backup og meta

Cefaclor 125mg

Cefaclor 125mg

Tên hoạt chất: Cefaclor

Tên biệt dược: Cefaclor 125mg

Tác dụng của thuốc Cefaclor 125mg

Tác dụng của thuốc Cefaclor 125mg là gì?

Thuốc Cefaclor 125mg được chỉ định trong các trường hợp:

  • Các nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và hô hấp dưới mức độ nhẹ và vừa, do các vi khuẩn nhạy cảm, đặc biệt sau khi đã dùng kháng sinh thông thường (do “Chương trình quốc gia chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp’ khuyến cáo) mà bị thất bại: viêm tai giữa cấp, viêm xoang cấp, viêm họng, viêm amidan tái phát nhiều lần, viêm phế quản cấp có bội nhiễm, viêm phổi, đợt bùng phát của viêm phế quản mạn tính. Đối với viêm họng cấp do Streptococcus beta tan máu nhóm A, thuốc được ưa dùng đầu tiên là penicillin V để phòng bệnh thấp tim.
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu không biến chứng do các chủng vi khuẩn nhạy cảm (bao gồm viêm thận – bể thận và viêm bàng quang). Không dùng cho trường hợp viêm tuyến tiền liệt vì thuốc khó thấm vào cơ quan này.
  • Nhiễm khuẩn da và mô mềm do các chủng Staphylococcus aureus nhạy cảm với methicillin và Streptococcus pyogenes nhạy cảm.

Liều dùng của thuốc Cefaclor 125mg

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng thuốc Cefaclor 125mg cho người lớn như thế nào?

Người lớn và người cao tuổi: uống liều 250mg, cứ mỗi 8 giờ uống 1 lần. Trường hợp nặng có thể tăng liều gấp đôi, tối đa 4g/ngày.

  • Viêm họng, viêm phế quản, viêm amidan, nhiễm trùng da và mô mềm, nhiễm trùng tiết niệu không biến chứng: uống 250mg mỗi 8 giờ. Trường hợp nhiễm trùng nặng hơn hoặc chủng vi khuẩn phân lập kém nhạy cảm có thể dùng 500mg, cứ 8 giờ một lần. Thời gian điều trị là 10 ngày.
  • Trường hợp viêm họng tái phát do Streptococcus beta tan máu nhóm A cũng nên điều trị cho cả những người trong gia đình mang mầm bệnh không triệu chứng.
  • Nhiễm trùng hô hấp dưới: 250mg, uống mỗi 8 giờ một lần. Trường hợp nhiễm trùng nặng hơn (viêm phổi) hoặc chủng vi khuẩn phân lập kém nhạy cảm có thể dùng 500mg, 8 giờ một lần. Thời gian điều trị từ 7–10 ngày.

Thuốc Cefaclor 125mg có thể dùng cho người suy thận. Trường hợp suy thận nặng, cần điều chỉnh liều cho người lớn như sau:

  • Độ thanh thải creatinin 10–15ml/phút, dùng 50–100% liều thường dùng
  • Độ thanh thải creatinin dưới 10ml/phút, dùng 25% liều thường dùng

Đối với người bệnh phải thẩm tách máu đều đặn nên dùng liều khởi đầu 250mg khoảng 1 giờ trước khi thẩm tách máu, tiếp đó duy trì liều điều trị 250–500mg cứ 6–8 giờ một lần, giữa các lần thẩm tách.

Liều dùng thuốc Cefaclor 125mg cho trẻ em như thế nào?

Trẻ em: dùng 20mg/kg thể trọng trong 24 giờ, chia thành 3 lần uống. Có thể dùng gấp đôi liều trong trường hợp nặng. Liều tối đa là 1g/ngày.

Trẻ từ 1 tháng – 1 tuổi uống 62,5mg mỗi 8 giờ.

Trẻ từ 1–5 tuổi uống 125mg cứ mỗi 8 giờ.

Tính an toàn và hiệu quả đối với trẻ em dưới 1 tháng tuổi cho đến nay vẫn chưa được xác định.

Cách dùng thuốc Cefaclor 125mg

Bạn nên dùng thuốc Cefaclor 125mg như thế nào?

Bạn có thể uống thuốc Cefaclor 125mg trong hoặc ngoài bữa ăn. Bạn cho bột thuốc vào trong 10–15ml nước (khoảng 2–3 muỗng cà phê), khuấy đều và uống ngay. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về cách sử dụng, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ chuyên môn.

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Tác dụng phụ của thuốc Cefaclor 125mg

Bạn có thể gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc  Cefaclor 125mg?

Thường gặp:

  • Tăng bạch cầu ưa eosin, tiêu chảy, ban da dạng sởi

Ít gặp:

  • Test Coombs trực tiếp dương tính, tăng tế bào lympho, giảm bạch cầu
  • Buồn nôn, nôn
  • Ngứa, nổi mề đay, ngứa bộ phận sinh dục, viêm âm đạo, bệnh nấm Candida

Hiếm gặp:

  • Phản ứng phản vệ, sốt, triệu chứng giống bệnh huyết thanh (thường gặp ở bệnh nhi dưới 6 tuổi)
  • Hội chứng Stevens–Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc (hội chứng Lyell)
  • Ban da dạng mủ toàn thân, giảm tiểu cầu, thiếu máu tan huyết
  • Viêm đại tràng màng giả, tăng men gan, viêm gan và vàng da ứ mật, viêm thận kẽ hồi phục
  • Cơn động kinh, tăng kích động, đau đầu, mất ngủ, lú lẫn, tăng trương lực, chóng mặt, ảo giác, ngủ gà, đau khớp

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn gặp phải bất kỳ tác dụng không mong muốn nào khi sử dụng, hãy thông báo với bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thận trọng/Cảnh báo khi dùng thuốc Cefaclor 125mg

Trước khi dùng thuốc Cefaclor 125mg, bạn nên lưu ý những gì?

Bạn cần thận trọng khi sử dụng Cefaclor 125mg khi:

Dùng cho người có tiền sử dị ứng với penicillin vì có tình trạng mẫn cảm chéo

Dùng thuốc Cefaclor 125mg dài ngày có thể gây viêm đại tràng giả mạc do Clostridium difficile. Thận trọng với người bệnh có tiền sử bệnh đường tiêu hóa, đặc biệt là viêm đại tràng. Bác sĩ có thể nghi ngờ bạn bị viêm đại tràng giả mạc khi bạn xuất hiện tiêu chảy kéo dài, phân có máu khi đang dùng thuốc hoặc sau 2 tháng dừng liệu pháp kháng sinh.

Thường không cần điều chỉnh liều ở người suy thận trung bình nhưng phải giảm liều ở người suy thận nặng. Bạn cần được theo dõi chức năng thận khi điều trị bằng cefaclor phối hợp với các kháng sinh có tiềm năng độc cho thận hoặc với thuốc lợi niệu furosemid, ethacrynic axit.

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc Cefaclor 125mg trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)

Kháng sinh cephalosporin thường được coi là an toàn khi sử dụng cho phụ nữ có thai. Tuy vậy, bạn cũng chỉ nên sử dụng thuốc ở phụ nữ mang thai khi thật cần thiết.

Nồng độ cefaclor trong sữa mẹ rất thấp. Tác động của thuốc trên trẻ bú mẹ chưa rõ nhưng bạn nên chú ý khi thấy trẻ bị tiêu chảy, tưa và nổi ban.

Tương tác với thuốc Cefaclor 125mg

Thuốc Cefaclor 125mg có thể tương tác với những thuốc nào?

Thuốc Cefaclor 125mg có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Những thuốc có thể tương tác với thuốc Cefaclor 125mg bao gồm:

  • Warfarin
  • Probenecid
  • Kháng sinh nhóm aminoglycosid, thuốc lợi tiểu furosemid

Thuốc Cefaclor 125mg có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc Cefaclor 125mg?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Bảo quản thuốc Cefaclor 125mg

Bạn nên bảo quản thuốc Cefaclor 125mg như thế nào?

Bảo quản nơi khô ráo, nhiệt độ dưới 30ºC, tránh ánh sáng. Để thuốc tránh xa tầm tay trẻ em.

Dạng bào chế của thuốc Cefaclor 125mg

Thuốc Cefaclor 125mg có dạng và hàm lượng như thế nào?

Thuốc Cefaclor có dạng bột pha hỗn dịch uống. Mỗi gói 2g có chứa cefaclor monohydrat tương đương với 125mg cefaclor khan.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Cefaclor. https://www.mims.com/vietnam/home/gatewaysubscription/?generic=cefaclor. Ngày truy cập 05/4/2019.

Cefaclor. https://medlineplus.gov/druginfo/meds/a682729.html. Ngày truy cập 05/4/2019.

Cefaclor. https://www.rxlist.com/cefaclor-drug.htm#description. Ngày truy cập 05/4/2019.

Phiên bản hiện tại

31/12/2019

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Tác dụng phụ và biến chứng khi dùng thuốc | Hello Bacsi x SANOFI

Điều trị viêm xoang và những điều bạn cần biết


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 31/12/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo