backup og meta

[Hỏi đáp cùng dược sĩ] Cách sử dụng thuốc hạ sốt an toàn

[Hỏi đáp cùng dược sĩ] Cách sử dụng thuốc hạ sốt an toàn

Sốt là tình trạng thường gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Nguyên nhân có thể là do cơ thể bị nhiễm khuẩn như virus cảm cúm hoặc cảm lạnh, vi khuẩn viêm họng, viêm gây ra do tổn thương mô hoặc bệnh tật. Tình trạng này xảy ra khá phổ biến nên nhiều người thường chủ quan, chỉ sử dụng thuốc hạ sốt để tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, khi dùng thuốc hạ sốt không đúng cách, bệnh có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong. Vậy cách sử dụng thuốc hạ sốt như thế nào an toàn, hiệu quả? Bạn cần lưu ý gì khi dùng thuốc hạ sốt?

Hãy cùng theo dõi những chia sẻ của Dược sĩ Phạm Thuỳ Thu Hà trong bài viết dưới đây để tìm lời giải đáp cho những thắc mắc này nhé.

1. Thuốc hạ sốt có những loại và dạng nào?

Dược sĩ Thu Hà: Có 3 loại thuốc hạ sốt, bao gồm: 

  • Thuốc paracetamol là loại phổ biến và an toàn nhất cho mọi đối tượng. Thuốc paracetamol có các dạng: đường uống (viên sủi, viên nén, viên nang, gói bột, siro), đường đặt trực tràng (dạng viên đạn), đường tiêm truyền (dạng dung dịch).
  • Thuốc ibuprofen: Tác dụng hạ sốt mạnh và kéo dài thời gian hạ sốt hơn so với paracetamol, thường dùng hạ sốt cho những bệnh nhân bị dị ứng với paracetamol. Tuy nhiên, ibuprofen có nhiều tác dụng phụ nên cần phải có chỉ định và theo dõi của bác sĩ. Thuốc ibuprofen có dạng đường uống (viên nén, viên nang mềm, siro)
  • Thuốc aspirin (hay còn gọi là acid acetylsalicylic): Có tác dụng hạ sốt như ibuprofen, được chỉ định dùng cho bệnh nhân dị ứng với paracetamol. Tuy nhiên, thuốc aspirin cũng có nhiều tác dụng phụ nên cần có chỉ định và theo dõi của bác sĩ. Thuốc aspirin có các dạng đường uống (viên nang, viên nén, viên nhai), đường đặt trực tràng (viên đạn).

2. Khi nào nên uống thuốc hạ sốt? Sốt bao nhiêu độ thì nên dùng thuốc hạ sốt?

cách sử dụng thuốc hạ sốt khi sốt nhiệt độ cao

Dược sĩ Thu Hà: Cách sử dụng thuốc hạ sốt tốt nhất là khi nhiệt độ cơ thể trên 38,5ºC. Tuy nhiên, đối với trẻ em sốt từ 38ºC nên bắt đầu sử dụng thuốc vì tốc độ sốt của trẻ nhanh hơn người lớn.

Ngoài ra, các thiết bị đo nhiệt độ có thể cho kết quả sai số ±0,3 – 0,5ºC do phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như thời tiết, chất liệu quần áo, vị trí đo và thiết bị đo… Ví dụ như trẻ thực sự bị sốt khi nhiệt độ đo ở miệng từ 37ºC, nhiệt độ ở nách từ 37,2ºC, nhiệt độ ở tai, trán, trực tràng từ 38ºC. 

3. Cách sử dụng thuốc hạ sốt như thế nào hiệu quả? Thuốc hạ sốt uống cách nhau bao lâu là tốt nhất?

Dược sĩ Thu Hà: Liều lượng sử dụng thuốc hạ sốt tốt nhất nên được tính theo cân nặng của người bệnh, không nên tính theo tuổi. Bạn có thể tham khảo một số thông tin dưới đây để biết được thuốc hạ sốt uống cách nhau bao lâu và liều lượng cụ thể của từng loại thuốc.

  • Thuốc paracetamol: liều dùng hạ sốt 10 – 15mg/kg, khoảng cách giữa 2 liều mỗi 4 – 6 giờ, không quá 75mg/kg/ngày.
  • Thuốc ibuprofen: liều dùng hạ sốt 5 – 10mg/kg, khoảng cách giữa 2 liều mỗi 6 – 8 giờ, liều tối đa 40mg/kg/ngày.
  • Thuốc aspirin: liều dùng hạ sốt 300 – 650mg/lần, khoảng cách giữa 2 liều mỗi 4 – 6 giờ và không quá 4g/ngày. Không sử dụng aspirin cho trẻ dưới 12 tuổi vì có thể gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng như hội chứng Reye (gây sưng phù ở gan và não).

Một số lưu ý quan trong cách sử dụng thuốc hạ sốt:

  • Thuốc hạ sốt phải còn hạn sử dụng rõ ràng
  • Thuốc hạ sốt chỉ được sử dụng khi cần thiết và ngưng khi không còn triệu chứng
  • Nếu sốt kéo dài quá 3 ngày và thuốc hạ sốt không có tác dụng hạ nhiệt thì cần phải đến bệnh viện gấp để được khám và điều trị kịp thời.

4. Nên uống hạ sốt trước hay sau bữa ăn? Vì sao?

Dược sĩ Thu Hà: Cách sử dụng thuốc hạ sốt trước hay sau bữa ăn sẽ tùy thuộc vào từng loại thuốc như:

  • Thuốc paracetamol có thể uống trước hay sau bữa ăn.
  • Thuốc ibuprofen và aspirin nên uống sau bữa ăn vì có tác dụng phụ gây viêm loét dạ dày. Tuy nhiên, trong trường hợp cần hạ sốt gấp, người bệnh vẫn có thể uống trực tiếp mà không cần phụ thuộc vào bữa ăn.
  • Đối với thuốc đặt trực tràng và tiêm truyền có thể sử dụng trước hay sau bữa ăn.

5. Uống thuốc hạ sốt nhiều có ảnh hưởng gì không?

cách sử dụng thuốc hạ sốt: Nguy cơ khi dùng quá liều

Dược sĩ Thu Hà: Một số tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc hạ sốt bao gồm: 

  • Buồn nôn 
  • Nôn 
  • Khó ngủ 
  • Phản ứng dị ứng (khó thở, khò khè, mề đay, sưng phù mặt…)
  • Kích ứng da (phát ban, nổi mẩn,..)

Ngoài ra, thuốc hạ sốt khi dùng quá liều có thể gây tổn thương đến các cơ quan khác như:

  • Tổn thương gan: Một số thuốc hạ sốt như paracetamol có thể gây tổn thương gan, suy gan,… Đặc biệt ở những người viêm gan, sử dụng rượu hằng ngày tuyệt đối không sử dụng thuốc.
  • Tổn thương thận: Việc lạm dụng thuốc hạ sốt thậm chí có thể gây suy thận.
  • Tổn thương dạ dày: Nhóm thuốc kháng viêm không steroid (ibuprofen, aspirin) có thể gây rối loạn dạ dày, nghiêm trọng hơn là chảy máu, loét dạ dày,…
  • Các vấn đề về tim: nhồi máu cơ tim, đột quỵ,…

Để phòng ngừa các tác dụng phụ của thuốc hạ sốt, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc và tuân thủ đúng theo liều lượng, thời gian được chỉ định. Hơn nữa, bạn cần đặc biệt lưu ý trong cách sử dụng thuốc hạ sốt với người già và trẻ nhỏ vì đây là nhóm đối tượng nhạy cảm và dễ gặp những tác dụng phụ nhất.

6. Uống thuốc hạ sốt bao lâu thì có tác dụng?

Dược sĩ Thu Hà: Thuốc sẽ phát huy tác dụng sau khi uống hoặc đặt trực tràng 20 – 30 phút và đạt hiệu quả cao nhất ở thời điểm 1 giờ sau đó. Đối với đường tiêm truyền sẽ phát huy tác dụng nhanh hơn.

7. Có ý kiến cho rằng cách sử dụng thuốc hạ sốt hiệu quả là uống kết hợp 2 loại hạ sốt với nhau. Theo dược sĩ, điều này có đúng không? Vì sao? 

cách sử dụng thuốc hạ sốt khi kết hợp nhiều loại

Dược sĩ Thu Hà: Không đúng. Không nên phối hợp 2 loại thuốc hạ sốt cùng lúc vì sẽ làm tăng độc tính của thuốc, tăng nguy cơ kích ứng dạ dày, xuất huyết tiêu hoá,…

Cách sử dụng thuốc hạ sốt trong trường hợp sử dụng paracetamol không có tác dụng là dùng kết hợp thuốc ibuprofen cho liều tiếp theo. Tuy nhiên, phải tuân thủ nghiêm ngặt khoảng cách sử dụng giữa 2 lần. Ngoài ra, có thể kết hợp miếng dán hạ sốt cùng với thuốc hạ sốt để hiệu quả nhanh hơn.

8. Những lưu ý trong cách sử dụng thuốc hạ sốt đặt hậu môn cho trẻ là gì?

Dược sĩ Thu Hà: Tuy thuốc hạ sốt đặt hậu môn (thuốc đặt trực tràng) không phải là lựa chọn tối ưu nhất nhưng những trường hợp trẻ bị sốt cao, nôn mửa, bỏ bú thậm chí là hôn mê thì nó là lựa chọn hàng đầu. Ngoài ra, còn có những lưu ý quan trọng trong cách sử dụng thuốc hạ sốt đặt hậu môn cho trẻ như: 

  • Thuốc phải được bảo quản ở nhiệt độ lạnh, tốt nhất là ngăn mát tủ lạnh với nhiệt độ từ 2–8°C.
  • Chỉ nên dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn khi trẻ sốt trên 38,5°C và không sử dụng được hạ sốt bằng đường uống.
  • Do trong thuốc viên đạn đã có thành phần paracetamol nên khi sử dụng không kết hợp thuốc hạ sốt đường uống cùng một lúc sẽ gây hiện tượng quá liều, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
  • Nếu trẻ không hạ sốt, có thể sử dụng liều nhắc lại tối thiểu sau 4 giờ, đối với trẻ suy thận thì nhắc lại liều sau tối thiểu 8 giờ.
  • Nhúng thuốc vào nước có nhiệt độ bình thường khoảng 5 giây để khi đặt tránh làm kích ứng hậu môn trẻ.
  • Liều thuốc hạ sốt đặt hậu môn là liều cố định, không được bẻ thuốc hoặc tự ý sử dụng đặt 2-3 viên vào hậu môn cùng một lúc.
  • Không dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn cho các trường hợp trẻ có tổn thương ở vùng trực tràng như polyp, nứt kẽ hậu môn hay bị các vấn đề nhiễm trùng hậu môn khác.
  • Không dùng cho trẻ bị suy gan nặng, tiêu chảy, táo bón hay dị ứng với thuốc.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

How to reduce a fever

https://www.medicalnewstoday.com/articles/fever-reducers

. Ngày truy cập 04/05/2021.

Choosing the Best Fever Reducer

https://www.healthline.com/health/infection/fever-reducers

. Ngày truy cập 04/05/2021.

Managing Fever with Antipyretics

https://www.pharmacytimes.com/view/managing-fever-with-antipyretics 

. Ngày truy cập 04/05/2021.

Antipyretics: mechanisms of action and clinical use in fever suppression

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/11566461/

. Ngày truy cập 04/05/2021.

USES AND ABUSES OF ANTIPYRETIC THERAPY

https://pediatrics.aappublications.org/content/23/4/774

. Ngày truy cập 04/05/2021.

Phiên bản hiện tại

18/05/2021

Tác giả: Dược sĩ Phạm Thuỳ Thu Hà

Cập nhật bởi: Thư Phạm


Bài viết liên quan

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Tác dụng phụ và biến chứng khi dùng thuốc | Hello Bacsi x SANOFI

Trẻ bị sốt nên ăn gì? Bật mí những món ăn vào sẽ khỏe ngay


Tác giả:

Dược sĩ Phạm Thuỳ Thu Hà

Dược · Nhà thuốc Bảo Anh


Ngày cập nhật: 18/05/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo