất nước nhược trương
- Suy tim mất bù
- Phù phổi cấp tính
Trong quá trình truyền Lipofundin, nồng độ triglyceride huyết thanh phải được theo dõi thường xuyên.
Tuy các phản ứng quá mẫn với thần phần của thuốc Lipofundin cực kỳ hiếm gặp nhưng không thể loại trừ hoàn toàn, nhất là ở bệnh nhân nhạy cảm. Trong trường hợp xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào của phản ứng dị ứng như sốt, rét run, phát ban, khó thở cần phải ngưng truyền thuốc ngay lập tức.
Cung cấp năng lượng chỉ bằng nhũ tương lipid có thể gây ra nhiễm toan chuyển hóa. Do đó nên truyền một lượng carbohydrate và axit amin đầy đủ trong tĩnh mạch cùng với nhũ tương béo. Đối với bệnh nhân cần nuôi dưỡng qua tĩnh mạch hoàn toàn, cần dùng thêm carbohydrate, axit amin, chất điện giải, vitamin và nguyên tố vi lượng bổ sung. Ngoài ra, tổng lượng thể dịch phải được đảm bảo đầy đủ.
Lưu ý, thận trọng khi truyền thuốc cho người cao tuổi, người mắc các bệnh khác như suy tim, suy thận hay bệnh thường liên quan đến tuổi cao.
Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)
Không có đầy đủ dữ liệu về việc sử dụng Lipofundin ở phụ nữ có thai. Nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch có thể cần thiết trong thai kỳ. Do đó, việc tiêm truyền thuốc này chỉ được dùng ở phụ nữ có thai sau khi đã cân nhắc lợi ích – nguy cơ cẩn thận.
Các thành phần/ chất chuyển hóa của Lipofundin được tiết vào sữa mẹ nhưng ở liều điều trị không thấy có tác động đến trẻ sơ sinh bú mẹ. Nói chung, khi người mẹ nhận dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch thì không nên cho con bú.
Tương tác thuốc
Thuốc Lipofundin có thể tương tác với những thuốc nào?
Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.
Một số thuốc có thể gây tương tác Lipofundin là:
- Heparin
- Thuốc chống đông máu dẫn xuất của coumarin
Ngoài ra, không được sử dụng nhũ tương béo này làm dung dịch dẫn truyền cho các dung dịch điện giải hoặc các thuốc khác. Đồng thời, không được trộn nhũ tương với các dung dịch truyền khác mà không kiểm soát vì tính ổn định đầy đủ của nhũ tương không còn được đảm bảo.
Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc này?
Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào như đề cập trong phần Thận trọng/ Cảnh báo.
Bảo quản thuốc
Bạn nên bảo quản thuốc Lipofundin MCT/LCT 10% hay 20%như thế nào?
Bảo quản trong chai để trong hộp carton, tránh ánh sáng. Không được để ở nhiệt độ trên 25ºC. Không được để nhũ tương đông lạnh.
Chai thuốc chỉ sử dụng một lần, bất kỳ phần nhũ tương chưa sử dụng nào cũng phải hủy bỏ. Sau khi mở ra lần đầu, thuốc phải được sử dụng ngay lập tức. Trước khi sử dụng cần kiểm tra nhũ tương Lipofundin bằng mắt xem có bị phân tách pha hay không.