backup og meta

Amiodarone

Amiodarone

Tác dụng

Tác dụng của amiodarone là gì?

Amiodarone được sử dụng để điều trị một số loại bệnh loạn nhịp tim ở mức độ nặng (có thể gây tử vong) (như là chứng rung tâm thất kéo dài/nhịp tim đập nhanh). Thuốc này được sử dụng để phục hồi lại nhịp tim bình thường và duy trì nhịp tim ở mức đều đặn, ổn định. Amiodarone là một loại thuốc chống loạn nhịp tim. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn một số tín hiệu điện có thể gây nhịp tim bất thường.

Bạn nên dùng amiodarone như thế nào?

Dùng thuốc này bằng đường uống, thường một hoặc hai lần mỗi ngày hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bạn có thể dùng thuốc này kèm hoặc không kèm với thức ăn, nhưng điều quan trọng là chọn một cách dùng thuốc và dùng thuốc này theo cùng một cách cho mỗi liều.

Tránh ăn bưởi chùm hoặc uống nước ép bưởi chùm trong thời gian đang dùng thuốc này trừ khi được bác sĩ cho phép. Bưởi chùm có thể làm tăng nồng độ thuốc trong máu. Tham khảo ý kiến tư vấn từ bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm chi tiết.

Liều lượng thuốc dựa trên tình trạng bệnh lý và  đáp ứng điều trị của bạn. Bác sĩ có thể hướng dẫn bạn bắt đầu dùng thuốc này với liều lượng cao hơn và giảm liều lượng dần dần. Hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ cẩn thận. Không tự ý ngừng thuốc hoặc thay đổi liều lượng mà không được bác sĩ tư vấn.

Hãy thông báo cho bác sĩ biết nếu tình trạng bệnh của bạn không được cải thiện hoặc trở nặng hơn.

Bạn nên bảo quản amiodarone như thế nào?

Bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm, tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm. Không bảo quản trong ngăn đá. Mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì, hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

Không vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng amiodarone cho người lớn là gì?

Liều dùng thông thường cho người lớn mắc chứng loạn nhịp tim

Liều khởi đầu (tiêm tĩnh mạch): 1000 mg sau 24 giờ điều trị đầu tiên, thực hiện theo phác độ tiêm truyền dưới đây:

150 mg sau 10 phút đầu tiên (15 mg/phút).

tiếp tục 360 mg sau 6 giờ kế tiếp (1 mg/phút).

Liều tiêm truyền duy trì: 540 mg trong 18 giờ còn lại (0,5 mg/phút).

Liều khởi đầu (dạng uống): Liều nạp từ 800 đến 1600 mg/ngày được chỉ định từ 1 đến 3 tuần (thỉnh thoảng kéo dài hơn) cho đến khi có đáp ứng với thuốc.

Khi chứng loạn nhịp tim được kiểm soát đầy đủ, hoặc nếu các tác dụng phụ trở nặng hơn, liều lượng nên đượcc giảm xuống từ 600 đến 800 mg/ngày. Một số bệnh nhân được chỉ định dùng 600 mg/ngày. Amiodarone có thể được sử dụng đơn liều mỗi ngày, hoặc đối với bệnh nhân kém dung nạp bằng đường ruột nặng, có thể dùng amiodarone hai lần mỗi ngày.

Liều dùng amiodarone cho trẻ em là gì?

Liều dùng thông thường cho trẻ em mắc chứng nhịp nhanh trên thất (Supraventricular Tachycardia)

Trẻ em nhỏ hơn 1 tháng tuổi:

Các dữ liệu có sẵn giới hạn: Liều nạp: uống 10 đến 20 mg/kg/ngày, chia thành 2 liều trong 7 đến 10 ngày; liều lượng sau đó nên được giảm xuống từ 5 đến 10 mg/kg/ngày, một lần mỗi ngày và tiếp tục trong 2 đến 7 tháng nữa; tiêu chuẩn này được áp dụng trên 50 trẻ em (nhỏ hơn 9 tháng tuổi) và trẻ sơ sinh (1 ngày tuổi); liều nạp truyền tĩnh mạch: truyền 5 mg/kg trong 60 phút. Lưu ý, tốc độ truyền bolus thông thường không nên vượt quá 0,25 mg/kg/phút trừ khi có chỉ định trên lâm sàng; hầu hết các nghiên cứu sử dụng thời gian truyền bolus để tránh hạ huyết áp; có thể lặp lại liều nạp đến tổng liều nạp tối đa: 10 mg/kg; không được vượt quá tổng liều bolus hằng ngày là 15 mg/kg/ngày.

Trẻ em nhỏ hơn 1 tuổi: Liều khởi đầu: uống 600 đến 800 mg/1,73 m2 da/ngày trong 4 đến 14 ngày, chia thành 1 đến 2 liều/ngày.

Liều duy trì: uống 200 đến 400 mg/1.,73 m2 da/ngày, mỗi ngày một lần.

Trẻ em lớn hơn 1 tuổi: Liều khởi đầu: uống 10 đến 15 mg/kg/ngày trong 4 đến 14 ngày, chia thành 1 đến 2 liều/ngày.

Liều duy trì: uống 5 đến 10 mg/kg/ngày, mỗi ngày một lần.

Amiodarone có những dạng và hàm lượng nào?

Amiodarone có những dạng và hàm lượng sau:

  • Thuốc viên, đường uống: 200 mg.
  • Thuốc tiêm: 50 mg/mL.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng amiodarone?

Gọi cấp cứu nếu bạn gặp bất kỳ các dấu hiệu dị ứng như: phát ban; khó thở; sưng phù ở mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng.

Gọi bác sĩ ngay lập tức nếu bạn gặp bất cứ tác dụng phụ nghiêm trọng nào, thậm chí nếu các tác dụng phụ này xuất hiện vài tháng sau khi đã dừng thuốc amiodarone:

  • Chứng nhịp tim không đều trở nặng hơn hoặc xuất hiện mới.
  • Nhịp tim đập nhanh, chậm hoặc đập mạnh.
  • Cảm giác giống như bất tỉnh.
  • Thở khò khè, ho, đau ngực, khó thở, ho ra máu.
  • Thị lực yếu, mất thị lực, đau đầu hoặc đau phía sau mắt, đôi khi nôn mửa.
  • Cảm giác thở hụt hơi, thậm chí có thở nhẹ, sưng phù, tăng cân nhanh chóng.
  • Sụt cân, rụng tóc, cảm giác quá nóng hoặc quá lạnh, đổ mồ hôi nhiều hơn, chu kỳ kinh nguyệt không đều, sưng tấy ở cổ (bướu cổ).
  • Tê cóng, nóng bức, đau nhức, ngứa ở tay hoặc chân.
  • Buồn nôn, đau bụng, sốt nhẹ, chán ăn, nước tiểu có màu sậm, phân có màu đất sét, vàng da (vàng da hoặc mắt).

Các tác dụng phụ ít nghiêm trọng hơn bao gồm:

  • Cảm giác choáng váng và mệt mỏi.
  • Buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, táo bón, chán ăn.
  • Các vấn đề về giấc ngủ (mất ngủ).
  • Suy nhược, thiếu phối hợp.
  • Nóng, ngứa ngáy, mẫn đỏ ở da.

Không phải ai cũng mắc các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thận trọng/Cảnh báo

Trước khi dùng amiodarone bạn nên biết những gì?

Trước khi dùng amiodarone, bạn nên:

  • Báo với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu bạn dị ứng với amiodarone, iodine và các loại thuốc khác.
  • Báo với bác sĩ hoặc dược sĩ về loại thuốc kê toa hoặc không kê toa, vitamin, chất bổ sung dinh dưỡng mà bạn đang dùng. Chắc chắn đề cập đến các loại thuốc được liệt kê sau đây: thuốc chống trầm cảm (mood elevators) như trazodone; thuốc chống đông máu (thuốc làm loãng máu) như warfarin (Coumadin); thuốc trị rối loạn lipid huyết như atorvastatin (Lipitor), cholestyramine (Questran), lovastatin (Mevacor), và simvastatin (Zocor); cimetidine (Tagamet); clopidogrel (Plavix); cyclosporine (Neoral, Sandimmune); dextromethorphan (thuốc ho); fentanyl (Actiq, Duragesic); thuốc trị virus HIV như indinavir (Crixivan), và ritonavir (Norvir); loratadine (Alavert, Claritin); thuốc trị tiểu đường và co giật; methotrexate (Rheumatrex); thuốc giảm đau gây mê; và rifampin (Rifadin, Rimactane). Nhiều loại thuốc khác có thể tương tác với amiodarone, vì thế hãy chắc chắn thông báo với bác sĩ về tất cả các loại thuốc mà bạn đang dùng, thậm chí về các loại thuốc không có tên trong danh sách này. Bác sĩ có thể thay đổi liều lượng thuốc của bạn hoặc theo dõi kỹ các tác dụng phụ.
  • Báo với bác sĩ về các thảo dược mà bạn đang dùng, đặc biệt là St.John’s wort.
  • Báo với bác sĩ nếu bạn đang hoặc đã từng mắc bất cứ tình trạng hoặc bệnh lý nào về huyết áp.
  • Báo với bác sĩ nếu bạn đang mang thai, dự định có thai, hoặc đang cho con bú. Thông báo với bác sĩ nếu bạn dự định có thai hoặc cho con bú trong suốt vài tháng đầu tiên sau khi điều trị bởi vì amiodarone có thể còn tồn đọng trong cơ thể một khoảng thời gian sau khi bạn đã dừng dùng thuốc. Nếu bạn có thai trong khi dùng amiodarone, hãy thông báo với bác sĩ.
  • Thảo luận với bác sĩ về các nguy cơ của việc uống loại thuốc này nếu bạn trên 65 tuổi. Người cao tuổi không nên dùng amiodarone thường xuyên bởi vì thuốc này không an toàn hoặc có hiệu quả như các loại thuốc khác có thể được dùng để điều trị tình trạng tương tự.
  • Nếu bạn đang phẫu thuật, bao gồm phẫu thuật nha khoa hoặc phẫu thuật mắt bằng tia laser, báo với bác sĩ hoặc nha sĩ rằng bạn đang dùng amiodarone.
  • Tránh tiếp xúc kéo dài hoặc không cần thiết với ánh sáng mặt trời hoặc đèn chiếu và nên mặc đồ bảo hộ, kính mát, và dùng kem chống nắng. Amiodarone có thể làm cho da bạn nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Vùng da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có thể chuyển thành màu xám-xanh và có thể không trở lại bình thường thậm chí sau khi bạn đã dừng dùng thuốc.

Bạn nên hiểu rằng amiodarone có thể gây ra các vấn đề về thị giác bao gồm mù vĩnh viễn. Chắc chắn đi kiểm tra mắt thường xuyên trong suốt thời gian điều trị và liên hệ với bác sĩ nếu mắt của bạn trở nên nhạy cảm với ánh sáng hoặc nếu bạn thấy vầng hào quang, hoặc thị lực yếu hoặc bất cứ vấn đề nào khác về thị giác.

Bạn nên hiểu rằng amiodarone có thể còn tồn đọng trong cơ thể trong vài tháng sau khi bạn đã dừng dùng thuốc. Bạn có thể tiếp tục mắc các tác dụng phụ của amiodarone trong suốt khoảng thời gian này. Hãy nói với bác sĩ điều trị cho bạn rằng bạn mới vừa dừng uống amiodarone.

Những điều cần lưu ý nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú

Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Thuốc này thuộc nhóm thuốc D đối với thai kỳ.

Amiodarone có thể đi vào sữa mẹ và có thể gây hại đến em bé. Không sử dụng loại thuốc này trong khi bạn đang cho con bú.

Ghi chú: Phân loại thuốc dùng cho phụ nữ có thai:

  • A= Không có nguy cơ;
  • B = Không có nguy cơ trong vài nghiên cứu;
  • C = Có thể có nguy cơ;
  • D = Có bằng chứng về nguy cơ;
  • X = Chống chỉ định;
  • N = Vẫn chưa biết.

Tương tác thuốc

Amiodarone có thể tương tác với thuốc nào?

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tài liệu này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Hãy viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn xem. Không được tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

  • Cimetidine (Tagamet).
  • Clopidogrel (Plavix).
  • Cyclosporine (Gengraf, Neoral, Sandimmune.
  • Dextromethorphan (một loại thuốc trị ho không kê toa).
  • Diclofenac (Arthrotec, Cataflam, Voltaren, Flector Patch, Solareze).
  • Digoxin (digitalis, Lanoxin, Lanoxicaps).
  • Loratadine (Claritin Alavert).
  • John’s wort.
  • Thuốc chống trầm cảm.
  • Thuốc chống đông máu như warfarin (Coumadin).
  • Thuốc lợi tiểu.
  • Insulin hoặc thuốc điều trị tiểu đường đường uống.
  • Thuốc giảm đau gây mê.
  • Thuốc điều trị HIV, AIDS.
  • Thuốc sinh như azithromycin (Zithromax), ciprofloxacin (Cipro), clarithromycin (Biaxin), erythromycin (E.E.S., EryPed, Ery-Tab, Erythrocin), levofloxacin (Levaquin), rifampin (Rifadin, Rimactane, Rifater, Rifamate), telithromycin (Ketek), và các thuốc khác.
  • Thuốc điều trị nấm như itraconazole (Sporanox) or ketoconazole (Nizoral).
  • Thuốc chẹn beta như atenolol (Tenormin), bisoprolol (Zebeta, Ziac), metoprolol (Lopressor, Toprol), propranolol (Inderal, InnoPran), và các thuốc khác.
  • Thuốc trị rối loạn lipid huyết như cholestyramine (Prevalite, Questran), atorvastatin (Lipitor), simvastatin (Zocor), lovastatin (Mevacor), pravastatin (Pravachol), hay fluvastatin (Lescol).
  • Thuốc điều trị các vấn đề về nhịp tim như disopyramide (Norpace), quinidine (Quinaglute, Quinidex), hay procainamide (Procan, Pronestyl).
  • Thuốc điều trị tim mạch hoặc huyết áp như diltiazem (Cardizem, Dilacor, Tiazac), nifedipine (Procardia, Adalat), verapamil (Calan, Covera, Isoptin, Verelan), và các thuốc khác.
  • Thuốc điều trị co giật như carbamazepine (Carbatrol, Tegretol), phenytoin (Dilantin), và các thuốc khác.

Thức ăn và rượu bia có ảnh hưởng tới amiodarone không?

Những loại thuốc nhất định không được dùng trong bữa ăn hoặc cùng lúc với những loại thức ăn nhất định vì có thể xảy ra tương tác. Rượu và thuốc lá cũng có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia sức khỏe của bạn về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

  • Nước ép bưởi chùm.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến amiodarone?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là:

  • Block nhĩ thất (nhịp tim bất thường), không kèm theo máy điều hòa nhịp tim.
  • Nhịp tim chậm.
  • Sốc tim.
  • Hội chứng nút xoang bệnh lý (một loại bệnh nhịp tim bất thường), không kèm theo máy điều hòa nhịp tim – Không nên dùng thuốc ở các bệnh nhân mắc các tình trạng này.
  • Các vấn đề về mắt hoặc thị lực.
  • Bệnh tim (ví dụ như suy tim sung huyết).
  • Các vấn đề về nhịp tim (ví dụ như kéo dài khoảng QT).
  • Hạ kali huyết (nồng độ kali trong máu thấp).
  • Hạ magiê huyết (nồng độ magiê trong máu thấp).
  • Hạ huyết áp (huyết áp thấp).
  • Bệnh phổi hoặc các vấn đề về hô hấp (ví dụ như viêm phổi mô kẽ).
  • Các vấn đề về tuyến giáp – Sử dụng thuốc thận trọng. Thuốc có thể làm các tình trạng này trở nên nặng hơn.

Khẩn cấp/Quá liều

Bạn nên làm gì trong trường hợp khẩn cấp hoặc dùng quá liều?

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Các triệu chứng quá liều bao gồm:

  • Nhịp tim chậm;
  • Buồn nôn;
  • Thị lực kém;
  • Đau đầu nhẹ;
  • Ngất xỉu.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Amiodarone. http://webmd.com. Ngày truy cập 01/11/2015

Amiodarone. http://drugs.com. Ngày truy cập 01/11/2015

Amiodarone. http://rxlist.com. Ngày truy cập 01/11/2015

Amiodarone. http://mayoclinic.org. Ngày truy cập 01/11/2015

Amiodarone. http://nlm.nih.gov. Ngày truy cập 01/11/2015

Phiên bản hiện tại

11/05/2020

Tác giả: Giang Lê

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Như Vũ


Bài viết liên quan

Trẻ uống thuốc hạ sốt, sau 30 phút nhưng nhiệt độ vẫn chưa giảm thì phải làm gì?

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Lưu ý khi sử dụng thuốc | Hello Bacsi x SANOFI


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 11/05/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo